Chùa Giác Viên: Chờ đón “sự phục hồi” trên nền đất cũ

GN - Sau hơn 10 năm nhẫn nại chờ đợi, di tích cổ tự Giác Viên (Q.11, TP. HCM) đã có thể  “hồi phục” trên chính nền đất lưu dấu hơn 200 năm của mình với ngân sách hơn 51 tỷ đồng từ Nhà nước. Đây không chỉ là niềm vui của Tăng Ni Phật tử cũng như những người làm công tác văn hóa, mà còn cho thấy ở một khía cạnh nào đó, sự lắng nghe và nỗ lực trong việc bảo tồn văn hóa của thành phố. Tuy nhiên, câu chuyện “trùng tu di tích” giờ đây mới thật sự bắt đầu.

tuphat.jpg
Một số hạng mục thuộc di tích chùa Giác Viên đã bắt đầu
được hạ giải để tiến hành trùng tu (ảnh chụp ngày 21-9) - Ảnh: Thích Từ Phát

Niềm vui đến muộn

Nhắc đến Giác Viên, có lẽ nhiều người vẫn còn chưa khỏi chạnh lòng trước cảnh tượng đổ nát của một ngôi chùa di tích vào hàng bậc nhất thành phố, suốt mấy năm nay. Cách đây chỉ vài ba tháng, ấn tượng về nơi này hẳn còn đọng lại là những hàng mái ngói xô lệch, đổ vỡ, kèo cột mối mọt, gãy nát, sàn nhà bị nứt nẻ lún sâu ở bất cứ đâu, rồi thì cảnh rác bay tứ tung, nổi lênh láng cả một khu tháp Tổ, mỗi khi chùa phải hứng chịu những trận mưa giông. Và còn nhiều nữa những khung cảnh nhếch nhác mà đáng lý không nên và không được phép xảy ra trong một di tích quan trọng ở đất Gia Định - TP.HCM.

Tọa tại số 161/35/20 Lạc Long Quân, P.3, Q.11, cổ tự Giác Viên là một trong những ngôi chùa tồn tại lâu đời nhất của vùng đất Nam Bộ, được Bộ Văn hóa-Thông tin ra quyết định công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia (1993). Tại đây đã lưu lại nhiều dấu ấn lịch sử nghệ thuật, thể hiện qua 58 bộ bao lam lớn nhỏ độc nhất vô nhị trên đất Nam Bộ, 128 liễn đối được khắc chìm vào thân cột, cùng 150 pho tượng quý mang các giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc…

Tuy nhiên, qua ngần ấy thời gian, cổ tự Giác Viên khó tránh khỏi nhiều tác động từ bên ngoài. Từ năm 2001, khi ngôi chùa xuất hiện những dấu hiệu hư hỏng đầu tiên, HT.Thích Huệ Viên (lúc ấy là trụ trì chùa, nay đã viên tịch) đã không ít lần xin được tu bổ chùa. Kéo dài suốt 9 năm, mặc cho tình trạng xuống cấp được tiên dự trước đó, xảy ra ngày một nghiêm trọng, vẫn chưa có sự can thiệp từ phía ban ngành hữu quan. Cho đến đầu năm 2010, khi di tích bị xâm hại nặng nề, không chỉ còn bởi yếu tố khách quan, mà do chính tác động trực tiếp của con người, như việc lấn chiếm khu tháp Tổ để bỏ rác, phơi móc áo quần, hay đỉnh điểm là việc dỡ bỏ cây bồ-đề cổ thụ để lập bàn thờ Thần tài trước tôn tượng Bồ-tát Quan Thế Âm, gây bức xúc trong dư luận, thì các cơ quan chuyên trách mới bắt đầu vào cuộc.

Qua đó, Sở VH-TT-DL đã đề nghị Bộ VH-TT-DL xem xét được nhận nguồn kinh phí đầu tư phát triển của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa năm 2006 - 2010 để thực hiện công tác tu bổ, tôn tạo, ước tính lúc bấy giờ khoảng 25 tỷ. Song, kế hoạch này đến năm 2014, vẫn không thấy được tiến hành. Bước qua năm 2015, trước luồng dư luận chỉ trích mạnh mẽ, sự việc mới được lắng xuống khi Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Hứa Ngọc Thuận ký Quyết định số 5700/QĐ-UBND ngày 6-11-2015, phê duyệt dự án trùng tu, tôn tạo chùa Giác Viên. Nhưng, bởi “dự án vẫn tồn đọng nhiều khó khăn, cần khảo sát và họp bàn thêm phương án” như phía chính quyền đề cập, lại một lần nữa, di tích phải tiếp tục chờ đợi.

Như vậy, trải dài hơn 10 năm, dưới ảnh hưởng của thời tiết, môi trường, cùng với sự xâm chiếm sâu của con người, hình ảnh di tích Giác Viên trở nên xập xệ đến hoang phế như bây giờ là lẽ đương nhiên. Nhận thấy tình trạng nguy cấp của cổ tự và sau những phản ánh quyết liệt của dư luận, thì vừa qua, UBND TP.HCM đã chính thức tiến hành khởi công dự án trùng tu tôn tạo chùa Giác Viên, theo quyết định được ký trước đó, mang lại một hy vọng cho sự hồi phục của di tích. Dù vậy, vẫn còn đó rất nhiều những lo ngại xoay quanh công tác trùng tu di tích Giác Viên lần này.

Phương án trùng tu - tôn tạo

Dự án được thực hiện với nguồn vốn từ 100% ngân sách Nhà nước và dự kiến hoàn tất trong vòng một năm. Theo ông Trương Kim Quân - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử TP, đồng thời là chủ đầu tư - nhận định: “Công trình trùng tu Giác Viên có thể xem là một trong những dự án tu bổ di tích tôn giáo quy mô lớn nhất trên địa bàn TP những năm qua, với kinh phí lên đến 51 tỷ đồng”.

Theo kế hoạch, ngôi chùa sẽ được tiến hành trùng tu 16 hạng mục, như đã đưa tin. Trong đó, GĐ. Trương Kim Quân cho biết: “Dựa trên quyết định phê duyệt dự án của UBND TP.HCM, trong hạng mục tu bổ cổ tự Giác Viên, phần Đông lang và Tây lang do mức độ hư hỏng quá nặng, sẽ được phục dựng mới hoàn toàn dựa trên kết cấu cũ, để hài hòa với quần thể kiến trúc chung của chùa. Đối với chánh điện, đây là công trình được đánh giá mang yếu tố quyết định di tích, nên theo kế hoạch sẽ được trùng tu bằng cách xử lý những chỗ hư hỏng, dột nát, hay mối mọt, còn lại thì giữ nguyên bản để không làm mất đi giá trị gốc của nó”.

Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ thêm, việc trùng tu chánh điện còn cần đến tham vấn từ phía chuyên môn và hội đồng thẩm định hơn nữa, bởi lẽ “nhiều ý kiến cho rằng nên nâng nền chùa lên cao hơn để đảm bảo công trình không bị thấm nước dẫn đến hư hỏng trong và sau quá trình trùng tu, vì mặt bằng chùa Giác Viên khá thấp, dễ bị ngập ứ nước vào mùa mưa. Mặc dù dến nay đã có nhiều khắc phục, nhưng tình trạng này vẫn xảy ra khi mưa to và kéo dài. Thế nhưng, vẫn không ít quan điểm trái chiều trước vấn đề này, với lý do nếu nâng nền thì buộc phải hạ giải toàn bộ công trình cũ, dẫn đến mất đi những giá trị vốn có của nó” - ông Quân nói rõ.

Giữ “nguyên bản” là yếu tố tiên quyết

Bên cạnh những công trình được xây mới do đã sụp đổ trước đó và những phần được tôn tạo thêm để phục vụ nhu cầu sử dụng, cần hết sức lưu ý trong khâu trùng tu chánh điện chùa. Như đã biết, chánh điện là công trình kiến trúc tiêu biểu nhất, quyết định việc xác lập di tích kiến trúc nghệ thuật (năm 1993) cho cổ tự Giác Viên, được giới chuyên môn đánh giá cao về kiến trúc cũng như cấu trúc, bởi còn giữ được những nét nguyên bản, cổ kính, thể hiện sự sáng tạo và dấu ấn rõ nét nhất của người xưa.

Nhiều nhà chuyên môn trong vấn đề bảo tồn và tu bổ di tích như KTS.Lê Thành Vinh, KTS.Nguyễn Quốc Thông, hay nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn… cũng từng đưa ra nhận định trên Giác Ngộ rằng, những hiện vật, nơi chốn cụ thể nào được xem là yếu tố dẫn đến công nhận di tích thì cần phải được bảo tồn - trùng tu theo đúng nguyên bản nhất có thể, bởi nếu có phục dựng lại, thì đó cũng chỉ là bản sao và vì thế sẽ không còn giữ được giá trị gốc của di tích nữa.

Thật vậy, đã có không ít những di tích là bài học đáng nhớ cho công tác trùng tu của Nhà nước, như sự việc xảy ra ở phía Bắc (Hà Nội): chùa Trăm Gian với việc biến “Ngôi chùa trăm tuổi thành một tuổi” khi thay vì trùng tu giữ nguyên bản thì lại phá bỏ xây mới gần như toàn bộ, hay “Di tích lột xác hoàn toàn” bởi đơn vị thi công tháo dỡ và phá bỏ hầu hết các cấu kiện cổ, thiếu tính toán trong quá trình hạ giải ở chùa Sổ v.v…

Có thể thấy, đây đều là những công trình trùng tu di tích được phê duyệt theo đúng quy định Nhà nước, điều này đồng nghĩa với việc đội ngũ tiến hành trùng tu cũng đã được “đảm bảo” đủ chuyên môn theo yêu cầu. Tuy vậy, vẫn có những bất cập, sai phạm khó chấp nhận diễn ra, làm mất đi giá trị ban đầu của di tích. Qua đó, phản ánh sự thiếu cẩn trọng và giám sát chặt chẽ của các ban ngành hữu quan, cũng như sự lơ là và thiếu ý thức của chính những người trực tiếp quản lý cùng đơn vị thi công.

 Cũng vậy, với việc dự án trùng tu di tích chùa Giác Viên được thực hiện dưới sự quản lý và giám sát của chính cơ quan Nhà nước, cụ thể ở đây là Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử TP thuộc Sở Văn hóa-Thể thao TP. HCM, với đơn vị thi công là Công ty Nguyễn Hoàng, một trong những công ty có bề dày kinh nghiệm trong việc trùng tu - tôn tạo nhiều di tích, được Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch cấp chứng chỉ công nhận, tất cả cần thận trọng hơn nữa để không xảy ra những sự cố đáng tiếc như “Trùng tu - cứu hay phá”, “Trùng tu sai quy cách”, hay “Có chứng chỉ hành nghề trùng tu vẫn phá di tích”… từng được phản ánh trên các trang báo.

Vậy, trước vấn đề “nên hay không việc nâng nền và hạ giải chánh điện chùa?”, là điều phải hết sức cân nhắc, bởi nếu không kịp thời nhận thức đúng đắn tầm quan trọng và giá trị sâu sắc của những gì được gọi là văn hóa - lịch sử dân tộc, chúng ta sẽ vẫn còn tiếp tục đánh mất đi bản sắc riêng, kho tàng di sản và di tích rất đáng tự hào của mình. 

Bên cạnh sự sẻ chia niềm vui được trùng tu của cổ tự, chúng ta cũng nên dành một khoảng lặng, để nhìn nhận chùa Giác Viên như bài học đắt giá cho công tác bảo tồn - tu bổ di tích, cho sự thờ ơ của con người. Đồng thời, đó cũng là một tấm gương phản chiếu khía cạnh xót xa nhất mà một di tích còn bị vướng mắc, khi phía sau đặc quyền và ưu ái của “danh hiệu” mang lại, thì di tích phải đối mặt với vô số những khó khăn trước hành lang pháp lý trong “nhất cử nhất động” của mình. Sự nhập nhằng về luật này đã khiến không ít di tích bị tổn hại nghiêm trọng.

>> TP.HCM: Khởi công trùng tu, tôn tạo chùa Giác Viên ||

 Giao Hảo

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày