Chùa ở Gia Lai và chuyện lễ chùa ngày Xuân

Hơn một thế kỷ qua, song hành cùng những người Việt đi khai phá vùng đất mới, Phật giáo đã từng bước vượt qua dãy Trường Sơn trùng điệp, tiến sâu vào vùng rừng núi phía Tây.

Năm 1916, một số sư thầy từ Bình Định, Thừa Thiên- Huế đã lên khai mở Đạo Phật , lập chùa Tân An ở An Khê. Chỉ cách một con đèo Mang Yang hiểm yếu mà phải mất gần 20 năm sau, vào đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, người Việt mới cất được một ngôi chùa giản đơn mang tên Phật Học trong khu vực cư trú của những người phu mộ ở đồn điền chè Biển Hồ (ngôi chùa đó là tiền thân của chùa Bửu Minh, chùa Biển Hồ Trà ngày nay).

Chùa Bửu Nghiêm (TP. Pleiku). Ảnh: Kim Vân
Chùa Bửu Nghiêm (TP. Pleiku). Ảnh: Kim Vân

Năm 1938, với sự ra đời của chùa Bửu Thắng, lần đầu tiên người dân Pleiku được biết đến một ngôi chùa kiên cố giữa cao nguyên Pleiku thơ mộng. Hơn 10 năm sau Phật phái Du tăng khất sĩ xây dựng nên tịnh xá Ngọc Phúc ở đường Yên Đổ do Thượng tọa Thích Giác An khai sơn. Từ ấy đến nay, Gia Lai đã có gần 100 ngôi chùa, tịnh xá để những người theo đạo Phật tu tập, người không theo tôn giáo này cũng có chốn đi về khi muốn tìm cho tâm hồn một nơi thanh tịnh, bình an. Sự xuất hiện ngày càng nhiều của những ngôi chùa mới, cùng nhiều ngôi chùa cũ được trùng tu, đại trùng tu... đã minh chứng cho sự phát triển nhanh của Phật giáo trên đất Gia Lai, chứng minh chính sách tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta trong những thập niên gần đây đã và đang được triển khai đúng hướng.

Cùng với sự gia tăng hệ thống cơ sở thờ tự của Phật giáo, trong đó có những ngôi chùa, tịnh xá nổi tiếng như: Bửu Thắng, Bửu Minh, Minh Thành (TP. Pleiku), Tân An (thị xã An Khê), Bửu Tịnh (thị xã Ayun Pa)... việc đi chùa cũng dần thành nếp trong một bộ phận không nhỏ người Việt ở Gia Lai mỗi độ Tết đến, Xuân về. Ngày mùng Một Tết hàng năm và rằm tháng Giêng, những ngôi chùa lớn, nhỏ ở Gia Lai đều đông nghịt các thiện nam, tín nữ. Vào chùa, thành kính trước Phật tổ và các vị Bồ tát, tĩnh lặng trong khói hương, ước nguyện lớn nhất của con dân đất Việt trước thềm năm mới luôn là “Quốc thái, dân an”. Bởi hơn ai hết, những người dân của đất nước anh hùng này thấm thía nỗi đau mỗi khi lịch sử dân tộc phải đi qua cuộc chiến. Trước khói hương, người lễ chùa thành tâm tự răn mình, cầu đức Phật từ bi cho gia đình họ nhiều may mắn, vì vậy mà dân gian có câu “đi chùa cầu may”. Việc cầu sức khỏe, cầu hạnh phúc cũng là những nội dung mà nhiều người mong muốn; còn các nam thanh, nữ tú thường không quên việc cầu duyên; và cũng không ít người tìm đến chùa chỉ đơn giản là đến một chốn vui xuân.

Chùa Minh Thành TP. Pleiku. Ảnh: Kim Vân
Chùa Minh Thành TP. Pleiku. Ảnh: Kim Vân

Tuy nhiên, việc các chùa  đông đúc vào ngày Xuân không có nghĩa là văn hóa đi lễ chùa đã hoàn toàn trở thành nét văn hóa đẹp của người Việt trên vùng đất mới. Vết “mờ” trong văn hóa ấy không chỉ ẩn trong thẳm sâu suy tư của con người, mà còn biểu hiện khá lộ liễu trong cách ứng xử nơi cửa Phật. Cùng với cảnh bán mua bát nháo trước cổng chùa, không ít người vào chùa mà trang phục quá hở hang, đến nơi thanh tịnh, linh thiêng mà nói cười như giữa chốn không người; có người còn mang đến đây cả những toan tính đổi chác rất đặc trưng của kinh tế thị trường Sau những ngày Tết, vì có nhiều người đi chùa hái lộc mà cây cối ở các ngôi chùa như vừa trải qua một trận cuồng phong, hoa lá cành bị vặt xác xơ, chỉ còn lại những thân cây trơ trụi. Trong quan niệm của nhà Phật, bố thí là buông xả mình ra để giúp người, xả được lòng tham thì xóa được tâm tham của mình, nhưng không ít người khi bố thí thì đòi phải được phúc, cúng dường thì mong phải thu lại được cái gì, ấy là tâm tham chẳng những không được xóa, mà lòng tham dường như ngày càng lớn dần lên.

Tết đến- Xuân về, người Việt đi lễ chùa là tìm đến chốn linh thiêng, tâm hướng về chư Phật, vì vậy, việc giữ thuần phong mỹ tục khi vào nơi cửa Phật cũng là một điều cần được lưu tâm. Giá như câu Phật ngôn “Chớ làm việc ác, hãy làm điều lành, giữ tâm ý trong sạch...” được mọi người ghi nhớ nhiều hơn, thì việc đi chùa lễ Phật ngày Xuân sẽ thật sự trở thành một nét văn hóa đẹp của người Việt trên quê hương mới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày