Chùa Tây Phương (Sùng Phúc tự) - Hà Nội

Chùa Tây Phương (Sùng Phúc tự) - Hà Nội
Chùa thường gọi là chùa Tây Phương, tọa lạc trên đỉnh đồi Tây Phương, hình cong như lưỡi câu (xưa gọi là núi Câu Lậu) cao chừng 50m, thuộc núi Ngưu Lĩnh (núi Con Trâu), xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây cũ, thành phố Hà Nội nay. Chùa cách trung tâm Hà Nội 40 km về hướng Tây Bắc, cách thị xã Sơn Tây 18 km về hướng Đông Nam.

Từ chân núi theo con đường dốc dài khoảng 160m, leo lên 238 bậc cấp lót đá ong thì đến tam quan chùa. Chùa có ba nếp nhà song song hình chữ “Tam”, thường gọi là chùa Thượng, chùa Trung, chùa Hạ hay chùa Hộ (thờ Hộ Pháp), thềm mỗi nếp nhà cách nhau 1,6m. Mỗi nếp nhà có hai tầng mái kiểu chồng diêm, tám mái và tám góc là các đầu đao vươn lên cong vút với những hình hoa, lá, rồng, phụng, sư tử.  Mái lợp gồm hai lớp ngói : ngói lớp trên in nổi hình lá đề, ngói lớp dưới lót hình vuông, sơn năm màu. Tường xây bằng gạch Bát Tràng nung đỏ để trần, có những cửa sổ hình tròn mang ý nghĩa sắc - không. Các cột gỗ đều kê trên tảng đá xanh khắc hình cánh sen.

tayphuong-1.gif

Mặt tiền chùa Tây Phương

Chùa được dựng từ lâu đời và đã được trùng tu nhiều lần vào các thế kỷ XVI, XVII, XVIII. Năm 1554, chùa được xây lại trên nền cũ. Năm 1632, chùa xây dựng thượng điện 3 gian và hậu cung cùng hành lang 20 gian. Năm 1660, Tây Đô Vương Trịnh Tạc cho xây lại chùa mới.

Đến năm 1794, dưới thời Tây Sơn, chùa được đại trùng tu, lấy tên là chùa Tây Phương.

Năm 1893, Tỳ kheo Thích Thanh Ngọc trụ trì đã tổ chức trùng tu chùa, tạc tượng Quan Âm trăm tay, Thiện Tài, Long Nữ, Bát bộ Kim Cang, La Hán...

tayphuong-2.gif

Mặt bên chùa Tây Phương

Điện Phật ở cả ba nếp nhà đều được bài trí tôn nghiêm. Hệ thống tượng thờ ở chùa khá đầy đủ, chủ yếu được tạc bằng gỗ mít, như các bộ tượng Tam Thế Phật, bộ tượng Di Đà Tam Tôn, tượng Tuyết Sơn, tượng Bồ tát Di Lặc, tượng Bồ tát Văn Thù, tượng Bồ tát Phổ Hiền, tượng A Nan, tượng Ca Diếp, tượng Bát Bộ Kim Cương ... Chùa có nhiều pho tượng là những tác phẩm điêu khắc xuất sắc của dân tộc ở các thế kỷ XVII, XVIII, XIX như : Tượng Tuyết Sơn, và tượng Quan Âm Chuẩn Đề (thờ ở chùa Trung); tượng Bát bộ Kim Cương (thờ ở chùa Hộ); tượng 16 vị Tổ sư (thờ ở chùa Thượng) là : Ưu-ba-cầu-đa, Đề-đa-ca, Di-trà-ca, Bà-tu-mật, Phật-đà Nan-đề, Phục-đa-mật-đa, Hiếp Tôn giả, Thương Na Hòa Tu, Mã Minh, Ca-tỳ-ma-la, Long Thụ Tôn giả, La-hầu-la-đa, Tăng-già Nan-đề, Già-gia-xá-đa, Cưu-ma-la-đa và Chà-dạ-đa. Năm 1960, nhà thơ Huy Cận đến thăm chùa đã viết những câu thơ sống động và gợi cảm qua bài Các vị La hán chùa Tây Phương.

tayphuong-3.gif

Điện Phật

Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục ngày 12-12-2007 về những pho tượng La Hán được các nghệ nhân đương thời tạo tác một cách chân thực và sinh động với những đường nét điêu khắc kỹ thuật điêu luyện tuyệt mỹ là : Chùa Tây Phương với bộ tượng La Hán điển hình nhất của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thế kỷ XVIII.

tayphuong-4.gif

Tượng Tuyết Sơn

Chùa được đại trùng tu vào năm 1991 và 1995. Tây Phương là ngôi chùa nổi tiếng về kiến trúc và điêu khắc bậc nhất ở Việt Nam. Hằng ngày, chùa đón tiếp đông đảo Phật tử, du khách trong nước, nước ngoài đến tham quan, chiêm bái.

Chùa đã được Bộ Văn Hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1962.

tayphuong-5.gif

Tượng Quan Âm Chuẩn Đề

tayphuong-6.gif

                                Tượng Bồ tát Quán Thế Âm        

tayphuong-7.gif

Tượng Bát Bộ Kim Cương

               
tayphuong-8.gif
              

       Tượng 16 vị Tổ Thiền Tông

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Pháp chủ GHPGVN - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Thư chúc Tết Ất Tỵ - 2025 của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam

GNO - Thay mặt Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi gởi lời chúc mừng năm mới đến tất cả các cấp Giáo hội, tới chư Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức Tăng Ni, cư sĩ Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài; thân chúc quý vị một năm mới thân khỏe tâm an, cát tường như ý.
Chư Tăng tổ đình Thập Tháp khởi chung bảng đón giao thừa - Ảnh: Phùng Anh Quốc

Giao thừa

GNO - Giao thừa hay còn gọi trừ tịch là khoảnh khắc chuyển giao thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới. Trong không gian thanh tịnh chốn thiền môn, đêm giao thừa, các chùa thường tổ chức lễ sám hối, cầu an, niệm danh hiệu Phật Dược Sư, nhằm hóa giải nghiệp chướng và nguyện cầu một năm mới an lành.

Thông tin hàng ngày