Chùa Thầy được lập hồ sơ di tích cấp quốc gia đặc biệt

GNO - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa có văn bản gửi các tỉnh/thành phố về việc chuẩn bị hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt.

Theo đó Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên  cứu, tập hợp tư liệu lịch sử, khoa học để lập hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt cho di tích, trong đó có chùa Thầy và khu núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách (Quốc Oai, Hà Nội).

1 chua thay 3.jpg


Chùa Thầy nhìn từ trên cao xuống

Chùa Thầy ở xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây nay là Hà Nội được xây dựng vào thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127) - là một ngôi chùa gắn liền với tên tuổi của thiền sư Từ Đạo Hạnh, người có công lớn trong việc dạy học và chữa bệnh cho dân, đồng thời cũng là người tổ chức, sáng lập ra môn đá cầu, đánh vật và múa rối nước.

Ngôi chùa cổ, mái ngói cong được xây dựng khá khang trang với lối kiến trúc độc đáo kiểu chữ tam gồm chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng song song với nhau. Bao quát chùa là không gian thoáng đãng với hồ nước trong xanh có hoa khoe sắc, có thủy đình - là nơi múa rối nước và hai chiếc cầu nhỏ là “Nhất tiên kiều” trông vào đền Tam phủ, còn “Nguyệt tiên kiều” nối với đường lên núi.

Chùa Hạ là nơi lễ bái của các Tăng Ni, Phật tử và là nơi giảng đạo của các nhà sư, còn chùa Trung là nơi thờ Tam bảo. Lớn nhất là chùa Thượng - nơi đặt ba pho tượng chuyển kiếp của thiền sư Từ Đạo Hạnh. Ở chính giữa là ngôi bảo điện đồ sộ được trang hoàng rất nguy nga, phía trên đặt hòm sắc linh triều tôn phong của thiền sư.

Phía dưới là tượng thiền sư nhập định trên tòa sen vàng, đầu đội mũ hoa sen, tay chắp trước ngực, mình khoác áo cà-sa. Trong khảm thờ ở phía tay trái của tòa bảo điện là tượng toàn thân của thiền sư. Bức tượng đẹp và được tạc bằng gỗ chiêu dâu với những đường nét chạm trổ khéo léo và tinh vi. Đặt song song là tượng thiền sư đã hóa kiếp thành vua Lý Nhân Tông, đầu đội mũ bình thiên, ngồi oai nghi trên ngai vàng.

1 chua thay 2.jpg


Góc bình yên chùa Thầy

Chùa Thầy còn thờ tượng cha mẹ thiền sư Từ Đạo Hạnh là ông Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan cùng hai người bạn đồng đạo thân thiết của thiền sư là thiền sư Minh Không và thiền sư Giác Hải. Hai bên chùa là hành lang dài thờ mười tám vị La-hán, phía sau là gác chuông, gác trống.

Lên giữa lưng chừng núi Thầy là chùa Cao, nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh bắt đầu con đường tu hành của mình. Đi vòng ra phía sau là hang Cắc Cớ. Hang rộng và sâu, đường đi trơn nên dễ bị trượt chân, do đó vừa đi vừa phải dò từng bước một và phải vịn vào nhau.

Đi ngược lên phía trên là đến đền Thượng, bên cạnh có hang Bụt Mọc, độc đáo kỳ thú, tiếp sau là hang Bò âm u, hang Giớ với những ngọn gió thổi thông thốc cả hai đầu. Ngoài ra còn có hệ thống văn bia cổ bằng chữ Hán và chữ Nôm, có giá trị được lưu giữ tại ngôi chùa.

Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7-3 âm lịch hàng  năm. Trong ngày hội, nhiều Tăng Ni, Phật tử các nơi về đây dự lễ, không chỉ có những nghi thức tôn giáo, mà còn có múa rối nước với những cảnh múa lân, múa rồng, xay thóc, giã gạo… mang sắc thái dân gian.

Hữu Tình

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày