Chứng nhân gần 100 tuổi

GN - Còn đúng hai năm nữa, cư sĩ - nhà báo lão thành Tống Hồ Cầm tròn 100 tuổi. Ở tuổi ngoài mức “xưa nay hiếm”, nhưng ông vẫn còn minh mẫn, trong câu chuyện với người viết, người cư sĩ lão thành này vẫn còn nhớ như in những chi tiết cũ, những hình ảnh xưa ông lưu lại, lật giở và ông lại nhớ, lại kể một cách hăng say, nhiệt huyết như thể còn trai trẻ...

anh 3, cu si Tong Ho Cam.jpg
Cư sĩ Tống Hồ Cầm cùng nhị vị Hòa thượng lãnh đạo Báo Giác Ngộ - Ảnh: Bảo Toàn

Duyên nghề từ thuở 20

Cư sĩ Tống Hồ Cầm sinh tháng 2-1918 tại Huế, trong một gia đình thuần Phật giáo và ở mảnh đất là chiếc nôi của Phật giáo với nhiều vị danh tăng. Ngay từ nhỏ, ông đã quy y Tam bảo, được Đại lão HT.Thích Giác Nguyên ở tổ đình Sắc tứ Tây Thiên (Huế) quy y và cho pháp danh Tâm Bửu.

Hồi tưởng lại, nhà báo Tống Hồ Cầm cho biết, ngay từ năm 1940, mới ngoài 20 tuổi ông đã viết báo, làm thơ… phản ánh thực tại cuộc sống lúc bấy giờ và được đăng trên các báo như Viên Âm, Phật giáo văn tập, Phương tiện, Phật giáo VN…

Từ những bài báo cộng tác đến khi trực tiếp tham gia làm báo tại tờ Từ Quang - tiếng nói của Hội Phật học Nam Việt, ông được giao trọng trách Thư ký tòa soạn và làm việc liên tục trên 20 năm cho tới khi tờ báo đình bản sau ngày 30-4-1975.

Trong dòng suy ngẫm, ông không quên những người đã cùng ông làm những việc Phật sự, chung tay đấu tranh cho lẽ công bằng với trái tim của người con Phật được hun đúc từ thực tiễn cuộc sống, từ những phong trào như chấn hưng Phật giáo đến đấu tranh phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo mà đỉnh cao là Pháp nạn năm 1963.

Là một trong những thành viên đầu tiên tham gia sáng lập tổ chức Gia đình Phật tử, huynh trưởng cấp Dũng Tâm Bửu Tống Hồ Cầm từ những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước đã có mặt ở Sài Gòn cùng với cư sĩ Võ Đình Cường gầy dựng tổ chức, làm báo và trở thành cánh chim đầu đàn - một trong những người anh cả của tổ chức Thanh - Thiếu - Đồng niên Phật tử Nam Việt thuở ấy.

Với vị thế của mình, cư sĩ - nhà báo Tống Hồ Cầm đã viết nhiều bài báo, đã tham gia ở nhiều cấp độ các phong trào đấu tranh đòi hòa bình, dân chủ, bình đẳng tôn giáo…, có lúc đã bị chính quyền bắt giam trong những chiến dịch đàn áp, bị theo dõi... Tuy nhiên, ông bảo, trong ông có tinh thần Phật giáo thấm đẫm, được trui rèn trong thực tế cùng khí chất của người làm báo, bản lĩnh của một huynh trưởng nên “mình không có gì phải sợ hết”.

Sau pháp nạn và sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, lúc đó, tờ Từ Quang đình bản, nhưng cư sĩ - nhà báo Tống Hồ Cầm đã cùng các nhân sĩ Phật giáo tên tuổi khác như Võ Đình Cường, Nguyễn Văn Hàm được giao việc thành lập Báo Giác Ngộ vào cuối năm 1975, là tiếng nói của Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước thành phố. Báo Giác Ngộ đã ra số đầu tiên vào ngày 1-1-1976 (lúc bấy giờ do HT.Thích Minh Nguyệt làm Chủ nhiệm) và ông đảm trách Tổng Trị sự, sau đó Phó Tổng Biên tập phụ trách trị sự cho đến khi về hưu.

anh 1, cu si Tong Ho Cam.jpg
Cư sĩ Tống Hồ Cầm thời trai trẻ (giữa) cùng các bạn đạo
chung làm Phật sự chụp trước chùa Từ Đàm (Huế) - Ảnh: TL

Ở cương vị nào, cư sĩ - nhà báo Tống Hồ Cầm cũng tận tụy, hết lòng, nghiêm túc và luôn tỏ ra khó tính với chính bản thân, đòi hỏi ở cộng sự của mình sự nghiêm túc đó nên “tôi ngủ rất ngon sau mỗi ngày làm việc vì mình đã hết lòng rồi”. Ông chắt chiu từng chi tiết trong trí nhớ của mình và nhận diện “mình chưa làm gì có lỗi lớn” và “luôn mạnh mẽ đứng về lẽ phải” bởi chất “dũng” trong người huynh trưởng Gia đình Phật tử VN. Ngoài ra, trong ông còn có chất “bi” của người học Phật nên ông cũng là một nhà thơ giàu tình cảm, để lại những bài thơ có chất liệu dưỡng nuôi tâm hồn người đọc.

Nhắc tới ông, người ta không chỉ nhớ một nhà báo Tống Hồ Cầm, huynh trưởng Tâm Bửu mà còn nhớ đến vai trò nhà thơ với bút hiệu quen thuộc Tống Anh Nghị. Riêng ông thì tâm đắc chữ “thật” trong chính bản thân mình và trong ứng xử với mọi người, với công việc ở tất cả các cương vị, từ nhà báo, là Phó Tổng Biên tập tới người làm giáo dục với vai trò là Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại TP.HCM trong một thời kỳ...

Người đồng sự gần gũi...

Báo Giác Ngộ kỷ niệm 40 năm ngày ra số báo đầu tiên (1-1-1976 – 1-1-2016), người viết có thêm dịp đến tư gia ông, một ngôi nhà nằm trong con hẻm thoáng, rộng, bình yên ở đường Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình, TP.HCM). Đó là nơi gắn bó với ông và những thành viên gia đình, cũng là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của ông với những người đã cùng ông tham gia những Phật sự của Giáo hội và nhiều tổ chức Phật giáo từ trước đến nay.

Ông kể về HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ; hồi ức về HT.Thích Giác Toàn, Phó Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ, về cư sĩ Võ Đình Cường, cư sĩ - bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, những người trong các hội đoàn người Huế tại Sài Gòn, về ngôi chùa Hải Quang (Q.Tân Bình), Phật học Xá Lợi (Q.3)...

Tất cả những người và việc, những nơi chốn ấy đều là những người, nơi để lại trong ông dấu ấn sâu sắc, góp phần tạo nên con người ông - cư sĩ trầm tư nói như thế. Rồi ông kể, thời điểm cuối năm 1989, khi đó Báo Giác Ngộ bước sang giai đoạn mới, lúc bấy giờ Thành hội Phật giáo TP.HCM cử HT.Thích Trí Quảng, HT.Thích Giác Toàn về lãnh đạo tờ báo, “tôi ở lại báo vì một câu nói của Hòa thượng Tổng Biên tập”.

Vẫn là giọng nói sang sảng, thẳng tính, song cũng không giấu được niềm xúc động, ông nhắc: “Hòa thượng bảo tôi, anh Cầm ở lại làm việc với tôi”. Vậy là ông nhận lời dẫu cũng đã tuổi hưu. Cứ thế, tháng năm trôi qua, ông được lưu lại Báo Giác Ngộ đến đầu năm 2013 mới chính thức nghỉ khi bước vào tuổi 96.

Những ngày trước thềm 40 năm Báo Giác Ngộ, ông đến tòa soạn trong buổi hội ngộ - hàn huyên giữa ba vị “tổng” (Tổng Biên Tập, Tổng Thư ký, Tổng Trị sự) của Báo qua các thời kỳ khiến người chứng kiến ai cũng hoan hỷ, xúc động. HT.Thích Trí Quảng, HT.Thích Giác Toàn ân cần nắm tay ông, nhắc thời bao cấp thiếu thốn, tờ báo còn nghèo trong cái nghèo khó chung của đất nước sau ngày thống nhất. Rồi cả ba vị ngồi lật lại những trang báo cũ, in trên giấy xấu của cái thời làm báo bằng công nghệ đơn sơ nhưng ấm tình đạo, nghĩa dấn thân, phụng sự, “không làm việc vì tiền”.

Chứng kiến sự phát triển của Giác Ngộ trên từng trang báo cho đến bộ mặt cơ quan hiện tại so với hồi Báo mới tiếp quản căn biệt thự cũ (là công thự) ở số 85 Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), ông cho biết “rất mừng” và mong “báo Giác Ngộ giữ bản sắc, đội ngũ kế thừa cố gắng, làm cho báo mỗi ngày mỗi phát triển”. Có lẽ, đó là gửi gắm đầy tâm huyết, trách nhiệm của ông - người đã chung tay gầy dựng nên tờ báo, chứng nhân của nhiều cột mốc quan trọng trong sự phát triển của Giác Ngộ cũng như của đất nước.

Nhìn sự minh mẫn, sức khỏe cùng sự vững chãi, tâm huyết của ông ở tuổi gần 100, quý Hòa thượng lãnh đạo Giáo hội cũng là lãnh đạo Báo Giác Ngộ, cán bộ - nhân viên báo đều bày tỏ sự vui mừng, vì vị cư sĩ - nhà báo là “cây đại thụ” trong Phật giáo, trong làng báo có “gốc gác” từ báo mình.

Mỗi người trong Báo Giác Ngộ khi nhắc về ông, dù ở thế hệ nào cũng đều quý mến gọi ông là “bác Cầm” với sự kính trọng. Và ai cũng thầm mong vị trưởng thượng của mình sống lâu nữa để những người làm báo Giác Ngộ kế thừa có một biểu tượng luôn tận tụy với công việc làm tấm gương, làm lực đẩy để phát huy, để cống hiến như ông đã cống hiến suốt ba mấy năm đi về với báo...

Ngày càng có nhiều vị Tăng Ni trẻ được học hành cao ở trong nước cũng như ra nước ngoài. Đó là cơ hội để Phật giáo Việt Nam tiếp cận với Phật giáo thế giới ở những nước tiên tiến. Niềm hy vọng và ước mong lớn của tôi là những vị Tăng Ni được đi học cao về Phật học có thêm thực tu, thực chứng và trở về kế thừa công việc của Giáo hội.

Từng là Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM nhiều nhiệm kỳ trước đây, tôi luôn tâm niệm công tác đào tạo Tăng Ni tài đức cho Giáo hội là niềm ưu tư lớn của chư tôn đức Giáo hội chúng ta. Trong đó, bậc thầy khả kính, HT.Thích Minh Châu, nhà giáo dục lỗi lạc, chính là vị thầy có nhiều ưu tư mà tôi nghĩ các vị Tăng Ni trẻ nên nhớ tới ngài, để cố gắng quyết tâm kế thừa hiệu quả cho Giáo hội chúng ta - một gửi gắm tâm huyết của cư sĩ Tống Hồ Cầm ở tuổi 94 được PV Giác Ngộ ghi lại nhân Đại hội PG toàn quốc nhiệm kỳ 2012-2017.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày