Chuyện học, chuyện làm của trẻ em ở nông thôn

Gian nan con đường đến trường của trẻ em các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.Ảnh Tiền Phong
Gian nan con đường đến trường của trẻ em các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.Ảnh Tiền Phong

Nếu để ý, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy: trong các kỳ thi tuyển sinh gần đây, nhiều thủ khoa của các trường đại học, rất nhiều em đạt thành tích tốt trong học tập đều xuất thân từ nông thôn. Tuy nhiên, đó mới chỉ là “ba phần nổi”, còn “bảy phần chìm” của trẻ em nông thôn là bỏ học, lao động sớm… Có em đã sớm phải gánh vác công việc trong gia đình, có em thì phải nghỉ học sớm.

Những điều trông thấy... mà đau đớn lòng

Quê tôi là một vùng đồng bằng chiêm trũng của xứ Nghệ. Nhân dịp hè, tôi đưa các cháu về quê. Gặp lại người thân nhưng niềm vui vẫn chưa trọn vẹn. Nhìn các cháu nhỏ ở quê (trong đó có cả cháu của tôi), 6 - 7 tuổi đầu đã phải trông em, chăn trâu, thậm chí là mò cua, bắt ốc. Lớn hơn một chút, các cháu độ 9 -10 tuổi thì đi cắt cỏ hoặc làm lụng ngoài đồng. Hầu hết các em học sinh ở quê tôi, ngoài một buổi đến trường, thời gian còn lại các em phải tham gia công việc ở trong gia đình.

Theo lời anh xóm trưởng thì mấy năm gần đây, số các cháu học hết cấp II ngày càng ít, tốt nghiệp được cấp III lại càng ít hơn. Khi tôi tìm hiểu thì được biết, có nhiều lý do khiến các em bỏ học sớm. Có em vì thấy anh chị mình học nhưng rồi không đậu được tốt nghiệp nên chọn giải pháp nghỉ sớm. Có trường hợp do nhà nghèo, con đông, theo không kịp chương trình dẫn đến chán nản rồi bỏ học. Cũng có em do suy nghĩ nông cạn, chỉ vì công việc như giúp việc nhà, phụ bán cửa hàng… để nhận mấy đồng tiền trước mắt mà quên đi tương lai của mình.

Điều đáng buồn hơn là cha mẹ các em đó lại dửng dưng trước tương lai của chính con mình. Tôi đã trực tiếp khuyên nhủ mấy người trong xóm là nên để các cháu đi học thì các anh có vẻ gay gắt: “Có ai bắt chúng nó bỏ học đâu. Nó học không được thì nó nghỉ đi làm”. Và chính cha mẹ các cháu lại trông chờ, hy vọng những đồng tiền của các cháu gửi về để cải thiện đời sống mà ít quan tâm đến việc con mình đang làm gì, có vất vả hay không? Mặc dù cũng có những gia đình điều kiện kinh tế cũng không đến nỗi khó khăn nhưng do ý thức của bố mẹ kém hoặc do phong trào… bỏ học ở địa phương. Đây chính là cơ hội tốt cho những chủ cơ sở sản xuất gia công, chủ quán bóc lột sức lao động của các em, thậm chí còn xâm hại tình dục đối với các trẻ em gái...

Giải pháp nào?

Thực tế cũng như thông qua các cuộc nghiên cứu tại các địa phương trên cả nước cho thấy, lao động của trẻ em nông thôn đóng góp một vai trò khá quan trọng trong việc duy trì cuộc sống của gia đình. Tuy nhiên, đóng góp của các em đôi khi lại không được thừa nhận, một mặt do cả bố mẹ và cả chính các em thiếu hiểu biết, mặt khác do lối tư duy còn mang nặng tính chất phong kiến.

Theo thống kê của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh Xã hội, hiện nay, chỉ tính riêng tại TP.HCM và TP.Hà Nội đã có khoảng trên 1.200 trẻ em từ 6 đến 16 tuổi phải lao động sớm. Kết quả điều tra mới đây về tình trạng lao động trẻ em trên địa bàn TP.Hà Nội của Đại học Quốc gia Hà Nội cho thấy: lao động trẻ em làm việc trong các cơ sở dịch vụ ăn uống là loại hình thu hút đông đảo trẻ em. Thời gian các em làm việc khoảng từ 9 - 11 giờ/ngày, trẻ được nuôi ăn và thu nhập bình quân 300.000 đồng/tháng. Ngoài ra, các em còn làm việc trong các cơ sở dịch vụ giải trí, vui chơi; trong các cơ sở sản xuất, gia công gốm sứ, đi làm phụ hồ tại các cơ sở xây dựng hoặc trong các làng nghề. Điều kiện làm việc của trẻ thường khá khó khăn, ngoài giúp việc gia đình thì lao động các dạng khác phải thuê nhà trọ, sinh hoạt với mức tiết kiệm tối đa.

Chúng ta biết đến giải pháp tổng thể được quy định trong Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em. Nhưng luật vẫn chỉ là luật. Hầu hết những gia đình có trẻ em tham gia lao động sớm đều giải thích: “Gia đình tôi có khó khăn mới để các cháu nghỉ học đi làm”. Do đó, vòng luẩn quẩn của các em rất khó giải quyết, nếu đi học thì không có người để làm, thiếu cái để ăn, thiếu thời gian để học, không có tiền học phí, còn nếu đi làm thì phải chấp nhận hy sinh tương lai. Trong tình thế như vậy, nghỉ học để đi làm là biện pháp được hầu hết các em và gia đình lựa chọn. Chính vì vậy, chính quyền các cấp cần thực hiện tốt các chính sách xã hội như xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống tối thiểu của người dân chứ không thể chỉ mong chờ vào... luật! Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, lối sống của người dân nông thôn trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

Thượng tọa Thích Đức Thiện tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

GNO - Nhận lời mời của Hiệp hội giao lưu Văn hóa và Tôn giáo Trung Hoa, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, đoàn đại biểu GHPGVN do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao (BFA) 2024 diễn ra từ 26 đến 29-3-2024 tại Hải Nam, Trung Quốc.

Thông tin hàng ngày