Chuyện ông bà tôi như cổ tích giữa đời thường

GNO - Khi một ngày hơi thở hóa thinh không
Những ước mong cũng bẽ bàng khép lại
Khi một ngày ta chẳng còn tồn tại
Thì thành công, thất bại cũng không còn.


Khi một ngày chẳng còn chạy lon ton
Ta già nua đồng hành cùng chiếc gậy
Khi một ngày bỗng giật mình thức dậy
Ôi cuộc đời là hữu hạn trăm năm.

Vốn từ chẳng có nhiều, và có lẽ tôi cũng còn quá trẻ để hiểu được những bài học nhân sinh, những triết lý đạo Phật một cách sâu sắc. Nhưng rồi tôi viết bài thơ ấy khi nhận ra được rằng cuộc sống này thật vô thường, một ngày kia ta cũng trở về với cát bụi. Và càng thấm thía hơn khi chứng kiến người thân của mình cận kề với giây phút sinh ly tử biệt.

FB_IMG_15641034623783136.jpg


Nụ cười của ông bà nội tôi lúc trong bệnh viện - Ảnh: Hồng Mơ

Năm đó tôi đang học lớp 10, tuổi vẫn còn ham chơi và chưa trưởng thành cho lắm. Khi đi học về, tôi nhận được cuộc gọi của ba báo tin bà nội đang bệnh, bác sĩ bảo phải nằm viện dài lâu để điều trị. Nghe được tin, nước mắt ở đâu bỗng trào ra, tôi vội lau đi rồi tức tốc đạp xe đến bệnh viện.

Lần đầu tiên, tôi bước chân vào một bệnh viện tỉnh lớn như vậy, vì trước giờ bản thân ít bị bệnh mà nếu có thì chưa bao giờ vào bệnh viện này để khám. Tôi đi dọc hành lang để tìm phòng, cảm giác lạnh lẽo u ám chạy dọc sống lưng, những người thăm nuôi nằm ngủ trông bơ phờ mệt mỏi, đôi lúc nghe tiếng bác sĩ, y tá gọi nhau í ới để đẩy một chiếc xe trắng tiến vào...

Từ nhỏ, tôi vốn rất sợ và rất “ghét” nơi này, bệnh viện như một nơi chứa đầy nỗi đau, chết chóc. Với một đứa học sinh lớp 10 như tôi khi ấy, chưa hiểu gì nhiều về quy luật sinh, lão, bệnh, tử, trong đầu tôi luôn xuất hiện những hậu quả xấu xảy ra với nội tôi, và nghĩ đến thì nước mắt lại chảy.

Cuối cùng, tôi cũng tìm được phòng nội đang nằm, đó là căn phòng chuyện khám tai-mũi-họng. Nội tôi bị lãng tai không phải mới đây, nhưng gần đây thì nó bộc phát nhiều triệu chứng, tai của bà chảy mủ và đau nhức, khiến việc nghe trở nên khó khăn hơn. Bác sĩ đã băng bó vết thương cho bà, nhưng yêu cầu phải nằm lại để theo dõi. Ngoài nội ra thì căn phòng ấy còn nhiều cô chú, anh chị nữa. Họ được ghép chung vào đây vì những căn bệnh liên quan đến tai-mũi-họng. Có chú kia đi nhậu xỉn về, leo qua hàng rào để vào nhà thì bị cái cọc nhọn đâm vào cổ. Có cô bị viêm xoang, cô viêm amidan… Tôi nhìn một lượt, thấy những vết thương mà bất giác rùng mình, nỗi sợ càng tăng lên bội phần.

Thế mà cũng chính trong căn phòng ấy, mọi người ở đó đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ của tôi. Tuy mọi người đang đối mặt với những căn bệnh, nhưng trông ai nấy cũng đều lạc quan vui vẻ. Chiều hôm ấy, tôi còn được ở lại ăn cơm cùng với mọi người, ai cũng hỏi thăm tôi và gắp cho tôi thức ăn. Người này hỏi thăm bệnh tình của người kia, nhưng không ai tỏ ra đau khổ hay khóc lóc.

Đặc biệt có một chuyện mà tôi không sao quên được trong ký ức của mình. Đó là khi bà tôi bệnh, ông tôi luôn túc trực bên cạnh chăm sóc bà. Trong lúc mọi người trò chuyện, họ bảo ông hãy kêu bà bằng em, thế là ông đã gọi bà một cách thân mật “em ơi”. Bà tôi đang bị lãng tai nhưng nghe được cũng cười trông thật hạnh phúc. Mọi người xung quanh ai cũng cười, và tôi cũng tự nhiên cười, nỗi sợ dường như bị thế chỗ bởi tinh thần lạc quan, tình yêu thương của mọi người ở đó.

Bà tôi dần khỏe lại và trở về nhà, sau lần ấy thì tôi nhận ra sinh, lão, bệnh, tử là quy luật không ai tránh khỏi. Vậy nên những ngày được sống khỏe mạnh, chúng ta hãy trân trọng và sống thật có ích với cuộc đời. Và khi không may rơi vào nghịch cảnh, chúng ta cũng nên đối mặt với tinh thần lạc quan. Hơn hết, hãy yêu thương chăm sóc những người thân yêu bên mình, đó sẽ là ngọn lửa để sưởi ấm cho nhau vượt qua những cơn giông bão.

Khi chúng ta già đi, nhưng có một người luôn bên cạnh mình, như cách ông tôi chăm sóc bà tôi, chợt thấy tình yêu không cần phải hẹn ước, không cần nhiều giá trị vật chất, mà là khi đi qua nửa cuộc đời rồi vẫn không rời bỏ đối phương trong những ngày khó khăn nhất. Chẳng phải là rất đẹp hay sao...


Khi một ngày có “vị khách” đến thăm
Và còn ta thì nằm trên giường bệnh
Sẽ nhận ra một vòng đời sinh mệnh
Nhanh thật nhanh và tuổi trẻ qua rồi.

Khi một ngày mọi thứ sẽ phai phôi
Trôi qua rồi thì thôi không trở lại
Sẽ nhận ra chẳng có gì mãi mãi
Ôi một ngày - tương lai - rất gần thôi…

Nguyễn Hồng Mơ
(Đông Hòa - Dĩ An - Bình Dương)

Mời bạn đọc tham gia viết “Bến bờ nhân gian”

Mùa Vu lan đang đến, mùa Hiếu hạnh về, tất nhiên, Hiếu thì không có mùa nhưng những ngày tháng như thế này sẽ gợi cho mỗi người nhớ đến ơn trọng trong đời nhiều nhất, để rồi được an ủi, chia sẻ bằng tình thương vô bờ bến ấy.

Trong không khí ấy, Giác Ngộ mời bạn đọc tham gia viết về chủ đề “Bến bờ nhân gian” lần thứ nhất. Đó có thể là câu chuyện của chính mình dưới dạng tự kể hoặc thể hiện dưới hình thức ký sự nhân vật mà bạn gặp, có hiểu, cảm được việc hiếu nghĩa của họ - gửi về cho chúng tôi, để cùng khơi gợi lên lòng hiếu, tâm hiếu trong mỗi người, chung tay sống thiện lành, bắt đầu bằng việc thực tập hạnh hiếu.

* Bài viết bằng tiếng Việt, gửi qua email. Mỗi người có thể viết gửi nhiều bài.

* Độ dài: 900 - 1.600 chữ, có hình ảnh của người trong câu chuyện (nếu là ký nhân vật) và khuyến khích có hình ảnh trong những câu chuyện thật của mình

* Tiêu chí: Người thật, chuyện thật xúc động của chính người dự thi hoặc của nhân vật về lòng hiếu, tình cảm gia đình, thầy trò gây xúc động, đem đến cảm hứng sống thiện lành, hướng thượng. Lưu ý: bài chưa đăng báo nào và cả mạng xã hội.

Những bài viết hay, ý nghĩa, phù hợp chủ đề sẽ được chọn đăng trên Tuần báo Giác Ngộ, Giác Ngộ online. Bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút đặc biệt theo quy định của Báo Giác Ngộ.

* Giải thưởng: Ban Tổ chức sẽ chọn ra ba (3) bài có lượt xem cao trên giacngo.vnchia sẻ nhiều nhất từ Fanpage chính thức của báo Giác Ngộ (https://www.facebook.com/GiacNgo.vn/) để trao giải nhất (3 triệu đồng), nhì (2 triệu đồng), ba (1 triệu đồng) với tặng phẩm (giải nhất 1 năm báo Giác Ngộ, nhì nửa năm, ba một quý, cùng những ấn phẩm khác do báo Giác Ngộ thực hiện).

* Thời gian bắt đầu và kết thúc: từ ngày 23-7 đến 23-9-2019 và tổng kết, trao thưởng vào cuối tháng 9-2019.

Bài dự thi gửi về địa chỉ email: onlinegiacngo@gmail.com (tiêu đề ghi rõ Bài viết về “Bến bờ nhân gian”). Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Ban Tổ chức

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày