Chùa của sư cô nằm giáp miền biên giới Campuchia, cửa khẩu Giang Thành (H.Giang Thành, tỉnh Kiên Giang). Về chùa năm 1996, lúc đó chùa Giang Thành hãy còn hoang hoải, cỏ lau che kín cả ngôi bửu điện. Còn bây giờ chùa Giang Thành, nơi sư cô trú xứ trụ trì là một điểm đến tâm linh và là nơi giải quyết việc làm cho phụ nữ nghèo.
14 năm gắn bó
Đó là khoảng thời gian mà Sư cô TN. Huyền Thanh về chùa Giang Thành, tính kể không biết bao nhiêu chuyện, bao nhiêu đổi thay đã chất đầy ký ức về những ngày xưa: nước ngập tới chùa, chỉ còn chánh điện, ngày đầu mới về: vách, mái hư như muốn đổ, không có một chỗ ngủ… Bao nhiêu là khó khăn chất chồng, thử thách đối với một sư cô, lúc đó vừa qua 40 tuổi. Nhưng cũng may là nhờ "tôi đã phát nguyện về nơi hẻo lánh để có thời gian tu tập, và cũng chỉ ước mong được tu mà thôi" - như lời sư cô tâm sự, nên cô đã bền chí, kiên gan ở lại vùng đất miền biên này.
Thời gian đầu, những buổi chiều xuống, điện đóm không có nên cô Huyền Thanh phải làm quen với cảnh thiếu thốn ấy. Nước ở đây cũng khan hiếm, cùng với nhiều điều bất tiện của một vùng quê biên giới. Từng có thời gian dài thọ pháp với HT.Thích Thanh Từ, lưu trú ở Thiền viện Linh Chiếu (Đồng Nai) tu tập nên năng lượng của chư vị hộ pháp, của thầy tổ cũng như chư huynh đệ đồng tu nơi thiền môn đã tiếp sức cho sư cô. Bắt đầu làm quen với môi trường cũng là lúc sư cô nhận ra sự thật: "Bà con ở đây còn khổ lắm. Lúc mới có điện, họ không biết xài, và đặc biệt là trong những mùa lũ lên, dân nghèo càng khổ hơn, bó gối với nước non lênh láng".
Cô vẫn còn nhớ rõ mùa lũ năm 2000, lúc đó nước dâng tới chùa, ngập cả đường quốc lộ nên có những đoàn Phật tử từ TP.HCM về đây liên lạc cứu trợ. Đấy cũng chính là nhân duyên dẫn cô đến với công việc từ thiện. Đi sâu vào vùng kinh tế mới của những đồng bào nghèo ở tuốt dưới Gò Quao (Kiên Giang) không nhà không cửa nên đi theo dự án, nhận 20 công đất để cất nhà định cư. "Nhưng họ nghèo quá, không có khả năng để cải tạo đất phèn ở vùng kinh tế mới thuộc dự án "Bắc Phú Mỹ - Nam Vĩnh Điều" này nên vẫn cứ nghèo. Thấy họ nghèo mà chạnh lòng, thương quá đỗi". Thấy thế, nghĩ thế, để rồi "mình không thể ngồi yên mà tu khi người nghèo quanh mình vẫn còn nghèo khó thế này", cô quyết định đi ra làm từ thiện, khuyến khích họ cùng làm, vượt khó, cùng tu với mình!
Bạn của phụ nữ nghèo
Điều cô Huyền Thanh quan tâm nhiều nhất có lẽ là "việc làm cho phụ nữ nghèo". Chính vì vậy mà cô bắt tay vào những dự án như mở ra tổ hợp may, làm các sản phẩm thủ công từ nguồn nguyên liệu có sẵn là cỏ bàng ở vùng này. Thế là cô mua máy may, đi xin tài trợ để giúp cho các chị em phụ nữ ở các xã nghèo như Tân Khánh Hòa, Phú Mỹ, Phú Lợi, Vĩnh Điều… được cùng sản xuất các loại chiếu, túi xách từ cỏ bàng. Ban đầu chỉ là những hộ gia đình làm thủ công, đến nay cô đã có hàng chục máy may để biến sản phầm thành những mặt hàng thủ công mỹ nghệ có khả năng xuất khẩu cũng như bán ở thị trường trong nước… Khi đang viết dang dở bài này, chúng tôi nhận được tin vui của cô: tổ hợp may đã tìm đầu ra ổn định, mọi người làm việc rất hăng say.
Không chỉ thế, cô còn giúp cho hàng chục hộ quá nghèo, con đông, chưa có nhà ở đây có được mái ấm tình thương, với chỉ 15 triệu đồng/căn. Nhờ có mối liên hệ tốt với lực lượng bộ đội vùng biên giới Giang Thành nên khi cần hỗ trợ nhân dân làm nhà thì cô mời các anh cùng hợp tác, làm tình nguyện, giúp bà con. Thế là những căn nhà tình thương do cô chủ trương đã mọc lên với một bức tường xây, mái tôn và xung quanh cũng được bao bọc bằng tôn, vững chắc. Vừa lo cho bà con nghèo ở đây chốn ở, vừa là cầu nối để tạo việc làm cho bà con nên những nơi cô đặt chân đến bà con ai cũng vui mừng. Họ xúm xít lại khoe với Sư cô Thanh và chúng tôi những gì đã đạt được, họ cảm ơn và cũng có không ít người bày tỏ mong muốn được cô tiếp sức thêm nữa. Những lời hỏi ân cần cùng những bài toán mở rộng cơ sở may, làm các sản phẩm từ cỏ bàng, mở lớp đào tạo nghề cho phụ nữ của cô Huyền Thanh trở thành nguồn động viên cho chị em phụ nữ.
Chị Nguyễn Thị Ánh ở Tân Khánh Hòa chia sẻ: "Không có cô Thanh thì chúng tôi khó có thể trụ ở vùng kinh tế mới này. Không có cô Thanh thì chúng tôi hổng có được nhà như vầy…". Chừng ấy lời tán thán cũng đủ để chúng tôi cảm về những việc mà Sư cô Thích nữ Huyền Thanh đã, đang và sẽ làm cho người nghèo nơi đây…
Kỳ 2: Người gìn giữ mái chùa bên dòng Thu Bồn