Có nên thắp quá nhiều hương khi lễ chùa đầu năm?

GNO - Thắp hương chỉ là biểu tượng, tu tập thực hành lời dạy của Phật để chuyển hóa mình mới là chính yếu - ĐĐ.Thích Đồng Thành, Hiệu trưởng Trường TCPH Bình Định, giảng viên Học viện PGVN tại TP.HCM và Huế chia sẻ với PV Giác Ngộ như vậy khi nói về ý nghĩa của việc thắp hương đầu năm.

* Thưa Đại đức, trong những ngày đầu năm mới, Phật tử đi chùa thường thắp hương rất nhiều, khói hương làm cho không khí chùa bị ngột ngạt, ô nhiễm, có khi gây hỏa hoạn… về vấn đề này Đại đức có chia sẻ gì với Phật tử?

2dt.jpg

ĐĐ.Thích Đồng Thành

- ĐĐ.Thích Đồng Thành: Quan niệm dân gian và truyền thống xưa nay thì người ta thích có cái gì đó thiêng liêng thông qua làn khói hương, đôi khi chưa hiểu ý nghĩa nên thắp rất nhiều và họ không có để ý đến vấn đề sức khỏe và môi trường.

Tôi nghĩ khi Phật tử đã hiểu Phật pháp, ý nghĩa của việc thắp hương thì đến chùa trong chánh điện, nơi thờ cúng có hương thắp sẵn, mình chỉ lễ bái, cầu nguyện, chiêm ngưỡng và tu tập. Và mình giảm thiểu thắp hương.

* Vậy ý nghĩa thật sự của việc thắp hương ở đây là gì, thưa Đại đức?

- Hương là nói đến hương giới hạnh, đức hạnh, nên trong Phật giáo nói đến Ngũ phần hương gồm năm loại hương thơm: hương Giới, hương Định, hương Tuệ, hương Giải thoát, hương Giải thoát tri kiến

Ngày xưa, dưới thời Đức Phật cũng có đốt trầm hương để dâng cúng. Có một người cư sĩ Phật tử thời xưa lấy chồng đạo lõa thể ở xa Đức Phật, nhớ Phật cầu Phật đến hóa độ cho gia đình bên chồng, nên cư sĩ đốt lư trầm hương trên lầu và hướng về tịnh xá Kỳ Viên, thì bỗng nhiên lúc đó nơi tịnh xá Kỳ Viên có một làn hương thoang thoảng, tôn giả An Nan cảm nhận được mới thưa với Đức Phật. Đức Phật nói là tại thành xa đó có một người nữ cư sĩ thỉnh ta tới hóa độ, nên hương đó theo gió đến vì có tâm lực rất mạnh vượt không gian đến tịnh xá. Hôm sau Đức Phật đưa Tăng đoàn đến độ cho gia đình bên chồng của cô cư sĩ ấy theo Phật pháp.

Từ cái tích ấy, sau này Phật tử về chiêm bái bảo tháp thờ xá-lợi Phật cũng đi xung quanh bảo tháp và xông trầm tưởng niệm dâng cúng.  

Nên ý nghĩa dâng hương đầu tiên là để thông qua làn hương tỏ lòng tôn kính, thứ hai là bản thân mình tự trau dồi ngũ phần hương.

* Nhiều Phật tử đi chùa đầu năm chỉ thắp một cây hương, có Phật tử thắp ba cây, và cũng có Phật tử thắp nguyên một bó hương, vậy thắp bao nhiêu cây là đủ?

- Vấn đề thắp ba cây hương thì nói đến Phật - Pháp - Tăng cúng dường Tam bảo; còn thắp một cây thì thể hiện sự nhất tâm chí thành của mình; còn thắp một bó hương người ta nghĩ dâng hương càng nhiều thì càng có sự gia hộ ban ơn của Tam bảo Phật pháp nên họ thắp nhiều để… tỏ lòng thành (?!).

Ngày nay, hương người ta có tẩm hóa chất, các loại nước hoa, khi hít vào có thể gây bệnh đến phổi, hô hấp, ung thư… nên ở tư gia chùa chiền phải kiểm soát, cẩn thận chọn hương mà thắp.

Người Phật tử tại gia khi về chùa thấy trên lư trầm có hương rồi nên khỏi thắp, nếu thắp thường thắp một nén là được. Trong những lễ cúng quan trọng thì thắp 3 nén hương; còn về chùa đầu năm thì nên thắp một nén hương là đủ. Còn nếu có hương thì nên chỉ lễ bái tu tập là đủ.

Các chùa cũng nên có nơi thiết trí để nói về ý nghĩa thắp hương, dâng hương lễ Phật, thì khi Phật tử đến họ đọc hiểu được ý thì sẽ thay đổi lần lần. Cộng với sự giáo dục của trụ trì, trong thuyết giảng cũng khơi mở cho mọi người giúp giảm thiểu và chỉ thắp khi cần thiết.

* Nếu không thắp hương thì thay vào đó mình sẽ làm hành động gì thay thế?

- Vấn đề thắp hương chỉ mang ý nghĩ biểu trưng, thắp hay không thì nó không có phải là sự thiếu sót trong vấn đề hướng tâm cầu nguyện. Việc dâng hương, hoa, trái, đèn, nước là biểu trưng cho những hạnh tu bên trong, nên mình lễ Phật, quán niệm xong thì quay về đời sống nội tâm, nhìn nhận chuyển hóa tâm thức - đó là những pháp cúng dường tối thượng, mà Đức Phật dạy là pháp cúng dường - hay là những pháp hành cúng dường cao hơn vật cúng dường.

Thành ra mình lễ Phật, quán chiếu, tu tập, chuyển hóa tâm tư của mình đó là những điều mà đức Phật mong muốn ở Phật tử.

* Cảm ơn Đại đức đã chia sẻ!

Phật tử nói gì về việc thắp nhang?

* Anh Chương (Đoàn dâng hoa Hữu Thiện): Vào ngày rằm, ngày mùng một, hay những ngày đầu năm mới khi đến chùa, nếu thấy các lư hương đã có nhang nhiều thì tôi chỉ cắm một nén nhang, hoặc không thắp mà chỉ lễ bái Tam bảo.

Tôi thấy, vào chùa ai cũng cầm một nắm nhang để thắp thì không khí xung quanh sẽ rất ngột ngạt, không tốt cho sức khỏe cũng như cảnh quan chùa, hơn nữa nhang bây giờ có tẩm hóa chất rất độc hại, vì thế tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề này và rất ý thức trong việc thắp hương.

Lên chùa việc chính của tôi là tu tập học hỏi Phật pháp, còn việc thắp hương hay không thì không sao cả.

* Anh Lý Thanh Phương (Phật tử chùa Bát Nhã, Q.Bình Thạnh): Phật tử ở chùa tôi đang đi vào những ngày rằm, nhất là rằm tháng 1, 4, 7, 10 và đặc biệt ngày mùng 1 Tết - gần như người nào cũng thắp nhang - trong chánh điện mịt mù khói, vì vậy lúc nào cũng có người đứng để rút nhang mang đi đốt.

Nếu tới chùa đó mà không có Phật tử thắp nhang nhiều, tôi sẽ thắp, tôi chỉ đảnh lễ chứ không thắp vì mình thành tâm đảnh lễ là tâm an nhiên rồi.

* Chị Tịnh Trí (Phật tử chùa Xá Lợi, Q.3): Tôi ít khi thắp nhang lắm vì thấy quý Phật tử đi trước thắp cũng nhiều rồi. Nếu chỗ nào chưa thắp thì tôi thắp một cây cho ấm thôi, nhưng số lần thắp nhang cũng hiếm hoi vì theo tôi: lễ Phật quan trọng là ở tâm mình thế nào chứ không phải là việc có thắp nhang hay không.

Như Danh
thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện về Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày