Trả lời:
Trong y học cổ truyền, tía tô là vị thuốc có thể kích thích ra mồ hôi. Nước sắc và cồn chiết xuất từ lá tía tô có tác dụng giãn mạch ngoài da, giúp người bệnh hạ sốt, trừ cảm mạo. Hạt tía tô chế thành trà uống và thuốc hạ khí, cành làm thuốc an thai.
Tuy nhiên việc người mẹ uống nước tía tô để cho con bú ngừa bé bị sốt thì chưa có nghiên cứu hay bằng chứng khoa học. Do đó mẹ không nên dùng cho mục đích này.
Trẻ bị sốt nhẹ, đau và sưng sau khi tiêm phòng là phản ứng rất bình thường. Đó là phản ứng sau khi cơ thể tiếp nhận vaccine như một tác nhân lạ và phản ứng lại.
Vì đau nên trẻ sẽ quấy khóc và có thể bỏ bú, ăn kém. Tuy nhiên, tình trạng này nếu có cũng chỉ kéo dài 1-2 ngày, ba mẹ không nên quá lo lắng.
Chính vì thế, thay vì tìm kiếm mẹo giúp trẻ không sốt sau khi tiêm phòng, ba mẹ cần cập nhật kiến thức về các phản ứng thường gặp của một số loại vaccine và có cách giảm đau, hạ sốt sau khi tiêm phòng cho trẻ hiệu quả và an toàn. Cụ thể:
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày, cho trẻ bú mẹ và uống nước nhiều hơn. Có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường (paracetamol, ibuprofen) với liều phù hợp cân nặng khi trẻ sốt cao hơn 38,5 độ C, quấy khóc.
- Nếu tại vết tiêm sưng, đỏ, có thể chườm lạnh để giảm đau và giảm sưng cho trẻ.
- Khi bế trẻ, tránh chạm vào vết tiêm. Không xoa dầu, chườm nóng, nặn chanh, đắp khoai tây hay bôi đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm vì có thể gây nhiễm trùng vết tiêm.
- Không dùng aspirin, không dùng thêm các thuốc ho và hạ sốt khác vì có thể làm tăng liều paracetamol ở trẻ.
- Trường hợp trẻ phản ứng nặng sau tiêm như sốt cao trên 39 độ C kèm co giật, tím tái, khó thở..., cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời. Tuy nhiên, tỷ lệ các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm là rất hiếm xảy ra.
Thạc sĩ - Bác sĩ Trần Thu Nga
Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM
- Nguồn: VnExpress