Cơ sở cho niềm tin về sự khởi sắc Phật sự tại TP.HCM

GN - Năm 2018 là năm đầu tiên nhiệm kỳ IX (2017-2022) của Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM. Sau Đại hội không lâu, Ban Trị sự đã tổ chức thành tựu Đại giới đàn Trí Tịnh PL.2561, tạo  duyên cho gần 1.000 giới tử xuất gia và 600 giới tử tại gia thọ nhận giới pháp trang nghiêm, theo tinh thần giới luật Phật chế định và truyền thống của sinh hoạt đặc thù Tăng sự này.

ANHBT (38).JPG


HT.Thích Trí Quảng ban đạo từ tại Hội nghị tổng kết Phật sự năm 2018 của Phật giáo TP - Ảnh: Bảo Toàn

Điều quan trọng là ngay sau khi thọ nhận giới pháp, Ban Trị sự đã chủ trương tổ chức khóa an cư kiết hạ tập trung đầu tiên dành cho các tân Tỳ-kheo tại Việt Nam Quốc Tự để các vị chuyên tâm học giới luật cũng như quy củ thiền môn và các kỹ năng cần thiết dành cho một tu sĩ phù hợp với xã hội hiện đại. Đây cũng là dịp các Tỳ-kheo trẻ được các bậc niên trưởng chia sẻ những kinh nghiệm về tu học, hành đạo một cách sinh động và thiết thực.

Chính tôi cùng chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo thành phố đã về Việt Nam Quốc Tự, cấm túc và cùng an cư với các tân Tỳ-kheo trong suốt ba tháng của mùa hạ qua; sống chung với các Tỳ-kheo trẻ, mới có thể nhận thấy những mặt mạnh lẫn những yếu kém, qua đó có những uốn nắn, điều chỉnh oai nghi, bổ túc nhận thức, rèn luyện pháp môn hành trì một cách cụ thể.

Đây là việc làm quan trọng mà Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện để trang nghiêm Tăng đoàn, cũng là góp phần trang nghiêm Giáo hội trong thời buổi có nhiều cảnh báo về suy thoái lối sống đạo đức gần đây. Mong rằng, việc làm đó không chỉ ở TP.HCM, mà sẽ được Giáo hội quan tâm, nhân rộng và thực hiện ở các tỉnh thành khác.

Ban Trị sự cần có trách nhiệm không chỉ tạo điều kiện để người phát tâm xuất gia lãnh thọ giới pháp, mà cần phải có sự hướng dẫn, tạo môi trường cho người đã thọ giới được học tập về giới luật tương ứng, có sự hiểu biết căn bản về những nguyên tắc sống, hành trì và ứng xử phù hợp với người tu, có chất liệu trí tuệ và giải thoát, từ đó mới có thể nhập thế, giữ vững được phẩm chất của người xuất gia, đi vào cuộc đời mà không bị tha hóa.

Bên cạnh đó, công việc kiến thiết các cơ sở của Giáo hội như Việt Nam Quốc Tự, Bát Bửu Phật Đài (chùa Phật Cô Đơn)... được thực hiện và đang ở giai đoạn hoàn thiện. Sau khi các công trình trọng điểm đó hoàn thiện, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ hỗ trợ các quận, huyện trực thuộc làm sao mỗi địa phương đều có một trụ sở độc lập, chủ động cho việc điều hành các hoạt động Phật giáo trên địa bàn của mình, tránh lệ thuộc do phải đặt tạm ở các tự viện, ít nhiều có những trở ngại như lâu nay.

Ban Trị sự Phật giáo thành phố cũng sẽ có những chính sách về các cơ sở này vĩnh viễn là cơ sở của Giáo hội thành phố, làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành Phật sự của Giáo hội các cấp mà không huy động làm nhọc sức Tăng Ni, đặc biệt là về tài chánh, theo đó, nâng chất lượng điều hành của mình, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Trong tinh thần từ bi lợi tha, dấu ấn lớn mà Phật giáo TP.HCM đã thực hiện trong thời gian qua là công tác từ thiện xã hội. Phật giáo thành phố luôn có những chương trình lớn, chia sẻ kịp thời với đồng bào không chỉ ở đây, mà có mặt nhiều tỉnh thành khác, đặc biệt là những nơi khốn khó vì ảnh hưởng bởi thiên tai, cũng như vùng cao, vùng sâu và vùng xa, như những đánh giá cao của Trung ương Giáo hội cũng như các tổ chức đoàn thể dành cho Phật giáo TP.HCM trong năm 2018.

Phật giáo TP.HCM trước Đại hội IX đã gặp phải những khủng hoảng về nhân sự. Chúng tôi đã mạnh dạn đề nghị quan tâm và cơ cấu nhiều nhân sự mới, có sức khỏe và năng lực, vào các vị trí lãnh đạo các cấp và ban ngành trực thuộc. Nhiều người đã lo lắng, nhưng qua một năm, mọi hoạt động Phật sự tại thành phố đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận, nhiều nhân sự mới đã khẳng định vai trò trách nhiệm được phân công, suy cử. Đó cũng là thành tựu quan trọng và căn bản cho chúng ta tin tưởng vào sự khởi sắc hơn nữa của các hoạt động Phật sự trên nhiều lĩnh vực, xứng với vai trò và tiềm năng của TP.HCM.

Phật giáo là một tôn giáo lâu đời của đất nước, gắn liền với dân tộc hai ngàn năm qua. Lịch sử đã định hình truyền thống của Phật giáo Việt Nam là hộ quốc an dân.

Để kế thừa và phát huy được truyền thống này, trước hết mỗi Tăng Ni phải tự trang nghiêm chính mình bằng cách luôn nỗ lực tăng trưởng đời sống tâm linh qua việc giữ gìn giới luật, sự hiểu biết về lời Phật dạy, thực hành các pháp môn trong đời sống hàng ngày. Chính điều đó mới có chất liệu đạo đức cho việc dấn thân hành đạo đem lại lợi lạc cho số đông, hộ quốc an dân một cách đúng nghĩa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

Phật giáo ứng xử như thế nào trước cơn bão truyền thông?

GNO - Đó là vấn đề được bạn đọc gởi về tòa soạn, trước hiện tượng Phật giáo, cụ thể là Tăng Ni, chùa chiền trở thành chủ đề châm biếm, chỉ trích trong dư luận, trên thế giới thông tin xã hội. Mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung trên Báo Giác Ngộ số 1249, ra ngày 26-4.

Thông tin hàng ngày