Cội nguồn của những yêu thương

GN - Có lần bạn hỏi, người phụ nữ tôi thương nhất là ai? Bạn trố mắt lên khi nghe tôi nói, là bà ngoại, mẹ xếp hàng thứ hai. Bởi có ngoại mới có mẹ, rồi mới có con và còn bởi nhiều lý do lắm...!

Con thương ngoại, bởi vì ngoại dù tuổi đã 93, phải chống nạng để đi, ngoại cũng có lúc lẫn, có những điều đã quên, nhưng những gì con thích, ngoại vẫn nhớ rõ mồn một. Từ lúc con 5 tuổi, tuần nào về với ngoại, ngoại cũng nướng bồ kết, gội đầu cho con cho đến khi con mười tám tuổi mới thôi. Ngoại kỹ lắm, gội xong bằng bồ kết, ngoại lấy dầu dừa do ngoại tự làm vuốt cho tóc con không dựng ngược lên. Ngoại làm tỉ mỉ bởi tóc con thuộc loại tóc khô, bù xù, quăn loắn xoắn như rễ tre. Ngoại nói, phải làm cho tóc gọn chứ không nóng nực, ngoại thấy chịu không nổi. Đến bây giờ, con gần 30 rồi, mỗi lần về thăm, ngoại cũng giúi cho bịch bồ kết rồi kêu: “Nè, cho nè, lúc nào siêng thì nướng lên mà gội cho sạch... cứt trâu”. Nói “cứt trâu” là ngoại ghẹo cho cười, chứ thật ra là sạch gàu.

anhmihihoa.jpg


Ngoại - Ảnh minh họa/ VnExpress

Ngoại luôn dành cho con mọi điều tốt nhất. Không chỉ dùng bồ kết tự nhiên gội cho con mà món nào con thích, ngoại luôn để dành. Con thích nhất là món sả xào ớt, ăn chung với canh chua, muối ớt - cuối tuần biết con về chơi, ngoại làm một chảo sả xào thiệt to, nấu nồi canh chua đủ thứ nguyên liệu: rau muống, đậu bắp, đậu rồng, bông so đũa, rau chuối... nêm thêm ngò gai, rau tần, lá quế, ớt thơm phức. Rồi ngoại đâm muối ớt, dọn chén để sẵn trong mâm cơm cho con về tới là có cơm ăn liền.

Nhớ nhất là lúc ngủ với ngoại, con lăn từ đầu trên xuống đầu dưới, lấn ngoại muốn lọt đất nhưng ngoại chưa bao giờ la rầy. Ngày nhỏ nghịch ngợm, đi chơi nhà hàng xóm bị chó cắn, ngoại phải cõng đi đoạn đường dài để thầy lang lấy nọc và cho thuốc uống. Ngoại không dám dẫn đi bệnh viện vì sợ chích thuốc sau này cháu ngoại bị giảm trí nhớ, không học hành gì được.

Lúc con lên thành phố đi học, cứ lâu lâu là ngoại nhắc mấy dì điện thoại coi nó sao rồi, mẹ nó có cho tiền đủ xài không? Rồi học hành thế nào, có bồ bịch rượu chè, bỏ học không? Ngoại lo nhiều lắm, đến lúc con ra trường, có việc làm, đi lấy chồng rồi mà ngoại vẫn lo. Lo đủ thứ, không biết nó sống thế nào, có bị ăn hiếp không, có cực khổ không? Lúc nào về thăm ngoại, ngoại cũng hỏi huyên thuyên, chỉ khi nào con cười vui vẻ ngoại mới yên lòng.

Khi con có con nhỏ, ngoại thương con của con nhiều. Lần nào về thăm ngoại, vừa thấy mặt con là ngoại hỏi cháu cố đâu. Rồi ngoại ôm hôn, cưng nựng. Con phân bì, hỏi sao ngoại nhớ con bé hơn nhớ con vậy, nghe ngoại trả lời mà muốn rớt nước mắt: “Tại nó giống mày hồi nhỏ, bản chánh sao y”.

Thương nhất là con cho tiền, ngoại không khi nào chịu lấy, chỉ ép dữ lắm ngoại mới để cho nhét vào túi. Ngoại sợ con không tiền xài, “sống ở thành phố cái gì cũng đắt đỏ, không giống ở quê - không tiền ra vườn hái mớ rau vô luộc, chấm nước mắm, nước tương cũng xong chứ thành phố không tiền là đói”, ngoại phân tích như thế. Ngoại nuôi con, nuôi cháu cực khổ nhưng chưa bao giờ nói sau này báo ơn ngoại hay đòi hỏi phải mua cho ngoại cái này, cái kia. Chỉ cần con cháu sống vui, đủ ăn, đủ mặc là ngoại mừng.

Thăm ngoại xong, đến khi con quay lại thành phố làm ăn, dù chống nạng nhưng ngoại lúc nào cũng đưa ra tận ngõ, nhìn theo cho đến khi nào con đi khuất bóng, ngoại mới vô nhà. Không bao giờ ngoại quên nhắc, “chạy xe cẩn thận, sống cho tử tế, ăn uống cho đàng hoàng đừng bỏ bữa rồi đau bao tử, khổ cái thân. Bây mà làm bậy, hư người là ngoại giận, chết không nhắm mắt”. Và con cũng chưa bao giờ quên, làm sai lời dạy của ngoại.  

Thật ra, con thương ngoại không phải chỉ vì những gì ngoại làm cho con mà còn thương ngoại bởi cách ngoại thương, dạy dỗ các dì, trong đó có mẹ con.

Con nhớ, ngoại từng kể: ngày xưa ngoại đi chợ về, 8 đứa con chạy ù ra đón giỏ xách. Thấy mớ mía ngoại mua về, đứa nào cũng mê rồi giành nhau khúc dài, khúc ngắn; mắt to, mắt nhỏ. Thấy vậy, ngoại ôm đống mía quăng hết xuống ao, chứ không cho đứa nào ăn. Bài học ngoại dạy cho các con đó là, chị em phải nhường nhau, ăn uống mà giành nhau thì sau này giành đến cái gì nữa, tình chị em mới trên hết chứ không phải thức ăn hay đồng tiền.

Thấm lời ngoại dạy, 8 đứa con của ngoại mà con gọi là dì, là mẹ không bao giờ xích mích nhau - từ ngày con nhận thức được, con đều thấy điều đó. Khi dì này gặp khó khăn, các dì khác chung tay giúp đỡ; thương nhau đến nỗi thấy chị em mình đau khổ chuyện con cái, tiền bạc, nợ nần, mấy dì không người nào vui cả. Cháu học không có tiền, dì này cho vài trăm, dì kia cho vài chục rồi động viên cháu học hành cho đàng hoàng. Mỗi khi cháu làm gì sai, các dì đều xúm lại người la, người khuyên, người cứng, người mềm cốt để cháu trưởng thành, sống cho nên người. Đặc biệt là, con của các dì, cùng gọi ngoại cũng yêu thương nhau hết lòng, quan tâm nhau như chị em ruột chứ không có khoảng cách chị em bạn dì ruột.

Các dì kể, ngoại thương các dì hết mình. Các dì bệnh, nhà có nhiêu tiền là ngoại vét sạch ôm đi bệnh viện; nhà có một con trâu để cày, ngoại cũng bán. Rồi đến các dì đi học ở tỉnh xa, ngoại vét từng hột gạo trong khạp cho; có con cá, hũ mắm ngoại không dám ăn, cái gì cũng để cho con của mình. Điều gì tốt cho các con của ngoại là ngoại làm, thậm chí ngoại sẵn sàng “đấu tranh” với ông ngoại để cho các dì đi học. Ngày xưa con gái không được đi học nhiều, với lại đi xa nhà sợ “hư”. Ngoại nói, “nó có hư tui chịu, tui chết cùng nó” - sự kiên quyết của ngoại làm cho ông ngoại cũng phải chào thua. Các dì thương ngoại, chăm chỉ học hành, luôn biết giữ mình, cuối cùng ai cũng có cái nghề đàng hoàng và chẳng ai hư như ông ngoại lo cả.

Tình thương của ngoại dành cho các con của mình được truyền lại cho mẹ của con. Mẹ con cũng thương con, hy sinh cho con như ngoại đã từng, sẵn sàng đánh đổi tất cả để bảo vệ các con của mình. Mẹ thương con rất đều, không phân biệt con trai hay con gái. Nhà có hai chị em, bao giờ cũng vậy, có cái bánh mẹ luôn chia hai phần - phần lớn và phần nhỏ. Phần lớn mẹ dành cho đứa lớn, phần nhỏ hơn mẹ để cho đứa nhỏ. Mẹ giải thích, “đứa lớn ăn nhiều hơn, sức ăn mạnh hơn đứa nhỏ nên chia cho đứa lớn nhiều hơn đứa nhỏ. Không để chuyện đứa lớn thèm mà không đủ ăn, còn đứa nhỏ ăn được chia nhiều rồi ăn không hết”. Rồi mẹ dạy, chị em phải thương nhau, chị ngã em phải nâng; em ngã chị phải đỡ. Hai chị em cãi nhau, bất cứ là ai sai, mẹ đều bắt hai đứa lên giường, nằm sấp xuống, mẹ oánh hết cả hai. Chính vì vậy mà làm việc gì cũng có chị có em, ăn gì cũng chị em cùng ăn chung chứ không có chuyện chị một nơi, em một nẻo, càng không có chuyện em làm gì sai mà chị không biết và ngược lại. 

Ngoại nghèo, không để tiền bạc, đất đai lại cho các dì và mẹ. Nhưng ngoại để lại cho mẹ, các dì tài sản vô giá mà không phải ai cũng có thể để lại cho con cháu về sau - đó chính là nền tảng vững chắc về giáo dục, về tình yêu thương của các thành viên trong gia đình. Đó là điều quý giá nhất trong cuộc sống ngày nay và luôn luôn cần thiết, không bao giờ trở nên cũ kỹ, lạc hậu đối với các thế hệ cháu, chắt sau này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày