NSGN - “Ta cứ ngỡ trần gian là cõi thật/ Thế cho nên tất bật đến bây giờ.”
Hai câu thơ này được trích dẫn từ một bài thơ của cố thi sĩ Bùi Giáng. Ông còn được biết đến là nhà biên khảo triết học và dịch thuật văn học nước ngoài từ những thập niên 60. Ông có một cuộc sống vượt quá ước lệ thế tục trong một phong cách nửa thực, nửa hư rất kỳ bí, như có lần trong tâm trạng u hoài ông diễn cảm:
“Chợt có lúc trên đường tôi đứng lại
Ngó ngu ngơ xưa chính ở chỗ này”.
Nói rằng hiện hữu là hiện hữu từ lý Duyên khởi, tức là tùy thuộc - phát sinh;
và như vậy, tự tính của hiện hữu là không thực có - Ảnh minh họa
Tương tự như vậy, có một lần Stcherbatsky, nhà triết học Tây phương nổi danh có nhiều công trình nghiên cứu Phật học, khi đang ngồi trên ghế viết “Buddhist logic” đã nói: “Nói cái ghế đang ngồi là ‘không’ thì thật là đầu óc của những người khùng, nhưng tôi vẫn biết nó là ‘không’”.
Có điều mâu thuẫn chăng?
Khi nói đến nhận thức tức là có chủ thể nhận thức đặt trong một mối tương quan với đối tượng được nhận thức nào đó. Trên phương diện nhận thức luận và giải thoát luận thì bất kỳ một hiện hữu nào cũng được nhận diện qua ba tính chất:
- Tự tính giả lập: Thông thường, ta thường sở hữu hóa căn tính sự vật qua nhận thức của mình và đặt một tên gọi nào đó, tuỳ thuộc vào quan điểm chung của cộng đồng và thời đại. Như vậy, tự tính giả lập đó hoàn toàn khác biệt với sự thể, mà chính nó bị giả lập bởi sự định danh. Sự giả định này xuất phát tự giao thoa của sự hòa hợp tương tác bởi căn-trần-thức (giác quan, đối tượng và cái biết). Ví dụ: Nước Pháp, tự thân nó khác biệt với cái gọi là Pháp.
- Tự tính tùy thuộc là sự nương tựa nhau: tương tác với nhau mà hiện thành nên một sự thể hiện hữu. Tự tính tùy thuộc này đồng nghĩa với duyên sinh tính và vô ngã tính. Ví dụ cái ghế ngồi, nó là tổng hợp của gỗ, đinh, bàn tay, khối óc, người thợ.... Như vậy, mỗi hiện hữu xuất hiện như là chính nó (tổng tướng) lại vừa xuất hiện như cái gì khác nó (tự tướng). Tự tính tùy thuộc này thể hiện một tiến trình hiện hữu của sự vật.
- Tự tính tuyệt đối có ý nghĩa rằng hiện hữu là như như, không mang tự tính giả lập, và ngay cả tự tính tùy thuộc chính là duyên sinh tính hay tự tính Không. Khái quát hơn đó là thực tính - vô tính, mang đặc tính Niết-bàn.
Ba tự tính nói trên luôn luôn hiện hữu trong cùng thế giới thực tại mênh mông bao la. Nhận thức rõ ràng ba tự tính sẽ mở ra cái nhìn như thật, được phóng chiếu trên hai mặt tương đối và tuyệt đối. Trên mặt tương đối, hiện hữu được nhìn thấy là hữu vi thuộc về pháp sinh diệt. Trên mặt tuyệt đối, hiện hữu được nhìn thấu tận bản thể vô vi không sinh, không diệt, là Nhất thể.
Đại luận sư người Ấn, ngài Nguyệt Xứng xác nhận rằng tất cả mọi sự vật hiện tượng đều mang hai khía cạnh khác nhau. Một khía cạnh, mang tính quy ước hay tương đối có thể nhận biết qua kinh nghiệm cảm nhận về mọi hiện tượng và một khía cạnh mang tính cách tuyệt đối và chỉ có thể nhận biết qua sự quán thấy của trí tuệ Bát-nhã, hay vô phân biệt trí.
Như vậy, cái thật được định nghĩa qua hai cách nhìn khác nhau về thực tại: cách thứ nhất liên quan đến các kinh nghiệm cảm nhận giác quan thường ngày trong cuộc sống và cách thứ hai liên quan đến sự hiểu biết tối hậu của thực tại. Chúng ta hiểu rằng hai sự thật đó chỉ là hai cách nhìn khác nhau về sự vật hiện tượng tạo ra thế giới đang sống. Và cũng cần xác định rằng sự thật tối hậu vượt qua khả năng của tri thức thông thường mang tính nhị nguyên. Bất cứ đối tượng nào mà nhận biết được bằng trí thức nhị nguyên đều được xem là mang tính cách tương đối và quy ước.
Sự thật và hiểu biết của tri thức
Đối tượng của nhận thức như sông, núi, nhà cửa, xe cộ, đàn ông, đàn bà... trước mắt chúng ta đều là những gì được xem là hiện thực, là thật. Đây chính là sự hiện diện của thế giới thực tại khách quan, một thế giới với muôn vạn đa thù sai biệt, dù muốn hay không nó vẫn là đối tượng của nhận thức.
Tuy nhiên, cái mà gọi là những tính cách đặc thù của thế giới thực tại khách quan mà thực chất chỉ là tự tính giả lập, nó được giả định bằng quy ước đơn thuần và do tri thức thường nghiệm tạo nên. Sự thật này chưa thoát ly khỏi biên kiến của sự phân biệt nhị nguyên “có và không”. Đây là cái bàn làm việc, nó là thật đấy chứ, ở trước mắt ta. Các nhà vật lý nói không phải đâu! Đi sâu vào trong nó, họ chỉ thấy không gian và những điện tử quay cuồng với tốc độ gần tốc độ ánh sáng và càng vào sâu hơn nữa chỉ thấy các hạt cực nhỏ, có chu kỳ sinh, diệt chóng mặt.
Cái nhìn của các nhà vật lý đã khác hẳn với cái nhìn của người thường, họ thấy gần sự thật hơn. Tuy vậy khi cần ăn bánh họ vẫn ăn như mình dù họ biết trong đó là không gian chiếm phần lớn và chỉ có ít vật chất.
Trên bình diện ngôn ngữ, tiếng nói đầu tiên về thực tại, sự thật như thế được gọi là “Tướng vô tánh”.
Từ thế giới ý niệm cho đến thế giới thực tại khách quan luôn luôn có sự tác động lẫn nhau và điều kiện hóa cho nhau. Tất cả đều là hiện hữu tương duyên, nên biểu hiện là vô thường. Vì vậy khi nói rằng thế giới có thật như trong ý niệm thì đó là một hợp tướng, đó là sự vướng mắc vào một đối tượng. Cái mà gọi là hợp tướng chỉ là ước lệ ngôn ngữ, không có thực chất.
Nói rằng hiện hữu là hiện hữu từ lý Duyên khởi, tức là tùy thuộc - phát sinh; và như vậy, tự tính của hiện hữu là không thực có. Do đó hiện hữu chính nó là “thực tại - hiện hữu”, nó thoát ly ngoài và thoát ly khỏi tương đối tính. Nó là thực tại tuyệt đối, bất khả tư nghi, bất khả thuyết, một cảnh giới thực tại tối hậu từ tự thể hay thực tại tánh Không hoặc thực tại Nhất thể.
Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc
- Sắc là pháp, là hiện tượng sự vật, nó đại biểu cho cái đa thù, cái vô số. Đây chính là sự hiện diện của thế giới hiện tượng khách quan, thế giới mà chúng ta đang sinh sống với tất cả những hình tướng ta thấy. Thông qua các kinh nghiệm cảm nhận quy ước của chúng ta, các sự vật hiện ra rất thật và dường như sự hiện hữu này khách quan, độc lập. Chẳng hạn như nhìn thấy một con chim, một cái xe, một con người..., chúng ta hẳn nhiên cho rằng những thứ ấy đúng là vậy, nhưng chính ra đó là những sự thật quy ước. Bản chất đích thực của các thứ này là tánh Không, là Nhất thể.
- Không hay thực tại tánh Không theo Đức Đạt Lai Lạt Ma quan niệm: “Tánh Không là bản chất tự tại và đích thực, thuộc “bên trong” của mọi sự vật, thế nhưng đồng thời bản chất ấy cũng bị chi phối bởi hiện tượng tạo tác tương liên, khiến làm phát sinh ra đủ mọi hình tướng tức là các biểu hiện “bên ngoài” của chúng, và đấy cũng chính là nguyên nhân tạo ra tình trạng đa dạng của thế giới”.
Như vậy, tánh Không là một danh từ dùng để mô tả và cắt nghĩa thuộc tính của thế giới sự vật hiện tượng dựa trên hai tính chất “bên trong” và “bên ngoài” .
Tính đa dạng thuộc lãnh vực của các kinh nghiệm cảm nhận thường ngày chính là hình tướng, nhưng hình tướng đó lại không hàm chứa một hiện hữu nội tại nào cả và không mang thực thể riêng biệt và độc lập. Cái hình tướng này chỉ có thể hiện hữu nhờ vào sự liên kết với các nguyên nhân khác như điều kiện phát sinh ra nó, hoặc là các thành phần hợp tác cấu tạo ra nó. Cũng chính vì lý do này mà trong Tâm kinh Đức Phật dạy rằng: “Hình tướng là trống không, trống không là hình tướng”.
Do đó, thực tại tánh Không này phải được nhìn từ hai mặt: giả danh tức là tên gọi lâm thời cho một sự thể và trung đạo là chân lý, siêu việt cả hai phương diện tương đối và tuyệt đối. Quan điểm của Đại thừa thì hai chân lý này “bất khả phân ly”: Hãy tìm Niết-bàn trong sinh tử.
Quan điểm này xác định một mối quan hệ tương đồng giữa hai thế giới xem ra khác, nhưng lại phô diễn trong một mô hình toán học: “Quan hệ đẳng cấu”.
Sự đẳng cấu giữa hai thế giới tương đối (sắc) và thế giới tuyệt đối (không)
Tâm kinh lại viết: “Sắc chính là không, không chính là sắc, “ hàm ý khẳng định: hai thế giới tương đối và tuyệt đối có vẻ khác nhau đó, thực ra là một.
Trong toán học có một khái niệm ta đề cập ở đây là sự đẳng cấu, nói lên một quan hệ đồng nhất về một mặt cấu trúc hay chức năng nào đó giữa những hệ thống. Do sự phức tạp của định nghĩa nên có thể mô tả qua hai giai đoạn như sau:
+ Một tập hợp M với tính chất xác định R giữa các phần tử x của M. Một tập hợp N với tính chất xác định Q giữa các phần tử z của N. Nếu giữa 2 tập M và N có một tương ứng một - một sao cho 2 phần tử x của M và z của N tương ứng với nhau khi x có tính chất R thì z có tính chất Q (hoặc x không có tính chất R thì z không có tính chất Q).
+ Định nghĩa về đẳng cấu mở rộng cho một tập hợp các tính chất R và Q, kể cả tập hợp n phần tử x, và n phần tử z.
Bên ngoài lãnh vực toán học, khái niệm đẳng cấu còn được áp dụng cho các lãnh vực khác, lúc đó các phần tử được thay thế bằng những từ hiểu theo nội dung cụ thể, chứ không được định nghĩa một cách hình thức và không còn tính chặt chẽ toán học nữa. Trên góc độ này, mối quan hệ đẳng cấu hàm ý rằng hai thế giới khác nhau hay hai thế giới có vẻ khác nhau, thực ra không hề như thế.
Vì vậy, “sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc’ nói lên rằng thế giới của sắc “đẳng cấu” với thế giới của không. Mặc dù thế giới hiện tượng rất khác lạ đối với thế giới Nhất thể (thế giới tánh Không), trên thực tế hai thế giới này không hề khác biệt, tức không phải một nhưng không phải hai. Chúng ta đang vận hành ở cả hai thế giới này cùng một lúc (chúng là một thế giới) và hầu như chúng ta chưa thực sự trải nghiệm được thế giới của Nhất thể, nên thế giới đó chỉ là ý niệm, không phải cái mà ta thực sự cảm thấy.
Thiền sư Santideva (Tịch Thiên) là Giáo sư Đại học Na-lan-da “cho rằng khi nào đã cảm nhận được tánh Không một cách thường xuyên thì chúng ta cũng sẽ dần dần loại bỏ được tác động của những phản ứng bản năng quen thuộc xuất sinh từ các chủng tử kết tập ở quá khứ xa xăm hay mới huân tập. Từ đó ta loại trừ được các xu hướng mang tính nhị nguyên được sinh khởi do sự giao tiếp giữa chủ thể và đối tượng.
Ngài Long Thọ (Nagarjuna), một Đại sư và triết gia người Ấn, giải thích rằng tánh Không như là một sự hòa tan của tất cả mọi thứ tạo dựng nên nhị nguyên.
Trên quan điểm đó thì vạn pháp bao gồm sự vật có hình tướng vật lý như con người, cây cỏ... đến các yếu tố tâm lý như vui buồn, yêu thương, giận dữ, nụ cười, hạnh phúc, hay bất hạnh đều là những biểu hiện của tánh Không. Vậy tánh Không là gì? Là tất cả những hiện tượng này mà không có nhãn hiệu dán lên chúng, có nghĩa là ta buông xả đi tất cả các nhãn hiệu, các tư tưởng về sự vật hiện tượng mà chỉ còn lại “cái đang là”, nó “chỉ-là-như-thế”, nó và mình chỉ là như thế, hiện thực cũng chỉ là như thế.
Ngày xưa, thầy Nguyễn Bá Học, cũng là một nhà văn, khi viết “Lời khuyên học trò” chắc thầy chưa nghiên cứu về tánh Không, nhưng đã thấy tâm thức có vai trò tạo dựng nên thế giới Nhị nguyên, nên thấy có so đo, khó dễ, xa gần, có ngăn ngại núi sông.
“Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi
Mà khó vì lòng người, ngại núi e sông”.
Thầy Nhất Hạnh có kể lại chuyện một thiền giả nói như sau:
“Khi tôi chưa học thiền thì thấy sông là sông, núi là núi. Khi tôi học thiền thì thấy sông không phải sông, núi không phải núi. Bây giờ học thiền rồi thì thấy sông là sông, núi là núi”.
Núi sông, chỉ là những khái niệm quy ước, trong thế giới Nhị nguyên, nên khi ở thời khắc học thiền, hành giả đã buông xả sự dính mắc vào những khái niệm của mình, và khi những dính mắc bị rơi rụng, thì hiện thực như nó-đang-là sẽ có mặt.
Điều phải làm
Trong kinh nghiệm thiền định (Chỉ và Quán) thì phương cách trải nghiệm để cảm nhận tính Nhất thể, là phải buông bỏ cho được thể dạng tâm thức vô minh, bám víu vào ý niệm sự hiện hữu nội tại của “cái tôi”, tăng thêm ảo giác về “cái tôi” tức là tin vào sự vững chắc của nó, dù thực tế nó không hề hiện hữu. Chính “cái tôi” là hành trang nặng nề, chất chứa đầy những khái niệm và ý tưởng nên đã ngăn ngại đối với cái thấy về tính Nhất thể.
Đo tính đẳng cấu của hai thế giới: thế giới tương đối sinh diệt và thế giới tuyệt đối của Nhất thể, nên một khi ta hiểu được tánh Không, thì sẽ có hành trang đi vào đạo, mà đạo chính là cuộc sống, Sinh tử tức Niết-bàn.
Và một khi thực chứng được đạo, ta sẽ không còn vướng bận thắc mắc về bản chất của thực tại và hiện hữu, về cõi thật hay không thật nữa. Vấn đề, tất cả những gì còn lại là sự hoạt dụng của thực chứng đó, và để làm được điều này ta phải phủi bụi hàng ngày, bằng cách buông bỏ cái tôi. Không có cái tôi thì mọi thứ chỉ là như chúng, tồn tại độc lập khỏi những ý niệm và sự phân biệt của chúng ta, lúc đó có được nhiều “ánh sáng” hơn nữa để vào đạo.
Học Phật đạo là học chính mình. Học chính mình là học quên cái tôi. Quên cái tôi thì ngộ ra tất cả các pháp, ngộ ra các pháp thì thân tâm của mình và thân tâm của tha nhân cũng rơi rụng nốt. Tỷ như khi đang ở trong con thuyền, nếu chỉ nhìn vào bờ ta có ảo tưởng bờ đang chạy, nhưng khi nhìn thuyền dưới chân mình mới hiểu rằng thuyền đang chạy.
Học Phật đạo là theo lộ trình văn-tư-tu. Trước hết phải hiểu, không hiểu thì hành động sẽ mù mờ; rồi đến hành động, nếu không có, sẽ không có hiệu lực. Sau cùng hiểu và hành động thành một.
Thật hay không thật, vướng mắc và mê lầm không đến từ thế giới, mà chính là từ những quan niệm và thái độ hành xử về thế giới, từ tương quan của chúng ta với thế giới. Câu hỏi đích thực phải là chúng ta cảm nhận thế giới là gì?
Đặng Công Hanh
________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tuệ Sỹ, Triết học tánh Không, NXB.Hồng Đức, 2013.
2. Đạt Lai Lạt Ma, Tu tuệ (Hoang Phong dịch), NXB.Hồng Đức, 2013.
3. Bernie Glassman, Vòng tròn bất tận (Nguyễn Quyết Thắng dịch), NXB.Hồng Đức, 2014.