Con dại cái mang

GNO - “Với tư cách là người có trách nhiệm liên đới, chúng tôi xin thành tâm sám hối chư tôn đức lãnh đạo các cấp GHPGVN, xin lỗi chư Tăng Ni, Phật tử và bạn đọc. Rất mong quý ngài cũng như quý vị niệm tình hoan hỷ cho sự cố ngoài ý muốn này”.

Lời bộc bạch ấy của TT.Thích Bửu Chánh (trụ trì thiền viện Phước Sơn, tỉnh Đồng Nai) trên một trang báo mạng sau khi xảy ra sự cố phản cảm “nam ca sĩ khóa môi nhà sư” làm tôi cảm thấy xốn xang, rưng rức. Mà chắc nhiều người cũng cảm thấy như vậy, bởi vì nghĩ tới câu “con dại cái mang” của người xưa.

phancam3.jpg

Chỉ vì sai lầm của mình mà thầy phải đứng ra xin lỗi, sám hối... - Ảnh: Xzon

Chợt đau lòng mà nghĩ tới cảnh làm cha, làm mẹ, làm thầy phải chịu điều tiếng từ những người xung quanh, dư luận nếu chẳng may con cái, học trò mình không tốt trong cuộc làm người… Và, cũng là chợt nhớ, má tôi ngày xưa dặn dò: “Nếu con thương má thì con phải sống tốt, sống đàng hoàng, tử tế, đừng để người ta coi thường, hay người ta sẽ cười má không biết dạy con…”. Câu nói ấy như “kim chỉ nam” để tôi răn mình, cố gắng gìn giữ bản thân trong cuộc sống.

Dẫu biết làm người, dù là xuất gia hay thế tục thì ai cũng sẽ có lúc sai trái vì tập khí không tốt vẫn còn vấn vương, vì tam độc tham-sân-si vẫn còn trong tâm thức, dày đặc đó. Nhưng, cũng biết là có những vị trí làm người ta không được phép sai như thế và nếu sai, nghĩa là ta cần phải tự hổ thẹn mà sám hối, mà chịu sự xử lý nghiêm của nội quy xã hội, đoàn thể mà ta đang sống. Hình thức xử lý trong đời hay đạo cũng được ghi rõ ràng từng điều khoản cụ thể, nhưng có những ảnh hưởng hay mất mát mà lắm lúc ta khó lấy lại, dẫu là cả đời. Trong đó, có việc lấy đi nước mắt của người thân, của bậc trưởng thượng, để cha mẹ, thầy tổ phải liên lụy, chịu trách nhiệm.

Dư luận sẽ lắng đọng theo thời gian, nhưng những âm ỉ trong lòng người có trách nhiệm thì nhiều khi khó nguôi ngoai. Nhất là khi dư luận đã từng “quăng bom”, “ném đá”, y như chém một nhát chí mạng vào những người thầy rằng, đã dạy, đã quản đệ tử thế nào để phải ra nông nỗi như thế?

Nhưng, nếu ai làm thầy, làm người đứng đầu, lãnh đạo rồi mới thấy có cái khó của vị trí ấy. Nhận đệ tử ai chẳng muốn học trò mình nên người, sống tử tế với cuộc đời, tu giỏi để nối truyền mạng mạch Phật pháp. Song, lắm khi tâm tánh học trò, nhất là khi đã tạm “đủ lông đủ cánh” thì nôn nóng rời thầy mà dấn thân, đôi khi là chứng tỏ bản lĩnh nhưng lại thật chưa đủ vững chãi nên ngã đổ giữa chừng.

Khi đó, dư luận thường truy gốc tích, con ai, học trò ai để mà xem xét hướng xử lý, để mà gắt gao gặng hỏi… Rồi chính thầy tổ, người đứng đầu lại phải đứng ra xin lỗi, sám hối, lại phải vướng vào thị phi trong khi đa đoan Phật sự. Nghĩ thế để mà ân cần nhắn gửi, nếu ai đó thật tu, thật thương thầy thì đừng vì những phút vui giây lát rồi phải để thầy mình liên lụy, tai tiếng đó đây.

Nghĩ thế mà thương, mà cảm thông cho những người thầy. Cũng là để nhìn bằng đôi mắt nhân văn hơn, dù sao thì những người phạm lỗi lầm (dù trẻ) nhưng đã đủ lớn để tự chịu trách nhiệm rồi, phải không?

Tĩnh Tâm

Khi bài viết này đăng tải thì theo nguồn tin từ thiền viện Phước Sơn, sau khi nhóm chúng, tác pháp Yết-ma, chư Tăng thiền viện đã thống nhất xử lý biệt chúng 3 tháng (cấm túc, không cho tiếp xúc bên ngoài) đối với Tăng sĩ Thích Pháp Định (trú xứ tại thiền viện, có hình ảnh không đẹp như đã nêu).

Tổ CTBĐ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày