Con đường có lá me bay

GNO - Con đường ấy gắn bó với tôi biết bao kỷ niệm của thời đi học. Tôi gọi đó đường hàng me, mặc dù cái tên chính thức của nó là đường Sư Vạn Hạnh (Q.10, TP.HCM).

Ngày ấy, tôi là sinh viên của Trường Cao đẳng Phát thanh và Truyền hình II (75 Trần Nhân Tôn, P.9, Q.5, TP.HCM). Cùng với nhóm bạn tỉnh lẻ miền Tây, chúng tôi thuê phòng trên con hẻm chằng chịt ở gần Bệnh viện Hòa Hảo. Nơi đây rất vui, vì hầu như những hoàn cảnh khốn khó đều hội tụ về đông đúc như một ngôi làng nghèo thu nhỏ.

la me.jpg


Vòm me xanh trong trí nhớ - Ảnh: Internet

Đường nằm cắt ngang với đường Hùng Vương, Ngô Gia Tự nhưng khác nhau một trời một vực. Trong khi Hùng Vương, Ngô Gia Tự là những con đường lô xô nhiều dãy nhà cao tầng, quán ăn, khách sạn lúc nào cũng náo nhiệt thì đường Sư Vạn Hạnh lại yên ắng nằm lắng nghe nhịp thở thời gian.

Đến khuya, người ta mới nghe tiếng cười rõ to của những người lao động sống trong khu ổ chuột tạm bợ. Sau một ngày lao động vật vả, khuya, là thời gian để người ngụ cư được trải lòng mình. Họ nấu nướng, giặt giũ, nằm nghe radio hoặc trò chuyện với nhau về công việc, về đời tư. Đây cũng là lúc họ viết những lá thư tay gửi về cho gia đình. Đoạn tái bút, bao giờ cũng có giọt nước mắt rơi trên cánh thư.

Trong ký ức mang máng của mình, tôi nhớ ngôi nhà trọ nơi tôi ở có 3 lầu. Gọi là lầu chứ thật ra là những căn gác được chủ nhà xây tạm bợ trái phép nhằm kiếm thêm thu nhập. Sàn gác bằng gỗ, vách ván ép, nên nhất cử nhất động đều có thể làm phiền người khác. Vì thế, mọi người phải giữ ý thức, “đi nhẹ nói khẽ” vào buổi trưa và lúc khuya, khi mà ai cũng chìm vào giấc ngủ sâu.

Nơi đây, người ngụ cư có thể tình cờ bắt gặp đồng hương của mình: Bắc - Trung - Nam. Họ đến từ mọi miền đất nước để mưu sinh bằng mọi nghề chân chính: bán vé số, đánh giày, công nhân… và cả sinh viên như chúng tôi. Dù khác giọng nói, nhưng đều là dòng máu người Việt nên mọi người đều hòa đồng, vui vẻ. Lúc đầu còn xa lạ, bỡ ngỡ, chưa quen nếp văn hóa vùng miền. Nhưng khi đã thân rồi thì xem nhau như người một nhà. Thậm chí, có món gì ngon đều chia sẻ cho nhau.

Mọi người bảo, lý do họ chọn nơi đây ngụ cư không phải vì yên tĩnh (bởi do người lao động mưu sinh từ tờ mờ sáng cho đến khuya). Họ gắn bó vì không gian thoáng đãng, có hàng me xanh rì, mát mẻ. Chỉ cần bước ra phố, người ta có thể cảm nhận được tiếng rơi rất khẽ của chiếc lá me đang vương trên tóc mình. Những hàng me ở tuổi trưởng thành, nở hoa và cho trái đều đặn (nhưng trái lép do chọn làm cảnh).

Tôi thích những chiều đi học về, lang thang trên hàng me và ngắm nhìn những tán me xanh rợp trời. Chẳng vào nhà trọ vội, tôi cùng lũ bạn đánh xe một vòng quay về đường Trần Nhân Tôn, vào cửa hàng sách  mua vài quyển sách giảm giá còn mới tinh về nhà đọc. Hoặc lùng sục mua những danh tác xuất bản trước năm 1975 để đọc và lưu vào bộ sưu tập sách. Sách trước giải phóng chỉ có giá vài trăm đồng, giờ lên đến vài nghìn. Cô bán sách bảo rằng: “Cái gì cũ thường quý và có giá trị”. Mà đúng vậy, cái gì xưa cũ đều quý.

Những ngày nghỉ học, tôi cùng nhóm bạn chạy bộ từ đầu đến cuối con đường. Sáng sớm, mọi người tập thể dục rất nhộn nhịp. Chạy mỏi chân, vã mồ hôi, mỗi thằng tìm cho mình một chiếc ghế ở một quán nước vỉa hè. Cảm giác ngồi đó ngắm lá me bay, nghe tiếng chim kêu, cùng những thanh âm xào xạc của gió nghe thật thích thú.

Thỉnh thoảng, những đứa trẻ tinh nghịch trèo lên cây hái trái me. Dù bị ba mẹ đánh đòn, người đi đường khuyên bảo nhưng những cậu bé lí lắc vẫn không chừa tật leo trèo…

Tôi sống đó được vài năm rồi chia tay mọi người. Ra trường, tôi về Bình Chánh sinh sống. Dù vậy, tôi vẫn không quên những ký ức của thời gian khó. Nhớ nhất là 5 thằng ngồi uống chia 2 ly cà phê và tựa vào gốc me nhấm nghiền mắt…

Hôm tình cờ chạy ngang con đường cũ. Tôi giật mình vì sự thay da đổi thịt của đường. Những căn nhà lụp xụp đã dần biến mất, nhường chỗ cho những tòa nhà cao tầng còn thơm mùi sơn. Hàng me xưa giờ xơ xác quá đỗi. Có những cây chết gốc, gãy đổ, người ta phải thay bằng những cây phượng vĩ. Bỗng dưng nhớ lại thời sinh viên đạp xe ngang đây, chợt thương những hàng me già nua làm sao!

Đặng Trung Thành
(Tân Kiên, Bình Chánh, TP.HCM)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày