Còn mãi hoàng hoa

Nhà tôi bây giờ theo Phật, bỏ tục cúng gà để tránh nghiệp sát sinh nhưng bình hoa cúng Giao thừa, sau bao nhiêu năm đã trở lại là hoa vạn thọ...

Bữa nhận quyển lịch do Công ty TANIMEX gửi tặng, tôi lật đật mở ra xem rồi lầu bầu chê: cái ông thiết kế lịch này sao vô duyên, không dưng tháng Một, tháng Hai thì hình hai thằng nhóc con đang giỡn, còn tháng Ba, tháng Tư thì lại là cảnh cô thôn nữ đang gánh hoa vạn thọ.

71.jpg

Vía tôi lúc này ý chừng đang bảo, tuy mấy đứa con ít, thường được gọi là mầm non tương lai của đất nước, là mùa xuân của dân tộc, nhưng nên đưa về tháng Năm, tháng Sáu đi, vì có ngày Quốc tế thiếu nhi cho vui vẻ. Còn mấy tháng có Tết thì phải để cảnh có hoa vạn thọ mới đúng. Vì một lẽ đơn giản, không hiểu sao cứ nhìn màu vàng rực rỡ của hoa vạn thọ là thấy Tết đến liền hà.

Ngày còn nhỏ, tôi nhớ ông nội tôi thường mua vạn thọ, cúc đỏ, sống đời, phát tài cắm chung vào mấy cái bình bông cúng trên bàn thờ ba ngày Tết. Riêng bàn thờ cúng Giao thừa thì chỉ chưng hoa vạn thọ. Tôi thắc mắc hỏi thì ông nói: “Khởi đầu năm mới mình phải theo phong tục của ông bà, chưng hoa vạn thọ để mong mọi người trong gia đình được khỏe mạnh, sống lâu, trí óc thanh thản, sáng láng như màu hoa. Vạn thọ còn là màu vàng của tấm áo cà sa Bụt treo trên cây tre, bóng y phủ vàng tới đâu là đất của Phật, đất lành cho con người sinh sống trải đến đó để ma quỷ lánh xa”.

Ông tôi còn giữ hoa vạn thọ để cắm vào mỏ gà. Suốt thời thơ ấu, cứ gần giờ Giao thừa là tôi hồi hộp đi tới đi lui chọn sẵn một bông nở to nhất, tròn đầy nhất để khi gà vừa luộc xong, mang lên bàn thờ là tôi ngắt liền để cho gà ngậm.

Khi ông tôi mất thì mọi trật tự trong gia đình cũng mất theo. Bố tôi nói thời buổi này khá giả chút rồi, Tết nhất ai mà chưng hoài mấy cái bông vạn thọ, cúc đỏ, sống đời, thấy nó nghèo nghèo, tồi tội sao đó, mua bông khác đi. Rồi lay ơn, huệ trắng, ly ly, lan… “hội nhập” vào nhà tôi, thế chỗ cho mấy cái bông “quê mùa” kia. Lay-ơn nở màu đỏ chiến thắng trên bàn thờ cạnh chai rượu ngoại. Gà cúng giao thừa không ngậm hoa vạn thọ cũng có sao đâu. Vạn thọ ngậm ngùi cho số phận đoản mệnh, nhưng còn được đứng xớ rớ trong chậu hai bên cửa nhà tôi đón khách ra vào ba ngày Tết cũng là phước đức lắm rồi…

Copy of IMG_2526.JPG

Vạn thọ khoe sắc - Ảnh: Hoàng Độ

Lớn lên, có dịp đi đây đi đó nhiều miền đất nước, tôi bỗng nhiên “ngộ” ra một điều: Vạn thọ gắn bó với người dân Việt Nam nhiều thứ lắm chứ. Từ lúc mới sinh ra, cúng đầy tháng, thôi nôi em bé cho đến lúc thân này chết đi, thăm mộ, thăm cốt cũng thường cúng hoa vạn thọ.

Mỗi kỳ sóc-vọng, vạn thọ vẫn là loài hoa được đa số người dân mua để dâng cúng Phật, cúng ông bà, nghèo giàu gì cũng mua được vì có mắc mỏ lắm đâu. Tháng Chạp ở quê mình mà không thấy từng đám ruộng vạn thọ nở vàng, từng chuyến xe ngược xuôi chở hoa vạn thọ và không còn thấy vạn thọ đơm bông rực rỡ, khoe sắc cùng mai vàng ở khoảng sân trước hiên mỗi ngôi nhà quê, không thấy vạn thọ đem xuân đến cho mỗi góc chợ thành thị đến thôn quê bắt đầu từ ngày đưa ông Táo về trời thì Tết chắc là thiếu nhiều hương vị lắm.

Nhà tôi bây giờ theo Phật, bỏ tục cúng gà để tránh nghiệp sát sinh nhưng bình hoa cúng Giao thừa, sau bao nhiêu năm đã trở lại là hoa vạn thọ. Bình hoa đào, lay ơn trên bàn thờ cúng Phật, cúng Tổ tiên, tôi vẫn không quên cắm thêm vài ba cành vạn thọ, như để nhớ và biết ơn loài hoa bình dị, quê mùa, chân chất nhưng nếu thiếu sắc hoàng hoa này thì tâm linh mình có được trọn vẹn để đón một Nguyên đán - tháng Giêng?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày