"Con tham gia khóa tu đi, má cho tiền…"

GN - Tôi đã có một mùa hè mang dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời. Đó là vào năm 2009, khi tôi chuẩn bị lên lớp 11. Lần đầu tiên tôi tham gia khóa tu mùa hè 7 ngày dành cho tuổi trẻ tại chùa Phổ Minh (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

Ký ức đầu đời

Thuở đó, còn đi học nên ham chơi chưa biết đến chùa. Má tôi dù có khuyên cách mấy tôi cũng không đi vì cứ nghĩ ở chùa có gì vui. Mãi đến gần ngày khóa tu bắt đầu má mới dùng kế “chiêu dụ”. Má tôi nói: “Con mà đi tham dự khóa tu, má sẽ cho tiền”. Thấy thích, tôi đồng ý ngay. Nhưng tôi cũng ra điều kiện - hễ đến giờ đi học thêm là xin về rồi trở lại. Ấy vậy mà má chịu. Thế là tôi và má cũng bắt đầu cho một cuộc thỏa thuận.

Anh 2.jpg
Phật tử Anh Tuấn tham gia điều phối một sinh hoạt kỹ năng sống dành cho bạn trẻ - Ảnh: TGCC

Những ngày đó, chùa trở nên náo nhiệt với bao tiếng cười đùa của chúng tôi. Mọi hoạt động tu học như: thiền tập, nghe pháp, vui chơi đều rất lạ lẫm với tuổi thơ hồi đó nhưng tôi rất thích. Khi ấy, chỗ học cách chùa rất xa, tận 15km, thế mà học xong là cứ chạy về rồi lên lại. Đến ngày thứ 5 của khóa tu thì tôi không về nữa, có lẽ tôi đã bắt đầu “thấm tương chao”.

Niềm vui, tình bạn, tình thầy... với biết bao kỷ niệm lúc chia tay, tất cả đã để lại trong tôi những cảm xúc rung động đầu đời về mái chùa, tình người trên con đường học đạo.

Khi về, tôi kể cho má nghe thật nhiều điều về những ngày tu học và thầm cảm ơn má, người kết duyên đầu đời cho tôi đến với đạo.

Từ đó, tôi nhận ra và thay đổi rất nhiều điều về suy nghĩ và cách sống. Tôi thích lên chùa làm công quả và chơi với mấy chú điệu, khi ấy mỗi buổi tối là tụng kinh, công phu, học giáo lý đều đặn như một người tập sự thật thụ ở chùa.

Nhớ hoài, trước đó tôi cứ thích đi bẫy chim, trộm gà, ăn cắp tiêu, cà-phê nhưng khi được quy y và học tập năm giới, tôi đã từ bỏ hẳn, nên má rất vui.

Nhưng do tôi cứ thích ở chùa nên má đã đôi lần cấm cản. Má không muốn tôi ở  trên đó, chắc sợ tôi sẽ trở thành chú điệu mất.

May thay, tôi có người chú đi tu, năm đó chú về quê thăm gia đình. Lần đó, gia đình cùng đi Bản Đôn chơi, nhưng tôi cứ ngắm nhìn chú suốt, một hình ảnh rất đẹp và thanh thoát mà lâu nay tôi chưa bao giờ hình dung đến. Tôi thấy vui và may mắn khi gia đình mình có được một người xuất gia đạo mạo trang nghiêm, cung cách ăn nói, bước đi điềm tĩnh đến lạ.

Nhớ nhất là hình ảnh chú đứng trên tảng đá giữa cảnh núi rừng Tây Nguyên, tôi cứ ngỡ như một ông Bụt hiện ra trong câu chuyện cổ tích. Tự nhiên trong tôi lại có ý nghĩ muốn được như chú, muốn trở thành người xuất gia thật sự, nên khi về là xin má tiền may liền một bộ đồ nâu để mặc, giờ nghĩ lại thấy mình thật hồn nhiên.

Bước chuyển an vui

Đến khi tôi vào Sài Gòn để làm việc cho Tập đoàn FPT năm 2017, được có duyên tìm hiểu và thực tập thiền qua pháp môn của Sư ông Nhất Hạnh - điều đó đã giúp tôi cảm nhận được sâu sắc về những giá trị sống có ý nghĩa mà tôi hằng tìm kiếm.

Tôi quyết định nghỉ việc ở công ty để dành trọn thời gian làm công việc tôi thích như được sống lại với chính mình, với những ước nguyện khi xưa hồi còn bé là được giúp đỡ cộng đồng, giúp các bạn trẻ hiểu hơn về Phật pháp và giá trị đạo đức ở đời.

Từ đó, tôi tham gia Câu lạc bộ Nhân Sinh, tu viện Khánh An (TP.HCM) và Tổ chức Vicaris - bảo trợ giáo dục cho trẻ em khó khăn. Hạt giống bồ-đề năm xưa đã được tưới tẩm trong tôi từng ngày, tôi tin rằng tình yêu thương chân thành sẽ giúp ta chuyển hóa những nội kết trong lòng và mang niềm hạnh phúc đến với người khác.

Đạo Phật dạy cho tôi hướng đến đời sống hạnh phúc và ý nghĩa, mà điều đó chỉ có mặt khi tôi chăm chỉ hành trì những phương pháp thực tập phù hợp cũng như luôn đối xử chân thành với mọi người. Từ bao giờ, tôi đã trưởng thành trong môi trường đầy ắp những nụ cười không toan tính, những ánh mắt trìu mến, những lời nói chân tình.

Từ những chuyến đi trên khắp các miền quê xa xôi của đất nước, được hòa vào với nhiên thiên, con người, nơi có những điều kiện sống khó khăn, tôi đã thấu hiểu sâu hơn về hai chữ “tình người”.

Tôi như cảm nhận được rằng, đất mẹ đã nuôi dưỡng tôi, đưa tôi đến để trò chuyện với người có những trăn trở, khó khăn tại những vùng đất mới. Càng đi, tôi càng nhận ra mình thật nhỏ bé giữa mênh mông, nhưng tôi không được phép để lòng mình nhỏ hẹp.

Tôi tâm niệm rằng, con người ta hễ được nuôi dưỡng và lớn lên bằng chất liệu gì thì có thể chúng ta sẽ có những đặc điểm giống với chất liệu ấy. Ví như được nuôi dưỡng bằng  từ bi và trí tuệ thì chúng ta sẽ có từ bi và trí tuệ.

Hiện tại, có thể tôi đang chọn cho mình một hướng đi khi được sống, được tưới tẩm và sinh trưởng trong dòng chảy tươi mát của Tăng đoàn và đạo pháp. Tôi bước đi trên con đường ấy bởi những giá trị đạo đức thánh thiện luôn được biểu hiện và sáng soi.

Sắp tới đây, tôi sẽ bước một bước lớn nữa trên con đường học đạo. Đó chính là con đường mà chú tôi đang đi, và chắc rằng đây cũng là điều mà tôi đã từng ấp ủ của mười năm về trước…

Bùi Công Anh Tuấn (TP.HCM)

Tôi học Phật


Đây là tiểu mục nhỏ trên trang Tuổi trẻ của báo Giác Ngộ, mời bạn viết bài chia sẻ về việc tìm tới với đạo Phật, những chuyển biến tích cực từ khi học Phật, kinh nghiệm về việc tu học với những va vấp và chướng ngại mà bạn đã vượt qua.

Đó còn là việc hướng dẫn, chia sẻ giá trị của lời Phật dạy tới người thân, bạn bè hoặc người hữu duyên mà bạn làm được, họ có những thay đổi an vui, trở thành Phật tử…

Bài viết có thể là câu chuyện của bạn với những cảm xúc chân thành, đầy hoan hỷ khi thấy ánh sáng Phật pháp; hoặc cũng có thể là câu chuyện của ai đó mà bạn biết khiến bản thân xúc động…

Bài vở gửi về: bandocgiacngo@gmail.com, bài hay sẽ được chọn đăng trên tuần báo và Giác Ngộ online. Khuyến khích có hình ảnh về nhân vật/tác giả câu chuyện.


GNO

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Pháp niệm Phật nào đúng?

Pháp niệm Phật nào đúng?

GNO - Theo Phật giáo Phát triển (Tịnh Độ tông - Đại sư Ngẫu Ích, A Di Đà yếu giải) , niệm Phật nếu đạt nhất tâm bất loạn (Chỉ) thì thành tựu giải thoát, đoạn trừ các phiền não tham sân si..., mà không cần tu Tuệ (Quán). Theo Phật giáo Nguyên thủy, niệm Phật chỉ là một trong các tùy niệm...
Khóa lễ tụng kinh tại chánh điện chùa Tích Sơn

Vĩnh Phúc: Lễ hiệp kỵ chư tổ sư chùa Tích Sơn

GNO - Sáng 20-4, tại chùa Tích Sơn (P.Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Thượng tọa Thích Giác Minh, Ủy viên Thường trực Ban Pháp chế T.Ư, trụ trì chùa Tích Sơn cùng Phật tử đã trang nghiêm tổ chức Lễ hiệp kỵ chư vị lịch đại tổ sư.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự: Sẽ mời các bên liên quan để giải quyết tồn đọng của Giáo hội

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.

Thông tin hàng ngày