Cộng đồng Phật tử người Hoa

GN - Đối với cộng đồng Phật tử người Hoa, tháng Giêng không chỉ là tháng tu tập mà còn là tháng lễ hội với nhiều hoạt động truyền thống, trò chơi dân gian - đặc biệt là lễ hội Nguyên tiêu. Làm thế nào để Phật tử người Hoa có môi trường sinh hoạt lành mạnh, phù hợp và hiểu đúng tinh thần Phật giáo,đó là điều mà Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 5 nhiều trăn trở.

Chọn cho mình hướng đi phù hợp, trong những năm qua, nhiều vị trụ trì các chùa, tịnh xá trên địa bàn Phật giáo quận 5 đã linh hoạt sắp xếp chương trình tu học nhằm quyết tâm vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, vừa đẩy lùi tập tục mê tín đang tồn tại trong tư tưởng số đông Phật tử người Hoa.

nguoihoa.JPG


Phật tử người Hoa hoan hỷ tham dự Pháp hội Dược Sư tại chùa Vạn Phật

Đời sống tâm linh Phật tử người Hoa ngày càng thăng tiến

Cụ thể, các ngôi chùa lớn của Phật giáo người Hoa quan tâm nhiều đến việc tổ chức Pháp hội Dược Sư, cầu an cho Phật tử. Chùa Vạn Phật (đường Nghĩa Thục, phường 5) là địa chỉ đỏ cho cộng đồng Phật tử người Hoa đến để cầu an, thực tập nếp sống tâm linh trong những năm gần đây.

Từ ngày mùng tám tháng Giêng, chùa Vạn Phật bắt đầu khai đàn Dược Sư. Như đã thành thông lệ, 5 năm nay, cứ đến ngày 29 Tết là chùa ra thông báo tổ chức Pháp hội Dược Sư cầu quốc thái dân an, gia đình ấm no hạnh phúc; Phật tử truyền tai nhau đến chùa ghi danh sách, sau đó tham gia xuyên suốt từ ngày khai đàn đến ngày hoàn đàn. Mỗi năm số lượng người tham gia mỗi tăng, có năm tăng vài người, có năm tăng vài chục người. Đến thời điểm hiện tại, Tết năm 2015 đã có hơn 300 Phật tử tham gia đàn Dược Sư. 

ĐĐ.Thích Truyền Cường, trụ trì chùa Vạn Phật, cho biết: “Sở dĩ chùa Vạn Phật chọn ngày mùng tám khai đàn Dược Sư là vì ngày này, cộng đồng người Hoa có thói quen cúng sao. Chủ trương nhất quán của các chùa, tịnh xá Phật giáo người Hoa trên địa bàn quận 5 là không cúng sao, mà chỉ cúng cầu an cho Phật tử. Thế nên, khai đàn Dược sư, tụng kinh Dược Sư vào ngày này vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa giúp Phật tử theo đúng tinh thần của Phật giáo”.

Đàn Dược Sư tại chùa Vạn Phật kéo dài từ ngày mùng tám đến ngày mùng mười tháng Giêng, sau đó Phật tử tụng kinh sám hối đến ngày 14 âm lịch để cầu nguyện những điều tốt lành nhất đến với người thân, gia đình. Vào ngày rằm, chùa không tổ chức tụng kinh, Phật tử chỉ đến chùa thắp hương, lễ Phật. “Vì đã tham gia đàn Dược Sư, tụng kinh Dược Sư, sám hối chùa Vạn Phật tổ chức, nên ngày chánh rằm, tôi và gia đình đến hội quán Nghĩa An chơi. Tháng Giêng, vừa tu học tại chùa, vừa được vui chơi lễ hội ở hội quán, trung tâm văn hóa là điều rất hoàn hảo”, Phật tử Hoa Liên hoan hỷ cho biết.

Phật tử đến chùa lễ Phật cầu an trong ngày Tết Nguyên tiêu

Đối với các ngôi chùa, tịnh xá Phật giáo người Hoa có diện tích nhỏ trên địa bàn quận 5 thì từ ngày đầu năm mới, tức ngày mùng một đến ngày 14 âm lịch, đều tổ chức các buổi công phu tối, tụng kinh Dược Sư, sám hối cho Phật tử.

Điểm đặc biệt, năm nay tại tịnh xá Giác Hoa (đường An Bình, phường 6), ngoài thời kinh cầu an xuyên suốt trong các thời công phu từ đầu năm đến ngày 14 âm lịch thì ngày rằm, tịnh xá còn khai đàn Khổng Tước, ngày tiếp theo khai đàn Dược Sư để Phật tử có thêm duyên lành tụng kinh, cầu an cho gia đình.

nguoihoa (1).JPG


Phật tử người Hoa đến tịnh xá Giác Hoa cầu an trong ngày lễ Nguyên tiêu

6g30 phút ngày rằm tháng Giêng, ngồi canh đồng hồ đến giờ tụng kinh, cô Mỹ Phước bộc bạch: “Theo tín ngưỡng dân gian của người Hoa thì rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu, là lễ lớn. Gia đình tôi vẫn giữ truyền thống này nhưng tôi ưu tiên việc đến chùa tụng kinh, sám hối để hồi hướng, nguyện cầu an lành đến với gia đình, con cháu của mình trước tiên. Vì năm nay lần đầu tịnh xá tổ chức đàn Khổng Tước, đàn Dược Sư; cộng thêm đầu năm tới giờ gia đình tôi về quê hương, chưa tham dự khóa tu, khóa lễ cầu an nào nên hôm nay, gia đình tôi gác lại việc vui chơi lễ hội, sắp xếp đến đây tụng kinh. Gia đình, con cháu tôi ai cũng đến chùa cầu an, sau đó mới ra hội quán, trung tâm văn hóa chơi”.

Cũng như cô Mỹ Phước, chú Hiếu Nghĩa và những người đồng hương cũng bận về thăm quê hương trong dịp Tết nên đã bỏ lỡ việc tham gia đàn Dược Sư tại chùa Vạn Phật. Khi biết tịnh xá Giác Hoa tổ chức đàn Khổng Tước, cầu an cho gia đình trong năm mới, dù là ngày Tết Nguyên tiêu nhưng chú và những người bạn đồng hương vẫn đến chùa dâng hương, tụng xong thời kinh rồi mới đến hội quán tham gia các trò chơi dân gian.

Chú chia sẻ: “Ngày lễ Nguyên tiêu mà đến chùa tụng được thời kinh hồi hướng cho gia đình, đó là việc làm tốt lành. Không chỉ riêng tôi hay gia đình tôi quan niệm như vậy mà hàng xóm tôi cũng thế. Mọi người ở gần nhà tôi đều đến chùa lễ Phật, tụng kinh vào ngày này, xong rồi mới đi đây đó. Với Phật tử gốc Hoa chúng tôi, ngày lễ Nguyên tiêu đi hội quán chơi là thú vui tiêu khiển nhưng điều đó vẫn không vui, hạnh phúc bằng việc đến chùa tụng kinh cầu an cho gia đình”. Đó là lý do vì sao mà dù tịnh xá tọa lạc sâu trong con hẻm nhỏ, diện tích khuôn viên chỉ đủ 100 người nhưng các thời kinh đều đông Phật tử gốc Hoa tham gia.

ĐĐ.Thích Truyền Cường, Trưởng BTS GHPG VN quận 5:
“Sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo trong cộng đồng Phật tử người Hoa dần đi vào nề nếp”

nguoihoa (2).JPG

ĐĐ.Thích Truyền Cường

Đối với Phật giáo quận 5, việc khó nhất trong quá trình hoằng truyền Chánh pháp đến cộng đồng Phật tử người Hoa đó là đa số bà con thích tu phước nhiều hơn tu giải thoát. Mà chỉ tu phước thì rất dễ dẫn đến mê tín.

Thế nên, với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 5, thì không có niềm vui nào hơn là mỗi khi Phật tử, giới trí thức gặp Ban Trị sự đóng góp ý kiến, cho biết: “Thầy ơi, mấy năm nay con đi chùa thích lắm. Hay là: các chùa không có đốt nhang mù mịt; Phật tử đến chùa cũng đã có ý thức hơn trước. Chùa không còn cúng sao, chỉ cúng cầu an nên đến chùa rất trang nghiêm, thanh tịnh…”.

Để có được một số thành quả khởi sắc đó, đòi hỏi các vị trụ trì phải rất linh hoạt trong quá trình tiếp xúc, trò chuyện với Phật tử. Ví dụ như, những năm trước, có khá nhiều vị đến chùa xin ghi tên cúng sao, tôi liền từ chối. Tôi nói, các vị muốn ghi tên thì chúng tôi ghi tên cầu an chứ không đọc tên cúng sao; quý vị đồng ý thì ghi; rồi giải thích cặn kẽ cho từng người hiểu ý nghĩa của việc cầu an là như thế nào. Nhiều Phật tử đồng ý, ủng hộ. Khi tụng xong thời kinh, hồi hướng công đức, Phật tử y theo lời hướng dẫn: chỉ lạy Phật, xá Tổ chứ không lạy như tế sao, nên buổi tụng kinh rất thiêng liêng, thanh tịnh.

Mỗi lần họp nội bộ Ban Trị sự quận, tôi thường kể việc đó cho các vị trụ trì các chùa, tịnh xá nghe điều này, mong muốn các vị dần dần thay khóa lễ cúng sao bằng các khóa lễ cầu an.

Nỗ lực nhiều năm liền, cho đến thời điểm này, điều mà Phật giáo quận 5 đã thực hiện được xuất sắc đó là tất cả các ngôi chùa, tịnh xá Phật giáo người Hoa trên địa bàn quận 5 đều không tổ chức cúng sao, mà chỉ cúng cầu an cho bà con Phật tử. Vào ngày rằm tháng Giêng, các chùa, tịnh xá chỉ thực hiện khóa tụng kinh, chứ không tổ chức hoạt động vui chơi tại chùa.

Chùa, tịnh xá chỉ là nơi cộng đồng Phật tử người Hoa đến dâng hương, lễ Phật, cầu nguyện; còn vui chơi Tết thì đã có các hội quán, trung tâm văn hóa tổ chức. Nét đẹp thuần khiết mà Phật giáo quận 5 đang hướng tới đã nhận được khá nhiều sự ủng hộ của cộng đồng Phật tử gốc Hoa đang sinh sống tại quận 5.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày