"Mô Phật, chào chú đi các con!". "Mô Phật, chào chú ạ!". "Được rồi, các con vào nhà đi!". Lũ trẻ tản ra nhanh chóng. Sư cô trụ trì đưa tôi vào phòng khách. Tại đây, tôi được nghe những câu chuyện về hoàn cảnh của hàng trăm mảnh đời bất hạnh đang nương tựa nơi mái ấm tình thương chùa Diệu Pháp.
Ni sư Huệ Đức (bìa trái) và những mảnh đời bất hạnh |
Như là tiền định
Trước năm 1980, chùa Diệu Pháp nhỏ bé nằm trên một diện tích đất đồi rộng mênh mông bên con đường nhỏ thuộc ấp Tân Cang, xã Phước Tân, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (nay thuộc thành phố Biên Hòa, Đồng Nai). Nơi đây vốn chỉ đơn thuần là ngôi chùa của làng. Do điều kiện kinh tế khó khăn, địa điểm hoang vu, xơ xác nên chùa ít được quan tâm. Mấy đời sư trụ trì đều không ở nổi đã sớm bỏ đi. Thế rồi đầu năm 1982, có một ni sư tên tục là Hồ Thị Duyên Nhi, pháp danh Huệ Đức, quê tận Nam Giao (Thừa Thiên-Huế) phiêu dạt về đây. Nhà sư ở lại chùa Diệu Pháp, ngày ngày nhang khói niệm Phật tụng kinh, dọn dẹp chung quanh sạch sẽ. Từ đó, vào mùng một, hôm rằm người dân trong làng rủ nhau tới lễ chùa ngày càng đông đúc. Tiếng lành đồn xa, nhà sư Huệ Đức được cả làng quý mến. Và, có lẽ cũng chính bởi tiếng lành ấy đã mang đến cho sư cô bao nhọc nhằn, cơ cực nhưng chan chứa yêu thương...
Một buổi sớm cách đây 27 năm, khi tiếng chuông chùa vừa điểm, sư cô trụ trì Huệ Đức nghe tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Chạy ra tới cổng chùa, sư cô nhìn thấy một đùm khăn giãy giụa, tiếng khóc yếu ớt, lịm dần. Linh tính mách bảo, một đứa trẻ bị bỏ rơi, lập tức nhà sư bế sinh linh bé nhỏ ấy vào chùa chăm sóc. Những ngày đầu tập "làm mẹ" thật vất vả, khó khăn nhưng bằng tình thương vô lượng, ngày ngày nhà sư nấu cháo, lấy nước hồ cho đứa bé ăn. Cũng từ đây, đánh dấu sự ra đời của mái ấm tình thương chùa Diệu Pháp suốt gần 3 chục năm qua, bởi sau đó, những đứa trẻ bất hạnh, tật nguyền được "gửi" trước cửa tự ngày một đông hơn, tới nay cả thảy gần 200 cháu.
Trò chuyện với tôi, sư cô Huệ Đức cười hiền hậu: "Mọi sự đều do chữ duyên mà thành. Cha mẹ đặt tên tôi là Duyên Nhi nên tôi phải gần gũi, chăm sóc những đứa trẻ là chuyện đương nhiên. Duyên sinh, duyên khởi mà". Không chỉ cưu mang những cô nhi, trẻ em bệnh tật mà cả người già neo đơn không nơi nương tựa cũng được nhà chùa rộng lòng phụng dưỡng. Mấy chục năm qua, chùa Diệu Pháp đã trở thành "đại gia đình" của bao thế hệ trẻ, già bất hạnh.
Nhiều em ở mái ấm tình thương chùa Diệu Pháp đã học hành thành đạt |
Mỗi cái tên một cảnh đời
Dẫn chúng tôi đi thăm những căn phòng từ thiện xã hội, sư cô Huệ Đức giới thiệu: "Nhà chùa căn cứ vào độ tuổi và bệnh tật để sắp xếp chỗ ở cho phù hợp. Các cháu nam, nữ trên 10 tuổi, người già, người khuyết tật, trẻ sơ sinh... được bố trí ở riêng". Theo sự chỉ dẫn của nhà sư, chúng tôi tới khu dành cho những đứa trẻ dưới 5 tuổi. Tự nhiên tôi có cảm giác như vào khoa nhi của một bệnh viện. Ngoại trừ những đứa trẻ khoẻ mạnh nô đùa, chạy nhảy, mấy cháu nhỏ bệnh tật, ốm đau nằm trên giường, tội nghiệp. "Tù và, cao su, lượm 2... về chỗ đi nào"! - Tiếng một chị phụ nữ tuổi chừng 40 đang làm công quả chăm sóc lũ trẻ nhẹ nhàng nhắc nhở. Thấy tôi có vẻ tò mò về những cái tên nghe rất lạ, ni sư Huệ Đức giải thích: "Ở đây trẻ nhỏ rất nhiều, mỗi đứa có một hoàn cảnh nhập gia khác nhau, nhưng đều chung họ, đệm Hồ Đức Diệu (những chữ trong họ, tên của sư cô trụ trì và tên ngôi chùa chở che các cháu - TG), nên để ghi nhớ và không nhầm lẫn, chúng tôi đặt tên các cháu theo đặc điểm riêng". Chỉ vào mấy đứa trẻ đang tíu tít nô đùa, sư cô nói tiếp: "Đứa áo vàng là Hồ Đức Diệu Thương, tên thường gọi là Cao su, bởi nhà chùa nhặt được cháu trong vườn cao su khi chỉ còn mong manh hơi thở. Đứa ngồi trong xe đẩy là Hồ Đức Diệu Tâm, tên thường gọi là Chó. Ba năm trước trong lúc một ni cô đang dọn dẹp sân chùa thì thấy con chó đốm tha về bọc vải, nó thả ngay dưới chân tượng Phật rồi sủa vang. Bởi vậy, thằng bé còn có tên là Chó. Đứa áo chấm hồng là Hồ Đức Diệu Tường, tên thường gọi là Tù và vì hay hờn, hay khóc, có đêm nó khóc lặng người, tím ngắt. Còn cháu mặc quần áo trắng nằm trên giường kia là Hồ Đức Diệu Hoa, tên thường gọi là Trâu. Năm ngoái mới mồng 2 Tết, nó đã bị vứt bỏ ngay trước cổng chùa. Nghĩ cũng tội, con bé cỡ gần tháng tuổi, mắc bệnh não úng thuỷ bẩm sinh, nhà chùa đã nuôi hơn một năm mà cứ quắt queo, chỉ cái đầu là to và ngày càng nhũn. Mô Phật, chẳng biết nó còn được hưởng dương bao lâu nữa!"...
Cúi xuống bế bé Trâu đang nằm trên giường mắt nhìn vô định, vẻ mặt nhà sư lộ nét đau thương, hai hàng nước mắt từ từ lăn trên gò má. Nhìn cảnh tượng ấy tôi thấy lòng quặn thắt, chiếc máy ảnh trên tay cứ run run, nhòa nhạt. Càng thương cảm những số phận hẩm hiu tôi càng thấu hiểu nỗi vất vả và tấm lòng từ bi, nhân ái của các tăng, ni chùa Diệu Pháp. Trong khi không ít ông bố, bà mẹ nhẫn tâm vứt bỏ con ruột của mình thì những nhà sư nơi đây đã dang rộng vòng tay ngày đêm nâng giấc chúng. Thật đáng khâm phục biết bao!
Bước tới dãy nhà phía trong, ngay trước cửa phòng người già, tàn tật, một phụ nữ ốm nhom, tiều tụy đang ngồi xúc cơm ăn mà thân hình cứ lắc lư, chao đảo. Những hạt cơm rơi vãi theo nhịp giật liên hồi của cánh tay. Sư cô Huệ Đức lắc đầu ái ngại: "A di đà Phật! Mười mấy năm trước, khi mới gửi vào chùa bà Đào Thị Yến (tên người phụ nữ) còn trẻ đẹp lắm! Nghe nói bà ấy làm thư ký cho ông chồng là luật sư nhưng bị phụ tình, bội bạc dẫn tới suy sụp tinh thần, nảy sinh bệnh tật. Nhà chồng hắt hủi rồi gửi vào đây. Mấy năm nay bệnh của bà ấy thêm nặng, co giật suốt ngày nên chúng tôi gọi là bà Múa".
Tôi nhìn vào trong phòng, hơn chục người già cả đang ngồi lặng lẽ. Dường như nỗi đau đã làm ngộ ra câu nói của nhà Phật "sắc sắc, không không".
Ni sư Huệ Đức chăm sóc bé Trâu bị bệnh não úng thủy |
Niềm hạnh phúc
Trở lại góc trưng bày trong phòng khách nhà chùa tôi chăm chú xem những bức hình lưu niệm của các em đã từng được nuôi dưỡng tại đây. Trong số đó có nhiều em đã trở thành cử nhân, dược sĩ. Sư cô trụ trì cho biết: "Hiện tại nhà chùa có 102 cháu đang được học tập ở các trường tiểu học, trung học; 41 cháu đang học cao đẳng, đại học ở Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh và Huế. Ngoài ra, còn 7 cháu đã đi xây gia đình riêng. Sự trưởng thành của lũ trẻ là niềm hạnh phúc lớn lao nhất đối với nhà chùa". Tìm hiểu thêm tôi được biết, vào dịp Tết, ngày hè các em đã trưởng thành đều dành thời gian về thăm "ngôi nhà chung", tặng quà, cho tiền những đứa nhỏ đồng cảnh ngộ gọi là góp chút công san sẻ khó khăn cùng mẹ Huệ Đức. Em Hồ Đức Diệu Hiền, đứa bé đầu tiên sư cô Huệ Đức nhặt được trước cổng chùa năm 1983 nay đã có chồng con, tâm sự: "Dù đã lớn, đã rời xa mái ấm tình thương để tự lập thân kiếm sống nhưng chúng em vẫn cung kính khắc ghi công lao nuôi dạy của mẹ Huệ Đức và luôn có trách nhiệm đùm bọc thế hệ sau bởi tất cả chúng em đều là người một nhà anh ạ". Đây quả thực là một thành công lớn của các nhà sư chùa Diệu Pháp! Bao tâm huyết, lòng nhiệt tình và nỗi cực nhọc của sư cô trụ trì đang ngày càng hữu ích. "Dẫu còn muôn vàn khó khăn về vật chất, chi phí ăn uống, học hành cho các cháu nhưng nhà chùa vẫn rất vui, thường xuyên dìu dắt, động viên các cháu thành vượt qua mặc cảm phấn đấu vươn lên để xã hội ngày càng tốt đẹp". -Sư cô Huệ Đức khẳng định như thế!