GNO - Theo đó, 19g ngày 20-4-2013, lễ cung an chức sự đạo tràng và lễ nhập kim quan cố HT.Thích Thiện Nhơn, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Định đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính, đạo tình thắm thiết.
Môn đồ pháp quyến tổ đình Thiên Đức thành tâm đảnh lễ cung thỉnh chư tôn giáo phẩm HĐCM, Ban Tổ chức lễ tang và chức sự đạo tràng.
Cụ thể, Trưởng lão HT.Thích Phước Thành, thành viên HĐCM GHPGVN, viện chủ tổ đình Thiên Phước (Phù Mỹ, tỉnh Bình Định); Trưởng lão HT.Thích Mật Hạnh, thành viên HĐCM GHPGVN, viện chủ chùa Tân An (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định); Trưởng lão HT.Thích Giác Trí, Giáo phẩm Phật giáo tỉnh Bình Định, Chứng minh BTS GHPGVN huyện Phù Cát, viện chủ chùa Long Hòa (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) cung thỉnh ngôi chứng minh tang lễ.
Sám chủ tang lễ do HT.Thích Liễu Giải, Chứng minh BTS GHPGVN huyện Tuy Phước, trụ trì chùa Bửu Liên, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định; HT.Thích Trí Giác, Ủy viên Ban Nghi lễ T.Ư GHPGVN, Trưởng ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh Bình Định, Trưởng BTS GHPGVN thành phố Quy Nhơn, trụ trì chùa Minh Tịnh, thành phố Quy Nhơn đảm trách.
Sau đó, môn đồ pháp quyến cung thỉnh chư tôn thiền đức quang lâm cử hành nghi lễ nhập kim quan. Trong không khí trang nghiêm hòa cùng sự nhất tâm niệm Phật của chư tôn thiền đức Tăng Ni, nhục thân Hòa thượng Thích Thiện Nhơn đã được nhập kim quan và tôn trí tại Tổ đường tổ đình Thiên Đức (xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) vào lúc 21g cùng ngày.
Tiểu sử cố HT.Thích Thiện Nhơn, Trưởng BTS Bình Định Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, thế danh Hồ Thanh Tùng, sinh năm Tân Mùi (1931) tại thôn Tân Hòa, xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Hồ Ngộ, Pháp danh Như Đạo và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Sáu, Pháp danh Diệu Tùng, trong gia đình có sáu người con, ngài là người con thứ ba. Gia đình ngài có nhiều đời truyền thống thâm tín Tam bảo. Hai vị bào đệ và bào muội từng xuất gia và thành tựu đạo nghiệp rất đáng kể, đó là thầy Bửu Thanh và Ni sư Quảng Trí. Từ nhỏ, ngài đã sớm có duyên lành với đạo Phật, ngài thường xuyên theo cha mẹ đến chùa lạy Phật. Với bẩm chất thông minh, ngài đã đậu bằng Primaire. Chủng tử Phật pháp trong ngài sớm nảy nở nên năm 12 tuổi (1942), học đạo với thiền sư Tâm Minh là Tổ khai sơn chùa Thiên Sanh (thường gọi là chùa Hang) ở Phù Mỹ. Sau đó, theo học với ngài Quảng Đức tại chùa Tịnh An - Phù Cát. Năm 1944, cơ duyên phùng ngộ Hòa thượng Thích Giác Tánh là trụ trì chùa Hưng Long - An Nhơn. Vì cảm phục đạo phong của Hòa thượng Giác Tánh, ngài cùng với Hòa thượng Thiện Duyên đầu sư xuất gia, được ban pháp danh là Quảng Phước. Năm 1950, ngài thọ giới Sa-di tại chùa Hưng Long - An Nhơn. Từ năm 1948 - 1954, ngài làm Thư ký Phật giáo cứu quốc Liên khu 5. Năm 1954, sau khi Hiệp định Genève chia đôi đất nước, dưới sự khuyến khích của Hòa thượng Bổn sư, ngài cùng đoàn học Tăng tại Phật học đường Hưng Long, Bình Định 12 vị gồm quý Hòa thượng: Thích Đồng Thiện, Thích Thiện Duyên, Thích Đổng Minh, Thích Đổng Quán, Thích Tâm Hiện, Thích Đồng Từ, Thích Nguyên Trạch, Thích Từ Hạnh, Thích Liễu Không, Thích Tâm Lâm, Thích Đổng Tánh… vào Khánh Hòa tòng học chuyên khoa Kinh, Luật, Luận tại Tăng Học Đường Nam phần Trung Việt - Nha Trang (tiền thân của Phật học viện Trung phần - Nha Trang). Năm 1957, cùng rất đông Pháp lữ đồng môn, ngài được Hòa thượng Bổn sư cho phép đăng đàn thọ giới Cụ túc tại Đại giới đàn Hộ Quốc ở Nha Trang, do Trưởng lão HT.Thích Giác Nhiên làm Đường đầu, được Bổn sư ban Pháp tự là Thiện Nhơn, Pháp hiệu là Quán Hạnh. Năm 1987, sau khi Hòa thượng Bổn sư viên tịch, ngài đã tiếp nhận Tổ nghiệp trong trọng trách “Truyền đăng tục diệm”. Do đó, ngoài việc cùng chư tôn Giáo phẩm, chư tôn Thượng tọa trong bản tỉnh thực hiện các Phật sự tại tỉnh nhà, như: Tăng sự, giáo dục, đào tạo Tăng tài, hướng dẫn Phật tử… Mặc dù, Phật sự Giáo hội đa đoan nhưng ngài vẫn luôn luôn ấp ủ hoài bão đại trùng tu ngôi Phạm vũ Thiên Đức, vì sau thời gian chiến tranh, ngôi bảo tự đã sụp nát hoàn toàn năm 1965, được Hòa thượng Tôn sư tái thiết lại một phần năm 1973-1976. Tháng 5 năm Kỷ Mão (1999), ngài cùng môn phái quyết định khởi công đại trùng tu ngôi bảo tự Thiên Đức. Sau thời gian tái thiết gần 10 năm, công trình đại trùng tu đã hoàn thành. Ngoài sự thành tựu của ngôi Phạm vũ, ngài vẫn thường xuyên lưu tâm đến việc đào tạo Tăng tài, tiếp Tăng độ chúng. Tổ đình Thiên Đức, dưới sự lãnh đạo và dìu dắt của ngài, đệ tử xuất gia có hơn 100 vị, làm chỗ quy ngưỡng tâm linh cho thập phương, phát huy tầm ảnh hưởng của Phật giáo lên mọi tầng lớp xã hội, góp phần duy trì nền văn hóa và đời sống tâm linh truyền thống của dân tộc mà ngàn năm tiền nhân đã vun đắp nuôi dưỡng.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Chúng Tăng và Phật tử thành tâm niệm từ 7g đến 19g ngày 20-4
Nhục thân Hòa thượng Thích Thiện Nhơn trước khi nhập kim quan
Lễ cung an chức sự
Tại Tổ đường
Cung thỉnh nhục thân cố Hòa thượng nhập kim quan