Cuối năm và Tết: Phật tử cần tinh tấn hơn!

GNO - Tất nhiên, ngày thường cũng tinh tấn hành trì lời Phật dạy, bởi sự tinh tấn giúp mình có năng lực đủ mạnh để vượt qua giải đãi và nhanh chóng kiến tạo được niềm an vui, vững vàng trên lộ trình giải thoát.

Nhưng, những ngày cuối năm và Tết thì Phật tử cần “hạ thủ công phu”, tinh tấn hơn chút nữa. Tinh tấn trong việc làm thiện nguyện, bởi Tết mang lại niềm vui cho nhiều người và đồng thời cũng mang nỗi lo tới nhiều người, lo về miếng cơm manh áo, nợ nần kéo rê năm này sang năm khác. Bên cạnh đó là nỗi lo bệnh tật chất chồng, phải nằm lại nơi bệnh viện, chống chọi với nỗi đau xác thịt và sự tủi thân vì không được sum vầy như bao người…

Những cuộc đời còn lấm lem đau đớn và nhạt nhòa nước mắt ấy rất cần những cánh tay nối dài của Đức Thí Vô Úy Giả - Bồ-tát Quán Thế Âm.

Trao tang yeu thuong.JPG

Trao tặng mùa xuân - Ảnh: Tâm Đức Hậu

Những bàn tay có “phép màu” chính là những bàn tay sẽ mang những phần quà, những bao lì xì và cả tình thương ấm áp của mình đến những vùng miền hun hút gió bụi, hay nơi bệnh viện ngập tràn nỗi đau để chúc một câu, an ủi một lời và hai tay trao tặng món quà. Tình thương và sự biết ơn trao truyền kèm những món quà vật chất chắc chắn sẽ xoa dịu những cơn đau thể xác và làm mờ đi những thương tổn tinh thần.

Rất mừng là các giới Phật giáo, từ Tăng Ni đến Phật tử, bạn trẻ có tâm với đạo hoặc mến các chương trình thiện nguyện đã không ngần ngại khó khăn, đường xa, nắng gió mà băng qua những con đường đến với những thân phận còn nghèo khó, biến những nơi chưa có Tết trở thành có Tết…

Từ đầu tháng Chạp đến giờ, những phần quà như thế đã được trao tay. Thậm chí, có những nhóm thiện nguyện Phật giáo đã chọn ngày 29 Tết, đêm giao thừa để thực hiện chương trình “xuân yêu thương”, “Tết ấm” tới bệnh nhân, người lang thang, vô gia cư… Sự tinh tấn trong hạnh bố thí ấy đáng để mỗi người tùy hỷ và nhặt về niềm vui, vốn là dấu hiệu của mùa xuân trong lòng mình!

Và, tinh tấn còn là để cân bằng năng lượng nơi cuộc đời dâu bể, nơi những quán nhậu, hội hè tất niên khắp nơi của người thế gian, chưa biết đạo. Những cuộc vui ấy phải được đổi bằng sự chết chóc vô số của chúng sinh khác, loài khác. Những cuộc vui để “mừng công”, “mừng một năm đã qua” ấy sẽ là tràn ngập rượu bia, ê hề thịt cá…, và tất nhiên sẽ làm cho người ta say, mê, điên đảo hơn thường ngày. Trong cuộc vui ấy, có khi họ sẽ lãng quên rằng ở một nơi nào đó có người đang đói, đang khổ, không có Tết!

Phật tử nhìn sâu vào biểu hiện ấy để có thể định tĩnh mà niệm Phật, lạy Phật, sám hối cho chính mình vì có lúc ta cũng mê say như thế. Đồng thời, sám hối cho cuộc đời còn nhiều long đong, chìm nổi, cho người đời còn chưa nhận ra giá trị lời Phật dạy nên còn dính dáng với đam mê phù phiếm. Và cũng là để rải lòng từ bi tới những chúng sinh phải vào “lò sát sinh” nơi những nhà hàng, quán ăn, quán nhậu… mọc như nấm ngoài kia. Tất nhiên, vòng quay sanh tử ấy, mỗi người, mỗi loài đều có những duyên-nghiệp phải chịu, bị thúc bách phải làm và “bị” sống không ngày mai, không cần biết nhân-quả như thế.

Lòng từ phát khởi để mình có thể làm dịu bớt oán thán từ những loài bị hại, và cũng làm dịu đi cả những nỗi buồn hay hiềm khích từ chính những ngày cuối năm trong sự ganh tị lương thưởng, trong những bất hòa cố hữu sinh ra từ những bất công nơi cuộc đời…

Tinh tấn hơn để bảo hộ thân tâm mình, để ta không hòa vào vòng quay nhậu nhẹt, để mình không buông xuôi theo “dòng đời” bởi… mình là Phật tử. Cốt cách của mình là phải sống bi-trí, dẫu chưa được như Phật nhưng cũng phải giống Ngài đôi chút. Giống ở chỗ thấy trong những cuộc vui thế gian luôn có màu của khổ đau, của tạo nghiệp xấu ác nên không “dính” vào, cũng như không vui quá mức mà bỏ quên sự tĩnh lặng, nhìn mọi thứ bằng đôi mắt tương tức (thấy rõ sanh-diệt trong từng biểu hiện, trong từng hình tướng nơi cõi Ta-bà này).

Thấy như thế rồi mình sẽ không a dua theo buồn vui, được mất mà sẽ chuẩn bị đón nhận mọi thứ bằng sự “tùy duyên” một cách nhẹ nhàng, an lạc!

Lưu Đình Long

Nhân Sinh vào đời

Chương trình “Nhân Sinh vào đời” diễn ra hôm qua, 3-2 tại TP.HCM.

Cụ thể, các bạn trẻ tình nguyện viên CLB Nhân Sinh đã tổ chức thăm hỏi và tặng quà tới cụ Nguyễn Thị Lan (cụ Bảy). 

nhansinh chiase1.jpg

Các tình nguyện viên Nhân sinh chia sẻ với cụ Bảy - Ảnh: Thuận Hảo

Cụ Bảy có hoàn cảnh rất khó khăn, chồng và con chết, còn lại một mình cụ trong căn nhà trọ. Tuổi già sức yếu, nợ nần chồng chất, không người thân bên cạnh lúc đau bệnh...

Ngoài món quà vật chất còn có những vòng tay ấm áp, những tiếng cười xen lẫn những giọt nước mắt, những chia sẻ, những câu chuyện thấm đẫm tình người là quà tinh thần mà cụ Bảy được nhận.

Ở đó, các tình nguyện viên còn được nghe cụ chia sẻ nhiều điều về cuộc sống đơn côi khi tuổi xế chiều với niềm cảm thông sâu sắc.

nhansinh chiase2.jpg

Và hiến máu tình nguyện - Ảnh: Thuận Hảo

Được biết, sáng cùng ngày, các tình nguyện viên Nhân Sinh đã tham gia hiến máu tại Trung tâm Hiến máu Nhân Đạo (60/62 Thiên Phước, P.9, Q.Tân Bình, TP.HCM).

Thuận Hảo

------------------

Bài vở cộng tác Giác Ngộ Online xuân Quý Tỵ 2013 vui lòng gửi về: toasoan@giacngo.vn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày