Đà Nẵng có những ngày như thế…

GNO - Đà Nẵng đang nỗ lực đi qua biến cố như thế nào?

Hơn nửa năm trôi qua kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, đem đến sự chết chóc và lo âu cho hàng triệu người dân trên toàn thế giới, trong khi các nước bạn vẫn đang gồng mình chống lại cơn hoành hành của đại dịch thì mảnh đất hình chữ S nhỏ bé tưởng rằng đã được yên tâm phần nào, sẽ tiếp tục ổn định xã hội, ra sức lao động và xây dựng kinh tế, bù đắp lại tổn thất gây ra từ đại dịch.

Trẻ em sẽ lại được đến trường, vui chơi và học tập như dĩ nhiên phải thế. Vườn hoa, công viên rộn rã tiếng nói cười. Đường sá thành phố tấp nập hai dòng xe cộ. Làng quê yên bình bên những đồng lúa thẳng cánh cò bay. Cuộc sống thanh bình của một đất nước đang phát triển lẽ ra như thế, cho đến khi đại dịch quay trở lại và giáng ngay một đòn mạnh vào giữa dải đất hình chữ S ấy.

Anh bs.jpg


Đoàn công tác gồm các 10 bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, 1 bác sĩ Viện Tim Hà Nội vào thăm khám bệnh nhân Covid-19 tại Đà Nẵng - Ảnh: Lê Đức Nhân

Những ngày qua, báo đài liên tục đưa tin về tình hình dịch bệnh bùng phát, nguy cơ tiềm ẩn trong chủng mới của virus corona. Những thông báo khẩn cấp và chỉ thị của Chính phủ, Bộ Y tế không ngừng gửi đến người dân. Bên cạnh đó, còn có cả những câu chuyện xúc động về tình người trong mùa dịch.

Có bạn sinh viên đang học tập tại Đà Nẵng, vì phải cách ly nên thi xong cũng chẳng được về nhà. Ba mẹ gọi điện, thương con cứ khóc mãi trong điện thoại. Đầu dây bên này, cô bạn ấy cắn chặt môi không để tiếng nấc vọng ra, bình thản trấn tĩnh nỗi sợ trong mình và xoa dịu lo lắng trong lòng ba mẹ.

Trong ngách nhỏ thành phố có một ngôi nhà, con cái đi làm ăn xa, chỉ có hai bố mẹ già ngày ngày chăm sóc cho nhau. Mỗi sáng mở cửa lại thấy treo đồ ăn nấu sẵn, hoặc khi thì vài ba miếng đậu hũ, khi thi bọc rau củ quả. Biết đang mùa dịch chẳng được đi đâu, hàng xóm láng giềng chút ít quan tâm nhau như thế.

Có cô Phật tử sáng nào cũng ghé qua chùa thắp hương, thành tâm lễ Phật rồi mới chạy xe đi làm. Bữa nay, thấy cô ngập ngừng đứng trước cổng chùa, muốn bước chân vào rồi lại quay lui, cô chắp tay hướng chỗ tượng Quan Âm ngoài sân hồi lâu, miệng cầu nguyện mà đôi mắt rưng rưng nỗi niềm mong mỏi.

Có gia đình nọ ngồi trực ngay trước cổng bệnh viện. Người thân của họ đang quay quắt chống chọi giữa hai bờ sinh tử mà họ chẳng thể làm gì, mệt mỏi ngồi bệt trước dải cách ly, chỉ biết thầm hi vọng và tin tưởng vào y bác sĩ đang nỗ lực chăm sóc, chữa bệnh cho người thân của họ. Nhìn cảnh tượng ấy, ai mà không xót thương đến đau lòng?

“Máu chảy ruột mềm”. Một bộ phận trên cơ thể đau thì những bộ phận khác chẳng thể nào hoạt động tốt. Một phần của đất nước đang gặp khó khăn thì tất yếu mọi miền trên Tổ quốc không thể dửng dưng đứng nhìn. Thủ tướng Chính phủ và các cấp lãnh đạo không ngừng chỉ thị, điều hành sát sao cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh. Các y bác sĩ tuyến đầu cả nước chi viện cho Đà Nẵng. Người dân thành phố biển nghiêm chỉnh thực hiện giãn cách xã hội, quyết tâm đồng lòng không để dịch bệnh lây lan rộng toàn thành phố và các địa phương khác. Tinh thần đoàn kết dân tộc kế thừa từ cha ông thuở trước, nay một lần nữa lại bùng lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Tất cả người dân trên mọi miền Tổ quốc đều mong mỏi sớm một ngày được thấy Đà Nẵng rộn ràng mở cửa đón khách du lịch. Biển Mỹ Khê hiền hòa sóng vỗ, trẻ em được nô đùa trong nắng vàng cát trắng. Cầu Rồng phun lửa lại nhộn nhịp người đến xem mỗi tối cuối tuần…

Nhiều năm sau nhớ lại, chúng ta không chỉ kể cho nhau nghe mà còn tự hào và thêm yêu một thành phố xinh đẹp những ngày chống dịch như thế, khi mà trái tim cả nước đang hướng về Đà Nẵng. Xúc động biết chừng nào bao lời nhắn gửi:

“Đà Nẵng ơi cố lên!”.

“Chiến sĩ áo trắng đang bảo vệ thành phố”.

“Bình tĩnh nhé, đất nước luôn ở bên”.

Nguyện Pháp

(chùa Hòa Tiên, 526 Núi Thành, Hòa Cường Nam, Hải Châu, Đà Nẵng)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày