GNO - 5 giờ chiều 15-11, tại Giới đàn Diệu Tâm, 632 giới tử cầu thọ Bồ-tát giới đồng chắp tay trang nghiêm cung thỉnh chư giới sư quang lâm lễ trường truyền Bồ-tát đạo tục thông hành giới.
Buổi lễ được diễn ra trang nghiêm thanh tịnh, với lòng chí thành cầu thọ giới pháp của chư vị Phật tử.
Giới tử cung nghinh chư tôn đức Giới sư
Tiếp theo là lễ tấn hương. Tấn hương là một nghi thức biểu thị ý chí khao khát học hạnh Bồ-tát, nguyện hiến trọn cuộc đời mình phục vụ cho đạo pháp và nhân sinh.
Buổi lễ diễn ra trong tinh thần dũng mãnh, quyết tâm xả bỏ những lầm chấp về thân và tâm, ngõ hầu thẳng tiến trên con đường Phật đạo. Điều này, khiến cho người tham dự cảm thấy thật vô cùng xúc động.
Tấn hương cúng dường
Giờ phút thiêng liêng, được sự hộ đàn trong tiếng niệm Phật trầm hùng nên quên mọi đau đớn
Vì sao nên phát tâm thọ Bồ-tát giới? Đức Thế Tôn chế giới luật, là giúp cho hàng đệ tử tại gia cũng như xuất gia ngăn ngừa các hành động xấu ác, làm mọi điều thiện để có được cuộc sống an vui lợi lạc. Nếu không hiểu ý nghĩa của giới luật, xem giới luật là sự ràng buộc hay vì lòng hiếu kỳ mà thọ giới thì đó là điều sai lầm. Bản chất của giới luật là đạo đức, kính trọng người giữ giới là kính trọng đạo đức. Do vậy, giới là nếp sống thanh tịnh, là nền tảng của sự giác ngộ giải thoát. Thọ Bồ-tát giới là đi trên con đường cao thượng, nuôi lớn lòng đại bi, thương chúng sanh chìm nổi trong sanh tử tạo vô lượng ác nghiệp, thọ vô lượng tội báo mà xả thân cứu độ. Đây là chánh nhân tu học để thành Phật đạo. Phát bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo là công đức và phước báu to lớn nhất. Lấy đại bi tâm làm chủ, lấy Bồ-đề tâm dẫn đạo, thực hiện lý tưởng Đại thừa là điểm then chốt của người học Phật cần khắc cốt ghi tâm. Bồ-tát giới phạm vi rất rộng, tư tưởng vô cùng khoáng đạt, vượt thoát mọi chấp thủ và ước lệ đời thường, nó thuộc về thông giới. Ngoài thất chúng đệ tử ra còn có quỷ thần, Bát bộ và những chúng sanh nào hiểu được ý nghĩa của Pháp sư thuyết giới mà hành trì thì đắc giới.
Trong Bồ-tát giới kinh dạy rằng: “Chúng sanh trong lục đạo chỉ cần nghe hiểu lời Pháp sư truyền giới Bồ-tát giới mà trì giới thì được đắc giới”. Do vậy, mọi người nam nữ, già trẻ và tất cả chúng sanh, trừ thành phần phạm bảy trọng tội: 1- Giết cha; 2- Giết mẹ; 3- Làm thân Phật ra máu; 4- Giết A-la-hán; 5- Giết Hòa thượng; 6- Phá hòa hiệp Tăng; 7- Giết Thánh nhân đều có thể thọ Bồ-tát giới. Ý nghĩa tấn hương Những người xuất gia theo đạo Phật thường có những vết sẹo tròn trên đầu, đây là vết tích của việc đốt hương cúng dường chư Phật, để nói lên sự chân thành, quyết tâm tin Phật. Vết sẹo chấm hương đó không phải chỉ có ở trên đầu mà là ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể cũng đều có thể được. Số lượng chấm hương trên đầu cũng không nhất định, có thể là một liều, ba liều, sáu liều, chín liều, mười hai liều, càng nhiều càng biểu hiện tâm thành. Ngoài ra còn có người phát tâm đốt một hoặc hai ngón tay của mình. Việc làm này được ghi lại từ trong kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm: “Sau khi Như Lai diệt độ, giả như có Tỳ-kheo phát tâm quyết định tu tập thiền định mà có thể đối trước hình tượng của Như Lai đốt một ngọn đèn, đốt một lóng tay, cho đến đốt một chấm hương trên thân thể của mình thì Như Lai nói rằng tất cả những nghiệp chướng nhiều đời của người này lập tức trả hết. Tuy thường sống ở thế gian, nhưng đã vĩnh viễn thoát ly phiền não. Tuy chưa chứng được Vô thượng Bồ-đề, nhưng người này đối với giáo pháp của Như Lai, tâm đã quyết định. Nếu như không làm được một chút nhân nhỏ về sự xả thân như vậy thì cho dù có đạt được vô vi rồi cũng phải sanh trở lại làm người hoàn trả nợ cũ”. (Lăng Nghiêm Kinh - quyển 6). Lễ phát nguyện tấn hương diễn ra sau khi các đệ tử tu theo đạo Phật thọ giới Tỳ-kheo và Bồ-tát giới. Lễ tấn hương này chỉ thấy trong các Đại giới đàn thuộc Phật giáo Bắc tông; còn đối với Phật giáo Nam tông không có truyền thống tấn hương này. Việc tấn hương cúng dường không phân biệt xuất gia, tại gia, nam, nữ… cứ ai phát nguyện thọ giới Bồ-tát, phát tâm đốt một phần trên cơ thể mình để cúng dường thì đốt. Lúc tấn hương người tu sĩ phải đắp y cà-sa, Phật tử thì mặc áo tràng, ngồi ngay thẳng trang nghiêm trước bàn thờ Phật. Quý thầy hộ đàn cùng với nhân viên y tế đo và đánh dấu trên đầu trước, để tránh những mạch máu và dây thần kinh gây nguy hiểm cho người phát nguyện tấn hương. Điều đặc biệt khiến người phát nguyện tấn hương quên đi nỗi đau xác thịt là nhờ vào tâm kiên định và sự đồng thanh niệm Phật của chư Tăng Ni, Phật tử, hòa cùng âm thanh chuông trống Bát-nhã vang rền khắp gian phòng. Tk.Thích Thiện Mỹ |