GN - Các nhà chức trách Trung Quốc hôm thứ Sáu vừa qua đã tiến hành công tác đại trùng tu bảo tượng Phật Niết-bàn tọa lạc tại thành phố Trùng Khánh, phía Tây nam của đất nước đông dân nhất thế giới này.
Công trình dự kiến thực hiện kéo dài trong 8 năm với sự tham gia của một đội ngũ đông đảo các chuyên gia bảo tồn di sản và văn hóa.
Bức tượng bán thân Phật nhập Niết-bàn tại khu tượng khắc đá Đại Túc
Bảo tượng Phật nhập Niết-bàn là một phần của khu bảo tồn tượng khắc đá Đại Túc, được công nhận là di sản thế giới với khoảng 50.000 tượng lớn nhỏ khác nhau.
Tuy nhiên, đây chỉ là bức tượng bán thân của Đức Phật, có chiều dài 31m. Li Fangyin, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu khu bảo tồn tượng khắc đá Đại Túc cho biết, bức tượng Phật với hình dáng nhập Niết-bàn này đã bị xói mòn và chịu tác động nghiêm trọng bởi sự thay đổi của thời tiết. Lớp nước sơn trên bức tượng đã bị bóc ra tạo nên những khoảng trống loang lổ.
Ông Li cũng khẳng định các nhân viên đảm trách việc thi công sẽ cố gắng hết mình và trong khả năng tốt nhất để bảo đảm sự toàn vẹn và chân thực của bức tượng, tuy nhiên công việc này không hề dễ dàng. Ngoài ra, do những khó khăn về địa hình và vận chuyển nên việc phục dựng lại bức tượng sẽ kéo dài không dưới 8 năm.
Khu tượng khắc đá Đại Túc thuộc huyện Đại Túc, (Trùng Khánh, Trung Quốc), nằm cách trung tâm thành phố khoảng 163km. Công trình kỳ vĩ này bắt đầu được khắc vào cuối đời nhà Đường, trải qua 5 triều đại, cực thịnh nhất vào đời Lưỡng Tống (nhà Bắc Tống và nhà Nam Tống).
Đối với giới điêu khắc, đây là kho tàng nghệ thuật hang đá của Trung Quốc với hơn 5 vạn pho tượng được chạm khắc bằng đá, phân bố ở hơn 40 địa điểm thuộc huyện Đại Túc mà chủ yếu là các pho tượng của Phật giáo.
Các tượng khắc chủ yếu tập trung trên núi Bảo Đỉnh và vách núi Bắc Sơn với quy mô lớn và nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, phong phú. Đây là quần thể tượng khắc có sự kết hợp của lực học, quang học, nội dung tạo hình và thế núi, thể hiện rất rõ nghệ thuật tạc tượng Phật điêu luyện của người Trung Quốc. Vào năm 1999, khu tượng khắc đá Đại Túc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới.
Bảo Thiên
(theo Xin Hua)