"Đăng cao vọng viễn"

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Tôi mở cánh cửa đang  khép hờ, bước vào căn   phòng quen thuộc. Nơi   chiếc bàn đặt ở góc phòng, bình huệ trắng tỏa hương thơm quyện vào tấm bạch thư chữ Hán viết theo thể hành khải. Nét bút nhẹ nhàng thanh đạm như cánh ve sầu đậu trên phiến giấy đang dần ngả màu. Trên giá, những quyển sách nghiêng nghiêng tựa vào nhau.

Đây là căn phòng làm việc của thầy. Thầy dạy tôi tiếng Trung và văn hóa Trung Hoa, tính đến giờ đã bốn năm. Quê thầy ở Nghệ An, gia đình thầy vốn có dòng dõi thi thư khoa bảng tự lâu đời, nhiều người trong họ nổi tiếng thông hiểu Hán học. Tôi còn nhớ buổi học đầu tiên, biết tôi học ngành Văn, thầy nói với tôi: “Học văn rất hay, nó giúp người ta sống nhân bản...”. Thầy quan tâm tôi hơn những học trò khác cũng có lẽ vì thế. Thầy đọc rộng, thông hiểu đông tây kim cổ. Sau mỗi buổi học, tôi thường nán lại xếp bàn ghế, cũng có khi ngồi lại “đàm đạo” với thầy, nhờ vậy mà tôi học hỏi thêm được nhiều điều. Khi đã thành thân quen với gia đình, được coi như con cái trong nhà, tôi thường tới thăm thầy cô luôn.

Trong căn nhà của thầy cô, những vật cổ kính chung sống hòa bình với những đồ đạc tiện nghi, hiện đại. Phòng học của chúng tôi bên cạnh phòng ăn nhà thầy. Căn phòng thoáng đãng có treo những chiếc đèn lồng đỏ, cái mới, cái cũ. Vào những ngày học mùa đông, khi tôi đi ngang qua, thường nghe thấy tiếng gió thổi vào khung cửa làm những chiếc đèn lồng chao nghiêng, tạo cảm giác mơ hồ như cả căn phòng đang rung động… Những chiếc đèn lồng là trái tim của ngôi nhà, nơi nương náu linh hồn của gió và ánh sáng, của hồi quang ký ức về những người thân trong gia đình. Tôi tưởng tượng đến cảnh cả gia đình thầy quây quần bên nhau dưới ánh sáng đỏ hồng ấm áp vào những ngày cuối tuần. Có gì đó thật giống hình ảnh gia đình tôi ngày xưa khi ông tôi còn sống. Ông là người luôn chăm lo việc học tập của tôi và các em tôi từ thơ bé cho đến khi trưởng thành. Cũng như thầy, ông tôi đặc biệt thích cờ tướng. Lúc rảnh rỗi, ông vừa là người thầy, vừa sắm vai “đấu thủ” với lũ trẻ con chúng tôi. Những đứa trẻ lớn lên, bàn cờ cũng rộng ra dần, những nước đời khắt khe dạy cho chúng tôi thêm nhiều điều mà ông tôi không nói. Nhưng tôi cảm thấy mình vẫn là đứa trẻ ngày nào băn khoăn với những nước cờ trong lòng bàn tay ông. Con người ta sống chật vật với những nước cờ đời, băn khoăn với những bước đi vô hình vô ảnh, nào là phận con tốt sang sông, nào là thế thượng phong, nào là quy, hồi, phản, phục… cuối cùng thì cái kết cục trắng xóa, cái tàn cuộc ngả nghiêng cũng phủ lên mọi toan tính, dù là đắc thế hay lỗi lầm. Nhưng với những người thầy đã dạy dỗ, bồi đắp cho tâm hồn, chúng tôi mãi mãi là học trò, phải giữ lấy “Đạo học”, dù cuộc đời có biến thiên ra sao.  

Thủa đầu theo học, tôi tập lắng nghe thanh điệu của Hán tự: bình, thượng, khứ, nhập. Nghe lời thầy, tôi bắt chước người xưa học kiểu tâm truyền… Bằng cơ thể mình, tôi cảm giác được về sự gân guốc hay mềm mại của những con chữ. Sau mỗi buổi học, tôi bước ra lớp như ra một không gian khác, những âm thanh và con chữ Trung Quốc vẫn ám ảnh trong đầu, nghe những người xung quanh nói chuyện mà tưởng như nghe tiếng Hán bạch thoại líu ríu trên những đường phố của Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu… Tôi yêu cái cách thầy gõ gõ cây thước chỉ vào con chữ trên bảng và bảo: “Nào, tự đọc”. Học trò học tiếng Trung hiện đại mà tưởng như đang ngồi trong một lớp học thời xưa, thủa những cậu học trò tóc còn để trái đào lắc lư đầu đọc theo thầy: “chi, hồ, giả, dã...”. Tôi yêu cả cách thầy chào tạm biệt chúng tôi bằng tiếng Trung Quốc, và chúng tôi cúi đầu chào lại thầy. Lòng tôi mênh mang một nỗi yên bình kỳ lạ, như đang mơ hồ sống lại giữa không khí trầm mặc với một nền học thuật cổ truyền, những triết lý cao viễn mà đậm tính nhân sinh, những cung cách ứng xử khuôn phép nhưng thực sự xuất phát từ tấm lòng con người ta sống với nhau. Mỗi khi đọc xong những ví dụ về mẫu câu tiếng Trung cho học sinh chép, thầy lại đi xuống từng bàn xem qua một lượt vở của chúng tôi. Bóng thầy tỏa xuống những mái đầu miệt mài viết chữ. Có lần thầy nhận xét khi xem vở tôi: “Minh à, sao con không bao giờ viết nét chấm và nét hất cho rõ ràng? Viết trong vở đừng nên thả đường bút tự do quá. Sau này cần viết cho người khác đọc lại phải khuôn mình, như thế không hay... ”. Một thời gian tôi có việc bận phải nghỉ học vài buổi. Hôm sau đến lớp, thầy gọi đọc bài nhưng tôi không nhớ được từ, viết cũng quên chữ. Lúc ấy, thầy không quở trách gì, chỉ đến khi ra về, thầy nhắc nhở riêng tôi: “Minh à, nhớ học lại bài nghe con”. Tôi cảm thấy có lỗi với thầy vô cùng. Tôi về ngồi ôn bài đến khuya, mệt quá gục đầu lên sách, thiếp đi… Tôi mơ thấy ông tôi đứng bên cạnh bàn, tay cầm roi mây: “Tuệ Minh, sao con không thuộc bài, sao lại quên chữ ? Không bao giờ được phép quên chữ, nghe không? ”... Khi tỉnh dậy, soi mình vào gương, tôi hoảng hốt nhìn thấy ngọn roi của giấc mơ còn để lại những vết thương tím tái trong tâm hồn và cả trên thân thể mình.

Con người ta lúc trưởng thành, bắt đầu sống tự lập, tách khỏi gia đình, bản quán, đôi khi có cảm giác mình như một ngọn cỏ phiêu bồng, không biết đâu là cội nguồn. Nỗi buồn len vào từng mạch sầu của con tim. Tôi thấy mình bước vào cuộc sống như cách một họa sĩ cố gắng vẽ lên trang đời những màu sắc, những ký hiệu nội tâm, càng vẽ càng ám ảnh bị màu thời gian lấn át tất cả. Nhưng cuộc đời rộng mênh mông và bao dung vô cùng đã bao bọc lấy tôi như người mẹ trong một tình cảm nhân ái hiền hòa. Hạnh phúc là cơn gió bí mật thổi tới, làm xao xác những chốn sâu thẳm của tâm hồn. Như mọi người, tôi chọn một lối sống giản dị, đến và đi trong cuộc đời với tư cách là người bạn tâm tình.                   

Đôi khi, thầy cũng lắng nghe tôi thở than về những vất vả, âu lo của cuộc sống, nỗi cô đơn của một kẻ sống lặng lẽ trong bóng đời buồn bã...Thầy trầm ngâm nghe tôi và lựa lời khuyên nhủ, những lời giản dị nhưng sâu sắc: xét cho cùng thời đại thay đổi thì con người cũng phải thay đổi; nhưng những giá trị thuộc về tâm hồn thì vẫn nguyên sơ thánh thiện như bao đời nay.

Học ngoại ngữ là cách tôi xây dựng cho mình thế giới khác, nơi tâm hồn được thực sự tự do, lắng nghe mình đang chảy về một dòng ngôn ngữ, một nền văn hóa thâm trầm, sâu thẳm và quyến rũ như nền văn hóa Trung Quốc. Cuộc đời nổi nênh, mà con người thì nhỏ nhoi, yếu đuối. Những con chữ tượng hình Trung Hoa với những nét mác sắc cạnh, nét chấm dịu dàng, nét hất quyết liệt... giao hòa với nhau tạo thành những hình chữ hoặc đầy đặn hoặc sương kính, khi thu tàn, khi khởi lộ dường như ẩn giấu một sức mạnh vô hình níu giữ tâm hồn con người với cái gốc rễ văn hóa nghìn đời. Nghe lời thầy, tôi tìm đọc những cuốn sách viết về văn hóa Trung Hoa, nhưng vẫn không thoát ra được những nỗi khắc khoải của mình. Khi sự ô nhiễm và phàm tục hóa văn hóa được chấp nhận có phần dễ dãi ngay trong môi trường của trí thức thì nên sống như thế nào, suy nghĩ như thế nào đây? Mình cũng là một phần tử trong hệ thống ấy, khó có thể học các bậc tiên triết Trung Hoa lánh đục về trong, chỉ lo giữ cốt cách của mình. Mỗi quyển sách tôi đọc như một căn phòng cổ điển mà khi bước ra thế giới bên ngoài, tôi hốt hoảng vì một hiện thực phồn tạp, với tính chất hai mặt lẫn lộn, không thể cải tạo.

- Con chào Cô ạ. Cô aơi, Thầy có nhà không Cô?

 - Minh à, con tìm thầy có việc gì? Thầy đi thăm sư thầy ở Chiêu Thiền tự, không biết có ở lại chùa ăn cơm chay với sư thầy không.

Tôi xin phép cô lên chùa gặp thầy. Sư thầy trụ trì ở chùa là bạn đồng môn ngày xưa của thầy tôi. Tôi đi qua dãy hành lang dài hai bên tường lợp bằng ván gỗ. Trên tường treo một bức thư pháp chữ Hán, nhưng không phải chữ Nhẫn đại tự quen thuộc nay vẫn thường thấy ở hầu hết những nơi thờ Phật hoặc ở bất cứ tư gia nào của người Việt, mà là bốn chữ: “minh tâm kiến tính” viết theo lối thảo, phảng phất nét chữ tiêu sái của Vương Hy Chi đời Đông Tấn. Chủ nhân của nó có lẽ là sư thầy chùa Chiêu Thiền.

Tôi ngồi xuống chiếc tràng kỷ bằng gỗ lim nâu bóng vẻ như đã được dùng từ lâu lắm rồi. Sư thầy tiếp chuyện thầy tôi bên bàn trà, trên bàn bày một chiếc bình hoa sen, dăm bảy cánh sen đã héo khô, rụng xuống nằm tĩnh tại nơi chiếc bàn gỗ nâu, sống tiếp một khoảng đời nhỏ nhoi của kiếp lá đã úa nhưng chưa hẳn tàn. Tôi nhìn xung quanh, mọi đồ vật trong gian thất đều có vẻ cũ kỹ, chừng như người chủ của nó có ý không muốn thêm vào những vật dụng bóng bẩy hiện đại. Căn phòng này, cả chủ và khách ngồi đây trong những khoảnh khắc hiện sinh, và chiếc bình hoa sen tự nhiên nhi nhiên nở rồi tàn, đều mang một vẻ đẹp của sự khổ hạnh.

Sư thầy nâng chén trà ngang mày, trò chuyện với thầy tôi qua làn khói tinh khiết bay lên từ miệng chiếc chén sứ trắng in hình hoa sen. Đôi mắt nhà sư mờ đi, nếp nhăn nơi đuôi mắt cong cong hình cánh hạc. Tôi ngồi phía sau nghe hai thầy trò chuyện. Hương thơm dịu thoát từ những bông sen trên bàn, từ hình hài búp sen hồng được vẽ thanh giản nơi chén trà, và cả những lời nói nhẹ trong như sương của hai người bạn tâm giao đọng lại nơi lá sen là một lát cắt mỏng mảnh của thời gian.

 - Phật giáo dạy rằng, “tự giác nhi giác tha”, nghĩa là khi mình đã giác ngộ thì lấy đấy mà giáo dục để cho người cũng giác ngộ như mình.  Đạo Nho cũng có câu: “Học nhi bất yếm, hối nhi bất quyện”... Xét cho cùng thì đều chú tâm vào việc giáo dục cả. Tôi bây giờ già rồi, vẫn thấy mình chẳng gây dựng được là bao cái công nghiệp này. Mình như một thân cây gánh vác biết bao nhiêu cành, phải nâng niu từng cành một, không dám bê trễ lấy ngày nào. Chỉ sợ dạy dỗ không chu đáo, thì gẫy mất những cành thiên lương.   

- Ông nghĩ thế, cũng là đến chỗ đạt tâm rồi vậy. Trong Phật giáo, mối quan hệ thầy trò giúp cho sự truyền thừa mạng mạch của Phật pháp. Nhưng ngành nghề nào mà chẳng phải lấy đạo nghĩa thầy trò làm nền tảng, nếu ngành nghề ấy muốn tinh tiến?

-  Gần đây, tôi đọc báo, thấy có nhiều bài viết nói về việc nên cho học  sinh được học chữ Hán trong nhà trường phổ thông. Sư thầy nghĩ sao về điều này?

-  Tôi nay là người cửa Phật, những điều trăn trở của nhân thế, tôi nào dám lạm bàn. Tôi chỉ nhớ thời xưa, tôi và ông cùng thụ giáo một thầy, cùng trưởng thành trong một thời. Thầy chúng ta đã từ những chữ Hán chữ Nôm cổ kính ấy để giúp học trò di dưỡng tính tình, sống theo đạo lý. Khi thực sự hiểu được nghĩa, cảm được hồn chữ, mới biết rằng mỗi con chữ đều có một vận mệnh riêng. Chữ cũng quý giá như người vậy.

-  Phải rồi, ngày xưa sư thầy là người học giỏi nhất, anh em chúng tôi luôn lấy làm gương. Bình sinh, thầy nhận xét, chữ sư thầy đẹp không cần dụng công, mà chí đặt ở bản tâm.

 -   Nhưng ông lại là người nối được nghiệp của Thầy...

-  Cõi sống này thật lạ, dường như những người đã khuất luôn nhìn thẳng vào tim ta - Thầy tôi nói.

Nhấp một ngụm trà, thầy mỉm cười nhìn những con chữ thanh thoát và tự chủ trên tấm thi hoạ treo nơi cột trụ bằng gỗ.

- Mỗi người sinh ra có cái khí bẩm không đều. Tôi dạy học quả có thấy, người đời, dù có ngu dốt đến đâu, cũng kính tiếc giấy chữ; cho dù keo bẩn đến đâu, cũng tìm mua sách vở *. 

-   Phải, nhưng kẻ làm văn chương thì hạnh nghiệp phải bền, mà cũng phải sâu hơn người.

Tôi hỏi:

-   Bạch thầy, vậy như con thì sao ạ?

Sư thầy nhìn tôi một thoáng (cái nhìn như mang ánh sáng minh triết thấu thị vào một cõi tâm linh)

- Con ư, con là người “đã mang lấy nghiệp vào thân” mất rồi...

Nắng ngoài sân dần dần sẫm màu. Cái thứ nắng có vào những ngày mùa hè thanh mát thường tươi tắn lạ lùng. Gió lật thổi hai mặt sáng tối của phiến lá, làm đung đưa những chấm nắng tròn lung linh hình hoa đăng trên mặt đất nâu khô. 

Thầy tôi đặt chén trà xuống mặt bàn, nghiêng đầu nhìn bóng nắng qua cánh cửa: 

- Đã gần trưa rồi, ta về thôi con, kẻo cô ở nhà phải đợi lâu

Chúng tôi đi qua khoảng sân tĩnh mịch, dừng lại bên dưới gốc cây hoa sứ lớn trồng gần cổng chùa, cành lá thân mật rủ thấp xuống bờ vai của người theo Đạo. Nhà sư tiễn chân thầy trò tôi ra cổng bằng nhịp đi của một câu lục bát: “Thiền trà cạn nước hồng mai – Thong dong nối gót thư trai cùng về. Hai thầy trò đi đường cẩn thận, lần sau có dịp lại ghé qua nhà chùa... ”

*

Có một dạo, chuyển đến cạnh phòng tôi là hai người Trung Quốc, quê ở Quảng Đông. Một người là tên Đường Lệ Hoa, cũng trạc tuổi tôi, người kia là một phụ nữ lớn tuổi hơn và đã có gia đình. Hoa rất giỏi tiếng Việt, bình thường nếu mới nghe bạn nói một vài câu thì không phát hiện ra Hoa là người nước ngoài. Sự mưu sinh của gia đình cũng không mấy dễ dàng nên Hoa phải sang làm việc ở Việt Nam . Tôi thường trò chuyện với Hoa bằng tiếng Trung. Tôi nói, nếu được đến Bắc Kinh, tôi sẽ chạy bộ hết Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc. Hoa cười bảo: “Minh lạ thật, ở Trung Quốc, Hoa chưa gặp ai như Minh đâu”.

Tôi bảo Hoa đọc cho tôi nghe một bài thơ Đường mà Hoa thích, Hoa chỉ nhớ nhất bài “Tĩnh dạ tư” của Lý Bạch. “Bài này ở Trung Quốc ai cũng thuộc”. Hoa đọc to cho tôi nghe bằng giọng bản ngữ. Đọc xong Hoa cúi đầu, buồn thiu. Tôi nén tiếng thở dài, im lặng nhìn ra ngoài cửa sổ. Vầng trăng muộn đang phai dần trên nền trời, rùng mình trong lớp sương mù nhè nhẹ. Đêm sâu thẳm, chỉ có nỗi cô đơn khoét sâu vào không gian...

Thời gian tôi theo học Thầy, có xảy ra một chuyện. Hôm đó, thầy nhận được một cuộc điện thoại lạ từ nước ngoài. Người gọi là một cô gái Việt Nam bị bán sang Trung Quốc, nhờ thầy gọi giúp người nhà là hàng xóm của thầy, cần gặp có việc gấp. Giọng cô gái hoảng hốt cầu cứu. Đang nói thì bị ngắt lại, một giọng Hoa chen vào, là chồng của cô ta. Ông ta doạ dẫm rồi cúp máy. Chuyện xảy ra bất ngờ. Thầy không nói lại được gì với những người ở đầu dây bên kia, chỉ bàng hoàng nhớ giọng thổn thức pha lẫn nước mắt của cô gái và tiếng ầm ào của gã đàn ông người Hoa. Buổi học hôm đó, thầy cho nghỉ. Thầy ngồi trầm ngâm bên chiếc bàn làm việc đặt cạnh tủ sách. Tôi dừng lại nơi cửa phòng. “Thưa thầy…” - “Minh à, con vào đây”. Tôi ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh. Ánh mắt thầy từ tâm khắc khổ, vùng chữ Nhân trên khuôn mặt hóp lại. Thầy không nhìn tôi, mắt buông xa nhìn vào khoảng tối sau những kệ sách: “Chúng ta yêu thương con người, nhưng không bảo vệ được con người”. Thầy tiếp: “Không giải thoát được...”.

Ngồi bên người thầy lớn của mình, tôi không biết nói sao, trong lòng cảm thấy đau đớn như đang vỡ ra từng mảnh. Tôi nhớ đến Đường Lệ Hoa, bạn tôi. Khi tôi về thăm nhà khoảng hai tuần, lúc lên thì Hoa và chị Lệ đã chuyển đi rồi, vì chủ nhà không muốn cho người Trung Quốc trọ ở đấy nữa. Hoa nhắn tin lại cho tôi: “nhớ hoa nhé minh ơi”, nhưng không hiểu sao tôi không liên lạc lại được. Trên màn hình điện thoại di động, những kí hiệu chữ cái đầu tên Hoa và tôi không viết hoa, không dấu chấm dấu phẩy, trôi đi cùng với dòng nước mắt của tôi như một tiếng gọi đã lạc giọng và mất hút hoàn toàn trong không gian. Cho đến mãi sau này, kí ức gắn với những con người lưu lạc qua cuộc đời tôi ấy thỉnh thoảng lại trở về như vầng trăng mọc lên từ những buổi chiều sầu muộn trong tâm linh.

*

-  Minh à, đợi Thầy lâu không con, con đến từ khi nào?       

Thầy rót trà cho tôi từ chiếc ấm Bát Tràng, gió ngoài sân thổi qua khóm trúc đặt gần mấy chậu lan mới ra giò đẹp như tranh vẽ. “ Thầy nhìn con trông gầy đi nhiều. Dạo này học hành có vất vả lắm không con ? ”. “Dạ, cũng bận bịu đôi chút, thầy ạ. Nghe tin cô ốm nên con qua thăm”. Tôi đỡ lấy chén trà thầy trao, thấy phảng phất hương thơm từ buổi sơ tâm khi tôi còn là cô bé học trò vừa tốt nghiệp phổ thông, lên Hà thành học đại học, rụt rè tìm đến nhà xin thầy dạy chữ. Kinh thành là nơi văn nhân tụ hội, hấp thụ phong khí, tiếp thu được tinh hoa, mà cũng biết thêm nhiều điều đau xót của cuộc đời. Những trước tác của tiền nhân có sức mạnh như một cảnh giới trong cõi tinh thần, nếu người đời sau biết cách thâu nhận thì sẽ biết sống hướng thiện, xoá bỏ tà tâm. Thời hiện đại, con người nảy sinh nhiều thói tật, trong đó có cả thói háo danh. Biết từ chối những ngu mị phỉnh phờ bản thân, biết sống có ích, âm thầm tận tuỵ cống hiến cho đời, đó chính là một bản lĩnh...

- “Dữ thiện nhân cư, như nhập chi lan thi thất”. Thầy ạ, con cảm giác hình như trong nhà thầy, khi nào cũng phảng phất có hương thơm.

Trên khuôn mặt thầy lấp lánh một nụ cười đôn hậu đã từ lâu trở nên thân thiết với tôi vô cùng: “Vậy sao con? Để thầy kể con nghe, hồi thầy bằng tuổi con bây giờ, cũng vào dịp này, thầy và bạn bè mang hoa đến tặng một người thầy giáo rất đáng kính. Trong buổi nói chuyện, người thầy ấy có nói một câu đặc biệt: “Loài hoa quý giá nhất trên đời này, các trò có biết là hoa gì không? “Hoa Quốc” *. Đây là loài hoa mà bất cứ người thầy nào cũng ao ước được học trò tặng cho mình”.

-   Làm nghề văn, phải cố gắng gìn giữ mạch thư hương của cha ông, con ạ. Con uống nước đi, để thầy đưa con vào thăm cô…              

Thầy nhẹ nhàng đưa tay đỡ cô dậy, một tay đặt sau gáy, một tay giữ vai cô, nâng niu như sợ làm cô đau. Đầu cô tựa vào vai thầy, hai mái đầu bạc nghiêng nghiêng chụm vào nhau.

- Mình ơi, mình tỉnh dậy một chút uống bát thuốc...mình chịu khó vậy...Trò Minh đến thăm mình này.

Tôi dâng thầy bát thuốc. Mùi thuốc bắc bay khắp gian phòng tĩnh mịch, thấm vào cả những đồ vật nằm trong góc tối âm thầm. Tôi vội vàng quay đi lau nước mắt, rồi bước vào gian trong sắc một ấm thuốc mới hộ thầy. Trên đầu tôi, những chiếc đèn lồng đỏ không gió rũ xuống im lìm. Hình như lâu nay thầy tôi đã nghỉ chơi cờ, bàn cờ phủ một lớp bụi mờ mờ đặt trên kệ gỗ. Tôi nhìn những quân cờ nằm trong một chiếc hộp nhỏ tựa cái tráp sơn son của người xưa, hình như chúng đang động đậy. Những quân cờ nhớ bàn tay người đã cấp cho chúng một đời sống linh động, dẫu chỉ là một sự sống lâm thời. Có học giả phương Tây từng so sánh sự tồn tại của ngôn ngữ với những thế cờ... Phải chăng cá tính của người phương Đông được bộc lộ khi đứng trước ngôn ngữ là ở chỗ luôn muốn mình phải là người cao cờ, chứ không chỉ là người biết đánh cờ ?  

Có tiếng thầy gọi tôi. 

- Tuệ Minh à, thầy có một số sách ngoại văn về văn hoá và văn học, nhiều quyển thầy rất quý, con mang về thử đọc dịch xem, cần gì qua đây hỏi thầy. Sắp tới thầy phải nghỉ dạy, mà có lẽ từ nay thầy nghỉ hẳn…

Tiễn tôi ra về, ở bậc cầu thang cuối cùng, thầy nói với tôi, câu nói bằng sức nặng của cả một đời người:

“Con gái à, hãy nhớ, lên cao thì nhìn được xa…”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày