Đăng Học & những “cái nhìn”

Trở thành kỷ lục gia Việt Nam năm 26 tuổi với thành tích viết tập thơ "Cái nhìn"(thơ do chính anh sáng tác) bằng thư pháp. Ở tập thơ ấy, Giáo sư Trần Văn Khê đã đề tặng: "Với cái nhìn Đăng Học, ta thấy rõ đạo đời. Tinh hoa con chắt lọc, tạo nét đẹp hiến đời. Con tạo nên kỷ lục, khó phá lắm con ơi...". 

"Chàng trai vàng của thư pháp Việt"

Người mà tôi nhắc đến nãy giờ là Vũ Đăng Học, chàng trai mê thư pháp khi còn là cậu học trò cấp III. Lúc đó Học được cô giáo tặng cho một cuốn sách thư pháp, để rồi "cái duyên đầu tiên ấy đã cuốn tôi vào những con chữ", Học chia sẻ. Cũng từ đó, Học dần suy nghĩ và ý thức ra một điều như bài thơ Ông đồ mà cậu học trong chương trình văn học rằng: Càng ngày nét đẹp của việc cho chữ ngày xuân, tặng nhau câu đối bằng thư pháp dần mai một đi. Nghĩ, lo và hành động, nhân dịp Tết của 10 năm trước, Đăng Học đã mang mực tàu, giấy đỏ ra Tao Đàn làm ông đồ tặng chữ. "Không ít người tò mò, thích thú, nhưng cũng có lắm người cho rằng Học ‘lo con bò trắng răng’, những chuyện văn hóa, thư pháp ấy là để người lớn lo, để cho những người làm văn hóa lo. Con nít, lo mà học hành…", Học nhớ lại.

tre-1.jpg

 Một tác phẩm của Đăng Học - Ảnh: Đ.H

Đam mê ấy vừa bén, cái duyên với thư pháp hình thành chưa lâu thì Học theo gia đình sang Mỹ định cư. Ngỡ mọi chuyện sẽ chấm hết khi bước sang một đất nước mà công nghệ, khoa học chính là yếu tố cho sự phát triển và tồn tại thì Học vẫn cặm cụi với giấy, mực, nghiên, bút để mày mò từng con chữ. Đặt cái tâm, cái tình của mình vào những nét bút cho đến một ngày Đăng Học tìm ra những hướng đi mới cho mình là không chỉ viết thư pháp mà còn viết sách! Viết sách gì? Chúng tôi hỏi và Học dí dỏm trả lời: "Đều là sách về… thư pháp". Đó là những cuốn sách Hồn chữ Việt; Thư pháp Việt, lý thuyết và thực hành; Thơ, thư họa, Cái nhìn; W.E.Calligraphy (do NXB Văn Nghệ ấn hành). Cũng từ đây Học khẳng định tên tuổi của mình trong làng thư họa Việt với hình ảnh một chàng trai trẻ, đầy tình yêu văn hóa, nghệ thuật Việt và anh được các đài truyền hình nước ngoài cũng như Việt Nam đặt cho một biệt danh "Chàng trai vàng của thư pháp Việt".

"Cái nhìn" của Học

Năm 2008, Vũ Đăng Học được Trung tâm Sách và Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là người tạo ra tác phẩm thơ bằng thư pháp lớn, công phu nhất Việt Nam. Dựa trên sản phẩm là tập thơ viết bằng thư pháp với tựa "Cái nhìn" mà Vũ Đăng Học làm trong 10 năm, anh xứng đáng là một kỷ lục gia. Hai năm qua vẫn chưa có ai phá kỷ lục ấy, giống như lời đề tặng đầy yêu thương của GS Trần Văn Khê:"Với cái nhìn Đăng Học, ta thấy rõ đạo đời. Tinh hoa con chắt lọc, tạo nét đẹp hiến đời. Con tạo nên kỷ lục, khó phá lắm con ơi...".

tre-2.jpg

Vũ Đăng Học chú tâm thực hiện một bức thư pháp - Ảnh: M.K

Tiếp xúc với Đăng Học, chúng tôi mới biết anh cũng là một Phật tử, đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam còn là vì "tôi thích tham gia các hoạt động văn hóa Phật giáo Việt Nam". Cụ thể là nhiều chương trình như Vu lan, Phật đản, Học đều có những tấm thiệp bằng mành tre, thiết kế cúng dường chùa. Hay chương trình "Ân đức sinh thành" - vốn là một chương trình mang ý nghĩa đẹp nhân mùa Vu lan do Phật giáo Q.5 tổ chức, Học cũng trình diễn và viết tặng thư pháp, lên sân khấu để hát những bài nhạc về mẹ…

"Những việc làm nho nhỏ ấy tôi chỉ mong góp một phần nhỏ vào việc chuyển tải hình ảnh của Phật giáo đi vào cuộc đời". Giản dị khi nói về quan niệm sống của mình, Đăng Học đã thuyết phục người trò chuyện bằng những lý lẽ: "Sống không ganh đua, nếu có thì tự xét nét với chính mình để sống tốt hơn. Hôm nay phải làm một điều gì đó có ích hơn hôm qua. Còn khi đau khổ, thất bại (đương nhiên) thì phải đối mặt để vượt qua. Bên cạnh đó, làm một việc gì cũng phải chú tâm, chánh niệm thì mới làm tốt được. Viết thư pháp hay tu tập mà không chánh niệm thì cũng khó mà thành công…".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày