Người phát tâm xuất gia là người có nhân duyên sâu dày với Phật pháp, thấy rõ cõi đời vô thường, nguyện từ bỏ tất cả để bước vào cửa đạo, noi theo dấu chân của chư Phật, chư Tổ mà tiếp nối mạng mạch Như Lai.
Người xuất gia không phải vì chán đời, cũng không phải vì hoàn cảnh mà chọn lựa. Chính vì thấy rõ đời là bể khổ, là cõi tạm, là nơi vạn vật vô thường sinh - diệt nên phát khởi đại tâm, mong cầu tự độ, rồi tiến xa hơn là độ tha.
Kinh Pháp hoa dạy rằng: “Chư pháp tùng bản lai, thường tự tịch diệt tướng” (Muôn pháp vốn lặng lẽ, bản thể vốn thanh tịnh). Bởi nhận chân được lẽ ấy, hàng xuất trần thượng sĩ quyết chí từ bỏ những ràng buộc của thế gian, nguyện sống đời phạm hạnh, lấy trí tuệ làm sự nghiệp, lấy con đường giải thoát làm chí hướng duy nhất.
Nhưng xuất gia không chỉ là rời bỏ gia đình, khoác lên mình chiếc áo nâu sòng, mà trọng yếu hơn cả là xuất ly tam giới, thoát khỏi những ràng buộc của tham, sân, si. Bước chân vào cửa thiền, nếu thân xuất gia mà tâm vẫn còn vướng chấp thế gian, ấy là chưa thực sự thoát tục.
Xuất gia là đại sự nhân duyên, không phải ai cũng đủ phước báu để khoác lên mình tấm y ca-sa, được đứng vào hàng “Trưởng tử Như Lai”. Người phát tâm xuất gia phải mang trong lòng chí nguyện lớn: tự độ và độ tha - không chỉ hướng đến sự giải thoát cho bản thân, mà còn vì muôn loài chúng sanh, lấy tâm đại bi làm sự nghiệp; lấy giới luật làm thầy, lấy thiền định làm con đường tu tập, hàng phục phiền não, chuyển hóa nghiệp lực để hoằng dương Chánh pháp.
Người xuất gia phải có tâm kiên cố, nguyện vững như Kim cang, dù gặp chướng duyên vẫn không thối thất, dù bị thế gian cười chê vẫn không nao lòng. Bởi vì đã hiểu rõ rằng: “Nhứt thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán” (Các pháp hữu vi đều như mộng huyễn, như bọt nước, như điện chớp, phải quán chiếu như vậy).
Khi đã thấu tỏ được như vậy, người xuất gia không còn bị ràng buộc bởi danh lợi, hay bị chi phối bởi lời khen, tiếng chê, chỉ một lòng hướng đến con đường giác ngộ.
Chí nguyện xuất gia không chỉ là phát tâm trong một sớm một chiều, mà là hành trình dài đầy thử thách. Con đường tu tập không phải trải đầy hoa thơm cỏ lạ, mà là lửa đỏ nung rèn ý chí, là gió lớn thử thách tâm kiên cố. Người xuất gia phải giữ vững giới luật vì giới luật là thọ mạng của Phật pháp, là nền tảng của người tu hành. Không có giới luật, con đường đạo dễ bị lệch hướng, như thuyền không lái giữa dòng đời trôi nổi.
Người xuất gia chịu đựng mọi khổ hạnh vì sống trong chốn thiền môn không phải để tìm cầu an lạc, mà là rèn luyện bản thân, vượt qua mọi nghịch cảnh, không thối chí trước chướng duyên để dấn thân phụng sự, lấy chúng sanh làm sự nghiệp, lấy giải thoát làm cứu cánh tối hậu. Người xuất gia phải kiên trì, giữ vững bồ-đề tâm, không để ngọn lửa phiền não thiêu đốt chí nguyện ban đầu.
Và khi đã được khoác lên mình tấm y thì phải luôn biết trân trọng, tự nhắc nhở mình: "Thân này dù có xả, đạo này quyết không rời. Hạnh này dù có khó, tâm này nguyện chẳng lay".
Vì nếu không giữ vững tâm nguyện ban đầu, không kiên định trước thử thách, thì dễ bị sóng gió thế gian cuốn trôi, uổng phí một đời xuất trần thượng sĩ.
“Ở chốn trần ai chớ nhiễm trần
Chuyên cần trì giới luyện tâm thân
Lo tu lắng định lòng mình trước
Đuốc tuệ sau này rọi thế nhân”.
Nguyện rằng những người đã phát tâm xuất gia, sống đời phạm hạnh, dẫu đối diện muôn trùng sóng gió hay phải trải qua thử thách gian nan, vẫn giữ lòng kiên định, chí nguyện không lay chuyển, để mỗi bước đi gần hơn với sự giác ngộ. Và khi đuốc tuệ được thắp sáng, lòng từ trải khắp muôn phương, người tu hành không chỉ tự độ mà còn hóa độ chúng sinh, đem đến niềm an lạc cho người, cho đời.