GN - Hãy làm tất cả những gì có thể để giữ gìn sự tôn nghiêm của hồng danh Phật, Bồ-tát.
HỎI: Tôi là Phật tử thường tụng kinh Pháp hoa. Trong quá trình đọc tụng, tôi phát tâm kính ngưỡng và yêu thích ý nghĩa danh hiệu Đức Phật Nhiên Đăng nên muốn lấy danh hiệu này đặt tên cho con trai sắp sinh của mình. Cha mẹ và các bậc lớn tuổi đều khuyên không nên, vì “phạm húy” với Phật. Vậy mong quý Báo giúp tôi về vấn đề này.
(HOA HẠNH, catphuc.nguyen@gmail.com)
ĐÁP:
Bạn Hoa Hạnh thân mến!
Trong thực tế thì khá nhiều tên “đẹp” của người Việt, có nguồn gốc Hán-Việt, trùng với danh hiệu các vị Phật, nhất là đối với những danh hiệu ít phổ biến, không nhiều người hay biết. Ai đã từng kính lễ danh hiệu Phật ở những bộ kinh như Vạn Phật, Tam thiên Phật, Ngũ bách danh Phật… thì thấy rõ điều này.
Thường thì các bậc cha mẹ sau một thời gian dài suy ngẫm về một cái tên thật hay, thật ý nghĩa để đặt cho con mà hoàn toàn không hề có chủ ý lấy danh hiệu Phật đặt tên cho con của mình. Nếu tên ấy trùng với danh hiệu Phật thì đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, rất bình thường, và dĩ nhiên là không có gì thất lễ với Phật Thánh cả.
Tuy nhiên, hiện bạn đang có chủ ý lấy danh hiệu Đức Phật Nhiên Đăng để đặt tên cho con vì “kính ngưỡng và yêu thích ý nghĩa danh hiệu” Ngài, tuy không “phạm húy” và chư Phật cũng chẳng quở trách gì nhưng thiết nghĩ là không nên. Có nhiều lý do bất tiện về vấn đề đặt tên này, ở đây chúng tôi chỉ nêu một lý do đơn giản nhất là sau này khi mình la mắng con cái (hay con mình bị người khác phàn nàn, chửi mắng) thì không chừng Đức Phật tôn kính của mình bị hàm oan, vì có chủ ý về cái tên của con (giống tên Phật) nên khi nghe như vậy mình sẽ không đành lòng.
Nhân đây chúng tôi thiết nghĩ, mọi người không nên lấy danh hiệu Phật, Bồ-tát đặt tên cho các sản phẩm, thương hiệu như “trà Dược Sư”, “nhang Quan Âm”, “Buddha bar” v.v… vì dù không cố ý nhưng khó tránh khỏi ảnh hưởng và tác động nhiều phía đến sự tôn nghiêm của hồng danh và hình ảnh chư Phật, Bồ-tát.
Trong trường hợp vì quá ngưỡng vọng, tin tưởng, muốn những người thân hay các sản phẩm của mình có sự “kết nối” với Tam bảo thì hãy nên sử dụng các danh từ chung để đặt tên như: nước Cam lộ (ngon ngọt), trà An lạc (an vui), cơm Từ bi (yêu thương), đèn Bát-nhã (trí tuệ)…
Tóm lại, hồng danh Phật và Bồ-tát tuy là những từ ngữ bình thường nhưng trong tâm khảm của người con Phật luôn thiêng liêng, cao cả. Do đó, Phật tử chúng ta hãy làm tất cả những gì có thể để giữ gìn sự tôn nghiêm của hồng danh Phật, Bồ-tát.
Chúc bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)