Dấu chân trên tuyết (Tiếp theo GN 507)

Dấu chân trên tuyết (Tiếp theo GN 507)

MỞ RỘNG CỬA

Đi học được mấy năm, tôi đã có thể ghi chép các sổ sách đơn giản. Lúc đó muốn viết một phong thư, phải học ít nhất cũng ba năm. Tại quê tôi, đây cũng là một việc khó. Vào thời đó, thường thì thầy giáo là người có thể viết thư. Nhưng, lúc ấy ở bình nguyên Trường Giang, rất ít người lìa quê ra tỉnh, nên cũng không ai cần viết thư.

Anh cả tôi ở tại Thượng Hải, làm việc trong một tiệm cung ứng đồ dùng nước nóng, còn kiêm luôn kéo xe. Cứ hai năm, anh lại nhờ người viết thư, báo tin mình gởi tiền về nhà. Khi chúng tôi tiếp được thư, sẽ thuê một người biết chữ đọc thư cho chúng tôi nghe, rồi bỏ tiền ra nhờ họ viết thư hồi âm...

Tôi tiếp tục nỗ lực học tập, vào trường tiểu học đàng hoàng. Trường này nổi danh ở thị trấn chúng tôi, tên trường là “Lạc Dư”. Hiệu trưởng là một phú gia sáng lập ra trường. Từ nhà đến trường, đi bộ chừng nửa tiếng. 

Trường học yêu cầu mặc đồng phục trường quy định, nhưng cha mẹ tôi nghèo, sắm không nổi, tôi vẫn được phép nhập học. Thế nhưng, trò nào không mặc đồng phục thì phải đứng phía chót và không được tham dự các buổi lễ long trọng.

Tôi năn nỉ mẫu thân:

- Hãy may cho con một bộ đồng phục!

- Đó là y phục may theo kiểu Tây, mẹ làm sao may được?

Tôi hạ thấp giọng, thầm thì:

- Vậy mẹ cho tiền con mua... nhé?

Nhà chúng tôi chẳng giàu có, thậm chí mua đôi hài còn không đủ tiền mua. Tôi toàn là đi chân không đến trường. Nhưng tôi không nản, cứ nằn nì, xin ba mẹ hãy mua cho mình một bộ đồng phục, ba mẹ tôi vô phương đáp ứng, nên rất áy náy, khổ tâm.

Việc bị ép đi học hồi nhỏ đã trợ giúp cho tôi rất nhiều. Tôi dễ dàng vượt qua giáo trình trong trường và trở thành học sinh ưu tú, xuất sắc.

Có lần đi thi, các bạn đồng học không vượt qua nổi, bị thầy giáo gọi lên khảo hạch, bắt phải thi lại.

Thầy đưa ra đề thi, học sinh tiếp lấy giải đáp. Tôi đứng bên ngoài lắng nghe. Nói nho nhỏ đáp án rồi chuyền lời giải vào, nhờ vậy trò đầu tiên vượt qua ải thi. Nhưng đến trò thứ hai thì bạn này sợ quá, cứ đứng ý, đờ người ra. Thầy giáo phát hiện chuyện tôi làm và khẻ vào tay tôi, tặng một trận đòn nên thân.

Mặc dù tôi được trường học khen thưởng, khuyến khích, miễn thu học phí lớp năm và lớp sáu cho tôi. Nhưng nhà tôi nghèo quá, tôi bắt buộc phải nghỉ học. Gia đình cần tôi làm việc, mới có thể duy trì cuộc sống và không bị đói.

Khi quân Nhật đến thị trấn này, phụ thân và anh tôi thấy chúng dùng lưỡi lê giết người. Nghe kể phụ nữ bị cưỡng bức tàn bạo, thậm chí trẻ con cũng bị sát hại. Nhật tàn sát liên tục suốt mấy tuần, đến khi chắc chắn là cư dân ở đây đã hoàn toàn khuất phục, họ mới ngưng tay bạo sát.

Căn nhà không đẹp mắt của chúng tôi tọa lạc tại một nơi xa xôi. Nghe tin quân Nhật tới thì các phụ nữ và bé gái trong thị trấn đã vội bôn đào, tìm tới chỗ chúng tôi tỵ nạn. Biết họ quen cuộc sống tiện nghi nên chúng tôi nhường chỗ cho họ nghỉ, còn mình thì ngủ nơi ổ rơm trên đất. Chúng tôi vốn không quen biết họ, chỉ là do người thân ở xa giới thiệu họ tới đây.

Bởi vì xúm nhau chen chúc trong nhà quá chật chội, nên ban ngày, mọi người đều ra ngoài và cử một người lo việc canh gác. Hễ thấy bóng dáng quân Nhật, thì tất cả chạy u vào nhà, cùng niệm danh hiệu Bồ tát Quan Âm và Phật. Lúc đó, mặc dù tuổi còn thơ dại, đối với Phật giáo tôi không hiểu biết gì, cũng chẳng có cảm hứng; tôi chỉ muốn quan sát hiện tượng thú vị là - khi nguy hiểm vừa qua - mọi người đều ngưng niệm Phật.

Quân Nhật xuất hiện, không ai có thể đoán biết trước. Thường ngày, họ hay xuất hiện đồng một thời điểm, họ chẳng thèm kiểm tra xem nhà chúng tôi có mấy phòng.

Thân mẫu chúng tôi mở rộng cửa, tiếp nhận đám con gái nhỏ tỵ nạn hệt như gà mẹ giương cánh bảo vệ gà con. Dù chúng tôi nghèo, nhưng hay giúp đỡ người, biết đoàn kết, cùng nhau che chở và bảo hộ tha nhân. Lúc đó trông mẹ tôi rất tự hào và vui vẻ, đến nay hình ảnh ấy vẫn còn hiện rõ trong tâm tôi.

Tôi đối với quân Nhật rất khiếp sợ, do người Nhật quy định nhà chúng tôi phải nộp một người đến làm lao dịch cho chúng. Bởi tất cả người lớn đều bận ra đồng làm việc, nên tôi phải đi.

Lúc đó tôi đối với quân địch không có lòng từ bi. (Tôi chỉ là một đứa bé bình thường, không phải Phật sống). Mãi đến khi xuất gia làm tu sĩ, tôi mới biết từ bi là thế nào.

Trong nhà, mẫu thân tôi quả có trái tim đá, bà không biết sợ và chẳng hề có thái độ lo lắng gì... Bởi, bà quan niệm rằng: Trời không triệt đường của ai, chỉ cần nỗ lực làm việc, dụng tâm cố gắng...

Bây giờ tôi nhận ra và hiểu rõ, chính trí huệ của bà đã âm thầm tác động và ảnh hưởng, giúp cho tôi có được ngày hôm nay.

Ở LÀNG QUÊ

Mẫu thân cũng hướng dẫn tôi tiếp xúc với các sinh hoạt tôn giáo. Lúc đó bà là thành viên của Hội Quan Âm. Mỗi năm, các bà nhóm họp ba lần, hẹn với hai-ba mươi phụ nữ cùng nhau trì tụng danh hiệu Quan Âm.

 “Quán Thế Âm Bồ tát Đại bi” lắng nghe, giải cứu khổ nạn cho chúng sinh. (Đại bi Quán Thế Âm Bồ tát thính văn, giải cứu chúng sinh đích khổ nạn).

Mẹ tôi cũng như phần đông phụ nữ khác, không biết chữ, cho nên bà chỉ tụng những từ đơn giản về Quan Âm. Các phụ nữ này muốn tôi tham gia hàng ngũ của họ. Bởi vì những người dân phổ thông Trung Quốc đều cho rằng trẻ con tâm linh thuần tịnh, (chưa bị nhiễm những vọng niệm tham lam không lành như người lớn).

Càng tiến vào sinh hoạt tu hành, tôi nhận ra rằng mẹ tôi có ngụ ý thâm trầm vi diệu. Bà hy vọng nhờ những buổi tụng niệm Thánh hiệu Quan Âm này, sẽ dìu dắt tôi tiến vào đền đài tôn giáo.

Tôi, đứa bé nhỏ thó, ốm như cây tre; một bộ xương gầy như que củi; đi theo các bà tụng niệm, chìm lỉm trong mớ y phục sa bố loạt soạt khoác trên nhân dáng mập, khỏe, to lớn của các bà. Tôi cố gắng đọc lời kinh một cách lúng búng vụng về, khiến ai nấy đều phải bật cười.

Buổi tối chúng tôi tụ họp ở nơi một ngôi nhà khác, ngồi quanh cái bàn tròn có đặt tượng Bồ tát Quan Âm, được thiết lễ trang trọng với đầy đủ cúng phẩm hương, hoa, đèn nến, mâm quả...

Các bà trì tụng và mỉm cười khích lệ tôi. Tôi bắt chước tụng theo, dần dà cảm thấy ưa thích. Tôi thường tụng niệm trong chùa hay những khi làm công tác, hoặc xướng niệm lúc đi trên đường... tôi không ngờ được rằng, sau này sẽ có lúc mình thành tu sĩ và - lễ bái Bồ-tát Quan Âm - lại trở thành pháp môn tu quan trọng của tôi. Tôi nghĩ rằng chính nhờ thiện căn, do những hạt giống lành tích lũy từ kiếp trước; nên đời này, ngay từ thơ bé tôi đã có được phúc duyên trì tụng Thánh hiệu Quan Âm, gieo duyên lành với Ngài, kéo dài mãi đến bây giờ.

Trừ niệm Thánh hiệu Quan Âm ra, tôi còn theo hai anh và các chị tham gia Hội Lý Giáo. Hội này thuộc chi nhánh phái “Lý Giáo Giáo Nghĩa”.  thường gọi là “Như lý chi giáo”, phái này kết hợp Nho, Phật, Lão... và thờ Đức Quan Âm.

Thủy tổ của Lý Giáo là Dương Lai Như, ông hợp cùng đám di dân triều Minh mưu tính lật đổ Mãn Thanh. Do các cao quan đại thần triều Minh đa số được nhà Thanh mời ra làm quan, nhưng họ cự tuyệt, và những người trong số đó đã xuất gia làm Hòa thượng hay ẩn sĩ, vì vậy mới sản sinh ra giáo phái và tổ chức này. Bọn họ nuôi hy vọng có thể bí mật tiến hành việc lật đổ nhà Thanh, tình hình này kéo dài suốt mấy trăm năm. Cho đến năm 1911, khi Trung Hoa Dân Quốc thành lập, Lý Giáo mới thành là một tổ chức công khai.

Tại đại sảnh cử hành diễn giảng, có thể dung chứa khoảng mấy trăm người. Đây cũng là trung tâm hành chánh của thị trấn. Một tượng Quan Âm ngự trong đại sảnh chăm chú nhìn. Quan Âm là biểu trưng của Lý Giáo, nên tôi không hề biết Lý Giáo cùng Hội Quan Âm của mẫu thân khác nhau, bởi vì hai bên đều thờ Bồ-tát Quan Âm.

Các tín đồ nghe khai thị, cùng trì tụng Thánh hiệu Quan Âm, không khí trong đại sảnh trở nên hiền hòa. Mọi người giao tiếp với nhau thân mật hơn. Tượng Quan Âm ngự trong đại sảnh khiến người ta có cảm giác mình đang ở chốn tự viện. Các cúng phẩm ở đây có trà, hương và thức ăn chay. Cấm không cho cúng rượu, thịt, thuốc hút...

Ai nấy đều mặc y phục tốt, nghi dung chỉnh tề, hành động cử chỉ đẹp. Lúc đó không còn giai cấp, chẳng phân biệt ta, người - Kia đây bình đẳng.

Nhưng khi về với sinh hoạt ngày thường, người giàu tiếp tục khinh rẻ người nghèo, những biểu hiện tốt đẹp, như cư xử ưu việt kia thảy đều biến mất.

Tôi còn nhỏ, có đến nghe giảng cũng chẳng hiểu gì, nhưng nói tới đồ ăn, tôi hiểu hết. Tôi thích đồ cúng ở đó. Những buổi tụ hội này khiến tôi cảm thấy an ổn và trầm tĩnh. Nhưng tôi không nghĩ là mình có thể thành hội viên của họ.

Một kinh nghiệm khác của tôi về tôn giáo nữa là, các đạo sĩ của Lão giáo tới trong thôn đuổi ma. Tôi tò mò quan sát những sự kiện kỳ dị này.

Một tu sĩ có thể trợ giúp cho người chết, từ thế giới này thông qua thế giới kia, thật là kỳ diệu quá!?

Trong quá trình đuổi ma, các đạo sĩ cầm kiếm múa may, uốn mình lắc eo, chuyển tay phất áo, huơ huơ trong không trung, họa phù đủ kiểu. Sáo trúc đồng tấu, hòa với trống chiêng, hình thành một cảnh tượng lượn lờ, ầm ĩ đủ kiểu đủ cách. Những điều này đối với người dân thôn quê chúng tôi mà nói, đúng là cuộc hòa tấu thanh sắc tuyệt hay, ngộ nghĩnh và vui vẻ.

Các đạo sĩ bấm huyệt trên thân người bịnh khiến họ co rúm lại, bật ra tiếng kêu the thé, ý là ác quỷ đã thoát khỏi thân họ. Đạo sĩ đuổi tà, có thể dùng chu sa họa vẽ bùa trên đất, diễn màn nhảy tới lui, múa kiếm chém ma, hoặc múa võ, làm phép trục ác ma ra, bỏ vào bình, nhốt giam ngàn năm... Chỉ khi bình bị phá vỡ, ác ma mới thoát...

Tôi bị các nghi thức này thu hút, hy vọng có thể ngay đây nhìn thấy con ma bị trục ra, thần linh tiến vào thế giới khác, khiêu vũ, vui hát và Thánh tán...(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.
Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh hoạ của Quảng Đạo/BGN

Không nên thối thất niềm tin chỉ vì “con sâu làm rầu nồi canh”!

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày