GN - Tôi đến thiền viện Ngọc Hạnh vào dịp đầu năm mới và gặp những cụ già trên 70 tuổi, chị phụ nữ trung niên, những thanh niên, thiếu nữ tuổi đôi mươi đang chăm chỉ, tận tụy trong công việc công quả của mình. Những bàn tay thoăn thoắt sử dụng máy bào dược liệu, chặt cây thuốc, phơi thuốc... trong nắng xuân ấm áp tại thiền viện Ngọc Hạnh...
Một ngày ở thiền viện
Thiền viện Ngọc Hạnh tọa lạc cách trung tâm TP.Vĩnh Long trên 2km, gần cầu Cái Cam, thuộc địa bàn xã Trường An (bên trái trên Quốc lộ 1 A, từ TP. Hồ Chí Minh). Trên khoảng sân rộng từ ngoài cửa thiền viện vào, phía bên phải có điện thờ Quan Thế Âm Bồ-tát và dưới cây bồ-đề cao to là Đức Phật Thích Ca đang ngồi thiền.
TT.Thích Giác Hiển xem mạch cho bệnh nhân
Cảnh trí ở đây trang nghiêm, thanh tịnh hơn với chánh điện mới vừa được trùng tu thật bề thế. Phía bên trái là Tuệ Tĩnh đường, nơi khám bệnh, bốc thuốc, xung điện và châm cứu, kho chứa thuốc, nhà khách, nhà bếp, nhà ăn và dãy phòng dành cho những người làm công quả nghỉ ngơi. Ngoài những Phật tử đến làm công quả rồi về, thiền viện có 10 người bào thuốc, phơi thuốc và phục vụ bếp ở nội trú, trong đó có 5 em là sinh viên nghèo từ một số tỉnh, đến làm công quả để đi học ở các trường cao đẳng, trung cấp trong tỉnh Vĩnh Long.
Thiền viện được Hòa thượng Thích Giác Hạnh khai sơn từ năm 1971 với diện tích 4.500m2. Năm 1972, Hòa thượng đã lập Tuệ Tĩnh đường, nơi chữa trị bệnh miễn phí bằng thuốc
Vào rừng tìm thuốc chữa bệnh
Để có nguồn dược liệu quý điều trị cho số lượng bệnh nhân ngày càng nhiều, từ năm 2000 đến nay, vào lúc hương xuân còn phảng phất, mai vàng rực rỡ trong nắng sớm là lúc thiền viện Ngọc Hạnh tổ chức đoàn gồm 40 người, là các vị sư và Phật tử lên non tìm cây dược liệu quý về chữa bệnh cứu người.
TT.Thích Giác Hiển, trụ trì thiền viện Ngọc Hạnh (được Phật tử và bà con ngoại đạo quen gọi là Sư Hiển) cũng là một lương y bắt mạch kê toa trị bệnh ở Tuệ Tĩnh đường, mỗi chuyến đi đều do Thượng tọa làm trưởng đoàn.
Vào rừng tìm thuốc quý chữa bệnh
TT.Thích Giác Hiển cho biết: “Trước khi tổ chức chuyến đi, đoàn xin giấy phép của chính quyền địa phương mới được vào rừng. Như mùa xuân năm nay, do ảnh hưởng những vụ cháy rừng mà đoàn xuất phát chuyến hành trình trễ hơn nửa tháng so với những năm trước”.
Mỗi chuyến đi dài 15 ngày, chi phí từ 60 đến 70 triệu (trong đó tiền thuê xe đã hết 40 triệu), có một số loại dược liệu quý như dây bìm bịp (là dược liệu để điều trị bệnh đau khớp, kích thích thần kinh, chữa mau lành vết thương), phải mua của người dân tộc. Năm 2013, thiền viện đã chi hơn 10 triệu đồng để mua 1,5 tấn dây bìm bịp. Kinh phí chi cho chuyến đi tìm thuốc do sự tài trợ của các nhà hảo tâm và Phật tử.
Đoàn tìm thuốc thường lặn lội vào các khu rừng ở Suối Tiên, Cát Tiên, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, có năm thì đến Rừng quốc gia ở Tây Ninh… Đoàn khai thác từ bìa rừng và tiến dần vào rừng sâu, việc ăn uống do các Phật tử cùng đi quán xuyến, đoàn căng lều nghỉ trong rừng, ngày nghe tiếng chim hót véo von, đêm không khí rất lạnh, lại nghe tiếng vượn hú, một hai đêm đầu cũng cảm giác rợn người nhưng rồi cả đoàn cũng quen dần đi.
Ông Tám Lê, chủ doanh nghiệp nước chấm Đại Phát năm nào cũng hào hứng lặn lội theo đoàn. Ông cho biết: “Cả đoàn đều như mình, đều cực nhọc, kể cả sư phụ (Sư Hiển) cũng không ngại gian khổ thì kể gì chúng tôi. Đi có tập thể nên cũng vui lắm, nhất là khi tìm được nhiều cây thuốc quý mang về”.
Thầy thuốc không lương
Tại Tuệ Tĩnh đường, ngoài Sư Hiển, còn có Sư Châu là người khám bệnh kê đơn thuốc, các sư cô tham gia hốt thuốc, các Phật tử chung tay bào thuốc, chặt thuốc, phơi thuốc. Anh Nguyễn Văn Hùng, trước đây là trung tá bộ đội Tiểu đoàn 2, Trường Kỹ thuật Quân khu 9, đóng quân tại phường 9, TP.Vĩnh Long đã nghỉ hưu, từ năm 2010 anh vào Tuệ Tĩnh đường làm công quả.
Anh Hùng thường xuyên tìm các loại cây thuốc ở địa phương mang vào và hàng ngày đến hốt thuốc cho bệnh nhân. Năm 2011, anh được thiền viện giới thiệu đi học lớp chuẩn hóa kiến thức Đông y do Hội Đông y tỉnh tổ chức, vợ anh là chị Huỳnh Thị Thanh Thúy, hàng ngày cũng đến phụ bếp ở thiền viện.
Phơi thuốc tại thiền viện Ngọc Hạnh
Dì Bảy Hiên đã gần 70 tuổi, hàng ngày vẫn đến chặt cây thuốc, còn cô Dung là giáo viên dạy ở một trường THCS gần đấy nói: “Cứ ngày nghỉ dạy ở trường thì em đến chùa chặt cây thuốc, em nghĩ làm những công việc này cũng là một việc thiện”. Cô Hiếu là giáo viên của một trường mầm non ở thành phố Vĩnh Long, nhà ở Long Hồ, tận dụng đất rộng của gia đình, ngoài giờ làm việc, cô đã trồng nhiều cây thuốc Nam quyên góp cho Tuệ Tĩnh đường.
Ngoài việc khám bệnh, hốt thuốc, thiền viện còn kết hợp chữa trị bệnh bằng phương pháp châm cứu, đặc biệt là các bệnh đau nhức, châm cứu giảm rất nhanh. Phụ trách việc xung điện, châm cứu là lương y Trần Đắc Sỹ, ông đã có nhiều năm gắn bó với thiền viện, hàng ngày tận tụy châm cứu cho bệnh nhân, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị.
Cô Diệu Nga, một Phật tử rất gắn bó với thiền viện cho biết, ba của cô 72 tuổi bị bệnh tim nhiều năm, đã phẫu thuật đặt 1“sten” cách nay hơn 1 năm, sau phẫu thuật ông càng yếu hơn, suốt ngày chỉ nằm. Cô Diệu Nga đã đưa cha đến Tuệ Tĩnh đường để được Sư Hiển bắt mạch, kê toa thuốc cho ông uống và chỉ uống trên 20 thang thì ông đã có thể ngồi dậy. Sau hơn sáu tháng uống thuốc thì ông đã đi lại và làm được một số việc nhỏ trong nhà.
Tuệ Tĩnh đường sử dụng thuốc núi, kết hợp với cây thuốc Nam ở địa phương điều trị có hiệu quả, đặc biệt là các bệnh: thận ứ nước, thận khô, tim mạch, thần kinh, đau nhức khớp, giải độc... Những “nhân viên không lương” của thiền viện làm việc với cường độ, áp lực rất cao. Các công việc chặt thuốc, phơi thuốc, hốt thuốc, châm cứu cứ diễn ra tất bật bởi số lượng bệnh nhân ngày càng đông. Hiện nay, trung bình hàng ngày tại thiền viện có từ 60 đến 70 người đến xem mạch và hốt thuốc. Trung bình mỗi người hốt ít nhất 7 thang đến 10 thang, có người ở xa hốt đến 15 đến 30 thang, vì đã qua thời gian uống thuốc thấy có kết quả điều trị tốt. Như vậy, mỗi ngày Tuệ Tĩnh đường trung bình hốt gần 1.000 thang thuốc.
Từ năm 1972 đến nay, Tuệ Tĩnh đường đã chữa trị miễn phí cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân và trở thành một địa chỉ tin cậy của người dân, nhất là bà con nghèo ở Vĩnh Long và các tỉnh, thành khác. Ngoài hoạt động của Tuệ Tĩnh đường là khám và chữa trị bệnh cho người dân, với vai trò là Trưởng ban Từ thiện xã hội (thuộc Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long), TT.Thích Giác Hiển đã vận động hàng tỷ đồng để tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội.
Đời sống cần một tấm lòng, thật trân trọng biết bao những tấm lòng biết yêu thương và chia sẻ, biết tận tụy phục vụ vì mọi người. Đến thiền viện nhìn những thầy thuốc không lương tất bật làm việc, tinh thần phục vụ không biết mệt mỏi khiến tôi thật cảm kích…
“Vào dịp mỗi đầu xuân mới, tổ đi tìm thuốc núi của thiền viện Ngọc Hạnh tổ chức đi lên non tìm về khoảng 50 đến 60 tấn dược liệu quý để chữa bệnh cho người dân tại Vĩnh Long và các tỉnh thành lân cận. Qua nhiều năm đi núi tìm nguồn thuốc quý, với kinh nghiệm và lòng nhiệt tình của các thành viên, đoàn rút ngắn thời gian của hành trình, chỉ đi 8 ngày (thay vì hơn nửa tháng trước đây) mà mang về đến 60 tấn cây dược liệu. Đi rừng tìm thuốc rất vất vả, nguy hiểm nhưng cứ nghĩ, mang được nhiều cây thuốc quý về chữa bệnh cho người nghèo là cả đoàn thấy hết mọi mệt nhọc”, TT.Thích Giác Hiển cho biết. |