Dạy con hiếu thuận

GN - Với tôi, má là hình dung mẫu mực của người phụ nữ miền Trung thuần đức. Má chân phương, mộc mạc, chịu thương, chịu khó. Má tôi làm nông, quanh năm bươn bả, gò lưng trên đồng cạn, lặn lội dưới đồng sâu. Trên người má lúc nào cũng có những “sản phẩm” của đồng ruộng. Khi thì sợi rơm khô trên tóc, lúc trong túi áo rơi ra mấy hạt thóc, móng tay móng chân đọng lại màu vàng vàng của phèn. Lưng áo luôn mướt mồ hôi, trên vai kẽo kẹt đôi quang gánh… Dường như, má đẹp hơn là nhờ vậy, vẻ đẹp vĩnh hằng của đức hy sinh.
anhminhhoa.jpg
Gánh yêu thương của má - Ảnh minh họa

Tôi thích khuôn mặt trái xoan đôn hậu, thích mái tóc luôn bới cao thơm mùi bồ kết của má. Và tôi đặc biệt thích mỗi khi nghe người trong xóm trầm trồ: “Má tụi bây làm lở núi lở non!”. Người ta nói vậy vì một quãng mấy năm, ba vắng nhà - lý do không tiện kể. Các bạn biết đấy, nước non, phân giống, cày bừa, gieo sạ, gồng gánh, rạ rơm… một mình má làm hết. Má bảo chị em tôi, lo học hành cho đến nơi đến chốn, chuyện ngoài đồng để má.

Má tôi là nhân vật bất hạnh, thiệt thòi trong câu chuyện cổ tích. Ông ngoại tôi là thầy giáo làng, ông bị Tây lấp vào một hố chôn tập thể ở Hảo Sơn (Phú Yên)  khi má là cái thai chưa kịp tượng hình. Trẻ chưa rời vú mẹ, tang chồng còn trắng đầu, ông cố đành đoạn ép ngoại bước tiếp… Nước mắt vắn dài, ngoại tức tưởi rũ bỏ tấm khăn trắng, bỏ má lại với cố…

Tuổi thơ má trầy trụa, câu chuyện ngày nhỏ của má chỉ toàn mùi mồ hôi quyện bùn đất. Má bảo, nứt mắt ra đã lo bươn chải nên không còn thời gian để khóc than, ta thán…

Ngoại lấy chồng, một địa chủ giàu nứt đố đổ vách lại nổi tiếng hung dữ độc đoán. Má chưa một lần được bà ngoại gửi cho đồng quà, tấm bánh. Người ta hỏi bà ngoại, sao không giấu chồng sửa sang cho con gái, ngoại bảo, mình đã có chồng, sao dám qua mặt mà đút lén, ổng biết chắc sẽ băm vằm…

Một chữ bẻ đôi má không biết. Má “thèm” con chữ, nài nỉ đi học thì cố bảo: “Học biết chữ để viết thư cho bồ phỏng?”. Dưới sự rèn cặp khắt khe của ông cố, tay má chỉ cầm câu liêm, cái cuốc, chưa một lần chạm cây bút. Ngày Tết, xin may một bồ đồ mới, cố la: “Không có tiền mua mắm mua gạo mà may máy chi cho tốn kém?”. Thế là bà cố lấy dao nhíp (dao nhỏ, lưỡi có thể gập vào một cái nhíp dùng làm chuôi), tự cắt may cho má tấm áo Tết. Áo mới bà cố cho, mặc vào, cổ áo níu lên, lấy tay kéo trì xuống nhưng cũng không che hết cái bụng. Chỉ hai bộ đồ, thay bộ này giặt bộ kia. Đi làm mướn, lỡ trượt té lấm lem, má phải mặc nguyên đồ chà rửa rồi ra đứng hong nắng cho khô. Tối đi làm về, quần còn vén tới bẹn nhưng vẫn ngon lành nằm ngủ, đất cát vãi đầy chiếc chiếu rách. Những tình tiết nghe còn thương tâm hơn những nhân vật mồ côi khốn khổ trong những câu chuyện cổ, chị em tôi bật khóc…

Rồi ông cố nằm liệt giường. Má túc trực bên ông, ngày nào cũng lau mình, thu dọn gọn gàng, giường bệnh thơm tho sạch sẽ. Đút từng thìa cháo do chính tay má nấu, mùa đông, giường luôn ấm áp vì má canh chậu than nhỏ dưới gầm giường kỹ lắm, vừa đủ ấm. Ai nhìn thấy cảnh này cũng nghẹn ngào chực khóc, khi cố ăn không hết cháo hoặc nhả ra một miếng vì khó nuốt thì má nhẹ nhàng đưa vào miệng ăn ngon lành, má bảo, của người nhà thì có gì mà “ngại”, miếng ăn của người thân, nỡ nào thành rác, thức ăn đem vứt thì ác lắm…

Ba tôi chen vào một chi tiết mà má chưa kể bao giờ, chị em ngồi lắng nghe và thêm kính yêu má gấp ngàn lần. Những ngày cố ốm nặng, không thể đại tiện như người bình thường được, mỗi lần ông cố kêu muốn đi ngoài thì má phải đưa tay vào hậu môn giúp ông. Lúc hấp hối, cố khó nhọc nhìn má, mắt ầng ậng nước... Má lo ma chay, giỗ chạp cho tới bây giờ. Biết cố thích ngọt, năm nào giỗ cố chị em tôi cũng được ăn chè khoai sáp…

Người chồng mới của bà ngoại bệnh nặng, má mua một con cá chép to đến thăm, hỏi han sức khỏe rồi hối hả vào bếp, lát sau hai tay bưng lên tô cháo thơm phức, kính cẩn mời ba, má vẫn lễ phép gọi chồng kế của bà ngoại là ba. Run run đưa cháo vào miệng, gật đầu khen cháo ngon và nói với má: “Chưa có đứa con nào nấu cho ba tô cháo ngon đến như vậy!...”.

Ông và bà ngoại có tới chín người con nhưng khi ông nằm mê man, mấy con ra vô ép ăn, nằn nì ép uống rồi ra về. Má đến thăm, không bao giờ tỏ ra vồn vã, hỏi tíu tít người nuôi bệnh hoặc ép ăn nài uống mà má đến bên giường, nhẹ nhàng lau tay bóp chân, ôm mớ đồ dơ đi giặt… Có lúc chị tôi “càu nhàu”, thứ đồ hôi hám sao má không đem ra mương nước trước nhà, lấy cây đập sạch rồi treo lên, thấy người ta vẫn làm vậy, má thì cứ lấy tay vò, ngoại có yêu thương gì cho cam, chỉ làm mình khổ thôi... Má cười:

- Má làm vậy, nói rủi, lỡ  rồi sau này má liệt giường, các con cũng giặt đồ dơ cho má như ngày xưa má giặt cho ông ngoại ư?

Nhiều lần tôi hỏi má, thực lòng, má có oán hờn cố, hận ngoại không? Má bảo, đã là người thân thì hơn thua làm gì. Cố là ba của người đã cho má giọt máu tượng hình. Ông ngoại là chồng của người mang nặng đẻ đau. Phận làm con phải trọn đạo, không phải để được tiếng thơm mà để trả ơn. Má đi nuôi cố, nuôi ông ngoại, để mai mốt ba má già yếu, tụi con…

Lời má chị em tôi quyết khắc cốt ghi tâm. Má làm gương như vậy, hỏi làm sao chị em tôi dám không kính yêu, hiếu thuận!?...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Cung kính - nền tảng của sự tiến tu

GNO - Sự tu hành là một lộ trình đầy chông gai, chướng ngại. Có những chướng ngại do nghiệp lực sâu dày, không vượt thắng tham sân là điều dễ thấy. Có những chướng ngại sâu kín hơn, đó là tâm ngã mạn, thấy mình hơn người, bất kính với bạn đồng tu và các bậc trưởng thượng.

Thông tin hàng ngày