GN - Bậc làm cha mẹ ngày nay thường than thở về những đứa con khó dạy và không thể kiểm soát tốt khi để chúng đến trường hoặc đi chơi đâu đó với chúng bạn, hay khi chúng phải sống xa cha mẹ một thời gian.
Trường học cũng không thể kiểm soát trẻ sau khi chúng tan học. Nhà trường dạy chữ nhiều hơn dạy đạo đức con người mặc dù môn Giáo dục công dân vẫn được giảng dạy trong suốt chương trình của các cấp học phổ thông.
Một bạn nhỏ ở châu Âu tới chùa học Phật - Ảnh: L.M
Bậc làm ông bà, cha mẹ luôn muốn con cháu sống tốt nhưng họ cũng không có thời gian để quan tâm nâng đỡ cho trẻ. Việc học ở trường lớp chỉ là một quá trình ngắn hạn, cũng như các khái niệm khoa học khác với khái niệm đời thường được thiết lập thông qua kinh nghiệm và không tạo nên hệ thống. Khi trẻ tồn tại một sự bất ổn, không được chuẩn bị tốt, sẽ khó chịu đựng nỗi đau khổ tinh thần và có khi trút bỏ ức chế bằng những hành vi manh động.
Vấn đề lớn của ngày nay là tình trạng thanh thiếu niên phạm pháp và bạo lực học đường có mức độ gia tăng. Tình trạng trẻ bỏ học, lười học, buông thả, ăn chơi đua đòi và thích khám phá những cái mới lạ là những điều tệ hại đưa trẻ đến việc chúng không có mục đích, lý tưởng sống lành mạnh và thậm chí càng rơi vào tình trạng suy thoái đạo đức con người.
Có nhiều ý kiến khác nhau về cách đối xử với thanh thiếu niên ngày nay như sau: 1) Hãy để trẻ phát triển một cách tự nhiên theo cách nghĩ và hành động của chúng; 2) Cần phải có phương pháp giáo dục răn đe để tránh trẻ rơi vào những tệ nạn xã hội; 3) Cần phải làm bạn với trẻ, chia sẻ niềm vui và nỗi buồn với trẻ, hướng nghiệp cho trẻ; 4) Phải hướng trẻ đến một quy chuẩn đạo đức để chúng trở thành người sống có trách nhiệm với bản thân và với mọi người xung quanh...
Nói chung, người có trách nhiệm với trẻ phải tùy vào hoàn cảnh, tính cách của trẻ mà có biện pháp giáo dục thích hợp, nhưng quy tắc chung cho mọi biện pháp là phải dẫn chứng được giá trị của sự sống tốt và những hành động đúng đắn.
Daisaku Ikeda đã nói rằng: “Tuổi trẻ là chìa khóa của tương lai. Tuổi trẻ là một thời cho sự phát triển và thay đổi, nhưng nó cũng có thể là một thời của những lo âu lớn”. Các bậc làm cha mẹ, người lớn nên dạy cho trẻ những điều cần thiết nhất, những gì tốt đẹp nhất. Quan trọng hơn nữa là người lớn nên khởi sự làm những gì mình đã khuyên cho trẻ trước đã, vì trẻ không chỉ có tai nghe mà còn dùng mắt để thấy.
Có một vài điều cần thiết người lớn cần phải khuyên dạy trẻ, đó là:
1. Đừng hoang phí tiền bạc: tiền bạc không phải là tất cả, làm chủ đồng tiền tốt hơn là để đồng tiền làm chủ, nhưng ranh giới này rất mơ hồ đối với trẻ. Trẻ cần biết rằng đồng tiền kiếm được từ quá trình làm việc hoặc lao động chân chính thật sự đáng quý. Không cần phải xa xỉ, chỉ cần thích hợp và vừa phải để không phải mắc nợ ai về sau. Gia đình cần chuẩn bị cho trẻ cách tự lập và cách quản lý chi tiêu trước khi rời xa vòng tay người thân (một ngày trẻ sử dụng bao nhiêu tiền? Vào việc gì? Loại nào xa xỉ? Loại nào thích hợp túi tiền? Loại nào cần thiết? Loại nào chưa cần thiết?...).
2. Đừng phí thời gian vô ích: đời sống của con người tính bằng thời giờ, mỗi ngày đều được phân chia công việc khác nhau. Trẻ cần phải thời khóa biểu để thực hiện (học tập bao nhiêu giờ? Giải trí vui chơi bao nhiêu giờ? Mất thời gian bao lâu cho ăn uống và vệ sinh cá nhân? Cuối tuần làm gì?...). Nếu trẻ chỉ biết phí thời gian cho việc tán dóc điện thoại, chơi games, nhóm họp bạn bè, xem phim ảnh, ăn uống, la cà đầu đường ngõ phố, mơ mộng… thì cuộc sống chỉ trôi qua một cách vô ích, không định hướng tốt và sẽ trở thành gánh nặng cho người thân.
3. Đừng mải mê kết bạn quá nhiều: có một người bạn thân để chia sẻ và giúp đỡ nhau, hoặc có một người bạn tốt để học hỏi lẫn nhau là điều may mắn trong cuộc sống. Nếu kết bạn quá nhiều nhưng không có một mối quan hệ bạn bè nào tốt đẹp cả thì tốt nhất là hãy làm bạn với chính mình trước đã. Nếu trẻ không có một người bạn thân nào cũng được nhưng tốt nhất là khuyên trẻ đừng tạo ra thù oán với ai, ngay từ thời là học sinh.
4. Đừng tự mãn với tài năng: trong mỗi con người đều có tài năng, tùy vào hoàn cảnh, cơ hội mà phát huy tác dụng. Tài năng là một phần của thành công, nhưng tài năng không đi kèm nhân cách thì không thể thành công mỹ mãn. Ánh sáng sẽ vụt tắt nếu quá tự mãn với tài năng và cuộc sống này sẽ chẳng có thiện cảm đối với người có tính ỷ lại, kiêu ngạo.
5. Đừng trở thành fan cuồng thần tượng: mỗi người có quyền yêu thích ai đó và thần tượng ai đó. Nhưng nếu việc yêu thích hoặc thần tượng dẫn đến hậu quả xấu là điều không ổn. Có nhiều trường hợp đau lòng khi trẻ thần tượng người khác hơn cha mẹ và người thân của chúng. Điều này không chỉ làm gia đình trẻ cảm thấy lo lắng mà cá nhân thần tượng cũng cảm thấy có lỗi với người hâm mộ của họ. Mọi người đều biết rằng người nổi tiếng chỉ là một tấm gương soi cho đời, họ cũng là một con người bình thường nhưng họ đã kiên nhẫn chạm vào ước mơ và phấn đấu hết mình để đạt được mục đích. Sự nổi tiếng của một người luôn có niềm tự hào riêng và cũng có cái giá phải trả của nó.
6. Đừng sợ khó khăn: khó khăn là một nấc thang của cuộc đời, đối phó với khó khăn sẽ giúp trẻ tích lũy được những kinh nghiệm quý báu. Học tập cũng là một khó khăn, tìm việc cũng là một khó khăn… nhưng không bao giờ thất vọng trước mọi khó khăn thì mới mong đạt được thành công. Muốn chèo thuyền qua sông thì trước hết phải học cách chèo thế nào là đúng, chèo thẳng không được thì phải chèo xiên để tách nước mà tới được bờ. Nhưng cũng có trường hợp vì không biết, không hiểu mà bản thân chọn làm việc nguy hiểm và khó khăn dẫn đến lún sâu vào bi kịch. Vì vậy, có khó khăn phải quyết tâm vượt qua cho bằng được và có khó khăn phải từ bỏ.
_________________
* Bài vở cộng tác trang Phật giáo - Tuổi trẻ, mời bạn gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.