GNO - “Mỗi lần cầm báo Giác Ngộ, tôi mở ngay chuyên mục Phật học đầu tiên, vì có những bài giảng của quý Hòa thượng uy tín, có đạo hạnh giúp tôi vững tin trong con đường tu tập và hoằng pháp”.
Sau đó, “tôi đọc đến tin tức Phật sự của Giáo hội, cũng học hỏi rất nhiều trong công việc điều hành Phật sự tại địa phương”, ĐĐ.Thích Thiện Châu, Phó ban kiêm Chánh Thư ký BTS GHPGVN Q.3 (TP.HCM) chia sẻ.
Những tờ báo cũ được Đại đức Thiện Châu lưu giữ kỹ - Ảnh: NVCC
Xúc động khi có một tờ báo Phật giáo
Tôi bắt đầu đọc báo Giác Ngộ từ năm 1995, khi còn là một chú tiểu mới vào tu chùa Hội An (Vĩnh Long). Hồi đó, nhờ thường xem các chuyên mục Phật học của Giác Ngộ, các bài giảng của HT.Thích Trí Quảng, HT.Thích Thanh Từ… giúp tôi tích lũy nhiều kiến thức Phật học và tôi cũng rất thích khi đọc các thông tin Phật sự các tỉnh thành và địa phương.
Lúc đó, tiếp cận tờ báo tôi thấy xúc động, thấy trong lòng mình hoan hỷ, cảm nhận được những lợi ích mà tờ báo mang lại cho mọi người, trong đó có tôi. Tôi cũng cảm thấy hãnh diện khi có một tờ báo chính thống của Phật giáo với các thông tin phong phú hữu ích như vậy.
Từ cảm xúc đó, tôi tìm hiểu và bắt đầu viết bài cộng tác với báo Giác Ngộ. Đó là thời điểm năm 1997 đến 2002. Mỗi khi có tin tức tại địa phương, tôi viết tay, rồi chụp hình và rửa ra, sau đó gửi đường bưu điện đến tòa soạn. Cảm xúc vỡ òa vui mừng khi những tin tức tôi gửi - một cộng tác viên vùng sâu vùng xa được đăng trên báo giấy. Thấy bút hiệu Thanh Quang của mình xuất hiện, tôi cảm thấy mình góp phần lan tỏa Phật giáo, thấy rất được trân trọng, nên cứ cuối tuần là mong đợi nhận được báo Giác Ngộ gửi về.
Tới giờ tôi vẫn còn giữ lại một số tờ báo hồi xưa, cất kỹ vì ấn tượng và lưu lại làm kỷ niệm thuở sơ tâm ban đầu xuất gia của mình.
Hồi đó công nghệ chưa phát triển, những cư sĩ Phật tử vùng xa ở đây đâu có biết tới báo. Trong khi đó, tôi thấy có rất nhiều bài giảng Phật học hữu ích cho bà con Phật tử nên có thời gian tôi cũng làm phát hành báo. Tôi đăng ký mỗi kỳ 20 quyển, sau đó phát hành xung quanh đến các gia đình Phật tử, giới thiệu báo Giác Ngộ đến đông đảo Phật tử tại các chùa ở địa phương. Có những số báo đọc hết rồi, tôi gửi tặng cho các chùa bên cồn, cù lao để họ làm tủ sách Phật học.
Tới năm 2002, khi lên TP.Hồ Chí Minh học, tôi không còn viết cộng tác nữa, do bận học và lo việc chùa, nhưng vẫn duy trì đặt báo để đọc hàng tuần.
Trải qua 25 năm đọc báo cho tới hiện tại, tôi thấy báo Giác Ngộ có những đổi mới rất rõ rệt, trong thời đại công nghệ phát triển: từ Giác Ngộ online cập nhật tin tức nhanh, rồi đến Giác Ngộ TV - theo xu hướng truyền thông đa phương tiện. Mặc dầu vậy, tôi vẫn rất thích tờ tuần báo Giác Ngộ, mỗi thứ 5 hàng tuần tôi đều rất mong chờ được cầm trên tay tờ báo giấy, thấy đó là niềm vui của mình, nó thành thói quen với tôi.
Ở chùa, ngày nào đi làm Phật sự của Giáo hội về tôi đều đọc báo Giác Ngộ từ 3 đến 4 lần. Còn online thì lướt qua đọc tin tức một chút. Qua đọc báo, các tin tức Phật giáo trong cả nước từ trung ương đến địa phương, tôi cũng suy nghĩ nhiều hơn đến tổ chức Giáo hội, đặc biệt là các mặt hoạt động Giáo hội địa phương nơi tôi đang tham gia, để hoạt động Phật sự hiệu quả và ngày càng phát triển hơn.
Mong rằng báo Giác Ngộ vẫn sẽ giữ vững được những nét đặc trưng riêng của mình, giữ gìn tiếp nối truyền tải Phật giáo một cách phù hợp đến cho các thế hệ mai sau.
ĐĐ.Thích Thiện Châu đọc báo mỗi ngày - Ảnh: NVCC
Nên có hệ thống phát hành đến các vùng sâu vùng xa
Hiện nay, ở vùng sâu vùng xa, nhiều bà con Phật tử chưa biết về báo Giác Ngộ. Tôi nghĩ báo nên thành lập một quỹ bảo trợ để tặng báo đến vùng sâu vùng xa, vùng hải đảo, biên giới để bà con Phật tử biết về báo Giác Ngộ nhiều hơn.
Hiện nay, để khuyến khích cho Tăng Ni trẻ, có trình độ Phật học được Giáo hội cử về hoằng pháp vùng sâu xa, nhưng thiếu các phương tiện, đặc biệt là tài liệu, ấn phẩm văn hóa Phật giáo, tạo sức thu hút với nhiều tầng lớp, nếu được thì nên tặng báo đến những nơi này. Để tờ báo Giác Ngộ được lan tỏa vào khắp mọi miền đất nước, nơi có những người yêu mến đạo Phật, gieo duyên cho mọi người biết về đạo Phật, như các đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa.
Nên tăng cường thêm trang cho mục Phật học. Và giữ vững những bài Phật học của vị Hòa thượng uyên thâm về Phật pháp và các vị giảng sư uy tín của Giáo hội, có chiều dài hành đạo.
Tăng cường thêm về mục vấn đáp Phật pháp, để cộng đồng Phật tử tiếp cận thuận tiện, vì những câu vấn đáp rất gọn, dễ hiểu và áp dụng được liền.
Tôi cũng mong Giáo hội có nguồn quỹ bảo trợ cho báo Giác Ngộ để hạn chế quảng cáo. Hoặc có thể thành lập một quỹ (vận động từ Tăng Ni) để báo có thể phục vụ bạn đọc một cách chuyên nhất đúng chất tờ báo Phật giáo.
Hiện nay, báo luôn cập nhật nhanh chóng kịp thời, hình ảnh Phật giáo tại các tỉnh thành và các quận huyện TP.HCM xuất hiện nhiều trên online, nhưng cũng nên có một mục nhỏ trên báo giấy. Vì khi họ thấy địa phương mình xuất hiện, vận động mua báo sẽ vui hơn.
Nên giữ mối quan hệ thông tin bền chặt giữa các cộng tác viên địa phương, khi họ gửi cộng tác nên cho họ xuất hiện trên báo, để họ có niềm vui của sự cống hiến.
Ngoài ra, tôi nghĩ nên có những diễn đàn Tăng Ni trẻ, những buổi tọa đàm một tháng một lần; gắn kết thêm một số bạn sinh viên yêu mến đạo Phật và tổ chức sinh hoạt tại tòa soạn - tạo sợi dây liên hệ giữa các thế hệ Phật tử trẻ, trí thức với tòa soạn, mở ra nhiều triển vọng phát triển tốt đẹp cho báo Giác Ngộ trong tương lai.
Đặc biệt, tôi nghĩ báo nên mở rộng ra nữa hệ thống phát hành. Dù hiện nay đã có ở cả nước nhưng những phòng phát hành vẫn tập trung nhiều tại các trung tâm của thành phố, những vùng sâu xa thì hình như còn hạn chế...
Như Danh ghi