GN - 1. Những người con của Phật coi ngày rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm là ngày đền đáp công ơn cha mẹ. Để biết ai còn mẹ và mất mẹ, người ta lấy bông hồng đỏ và bông hồng trắng để phân biệt cho điều này.
Ai còn mẹ thì phải chăm sóc và tạo mọi điều có thể để mẹ được vui và được cài bông hồng hạnh phúc vì còn mẹ, ai mất mẹ thì nguyện cầu cho mẹ được sanh về miền Cực lạc, và sẽ cảm thấy nuối tiếc vì không còn bàn tay nâng niu của mẹ.
Cài hoa hồng mùa Vu lan PL.2562 tại Địa Tạng Phi Lai tự
(Ninh Trung, Liêm Sơn, Thanh Liêm, Hà Nam) - Ảnh: Đình Khoa
Lần đầu tiên tôi có mặt và tham dự vào một buổi lễ Vu lan - trước rằm tháng 7 chừng một tuần - khi được một người bạn mời qua chụp hình và quay video giúp vào chiều 2-8-2014. Và đó cũng là lần đầu tiên, tôi tự tay cài lên ngực mình một bông hồng đỏ, lòng thực sự đã rưng rưng muốn khóc khi nghe vị Hòa thượng chủ trì buổi lễ cùng một em gái bên Đài Truyền hình Hà Nội đọc bài chia sẻ đầy cảm động về nghĩa mẹ tình cha.
Tôi dám chắc rằng hầu hết những người trẻ 8X như tôi, và có thể các anh chị 7X, các cô bác thuộc thế hệ 5X, 6X, ít ai tự dưng kiếm cho mình một bông hồng để cài lên ngực khi mùa Vu lan về - dù hiểu ý nghĩa của việc cài hoa này, dù trong lòng vẫn hướng tới ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục của các bậc thân sinh. Bởi một năm 365 ngày, thì trong ý niệm, tình cảm, có ngày nào không là lễ Vu lan, ngày nào trong cuộc đời những người con (dù là đứa trẻ lên 10 tuổi hay một gã đàn ông 40-50 tuổi đã có gia đình riêng, cuộc sống riêng) là không có bóng mát của hy sinh, của yêu thương từ cuộc đời cha mẹ ngả xuống đâu. Thế nên, có cài hoa lên áo hay không, chỉ là hình thức. Mọi người thường cài theo số đông, trong một hoạt động tập thể, hay nghi lễ nào đó chứ ít ai đang sinh hoạt, học tập trong cuộc sống đời thường lại tự dưng mà cài lên ngực mình một bông hoa.
Nhưng, nếu có duyên được tham dự một buổi lễ Vu lan nào đó, hòa trong không khí thành kính thiêng liêng, tưởng nhớ - như những khoảnh khắc của lần đầu tiên trong đời tôi vừa trải qua kia, thì ít ra, xin hãy cài lên ngực mình một bông hoa. Vượt qua sự ngại ngùng, góc nhìn bình thường rằng đó chỉ là một hình thức, thì bạn sẽ nhận ra rằng: nó như một sự lên ngôi, một lời nhắc nhở cho chính tâm hồn bạn soi vào giữa bộn bề những vui - buồn - được - mất trên mỗi nhịp ngày bạn đang đối diện, và có thể bỏ quên hoặc làm tổn thương đến nghĩa mẹ, tình cha.
2. Tôi nhớ đã đọc được ở đâu đó câu chuyện về một chàng trai từ miền quê tới thành phố xa xôi lập nghiệp. Sau khi học xong, anh ở lại thành phố và bắt đầu đi làm. Thời gian trôi đi, 5 năm rồi mà anh không về quê thăm bố mẹ được một lần.
Đến một ngày, anh đón được bố mẹ ra sống cùng mình ở thành phố thì không lâu sau, người mẹ phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối. Theo lời bác sĩ, thời gian cho mẹ anh chỉ còn khoảng một năm, và khoảng thời gian đó đang từ từ ngắn lại khi mỗi ngày trôi qua... Kể từ giây phút ấy, ngoài lúc đi làm, anh dành tất cả thời gian còn lại để ở bên mẹ mình. Anh nhớ lại những gì bố mẹ đã dành cho anh từ thuở ấu thơ và nhận ra rằng mình thật có lỗi. Lúc này, anh mới thấy được sự quý giá của những khoảnh khắc được ở bên bố mẹ. Nhưng thời gian ấy còn được bao nhiêu?
Một người bạn khi đọc những dòng tâm sự của tôi về cảm giác bình yên bên gia đình trên trang Facebook cá nhân, đã comment (bình luận) lại rằng: vì cuộc sống và vì khoảng cách của không gian nên hàng năm, thậm chí hàng mấy năm liền anh ấy mới có thể thu xếp về thăm gia đình được. Và anh đã tự thốt lên, tự vấn lòng mình rằng: Đời này ta sẽ còn được gặp bố mẹ mình bao nhiêu lần nữa đây?
Chúng ta không phải là những đứa con bất hiếu, thậm chí khi nhắc đến ai cũng khẳng định trong lòng mình, sự yêu kính và biết ơn dành cho mẹ cha là vô bờ bến. Nhưng có phải cả 365 ngày, ý niệm đó, tình cảm đó vẫn luôn thường trực, hiển hiện trong tim? Hay nó có thể dễ dàng bị bỏ quên, vùi lấp trong bao điều bận rộn, toan tính khác của bản thân - khi chúng ta đang khao khát được khẳng định mình trước cuộc đời?
Cha mẹ luôn là những cây cao bóng cả che bóng rợp mát suốt đời mỗi người con. Nhưng ít ai có thể nhận ra được rằng - mỗi ngày qua đi là một ngày khoảng thời gian cha mẹ được ở bên mình đang dần ngắn lại. Những cái cây lớn ấy mỗi ngày rụng dần đi từng chiếc lá. Chỉ đến khi lá trên cây đã rụng gần hết, thậm chí chẳng còn chiếc lá nào để rụng xuống nữa - con người ta mới giật mình nhìn lại. Ai đó sẽ thấy ăn năn, ai đó nghẹn ngào nuối tiếc, vì bỏ lỡ những ngày tháng mình có thể sống tốt hơn, ở gần và làm nhiều điều cho cha mẹ hơn. Giờ thì chẳng còn cơ hội nữa rồi! Bao nhiêu tiền bạc khi ấy có mua lại được cho mình mẹ cha?
3. Xã hội càng hiện đại, con người ta càng bị cuốn theo vào những vòng quay với trăm lối sống, triệu cách nhìn và ngàn vạn thứ để quan tâm ấy. Mỗi sáng bật máy tính lên, lướt qua vài trang báo mạng thôi là tôi đã đủ thấy rùng mình, khi gặp những bi kịch gia đình đầy tang thương: không con cái bỏ rơi cha mẹ già sống trong bệnh tật, khó khăn đầu đường xó chợ, báo chí đưa lên giúp mong nhận được sự giúp đỡ thì cũng là những đứa trẻ chưa qua cánh cửa vị thành niên đã sẵn sàng cầm dao, búa để hãm hại bố mẹ, ông bà chỉ để lấy đi vài triệu đồng, chiếc nhẫn vàng, đôi hoa tai, thậm chí có khi chỉ vài trăm nghìn đồng - bởi thiếu tiền chơi game.
Ấy là những chuyện rùng rợn, thi thoảng vẫn xảy ra. Còn thường xuyên như cơm bữa và lặng lẽ hơn là những tổn thương mà mỗi người con vô tình vẫn đang dành cho mẹ cha từng ngày: Bé thì vì giận dỗi mà có thể bỏ nhà lang thang đâu đó ít hôm cho cha mẹ tìm bở hơi tai, để “trả thù” vì cha mẹ đã làm mình phật ý. Lớn lên đến chừng tuổi 20-30, dựng vợ gả chồng rồi, thì vì bênh chồng hoặc vợ, mà có thể lớn tiếng quát lại mẹ cha, dẫn vợ bỏ về nhà riêng và “cạch” mặt bố mẹ già một thời gian không thèm về thăm nữa. Thậm chí ông bà vì nhớ các cháu, chủ động điện nhắn cho tụi nhỏ về quê chơi - mà trong lòng vẫn còn ấm ức chưa muốn cho con về thăm bố mẹ mình. Khi bố mẹ già, đã ngoài tuổi 70-80, con cái lại bắt đầu đùn đẩy, thay phiên nhau trông nuôi, tính toán hơn kém, tị nạnh xem ai có công chăm sóc bố mẹ nhiều và tích cực hơn…
Cứ thế hàng ngày hàng giờ, trong xã hội này vẫn luôn có những người con làm tổn thương cha mẹ mình - vì sự vô tình, ích kỷ, vì những đòi hỏi với suy nghĩ mặc định rằng: cha mẹ phải làm điều đó cho mình, đó là trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái… Điều ấy thì là hiển nhiên. Cha mẹ nào chẳng thương con, vì con mà chịu đói rét, đến hy sinh cả tính mạng mình còn chẳng tiếc, thì nào có tính toán, so đo, ngại ngần gì trước những điều có thể làm được cho các con đâu. Nước mắt vẫn vậy, muôn đời chảy xuôi. Mà ít ai thường xuyên nghĩ ngược lại được rằng: mình cần phải làm gì cho cha mẹ, có trách nhiệm như thế nào cho xứng với một người con có hiếu?
*
Vậy nên bông hồng đỏ hay bông hồng trắng mùa Vu lan, đó có thể chỉ là hình thức về nghi lễ, nhưng thực sự nó là cần thiết. Để nhắc nhớ con người ta giữa nhịp ngày hối hả, giữa cuộc đời bề bộn chen đua, hãy biết dừng lại mà sống chậm hơn, đừng nhìn xa mãi, nhìn khắp mọi nơi mà quên đi không nhìn gần lại, ngay xung quanh mình là những người thân đã - đang và sẽ vẫn dành tình cảm yêu thương cho cuộc đời mình. Và mình đã thực sự hết lòng sống cho gia đình, cho những tình cảm thiêng liêng, cao quý ấy chưa?
Khi cài một bông hồng lên ngực, thật gần nơi tim, có lẽ chúng ta mới cảm nhận rõ hơn bao giờ hết một điều rằng: Mỗi người chỉ có một gia đình, mất đi không bao giờ có lại. Và mẹ cha luôn là vốn liếng yêu thương nhất cho mỗi cuộc đời…
Sau khi mẹ mất, Trịnh Công Sơn viết: “Khi một người mất mẹ ở tuổi 50 điều ấy có nghĩa là không còn gì có thể dàn xếp được. Cái sa mạc để lại trong lòng bạn cứ thế mỗi ngày lan rộng ra và cõi lòng bạn thì tan nát như một cánh đồng xanh tươi vừa trải qua một cơn bão lớn”. Vậy mà có những người đành đoạn“Mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi mẹ kể tháng kể ngày” hoặc “Mẹ còn sống thì chẳng cho ăn, lạ thay chết xuống làm văn tế ruồi”… Buồn thay!
Bởi thế nên mùa Vu lan năm nay, nếu bạn còn có may mắn có được một bông hồng đỏ để cài lên ngực áo, thì hãy trân trọng và mỉm cười. Để biết rằng mình đang là người hạnh phúc...
Lương Đình Khoa
(Hà Nội)