Trong những chia sẻ về sự tâm đắc xoay quanh tác phẩm mới của mình, anh Lưu Đình Long, nguyên Phó Thư ký tòa soạn Báo Giác Ngộ cho biết:
- Đa phần những bài tôi viết trong 4 cuốn đầu ghi lại những cuộc “làm việc với tâm mình”, những lần đối thoại với chính mình. Để làm được việc đó, đầu tiên mình phải tập thở trước - để tiếp xúc với chính mình, ý thức được ý nghĩ, lời nói, việc làm của mình - Lắng nghe hơi thở. Qua đó, thẩm thấu quy luật nhân-duyên-quả quy định mọi biểu hiện. Nhờ vậy, tôi không còn trách trời đất, người khác nữa, dặn mình giữ tâm bình tĩnh trước mọi biểu hiện. Những tâm tình ấy tôi gọi là Tâm kinh mình thuyết cho mình.
Đến Như mây thong dong và Như gió an lành, tôi viết khi đã ngoài 30 tuổi, không gọi là già nhưng có thể vững chãi hơn để đối diện với những bất như ý, để cho mọi thứ đi qua nhẹ nhàng. Do vậy, nội dung cũng là kinh nghiệm chuyển hóa để đạt đến sự thong dong, an lành nhất định.
Còn Bình an mà sống tập hợp những “điểm nhìn” từ đôi mắt của người con Phật, có một đoạn làm báo, gắn với một tòa soạn chuyên nghiệp. Ở đó, những câu chuyện thời sự như làm từ thiện, Covid-19, tháng cô hồn… được chuyển tải bằng sự quan sát, góc nhìn trung dung.
Tôi không muốn nói về cái tiêu cực bằng thái độ gay gắt. Tôi nhớ, trong kinh Diệt trừ phiền giận, ngài Xá Lợi Phất có chỉ cho mình cách buông bỏ phiền giận người khác bằng cách tìm những điểm dễ thương của họ. Giả như, ngay cả khi họ không có gì dễ thương, mình vẫn thương được vì họ quá đáng thương, đang gieo nhân xấu, tương lai sẽ rơi vào đường khổ.
Sống giữa cuộc đời mình tập bớt phiền giận thì mình sẽ bớt khổ và sẽ bình an. Tôi tâm niệm thế và viết ra Bình an mà sống.
* Để ở yên một chỗ và bình yên với biến cố là không dễ với nhiều người. Sự căng thẳng thường xuyên dẫn đến nóng giận vô cớ. Áp lực từ công việc hay nguy cơ mất việc, áp lực học hành và sinh hoạt của con cái, lo sợ mất mát... cũng là nguyên nhân bất an. Anh có kinh nghiệm như thế nào trong vượt qua biến cố, trước mắt là những khó khăn do dịch Covid-19?
- Tôi học Phật và thực tập pháp môn “hiện pháp lạc trú” (an trú trong hiện tại). Do vậy, khi gặp bất kỳ hoàn cảnh nào tôi cũng thường nhắc mình trở lại ngay lúc này, ở đây. Mình phải sống tốt nhất với hoàn cảnh đang là chứ không phải chạy về quá khứ (dễ chịu) hoặc mơ ước tương lai (dễ chịu hơn).
Chỉ khi nào mình sống tốt nhất với thực tại thì mình mới đi qua nó một cách nhẹ nhàng, dễ dàng.
Cách đây 9 năm, tôi từng bị tai nạn xe, gãy chân trái (cả hai xương ống chân). Lúc đó, tôi nghĩ lúc này việc mình cần sống với và vượt qua là cái chân đã gãy, mình phải vui vẻ chấp nhận điều này thay vì khổ sở. Từ lúc nghĩ vậy, tôi bắt đầu nở nụ cười với cái chân đó, đi vào phòng mổ tôi không lo lắng nữa, luôn “thở và cười”, đến nỗi bác sĩ cũng “quở” là: lần đầu mới thấy bệnh nhân đi mổ bắt vít xương chân mà… vui vậy.
Biến cố (vô thường) vốn là thuộc tính của cõi Ta-bà sanh diệt này. Chúng ta lắng nghe hiện tại để sống với mọi thứ thì mình an, còn khó chịu thì mình mệt hơn. Nếu là bạn, bạn chọn cách nào?
* Trong Bình an mà sống, tôi thấy thấp thoáng hình ảnh người mẹ, có khi là mẹ của anh, khi là hình ảnh người mẹ của bạn bè, như trong bài Thương một cái cây, Nói cảm ơn thôi chưa đủ, Để thấy mình hạnh phúc, Chỉ có thể là mẹ, “Con vào dạ, mạ đi tu”. Phải chăng mẹ là cội nguồn bắt đầu mọi yêu thương nơi con đường anh đi?
- Trong tác phẩm Bông hồng cài áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, ngay đoạn đầu, ngài viết: “Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không ‘lớn’ lên được. Cằn cỗi, héo mòn”.
Tôi nghĩ, bạn cũng như tôi, đều cảm nhận tình mẹ là bất tuyệt, là cội nguồn của mọi yêu thương. Mọi đứa con được lớn lên bên mẹ đều được tình thương của mẹ tưới tắm tâm hồn.
* Là một Phật tử, những ngày dịch bệnh không được đến chùa, không được tham gia khóa tu do các chùa đều “tạm đóng cửa” để phòng dịch, anh thực tập như thế nào để luôn “có Phật trong lòng”?
- Thực tập lời Phật dạy phải duy trì mỗi ngày chứ không phải đợi tới dịch bệnh, gặp sự cố, bất như ý... Cơ thể cần ăn mỗi ngày để sống, để khỏe; tâm mình cũng vậy. Ngoài thời khóa công phu cố định thì nhất thiết phải đem lời Phật dạy ứng dụng vào công việc, đời sống. Đó là cách mình sống có Phật chất. Mình sống với hiện tại đang là - dịch bệnh hoành hành, khó khăn do giãn cách chống dịch - một cách bình an đã là “có Phật trong lòng” rồi.
Tôi thích slogan đang chia sẻ trên mạng những ngày này “tu tập” đừng “tụ tập” hay "nếu không đi ra bên ngoài được, bạn hãy đi vào bên trong"…
Thực tập lời Phật dạy phải duy trì mỗi ngày chứ không phải đợi tới dịch bệnh, gặp sự cố, bất như ý... Cơ thể cần ăn mỗi ngày để sống, để khỏe; tâm mình cũng vậy. Ngoài thời khóa công phu cố định thì nhất thiết phải đem lời Phật dạy ứng dụng vào công việc, đời sống. Đó là cách mình sống có Phật chất. Mình sống với hiện tại đang là - dịch bệnh hoành hành, khó khăn do giãn cách chống dịch - một cách bình an đã là “có Phật trong lòng” rồi.
* Trong lần tái bản có bổ sung cuốn sách Lắng nghe hơi thở mới đây, anh nói về tuân thủ 5K trong chống dịch như tuân thủ 5 giới cấm của người Phật tử. Anh có thể chia sẻ về chiêm nghiệm này?
- Bài đó được viết khi tôi liên tưởng “hàng rào” 5K trong chống dịch với 5 nguyên tắc đạo đức (5 giới) của người Phật tử tại gia. Người Phật tử cần “lấy giới làm thầy”. Khi giữ được nguyên tắc nào thì mình sẽ gặt về sự an toàn tương ứng. Phật tử đọc bài này chắc họ sẽ đồng cảm khi cùng liên tưởng với tôi, à, nếu giữ 5K thì an toàn hơn với Covid-19, giữ 5 giới thì an toàn trên bước đường tu.
* Thú thật, tôi cũng muốn viết một cuốn sách. Viết sách chuyên chở tinh thần đạo Phật có khó không?
- Việc viết, khó hay dễ ngoài kỹ năng thì cái nhìn của mình quyết định. Nếu bạn nhìn cuộc sống bằng cách vận dụng giáo lý Tứ diệu đế để xử lý thì bạn sẽ viết thuận tình hợp lý hơn, mang cái nhìn của “mắt thương”, bài viết bạn giúp chữa lành cho người đọc hơn.
* Những bạn đọc của anh có phản hồi tích cực về tác phẩm, còn anh, sau những lần viết, anh đã có sự chuyển hóa như thế nào?
- Trong cuốn Tâm kinh mình thuyết cho mình, tôi có viết “Đừng quên những gì mình viết”. Đó cũng là lời nhắc nhở tôi cần phải học và tập sửa mình mỗi ngày. Nếu có ai đó thấy tôi còn chưa tốt chỗ nào, tôi sẽ rất biết ơn nếu được nghe lời nhắc nhở. Tôi cũng hay đọc lại sách những vị thầy của mình, để nhắc mình buông, bỏ bớt những gì cần buông bỏ…
Chân thành cảm ơn anh đã chia sẻ!
Bình an mà sống trong mắt bạn đọc
“Mỗi một lạch nước đều mang trong mình những bụi bẩn, những phù du và cả những thuần khiết vốn dĩ… Vì vậy mà, gạn đục khơi trong chính là sứ mệnh duy nhất của lạch nước từ khi sinh ra cho đến khi tan vào mênh mông biển lớn.
Con người cũng vậy, có đau thương, tuyệt vọng, hoang mang… thì mới biết trân trọng từng vòng tay ấm, từng lời hỏi han, từng điểm tựa, từng sự tỉnh thức…
Cuốn sách này, đơn giản là một viên gạch để chúng ta có thể bắt đầu xây dựng nên trong tâm trí mình một mái nhà bình an”.
- Nhà thơ Nguyễn Phong Việt
“Những câu chuyện rất thật được viết bằng ngòi bút báo chí của anh lại khiến độc giả suy ngẫm về giá trị tỉnh thức. Há chẳng phải, thức tỉnh, giác ngộ chỉ đơn giản là “Bây giờ và ở đây”, là “An trú bây giờ”, là “Bình an bên trong”...? Và rõ ràng, đây là điểm thể hiện độ “chín” của Long trong nghiệp viết.
Chỉ một người thật lòng thương chữ mới có thể dùng ngòi bút báo chí của mình kể chuyện người, kể chuyện đời mà có thể khiến người đọc hiểu ra rằng, “Vô thường là bình thường”, rồi từ đó tìm thấy được bình an mà sống”.
- Nhà văn Trương Thanh Thùy
Tác phẩm Bình an mà sống - Ảnh: N.A |