GN - Dư luận mấy tuần gần đây hết sức bàng hoàng dù tội ác ở đất nước ta vẫn xảy ra hàng ngày nhưng chưa bao giờ các vụ án lại xảy ra dồn dập và ở mức độ man rợ như vậy: đầu tháng 10, vừa xảy ra vụ Đặng Văn Tuấn (44 tuổi, ở quận 1, TP.HCM) ra tay giết người tình rồi chia nhỏ xác để phi tang vì mâu thuẫn, thì ngày 5-10 cũng ở TP.HCM, người dân lại tá hỏa khi phát hiện xác một người đàn ông khoảng 70 tuổi bị bỏ trong bao nilon vứt bên lề đường.
Mới đây, Công an TP.HCM vừa tạm giữ hình sự nghi can Nguyễn Văn Anh (32 tuổi, quê Đồng Nai) vì hành vi giết vợ do ghen tuông nghi vợ ngoại tình. Cùng ngày, báo chí còn đưa tin phát hiện xác một cô gái đang phân hủy trong rừng Tà Cú tỉnh Bình Thuận và một học sinh lớp 9 nghi bị treo cổ chết trong rừng tràm ở Nghệ An. Tại Huế có vụ cãi lại chồng, vợ bị đánh gãy cả tứ chi phải nhập viện. Trước đó, tại Cần Thơ thì có vụ dùng búa chém chết vợ sắp cưới vì cô này có ý định chia tay..
Còn tại Kiên Giang thì xảy ra vụ án vợ chồng em đón đường đánh chết vợ chồng anh ruột vì tranh chấp đất đai của bố mẹ để lại 6 đứa con thơ của hai gia đình đang sống cùng nhau bỗng trở thành bơ vơ. Tại Hà Nội, nhóm bạn chơi với nhau vì nghi ngờ lấy tiền của nhau mà truy sát khiến một thanh niên chết đuối dưới hồ vào ngày 6-10.
Đáng chú ý là các vụ án diễn ra với những người dân thường có quan hệ gia đình, thân tộc, tình cảm với nhau!
Tham lam, sân hận và si mê là những kẻ thù ghê gớm nhất đang ngồi trong đáy lòng của mỗi chúng ta...
Nguyên nhân
Đã có nhiều nhà xã hội học, nhà nghiên cứu, nhà báo và cả những người trong ngành pháp lý, công an đưa ra những nhận định về nguyên nhân. Có người đưa nguyên nhân rất xa từ “Lịch sử các triều đại phong kiến của chúng ta ngày xưa ảnh hưởng nước láng giềng phương Bắc, mà họ lại lấy cái ác để trừng trị cái ác. Nhiều hình phạt man rợ khủng khiếp như cho voi giày, ngựa xé, tùng xẻo, chặt đầu cả dòng họ từ em bé tới người già đều từ chế độ phong kiến phương Bắc mà ra. Mầm mống cái ác cũng chính từ đây” (Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự Tòa án Nhân dân tối cao). Cũng có người cho là do tâm thức thời chiến, dù đất nước đã im tiếng súng từ lâu nhưng người ta vẫn sống chụp giựt, tranh giành, sợ mất phần, từ anh xe ôm, anh tài xế taxi giành chỗ, anh bán hàng cướp mối của nhau cho giành chức giành quyền bính… đều dùng bạo lực xử lý khi cảm thấy bế tắc. Có ý kiến lý luận theo kiểu quen miệng, dù hết sức vô căn cứ, rằng do “mặt trái cơ chế thị trường” mà không hề suy nghĩ một cách kỹ lưỡng và tỉnh giác.
Ngay như ông Quế cũng nhìn nhận nguyên nhân của mọi nguyên nhân “Xã hội trước đây cũng có án giết người nhưng không có nhiều vụ man rợ, tàn bạo như bây giờ. Hồi ấy, chủ yếu là các băng đảng hình sự cướp của giết người, thanh toán lẫn nhau. Còn bây giờ lại có nhiều vụ do chính người thân thiết ra tay ác độc với nhau. Thậm chí, có những vụ man rợ đến mức mà chính tôi suốt bao nhiêu năm ở ghế xét xử cái ác cũng phải bất ngờ, ghê rợn. Cái ác có vẻ ngày càng dữ dội hơn, khủng khiếp hơn. Nhiều người không còn sợ pháp luật nữa. Tất nhiên có nhiều nguyên nhân dẫn đến từng tội phạm cụ thể như kinh tế, ma túy, nhận thức kém, rượu bia, tình ái... Nhưng tôi cho rằng gốc rễ của vấn đề xã hội này chính là giáo dục”.
Có người đồng quan điểm với ông: “Chúng ta đã không chú ý đến giáo dục nhân cách, giáo dục tâm hồn, giáo dục con người. Vì thế đây là một điều chệch hướng của giáo dục vì tách nó ra khỏi văn hóa thì chỉ còn là việc dạy chữ, dạy nghề, dạy chuyên môn” (GS.TS Đinh Xuân Dũng, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương).
Xét cho cùng, giáo dục là một yếu tố quan trọng hay đúng hơn một mắt xích chủ yếu trong chuỗi (value chain) hình thành giá trị hay phẩm cách con người. Giáo dục cũng góp phần vào mối quan hệ nhân-quả giữa việc thiếu giáo dục đưa đến nhận thức, ứng xử kém và gây tội ác hay rơi vào vòng xoáy triền miên (vicious circle) của đói nghèo - nhận thức kém - ngu dốt - tội lỗi - đói nghèo... Nhưng cái nguyên nhân chính sâu xa hơn ở đây là sự sụp đổ của những giá trị đạo đức xã hội, sự thiếu vắng nền tảng văn hóa và những thiết chế luân lý trong cuộc sống để đến nỗi cha con giết nhau, vợ chồng hại nhau, cô giáo bạo hành học trò, công an dùng nhục hình khi xét hỏi nghi can...
Giải pháp tình thế và giải pháp lâu dài
Khi được hỏi liệu có nên tăng hình phạt để răn đe, trấn áp, chính ông Quế ngồi ghế chánh án bao năm phải thừa nhận: “Không ăn thua, không đi đến đâu. Hãy hỏi bao nhiêu án tử hình đã tuyên mà người ta có sợ không? Bao nhiêu kẻ bị xử bắn vì tội buôn ma túy mà sao họ vẫn lao đầu vào chỗ chết? Có nước lấy trừng trị nghiêm khắc để răn đe mà xã hội họ có trật tự, an bình hơn không? Không. Nhiều quốc gia bỏ án tử hình mà xã hội họ có tốt đẹp hơn không? Có.
Bây giờ ở ngoài xã hội, người ta hay nghe thanh niên nói câu bất cần đời: chết là cùng chứ gì. Đó là điều phải suy nghĩ. Lấy trừng phạt nặng nề để răn đe nhằm mục đích tạo sự sợ hãi mà tránh xa. Nhưng khi đối tượng không còn biết sợ hãi nữa thì sẽ thế nào? Đó chính là câu “chết là cùng”.
Ông vẫn ủng hộ và bảo vệ quan điểm là lấy giáo dục làm gốc rễ để giải quyết vấn đề. Dạy người trước khi dạy chữ, dạy nghề. Tất nhiên giáo dục không chỉ là nhà trường, mà còn là sự hợp lực từ gia đình và xã hội, trong đó có cả tôn giáo. Nếu các em vào đời gặp toàn những kẻ xấu thì tính ác sẽ phát triển như vào cơ quan phải đối phó phe này nhóm kia, xu nịnh chuyên quyền thì chắc chắn em sẽ đánh mất niềm tin nơi lẽ phải, điều thiện dù cha mẹ thầy cô đã dày công vun đắp. Những nguyên nhân chúng ta bàn đều có tác động đến “tam độc”: Tham lam, Sân hận và Si mê, đó chính là những kẻ thù ghê gớm nhất đang ngồi trong đáy lòng của mỗi chúng ta, mà nếu thiếu vắng lương tâm thì chúng sẽ trỗi dậy. Vì còn có kẻ thù nào có thể xui ta hại người, bày vẽ cho ta những mưu mô uốn cong luật pháp để thủ lợi, thậm chí xúi con giết cha, vợ giết chồng, anh em tàn sát lẫn nhau một cách thảm khốc?
Đức Phật đã chỉ ra rằng khoảng cách giữa thiện và ác vốn rất gần: chỉ một sát-na phóng tâm là tạo nghiệp. Chúng ta biết rằng trong mười ác nghiệp thì thân có ba là dâm dục, sát sanh và trộm cắp; miệng có bốn là nói lời hai lưỡi, ác khẩu, vọng ngôn và ỷ ngữ. Ý có ba là tật đố, sân và si.
Chỉ cần nuôi dưỡng ý tưởng sát sanh hại mạng là chúng ta đã phạm tội, bởi từ đó dẫn đến hành động. Chúng ta cũng đã nghe tường thuật rằng những tên cướp đã nảy sinh ý định giết người để cướp của, thỏa mãn thói lười biếng nhưng muốn có nhiều tiền, nhất là khi nhìn thấy người khác có nhiều tài sản trong hoàn cảnh không cảnh giác. Trong một bài viết trước đây chúng tôi có đưa ra một giải pháp căn cơ, là giáo dục về Nhân - Quả. Qua đó con người phải được rèn luyện, huân tập từ trong tâm thức, sao cho tránh ác làm lành, ý thức và biết sợ “nhân” hơn sợ “quả”. Một bậc tôn đức đã viết: “Một cơ chế chính trị được xem là tiến bộ, một quốc gia có nền văn minh cao thì luật pháp và khuynh hướng đạo đức được xây dựng trên tinh thần mười thiện nghiệp rất rõ ràng. Có thể nói rằng đặc tính của mười thiện nghiệp hay ác nghiệp là thước đo hạnh phúc hay bất hạnh của con người và là căn bản đánh giá cho sự văn minh hay chậm tiến của xã hội” (Kinh Bốn mươi hai chương - HT.Thích Phước Tịnh dịch và chú giải).
Như vậy, giải pháp tình thế là dùng pháp luật trấn áp và xây dựng dư luận, bảo vệ những người lương thiện, tránh để người dân rơi vào tình trạng vô cảm, thờ ơ với tội ác. Nhưng giải pháp lâu dài là giáo dục toàn dân từ trẻ đến già tinh thần hướng thiện, tôn trọng con người. Trong đó những người lãnh đạo, cầm cân nảy mực phải đạo đức, lương thiện; cha mẹ cũng phải sống sao cho các con tôn trọng, người lớn phải là tấm gương cho trẻ nhỏ. Phải xây dựng lại từ đầu, nếu không chúng ta sẽ trượt dài trong vòng xoáy của bạo lực!