Đêm của Mẹ: Ngọt ngào những yêu thương…

Giác Ngộ - Mẹ - tiếng gọi thiêng liêng hàm dung cả một tình yêu thương dào dạt, mãi mãi đong đầy. Đã có biết bao nhiêu lời thơ, ý nhạc tán dương tình của Mẹ và cũng qua đó, để nhắc nhở, khơi gợi tâm tình của mỗi người con đối với đấng sinh thành.
bachtuyet.jpg

Thầy Thích Thiện Trang, bé Ngọc Ngân và NSƯT Bạch Tuyết

 trong trích đoạn Trường ca Kinh Phổ Môn

Mở đầu cho mùa Vu lan - Báo hiếu năm nay là một chương trình văn nghệ đầy ý nghĩa, được dàn dựng công phu với chủ đề "Đêm của Mẹ" đã diễn ra vào tối 5-8-2010 tại Nhà hát Thành phố do TT.Thích Thiện Trang - viện chủ chùa Quan Âm và NSƯT Bạch Tuyết, pháp danh Diệu Lộc, thực hiện.

Bông hoa tinh khiết dâng Người

Hồng tươi sắc thắm rạng ngời tinh anh

Cài hương mật nguyện lòng thành

Áo Chân Như khoác trên cành Vô Ưu.

Đó là bốn câu thơ đề từ của bài tân cổ "Bông hồng cài áo" (Nhạc: Phạm Thế Mỹ, VC: NT Khánh An) qua giọng ngâm trầm buồn của nhạc sĩ - nghệ sĩ trẻ Khương Cường đã tạo nên một khoảng lặng trong khán phòng ngay từ những giây phút đầu tiên. Mặc dù mỗi năm, cứ đến rằm tháng Bảy, khúc ca quen thuộc "Bông hồng cài áo" lại được trổi lên nhưng đêm nay, những cung bậc trầm bổng, du dương như chợt bừng sống dậy khi cùng hòa quyện với làn điệu vọng cổ mượt mà, da diết mang lại cho người xem một cảm xúc hoàn toàn mới mẻ: thật sâu và thật nồng. "Hạnh phúc bình yên khổ đau vời vợi, lời ru mẹ đã dìu con đi đến suốt cuộc đời. Chớp mắt phù du…cuối đất cùng trời. Mẹ là dòng suối ngọt trong chảy qua sườn đồi khô khát, là mây trắng ngang trời che bóng mát cho con…". Cả không gian và thời gian như ngừng lại trước giọng ca ngọt ngào, sâu lắng của Cải lương chi bảo Bạch Tuyết. Tiếng ca của chị như đưa khán giả ngược dòng thời gian trở về với cái thuở hồn nhiên, thơ dại bên lời ru ấm nồng của mẹ để rồi trở về thực tại, cảm thấy mình còn diễm phúc biết bao khi mỗi độ Vu lan về được hãnh diện cài lên ngực mình đóa hồng đỏ thắm, và trong thầm lặng, cũng cùng nhau chia sẻ nỗi đau, sự mất mát vô bờ bến với những đóa hồng trắng trên ngực áo của ai.

Các nghệ sĩ: Vũ Luân, Tú Sương, Kim Thoa, Thy Phương trong trích đoạn "Phạm Công - Cúc Hoa" cũng đã lấy được nhiều nước mắt của người xem. Một câu chuyện không mới nhưng vẫn làm rung động lòng người bởi dường như, sự thiếu vắng tình thương, bàn tay vỗ về, chăm sóc của mẹ là nỗi bất hạnh lớn nhất của mỗi người con. Con có lớn bao nhiêu, con vẫn cần có mẹ:

Con dầu lớn vẫn là con của mẹ

Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con.

Điểm nhấn thú vị của chương trình đó chính là tiết mục "Trường ca Kinh Phổ Môn" - phẩm Quán Âm Bồ tát do NS Bạch Tuyết chuyển thể cải lương.

Mẹ Quán Âm – nguồn đất thiêng tâm tạ

Kiếp kiếp đời đời cứu khổ mỗi chúng ta

Lời nguyện cầu mãi ngân nga

Kinh vô tự, cõi ta bà vĩnh yên.

Sự thành công của tiết mục này cũng đã đánh dấu cho sự "táo bạo" của NS Bạch Tuyết khi lần đầu tiên đưa kinh Phật lên sân khấu cải lương để giảng thuyết trước công chúng. Mọi người đã theo dõi một cách say sưa và đầy trân trọng trước sự thể hiện của các NS: Bạch Tuyết, Đức Tuấn, Tấn Loan, Phương Trần, bé Ngọc Ngân. Ca sĩ Đức Tuấn đã có rất nhiều cố gắng khi thể hiện các bài bản Tổ của cải lương hoặc ở những trường đoạn khó mà NS Bạch Tuyết đòi hỏi anh phải tập trung để thể hiện sao cho vừa mang tính nghệ thuật lại vừa mang âm hưởng Thiền. Đặc biệt, sự có mặt của thầy Thích Thiện Trang cùng một số quý chư Tăng đã góp phần tạo nên một giá trị thiêng cho tác phẩm nghệ thuật này. Có thể nói, đây là một điểm son của nghệ sĩ Bạch Tuyết trong việc hoằng hóa Phật pháp bằng con đường văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó, những tiết mục như: Chuyện ngày xưa của mẹ (ca sĩ Phi Hùng), Mục Liên Thanh Đề (NSƯT Thanh Kim Huệ), Tiếng đàn kìm của mẹ (Lê Minh Hảo - Kim Thùy), Ơn nghĩa sinh thành (Ngọc Ngân) cũng đã góp phần tạo nên một không khí lung linh, huyền diệu cho đêm tôn vinh Mẹ.

Ôi những dòng sông chảy ra biển rộng

Theo mây về nguồn thành giọt mưa sa

Lòng mẹ bao la cho con tuổi đời

Ánh mắt nụ cười là một lời yêu thương

Một mai này khi con lớn khôn

Và một mai này khi sông vẫn trôi

Mây ơi, vẫn bay về nguồn

Giọt mưa rơi, xin đừng là giọt lệ

Khóc muộn màng thương tiếc những tình thâm…

Đêm diễn kết thúc, người xem thỏa nguyện, người diễn hân hoan. Dường như không còn nữa cái khoảng cách giữa sân khấu - khán phòng; nghệ sĩ - khán giả mà bao trùm lên tất cả là ngọt ngào những yêu thương dành cho Mẹ của riêng mình... Để rồi khi đứng nhìn những người con, tay nắm tay mẹ mình dẫn đi xuống từng bậc tam cấp của Nhà hát TP, tôi chợt thấy sống mũi mình cay cay...

Tôi mất mẹ từ năm lên 8 tuổi, nhưng cho đến bây giờ nỗi nhớ mẹ trong tôi vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai. Nhiều lúc tôi cảm thấy mình đơn độc: vui không có mẹ để sẻ chia, khổ buồn không có mẹ để bày giãi. Nhưng trong tâm tưởng của mình, tôi tin rằng, lúc nào mẹ cũng ở cạnh bên tôi. Cho nên tôi luôn cố gắng sống cho thật tốt để ở một nơi nào đó mẹ tôi được vui lòng. Cho phép tôi gởi bài thơ tặng những ai thiếu phước duyên không còn có mẹ trên đời:

Mẹ!!!

Tóc trôi sợi héo sợi hon

Bay theo con hết vòng tròn nhân gian

Con biết thương mẹ muộn màng

Cửa thời gian khép ngỡ ngàng hiếu thân

Chùa xa vẳng tiếng chuông ngân

Vu lan khói tỏa hương trần gian bay...

Mi im lắng mắt cay cay?..!

Tưởng như đang giữa vòng tay ấm nồng.

Tưởng còn được mẹ ẵm bồng,

Lần đưa tiễn ở bến sông ngày nào

Mùa xưa nước lũ dâng trào,

Mùa nay nước mắt nghẹn ngào giọt rơi.

Mẹ đâu còn nữa mẹ ơi!

Bạch Tuyết,

Vu lan 2010

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày