Viết dâng lên Phật

Bậc Thầy của nhân thiên
Bậc Thầy của nhân thiên
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Con cung kính viết dâng lên Ngài với tất cả lòng thành của một đứa đệ tử tha hương, vùi mình trong cát bụi tử sinh quá sức lâu rồi, rất khát khao được trở về nhà. Con viết dâng Phật mà cũng là viết cho chúng con, tại vì Đức Phật không chỉ có Thế Tôn của những hai ngàn năm trăm năm có hơn...

Kính bạch Thế Tôn, hôm Đức Phật ra đời, chính xác là ngày nào tại xứ Ấn con không biết rõ, không thể nói chắc chắn mặc dù sử liệu có ghi đàng hoàng. Tại vì chuyện thời gian ai là người đoan chắc được, khi tất cả chúng con đều cách Phật quá xa. Chỉ có Như Lai và quý thầy cô Thánh đệ tử thời ấy mới biết rõ mà thôi. Nhưng với con, ngày nào Phật ra đời cũng quý, cũng là ngày hạnh phúc nhất trên đời, miễn có Phật thôi.

Tuy nhiên tất cả chúng con, hàng đệ tử của Phật đều hướng về ánh sáng tháng Tư mà nhớ Phật, đón Phật đến với trần gian trong sắc trăng dịu dàng, không làm chói mắt chúng sanh. Trăng ở trên cao nhưng gần gũi, muôn loài chiêm ngưỡng không biết chán, không như mặt trời đỏ lửa, chẳng ai dám nhìn. Cho nên giữ cho mình một ánh sáng đủ để tịnh hóa thân tâm, đủ cao và đẹp giữa bầu thái hư không tối không sáng, để soi đường cho chúng sanh mà không làm chúng sanh sợ hãi vì sức chói tỏa của mình thật không dễ chút nào, nếu không phải là tâm hạnh của một Bậc Toàn giác. Vì thế nét khiêm tốn của Phật càng đẹp như nét trăng. Trăng dù khuyết hay tròn gì cũng thật là diệu vợi.

Con nghĩ, không phải khi khổng khi không mà Đức Phật chọn gốc cây Vô ưu để ra đời, thành đạo dưới gốc cây Bồ đề rồi nhập Niết bàn dưới gốc cây Sa la. Thế Tôn có cố ý hay không thì con không biết, làm sao con biết được! Nhưng mà sự thị hiện ấy của Đức Phật làm cho chúng con khâm phục và ngưỡng mộ vô cùng. Đức Phật trải thân như vậy, nhất định không phải để cho chúng sanh tán dương khen ngợi mà là để tự thắng mình và gởi đến chúng con cái thông điệp về một con đường. Con đường thoát khổ. Dĩ nhiên con đường đó để cho chúng con đi. Đi để tới, chớ không phải để cho chúng con mường tượng rồi nói cho nhau nghe về nó thật hay, mà cũng thật xa lạ hoang vu với đôi chân của chính mình.

Đã muốn thoát khổ thì không thể vùi mình trong nhung gấm lụa là, trong tiếng nhạc cung đàn… giữa hoàng triều rực rỡ triêu dương. Sẽ chết thôi. Bởi vì đó là bẫy rập của ngũ dục, là con đường đưa đến khổ. Là con trai của vua, tội tình chi Như Lai ra đời lạ lùng như thế? Ấy là vì Phật thương Phật mà cũng thương chúng con, nên mới sanh ra dưới gốc cây, ngồi tu dưới gốc cây, thành đạo dưới gốc cây, rày đây mai đó giữa nhưng rừng cây bạt ngàn sương gió, quên hết mỏi mệt để đến với chúng sanh. Cả cuộc đời Như Lai quanh quẩn quen thuộc dưới những gốc cây, để không có gì phải sở hữu, không có gì phải bám víu, không có gì phải giữ lại.

Bằng cuộc đời của mình, Như Lai đã dạy cho chúng con một điều rất rõ ràng: Muốn giải thoát thì phải tháo gỡ, phải xa lìa, viễn ly tất cả mới có thể cứu cánh tịch diệt. Tịch diệt là vui. Viễn ly không có nghĩa là từ bỏ cuộc đời, cô lập mình trong cái khung thành bản ngã kiên cố, bất khả xâm phạm. Viễn ly theo Phật dạy là sự tự cởi trói, tung mình ra khỏi cái gông cùm giả ngã do chính mình tạo ra, chớ không phải xa lìa mọi người. Không có chúng sanh thì chúng con biết tu với ai? Trong kinh Bát Nhã Phật đã dạy rõ ràng “Viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết bàn”. Đó là chân hạnh phúc, là sự thật. Đức Phật sống với tâm chân thật, vui với thiên nhiên, hòa điệu cùng cuộc sống muôn loài, tùy duyên giáo hóa, tùy duyên độ nhật, không chống trái mà cũng chẳng trôi giạt. Cho nên Như Lai luôn ở trong chánh định, chánh tuệ, chánh biến tri, là Cha lành của ba cõi, Đạo sư của muôn loài.

Chúng con thì rất khác với Phật. Chẳng có gấm vóc lụa là để vùi mà vẫn thích vùi, dù chỉ trong vải bô vải tám. Chẳng có nhã nhạc du dương để nghe mà vẫn ưa nghe, dù chỉ toàn những khúc vui buồn đi qua trong cuộc đời. Nghe rồi phiền não. Đố ai hiểu nổi chúng sanh? Đến như Phật còn phải kinh ngạc thốt lên: “Lạ thay! Ta thấy chúng sanh trên thế gian đều có đức tướng trí tuệ Như Lai. Chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc” (Kinh Hoa Nghiêm). Thiệt là đáng buồn tủi quá đi! Chúng con vì mê vọng nên tự chối bỏ gốc Phật của mình, nhắm mắt đưa chân trong đạo lộ sinh tử, mang mang bất thức, không biết đâu là nẻo về?

Nói về sự lưu chuyển của chúng sanh trong vòng luân hồi sinh tử, Đức Phật bảo không thể biết được giới hạn của nó. Tại vì chúng sanh bị quá nhiều lớp vô minh phủ kín và sợi dây ái dục siết chặt, lôi đi chẳng biết đâu là cùng. Khởi điểm của cuộc hành trình xa xôi ấy không thể dò ra nổi. Đời sống tựa hồ như một dòng nước chảy vô cùng tận. Ngày nào chúng con còn tiếp nhận dòng vô minh và ái dục thì dòng đời còn chảy. Nó chỉ ngưng khi nào vô minh và ái dục hoàn toàn bị cắt đứt. Chừng đó chúng con sẽ giống như Phật, là Phật. Mãn túc.

Ngưỡng bạch Thế Tôn, con cung kính viết dâng lên Ngài với tất cả lòng thành của một đứa đệ tử tha hương, vùi mình trong cát bụi tử sinh quá sức lâu rồi, rất khát khao được trở về nhà. Con viết dâng Phật mà cũng là viết cho chúng con, tại vì Đức Phật không chỉ có Thế Tôn của những hai ngàn năm trăm năm có hơn, mà còn có Đức Phật ngay chính mỗi chúng con, đang từng phút giây âm thầm có mặt trong chúng con, bình thản chờ đợi ngày đản sanh.

Con nghĩ chắc chắn Như Lai từ bi thương xót chẳng nỡ rời bỏ, dù chúng con có bao nhiêu lầm lỗi si mê. Do đó nhất định có ngày cha con sẽ sum họp một nhà.

Thắp nến tâm hương dâng lên mười phương Đấng Điều Ngự, chúng con cung kính đảnh lễ Như Lai. Cúi mong Thế Tôn thương xót chứng tri cho lòng thành của chúng con.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trang nghiêm Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

Trang nghiêm Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Hội đồng Chứng minh GHPGVN đã viên tịch

GNO - Ngày 10-12 (10-11-Giáp Thìn), sau Đại nghị lần thứ II Hội đồng Chứng minh, Đức Pháp chủ GHPGVN - Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, chư Trưởng lão Thành viên đã quang lâm chánh điện Việt Nam Quốc Tự, dự Lễ tưởng niệm chư vị Pháp chủ, quý Trưởng lão Thành viên Hội đồng Chứng minh đã viên tịch.

Thông tin hàng ngày