Đem y đức chữa bệnh cứu người

GN - Trong suốt khoảng thời gian hành nghề, lương y Nguyễn Tiến Hòa luôn được mọi người biết đến như một vị “thầy rắn”. Ông đã cứu chữa cho không biết bao nhiêu người thoát khỏi lưỡi hái của tử thần do bị rắn độc cắn. Đối với ông, việc kê đơn, bốc thuốc chữa bệnh cứu người là một việc làm vô cùng thiêng liêng mà ở đó, ông luôn tìm thấy niềm vui, niềm hạnh phúc sau mỗi lần cứu sống được một sinh mạng…

Gần 30 năm gắn bó với nghề

Mặc dù tuổi đã cao nhưng lương y Nguyễn Tiến Hòa (62 tuổi, ngụ thôn 5A, xã Long Hà, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) luôn nhận được sự tín nhiệm của nhiều người. Ông được biết đến như một lương y nổi tiếng với các bệnh về xương, khớp… và các bệnh về gan, thận. Tuy nhiên, khi nhắc đến ông người ta hay gọi ông là “thầy rắn”.

Lương y Tiến Hòa sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề y lâu đời ở xã Tân Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Ngay từ lúc nhỏ, ông đã được sống trong môi trường có đầy đủ điều kiện tiếp xúc với y học cổ truyền. Khi lớn lên, hàng năm ông chữa trị rất nhiều trường hợp bị rắn cắn, trong số đó, đa phần là bệnh nhân bị những loại rắn cực độc như rắn hổ mang, rắn cặp nong… cắn.

Có những trường hợp người bị rắn cắn rất nguy cấp, nhưng khi đến tay ông vẫn được chữa khỏi hoàn toàn. Điều đặc biệt ở đây chính là các bài thuốc đặc trị rắn cắn đều là thuốc gia truyền của gia đình ông nghiên cứu được. Tuy nhiên, lương y Tiến Hòa cũng cho rằng, chỉ với bài thuốc gia truyền thôi vẫn chưa đủ, để chữa trị thành công thì bản thân phải nắm vững nhiều kiến thức y học.

ANH.JPG
Lương y Tiến Hòa

Khi được chúng tôi hỏi về một số đặc tính của các loài rắn độc, lương y Tiến Hòa không ngần ngại chia sẻ, loài rắn cắn xong nếu không chạy thì thường rất độc. Vì khi cắn, chúng dường như đã trút hết sức lực và nọc độc vào đối tượng. Nếu không kịp thời sơ cứu bằng cách cột dây ga-rô ngăn nọc độc, nạn nhân sẽ bị chất độc lan dần đến tim, dẫn đến tử vong.

Ông cũng khẳng định: “Tốt nhất, chúng ta nên phòng tránh rắn và không được bắt rắn vì rắn chỉ cắn khi chúng tự vệ. Ngoài ra, nếu bị rắn cắn, cần phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh xá gần nhất để được chữa trị”.

Lương y Tiến Hòa cũng cho biết thêm, hiện nay khi nhắc đến các loại rắn độc, người ta thường nghĩ đến rắn hổ mang chúa. Tuy nhiên, nọc độc của rắn hổ mang chúa vẫn chưa bằng loại rắn cạp nong. Rắn cạp nong có hai loại, gồm loại khúc vàng khúc đen là Hoàng Xà Đới và loại khúc trắng khúc đen là Bạch Xà Đới. Lương y Tiến Hòa nói tiếp: “Sở dĩ sách nói rắn cạp nong độc hơn rắn hổ chúa là nếu như ta thả hai loại rắn đó vào chung lồng, thì hổ mang chúa tuy lớn hơn, nhưng nó phải sợ nằm im trước rắn cạp nong. Vì loài rắn sợ nhau qua hơi độc, nếu chúng cắn nhau thì con nào nọc độc yếu hơn sẽ chết”.

Trong căn nhà nhỏ của mình, lương y Tiến Hòa lưu giữ rất nhiều mẫu rắn độc để người bị rắn cắn có thể nhận biết loài rắn nào đã cắn họ, giúp ông có cách chữa trị phù hợp. Ngoài ra, lương y Tiến Hòa còn tận dụng căn phòng trong nhà mình để làm nơi nghỉ dưỡng cho một số bệnh nhân bị nặng hoặc có nhà ở xa nên hạn chế di chuyển.

Vị lương y trị độc rắn cứu người

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, anh Hùng (ngụ tại huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước) cho biết, trong lúc làm việc ở rẫy cao su, anh bị rắn chàm quạp cắn vào chân phải. Sau đó, anh được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Cao su Phú Riềng (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). Tại đây, các bác sĩ truyền huyết thanh rồi chuyển anh lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) để chữa trị. Tuy nhiên đường lên Bệnh viện Chợ Rẫy rất xa nên gia đình anh sợ không đủ thời gian. Hơn nữa, vì biết “thầy rắn” Tiến Hòa chuyên chữa rắn cắn nổi tiếng nên gia đình đã quyết định đưa anh Hùng đến đây để chữa trị.

Sau khi được lương y Tiến Hòa cho uống thuốc và đắp lá, anh Hùng đã dần hồi phục và khỏe mạnh. Anh vui vẻ nói: “Lúc bị rắn cắn, toàn thân tôi như bị cứng đơ lại, mất kiểm soát rồi ngất xỉu. Cho đến khi tỉnh lại, tôi đưa mắt nhìn mọi người xung quanh mới biết mình đã qua cơn ác mộng. Tôi cảm thấy mình giống như vừa được cải tử hoàn sinh vậy. Sau đó, tôi được thầy Hòa đắp thuốc và chăm sóc rất tận tình nên nhanh chóng hồi phục. Sau lần gặp nạn đó, tôi và mọi người trong gia đình thật sự rất biết ơn cứu mạng của thầy Hòa”.

Ngoài trường hợp của anh Hùng, còn có rất nhiều trường hợp khác đã được lương y Tiến Hòa cứu chữa. Chẳng hạn như trường hợp rất đặc biệt của ông N. ngụ tại huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước). Ông N. bị loại rắn cạp nong đen vàng cắn ở bàn tay trái trong lúc làm việc. Ngay sau đó, ông được người nhà đưa đến Bệnh viện Cao su Phú Riềng để cấp cứu. Tuy nhiên, vì độc tố của rắn cạp nong rất mạnh nên các bác sĩ tại đây đã chuyển ông lên Bệnh viện Chợ Rẫy để chữa trị. Đến đây, nọc độc của rắn cạp nong đã làm cho tay trái của ông N. hoại tử và có khả năng sẽ phải tháo bỏ cánh tay.

Lúc này, ông N. đã không đồng ý phương án tháo bỏ cánh tay, bởi ông nghĩ mình là dân lao động, nếu bị cụt mất tay thì sau này biết làm sao để kiếm sống. Thế là ông quyết định trốn về và tìm đến nhà “thầy rắn” Tiến Hòa để chữa trị. Cuối cùng, điều kỳ diệu cũng đến với ông. Sau một thời gian chữa trị tại nhà lương y Tiến Hòa, ông N. đã dần hồi phục và cánh tay trái của ông cũng đã hoạt động bình trường trở lại.

Đó là những trường hợp được lương y Tiến Hòa cho là rất may mắn, vì khi đó người bị rắn cắn còn biết mình bị loại rắn gì cắn. Nhưng ở trường hợp của chị H. thì khác, vì chị H. không hề biết mình bị loại rắn độc nào đã cắn mình. Việc xảy ra trong đêm tối khi chị đạp nhằm đuôi rắn và bị cắn vào chân, mãi lâu sau mới được người nhà phát hiện. Khi đó, chị H. đã tím ngắt toàn thân, máu tươm ra ở tai, miệng, mắt và mũi. Lúc này, người nhà đã đưa chị đến thầy Hòa để chữa trị.

Khi được chúng tôi hỏi trong lúc không biết chị H. bị rắn độc nào cắn, thì làm sao có thể chữa trị? Lương y Tiến Hòa đáp: “Khi ấy, nhìn vết thương trên chân chị H., tôi nghĩ loại rắn cắn chị là rắn hổ mang chúa. Vì khoảng cách hai vết răng to và cách xa nhau nên tôi nghĩ chắc chắn con rắn sẽ lớn. Hơn nữa, rắn hổ mang chúa vừa cắn vừa phun nọc, tôi nhận thấy nhiều đốm nám xung quanh vết cắn trên chân chị”. Lương y nói tiếp: “Mỗi loại rắn sẽ có mỗi cách trị khác nhau. Nọc ít và yếu mà cho thuốc mạnh sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nạn nhân. Ngược lại, nọc mạnh mà dùng thuốc yếu sẽ không trị được”. 

Lương y Nguyễn Tiến Hòa đã được vinh danh

Bằng những đóng góp y đức của mình cho xã hội, lương y Nguyễn Tiến Hòa không ngừng nỗ lực phấn đấu phát huy bản thân để cống hiến cho nền y học cổ truyền nước nhà. Tại lễ tôn vinh “Thương hiệu truyền thống, gia truyền nổi tiếng và Thương hiệu phát triển bền vững” tổ chức vào tháng 3-2014, lương y Nguyễn Tiến Hòa đã vinh dự nhận được Kỷ niệm chương cho lương y tiêu biểu do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày