Không có “môi thiên đường hót chim khuyên”. Chỉ nghe những bài ca dân gian mà giai điệu và ca từ cứ đều đều như những lời kinh hay những câu thần chú. Suốt bảy ngày sống với thiên nhiên, con người và văn hoá ở đấy, tôi luôn có cảm giác như đang sống trên chốn bồng lai.
Từ Kathmandu, thủ đô Nepal, bay dọc theo những đỉnh cao nhất trong dãy Hy Mã Lạp Sơn để đáp xuống sân bay Paro Bhutan. Còn chưa hết choáng ngợp trước cảnh tượng hùng vĩ chưa từng thấy trong đời, những đỉnh núi tuyết phủ trắng xoá của Hy Mã Lạp Sơn... Du khách lại đã cảm thấy sững sờ trước vẻ đẹp độc đáo của nhà ga sân bay quốc tế Paro với đường nét kiến trúc, hoạ tiết và màu sắc đặc trưng của kiến trúc Tây Tạng. Paro – sân bay nhỏ và duy nhất cho tới nay của vương quốc – diện tích chỉ hơn 1/10 Việt Nam, dân số chưa tới 1 triệu người, nằm ở phía nam dãy Hy mã lạp sơn, giáp Tây Tạng – này.
Vẻ đẹp kiến trúc và thiên nhiên
Punakha dzong, được xem là đẹp nhất trong các dzong ở Bhutan. Ảnh: Đoàn Khắc Xuyên
Đường nét kiến trúc ấy, những hoạ tiết theo lối kỷ hà ấy, những màu sắc đặc trưng ấy, tôi sẽ bắt gặp lại những ngày sau, với một quy mô hoành tráng hơn nơi các dzong – những tuyệt tác kiến trúc nửa pháo đài nửa lâu đài. Ở đó với các tường ngoài cao dựng đứng, thường nằm trên những ngọn đồi hoặc sau những hào nước sâu thuận lợi cho phòng thủ, bên trong có một tháp cao, có cung điện cho vua chúa, có chùa và nơi tu hành cho các nhà sư. Dzong vừa là nơi đặt cơ quan quyền lực, cơ quan hành chính và cai trị của đất nước Bhutan, vừa là trụ sở của tăng đoàn ở một đất nước thấm đẫm niềm tin, tinh thần và văn hoá Phật giáo; dù về mặt chính thức Phật giáo không là quốc giáo. Đất nước Bhutan có rất nhiều những dzong được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước như vậy, như Paro, như Thimphu – thủ đô hiện tại, nơi đặt ngai vua và là nơi vị sư trưởng Bhutan cư ngụ. Như Punakha – cố đô ở miền trung Bhutan, nơi có kiến trúc dzong theo tôi là đẹp nhất, nằm giữa hai con sông Pho (Trống) và Mo (Mái)… Nhưng không chỉ có các dzong, các đền chùa (lhakhang), tháp (chorten) đều là những kiến trúc toát lên bản sắc không thể lẫn lộn vào đâu được của đất nước này. Trong đó ấn tượng nhất là chùa Taktshang Goemba (hay hang cọp) gần Paro, nằm chênh vênh trên vách núi. Được chiêm ngưỡng những tuyệt tác kiến trúc của Bhutan – rất khác với các tuyệt tác kiến trúc phương Tây – cho tôi cảm giác như chạm tới một thiên đường vô cùng lạ lẫm. Khách sạn đầu tiên nơi tôi dừng chân, cách sân bay chỉ một quãng đường ngắn, nằm bên một dòng suối, trước mặt và sau lưng là đồi núi xanh tươi. Từ Paro ở miền tây Bhutan qua Bumthang miền trung, phải vượt qua một quãng đường dài ngoằn ngoèo, thường một bên núi, một bên là những dòng sông uốn lượn xa xa tận dưới sâu; vượt ba ngọn đèo, ngọn nào cũng cao trên 3.000m, từ trên những đỉnh đèo, ngắm những ngọn núi trùng điệp đến vô tận và mây trắng quyện quanh các ngọn núi, là đà trong các thung lũng, tôi có cảm giác lâng lâng. Đất nước trong dãy Hy Mã Lạp Sơn này, rừng che phủ đến 80% diện tích, và giữ rừng, giữ môi trường là triết lý sống của họ.
Cái đẹp của con người và xã hội
Cuối cùng là những người dân. Chất phác, hiền lành, tử tế, tốt bụng, thấm nhuần tinh thần Phật giáo, thứ Phật giáo riêng, xuất phát từ Tây Tạng của đất nước này. Với những truyền thuyết trộn lẫn với lịch sử, những thần linh, bồ tát, yêu quái tưởng như đang hiện diện giữa đời thực, trong tâm tưởng của người dân. Và một vị vua trẻ, nối gót cha (thoái vị để truyền ngôi cho con trước thời hạn tự đặt ra hai năm), học ở Anh và Mỹ về, tự hạn chế quyền lực của mình, cho phép mình có thể bị luận tội, tổ chức ra nghị viện, soạn hiến pháp, tổ chức bầu cử thành lập nội các, tự chuyển hoá từ một nền quân chủ chuyên chế thành quân chủ lập hiến, và hứa sẽ đến thăm nhà mỗi người dân. Bên cạnh cải cách chính trị, xúc tiến dân chủ, đất nước trước đây khép kín nay cũng đang tiến hành hiện đại hoá, cho phép truyền hình và internet. Nhà sư bây giờ cũng xài điện thoại di động, laptop. Nhưng từ vua tới người dân đều xác định rõ: hiện đại hoá nhưng không rời bỏ truyền thống, tinh thần Phật giáo; giàu có vật chất phải đi đôi với giàu có tinh thần, giáo dục, sức khoẻ, môi trường trong lành – cái mà họ gọi là GNH (Gross National Happiness – Tổng hạnh phúc quốc gia). Chính vì vậy mà tại các giao lộ ở thủ đô Thimphu, dù xe hơi khá đông, tới giờ người ta vẫn không đặt đèn xanh, đèn đỏ: hãy tự giác ngộ.
Không có “tà áo nọ”. Có chăng, nổi bật, chỉ là màu cà sa nâu đỏ của các nhà sư và những bộ váy áo truyền thống (gho của nam giới và kyra của nữ giới) đủ màu sắc. Cũng chẳng có “em đi về bên kia phố” hay mái “tóc trầm ướp vai thơm”. Có chăng là gương mặt những phụ nữ, trẻ và già, đầy nét hồn hậu; những em học sinh trong những bộ đồng phục dễ thương mà tôi gặp suốt trên đường và những người đàn ông khoẻ mạnh, rắn rỏi, thật thà. Cũng không có “môi thiên đường hót chim khuyên”. Chỉ nghe những bài ca dân gian mà giai điệu và ca từ cứ đều đều như những lời kinh hay những câu thần chú. Suốt bảy ngày sống với thiên nhiên, con người và văn hoá ở đấy, tôi luôn có cảm giác như đang sống trên chốn bồng lai.