Đến Myanmar và cùng chào Minglaba!

Đến Myanmar và cùng chào Minglaba!
Cuộc sống ở Myanmar (Người Việt trước gọi là Miến điện, xuất phát từ tên gọi Burma) rất thanh bình, và dân chúng còn giữ nguyên vẹn tính cách, truyền thống, thói quen của họ. Nam giới và nữ giới vẫn mặc longi mà không phải Âu phục. Người dân Miến có tính cách rất hiền hoà.

Hôm tôi tới Yangon, thành phố trước đây là thủ đô, người bạn đã hẹn đón kẹt chuyện đột xuất, sau khi từ chối rất đông tài xế taxi niềm nở chào Minglaba (hello), tôi đã leo lên một chiếc xe cà khổ để về trung tâm thành phố.

Chiếc xe không biết sản xuất từ năm nào, mọi thứ đều long lên sòng sọc trừ cái còi bấm mãi cũng chỉ phát ra tiếng ọ ẹ, Nhưng người lái xe nói tiếng Anh rất tốt, nhiệt tình và thật thà, biết tôi là khách lạ lại đến lúc đêm tối mà vẫn không hề cò mồi bất kì dịch vụ nào. Những hồi hộp và hoảng hốt ban đầu đã dần tan, tôi yên tâm nhìn ngắm phố xá trên đường tới khách sạn.

Yangon - hòn ngọc phương đông năm xưa


Trung tâm thành phố rất đông người - họ đu trên những chiếc xe buýt thi thoảng mới chạy, và rồng rắn đi trên những vỉa hè chật hẹp hay mua bán rau cỏ trong các chợ. Tại nhiều góc phố người dân ngồi quanh các quán ăn hay quán vỉa hè và quan sát mọi sự đang diễn ra xung quanh. Dạo quanh một vòng trung tâm người ta nhận ra ngay tại sao Rangoon (tên cũ của Yangon) lại được gọi là “hòn ngọc phương Đông” khi còn là thuộc địa của Anh.

Ở hầu hết mọi góc phố vẫn còn đó những công trình kiến trúc ấn tượng một thời của thực dân Anh như bưu cục hải quan, bưu điện, phủ toàn quyền của thực dân Anh một thuở, nhưng hiện tại đã tàn tạ do chính phủ không có tiền để sửa sang hay trùng tu. Hầu hết các công trình kiến trúc này đã xuống cấp, cây cối đã mọc trên cả mặt tiền, nước thải chảy tràn lên cả mặt đường bốc mùi hôi thối.

Đến Myanmar và cùng chào Minglaba! ảnh 1
Chùa Vàng Shwedagon lúc nào cũng tấp nập người đi lễ và tham quan.

Danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhất của Yangon là chùa Shwedagon, trung tâm Phật giáo của Myanmar. Tháp Stupa của ngôi chùa này được dát hàng tấn vàng và cao hơn tất cả mọi ngôi nhà của thành phố và gần như ở bất cứ điểm nào trong thành phố người ta cũng có thể nhìn thấy nó.

Từ sáng sớm tinh mơ cho đến đêm khuya lúc nào cũng nườm nượp người đến đây cầu nguyện. Có các khu vực cầu nguyện dành riêng cho từng ngày sinh trong tuần, người sinh vào thứ Hai, thứ Ba hay Chủ nhật đều có chỗ cầu nguyện riêng. Người Miến đặt tên cũng theo ngày thứ sinh ra, và tên người Miến không có họ. Tên của một người sẽ gồm tên của bố, có thể gồm tên của mẹ, ngày thứ họ sinh ra.

Ví dụ tên một người bạn của tôi là Tin Aung Than, khi gọi tên anh ấy biết ngay rằng anh ấy sinh ra nhằm ngày thứ bảy trong tuần, vì Tin có nghĩa là thứ Bảy. Những ai có tên bắt đầu với chữ cái A có thể hiểu rằng họ sinh vào ngày Chủ nhật.

Mọi người đến chùa Vàng trong không khí vui vẻ hơn là thành kính trang nghiêm. Trẻ con chơi tập trận giả, các đôi tình nhân đang ngồi tâm sự và dưới bóng râm của các ngôi lầu những người mộ đạo đang nằm ngủ ngổn ngang.

Ngay cả giữa trưa hè tháng 4 (tháng nóng nhất) nhiệt độ ngoài trời tầm trên 37 độ nhưng người ta vẫn có thể chân đất trên nền sàn đá hoa của nhà chùa mà không bị bỏng chân. Nền chùa được lát một loại đá rất đặc biệt không bị hấp thụ nhiệt và có thể còn có bí mật nào đấy mà trên một diện tích rất rộng như vậy vẫn đi lại bình thường và luôn có cảm giác mát bàn chân.

Bagan - thành cổ của hàng nghìn tháp đền

Đến Myanmar, chắc chắn không người khách nào bỏ qua Bagan, kinh đô một thời và là khu vực có hàng nghìn đền tháp từ hàng nghìn năm. Có nhiều tháp mà lối vào bên trong là bậc cầu thang dài và hẹp lại dốc và tối tăm, phải dùng đèn pin để soi đường. Cũng có những tháp có trổ cửa sổ nhìn ra ngoài, khung cảnh rất đẹp với những ngôi đền bên cạnh nổi trên nền đất đỏ ối và bên những tán cây thuộc họ xương rồng cao lớn đầy gai. Có một số ô cửa sổ có vẻ như là được tháo dỡ phần gạch xây bít kín về sau này, chứ không phải là nguyên bản.

Một cửa hiệu bán và sửa ô trên con phố buôn bán ở Yangon.

Một cửa hiệu bán và sửa ô trên con phố buôn bán ở Yangon.

Chùa Ananda là công trình tiêu điểm ở Bagan có lối kiến trúc độc đáo và điển hình là nội thất thiết kế phù hợp với 4 pho tượng Phật lớn mang các trạng thái và giai đoạn khác nhau. Các pho tượng Phật này đã không còn nguyên như ban đầu do người dân mua các lá vàng dán ngày một dày để bày tỏ lòng tôn kính. Các bức tượng Phật đứng ở Ananda có điểm đặc biệt: nếu đứng lệch sang bên trái và nhìn lên, sẽ thấy tượng Phật đang cười, nhưng chỉ cần di chuyển lại gần và lệch sang bên phải, tượng sẽ khóc. Có khá nhiều bức tượng đứng được tạc như thế trong nhiều ngôi chùa ở Myanmar.

Vùng Bagan có nghề truyền thống là làm gốm và sơn mài. Sản phẩm sơn mài ở đây được làm rất tinh tế và kỹ lưỡng. Du khách cũng nên tới thăm một vài làng quê ở gần thị trấn Bagan để không cảm thấy mình là người nước ngoài khi giao tiếp với người dân vồn vã hiếu khách, như đang ở quê nhà. Những hàng tre râm mát loà xoà lối ngõ. Trong nhà, nhiều vật dụng làm từ thân tre già, thiết kế rất tiện lợi và công năng. Chợ thị trấn bán đủ thứ đồ dùng sinh hoạt cần thiết từ chum vại, các đồ sành sứ, vải vóc, đến thực phẩm tươi sống và rau quả. Có nhiều loại rau giống như ở chợ quê VN, nhiều loại bún sợi nhỏ giống bún tăm để làm bún thang Hà Nội.

Là một đất nước với 89% dân số theo Phật giáo Tiểu thừa, và ảnh hưởng bởi hai cái nôi văn minh phương Đông là Ấn Độ và Trung Quốc, người Miến coi trọng những người lớn tuổi và trân trọng những mối dây liên hệ trong gia đình. Cùng với sự lịch thiệp, lòng khoan dung và mong muốn luôn làm vừa lòng người khác, thì lòng hiếu khách của người Miến Điện trở thành một đặc trưng văn hoá. Phong cảnh tuyệt đẹp, truyền thống văn hoá và những ứng xử đẹp của người dân, Myanmar thực sự lôi cuốn với mọi du khách.

Còn tôi thì giờ này ở nhà tiếc nuối kêu thầm: Ôi, Myanmar, bao giờ mới quay lại được nơi thời gian như ngừng lại ấy, để nghe câu chào thân ái Minglaba!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày