Dì Ba “từ thiện”

GN - Vừa về sau chuyến từ thiện ở liên tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, bà Đào Thị Đàng (thường gọi là dì Ba) lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu, thực phẩm để nấu những suất cơm chay cho người nghèo ở phường, nơi bà đang sinh sống (hẻm 101, Nguyễn Chí Thanh, P.9, Q.5, TP.HCM).

Dù đã ngoài 60 tuổi, bị chứng cao huyết áp và rối loạn tiền đình thường xuyên hành hạ nhưng không vì thế mà dì Ba quên đi những buổi đi làm từ thiện. Dì xởi lởi nói: “Cứ nghĩ đến công việc từ thiện giúp đỡ cho những người khó khăn là tôi quên hết bệnh tật ngay, Mà cũng nhờ đi nhiều, vận động nhiều nên tôi mới khỏe được như thế này”.

Hinh 2 XH.JPG

Dì Ba thường hỗ trợ cho các đơn vị chùa khó khăn

Thực ra, không phải đợi đến tháng Bảy âm lịch hàng năm dì Ba mới đi làm từ thiện. Hầu như dì làm từ thiện xuyên suốt trong năm, cứ có dịp là dì nấu một bữa ăn chay, rồi bảo các con trai chở mình đi lòng vòng khu vực dì đang ở để tặng cho những người không nhà, đạp xích-lô, xe ôm, nhặt ve chai...

Những suất cơm này dù giá trị không là bao nhưng nó lại giúp cho người nghèo được một bữa ăn no bụng. Tô hủ tíu, súp, hộp mì xào… nóng hổi như “thổi lên ngọn lửa” yêu thương đầy tình người mà dì Ba trao cho mọi người.

Anh Thế, con trai út của dì Ba, thường chở mẹ đi tặng cơm đến người nghèo vào buổi tối, nói: “Thấy mẹ tôi làm việc thiện rất ý nghĩa, nên dù bận rộn cách mấy tôi cũng phải tranh thủ chở mẹ đi. Nhìn cách mẹ ân cần với những người khốn khó, tôi thấy cảm phục tấm lòng của mẹ nhiều hơn”.

Được biết, thời còn gian khó, dì Ba đã làm việc thiện bằng cách cho sinh viên thuê phòng trọ với giá rẻ, giúp những bữa cơm đạm bạc. Nhiều người trong số đó, sau này nhớ ơn, tìm đến hỏi han, đền đáp.

Chính từ điểm xuất phát ấy, được sống chung, đồng cảm với những em sinh viên nghèo, những mảnh đời cơ cực nên dì cảm thương mà thể hiện việc thiện từ tâm. Từ đó, dì Ba thường xuyên tổ chức những chuyến từ thiện ở địa phương mình, hoặc đi xa hơn, đến các tỉnh lân cận để giúp đỡ những cô nhi, người khuyết tật, người già neo đơn.

Tiền làm từ thiện ban đầu do dì bỏ ống để dành rồi lấy ra dùng, sau đó những hộ trong hẻm biết đến việc dì làm nên cùng nhau đóng góp tiền, quà… gởi đến nhiều địa chỉ đáng thương hơn.

SC.Thích nữ Huệ Đức, trụ trì chùa Diệu Pháp (ấp Tân Cang, xã Phước Tân, H.Long Thành, Đồng Nai), nơi nuôi dạy hàng trăm trẻ mồ côi không nơi nương tựa, cho biết: “Phật tử Đào Thị Đàng là người hàng năm đến chùa tặng quà cho các trẻ ở đây. Tôi rất quý việc làm của thí chủ ấy. Cũng nhờ những tấm lòng như Bồ-tát mà chùa có thực phẩm, chi phí để nuôi dạy bọn trẻ nên người”.

Dì Ba cho biết, làm từ thiện không phải vì tích đức hay theo phong trào mà xuất phát từ tấm lòng thương cảm những mảnh đời nghèo khổ hơn mình vẫn còn nhiều trong cộng đồng. “Cứ mỗi lần giúp được ai dù nhiều dù ít là tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng, thanh thản hơn rất nhiều”, dì Ba tâm sự.

Trong những chuyến từ thiện ở các tỉnh, thành, dì Ba thường dẫn con cháu theo để mọi người tận mắt chứng kiến thực tế cuộc sống của người nghèo để biết yêu thương, đồng cảm và chia sẻ. Cũng nhờ vậy mà các con của dì Ba rất tích cực, năng nổ, nhiệt tình trong những chuyến thiện nguyện xa gần.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày