GNO - Thắp nhang theo quan niệm của nhiều người là gởi gắm niềm thành kính của mình qua làn khói mỏng gởi đến các chư Phật, Bồ-tát. Bởi vậy, người ta đến chùa, bằng cách này hay cách khác cũng phải cố cắm cho được một cây nhang, thậm chí cả một bó nhang trước lư hương bàn Phật. Phải chăng làm vậy để các chư vị thấu hiểu sự thành tâm của mình?
Vào những ngày Tết hay rằm thàng Giêng vừa rồi, nếu có ai đến các chùa sẽ "tận hưởng" được cái cảm giác lặn ngụp nghẹt thở trong bầu khói mịt mù. Nhưng có ai biết được trong mỗi cây nhang mình cắm có tồn dư bao nhiêu chất độc? Quy trình sản xuất nhang bây giờ tại các cơ sở thủ công hoàn toàn bằng nguyên liệu mạt cưa trộn các hóa chất hương liệu.
Bác sĩ Hoàng Xuân Đại, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế cho biết, hiện nay chưa có nhiều công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của khói nhang tới sức khỏe con người nhưng thực tế cho thấy nó có những tác động nhất định.
Theo bác sĩ Đại, dù trong khói nhang không có nicotin như thuốc lá nhưng lại chứa chất rất độc là carbon dioxide. Khi carbon dioxide kết hợp với hương liệu hóa chất tẩm ướp tạo mùi cho nhang là benzen thì sẽ sản sinh ra một số chất mà về lâu dài có khả năng gây ung thư. Điều này lý giải tại sao khi ra nơi có không khí thoáng đãng, không còn mùi nhang, người ta sẽ không còn các biểu hiện choáng váng, nhức đầu, khó thở...
Ảnh: Trường Trí
Rằm tháng Giêng vừa qua, tôi có đi chùa núi Châu Thới, một di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, tọa lại tại phường Bình An, thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) thì phải choáng ngộp cả biển người chen chân vào chánh điện chỉ để... thắp nhang. Điều đáng nói, khi người ta vừa chen chân, chen tay, giành giựt nhau trước bàn Phật để cắm nhang, chưa có xá xong thì có người túc trực gần bên mang đôi bao tay dày, nhanh tay hốt nắm nhang vứt vào... xô nước. Vì lo ngại... cháy chùa như chơi nên Ban Trị sự chùa núi Châu Thới phải huy động nhiều người gom “núi” nhang bỏ bớt ra ngoài... (ảnh).
Ở các chùa lớn hiện giờ đều phân công một người túc trực tại các lư hương chỉ làm nhiệm vụ dập tắt nhang, hốt nhang vứt sang một bên. Hành động này vừa phản cảm trong mắt khách thập phương. Rất khó hiểu là tại sao ở một số chùa lại không ghi một hàng chữ nhắc nhở: "Mỗi Phật tử chỉ cắm ba cây nhang là đủ hoặc chỉ chắp tay xá là được".
Cũng Tết vừa rồi, tôi có đi chùa Bửu Phong, một ngôi chùa cổ 400 tuổi, di tích danh thắng cấp quốc gia nằm trên dãy núi Bửu Long thuộc TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), gặp một đại gia đình đi viếng chùa, đông xấp xỉ gần 50 người. Thật bất ngờ, một bác lớn tuổi chắc là vai bố, vai ông đứng quy tụ các con cháu lại nhắc nhở: “Các con vô chùa thấy lư hương nào có nhang rồi thì không nên thắp thêm, chỉ đứng chắp tay vái lạy là đủ. Tâm mình thật thì Phật trời sẽ chứng giám, cần chi cắm thêm nhang vừa lãng phí, vừa ô nhiễm môi trường...".
Tôi đứng bên cạnh nghe lóm câu chuyện mà cảm nhận lòng nhẹ nhàng, khoan thai. Giá như có thêm nhiều người cùng suy nghĩ tích cực như bác lớn tuổi kia thì chúng ta đến chùa chiền không còn phải hít thở bầu khói độc nữa.
Trường Trí (Đồng Nai)
* Bạn đọc còn thấy ở đâu có hiện tượng giả sư khất thực và đi lễ chùa với những hình ảnh phản cảm cần phản ánh? Hoặc có giải pháp nào để giải quyết nạn sư giả, những sinh hoạt tâm linh mê tín, không lành mạnh, đi ngược lại nét nhân văn của con người và truyền thống đạo Phật... Mời gửi tin, ảnh, bài về cho Giác Ngộ để chung tay làm đẹp nơi cửa thiền. Bài vở gửi vào địa chỉ: baogiacngo@yahoo.com hoặc bandocgiacngo@gmail.com. |