Đi đường cũng phải... thiền

GN - ThS.Nguyễn Thị Trang, giáo viên tiếng Thái, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM), từng có 2 năm làm giảng viên ngành tiếng Việt, khoa Nhân văn học, Trường ĐH Srinakharinwirot (Bangkok, Thái Lan) khẳng định “đúng như vậy” với PV Giác Ngộ, rồi cô chia sẻ nhận xét về đường sá cũng như việc chạy xe của người dân tại TP.HCM và Bangkok:

a 1, Ths Nguyen Thi Trang.jpg

ThS.Nguyễn Thị Trang - Ảnh: NVCC

- Theo tôi nhận thấy, đường sá ở Bangkok rộng rãi và nhiều làn xe hơn ở TP.HCM. Hệ thống giao thông của Bangkok cũng hiện đại hơn, nhiều phương tiện giao thông hơn để lựa chọn so với TP.HCM, ví dụ như ở Bangkok có tàu điện ngầm, tàu điện trên không, thuyền... Tôi rất thích phương tiện giao thông công cộng ở Bangkok vì vừa rẻ vừa tiện lợi.

Nếu ai từng đến Bangkok sẽ có ấn tượng khó phai khi lưu thông trên đường hoặc quan sát đường phố. Bangkok là thành phố nổi tiếng nhất nhì thế giới về sự kẹt xe. Tuy nhiên, Bangkok không có sự lộn xộn, chen lấn và bấm còi inh ỏi. Người Thái lái xe đúng tốc độ, đúng làn đường và nhường nhịn nhau. Khi có người đi bộ cần qua đường, không ai bảo ai, lái xe thường dừng lại nhường đường cho người đi bộ đi qua. Người đi bộ thường cúi đầu cảm ơn và đi thật nhanh để không ảnh hưởng nhiều đến thời gian của người lái xe. Đây là điều làm tôi luôn có ấn tượng tốt và lưu giữ mãi về sự tử tế của người Thái Lan.

Riêng ở TP.HCM, khi lưu thông trên đường tôi nhận thấy xe hơi và xe gắn máy thường lấn làn của nhau và hiếm khi nhường đường cho người đi bộ. Điểm tôi cảm thấy không thích nhất là việc bấm còi inh ỏi trên đường phố, dừng xe lấn vạch kẻ và vượt đèn đỏ. Đây cũng là điểm mà những người bạn Thái Lan của tôi thấy rất lạ khi đến thăm và lưu thông trên đường phố TP.HCM.

* Vậy, khi ra đường, cảm giác an tâm/ thú vị (nếu có) ở ta và nước bạn đối với cô là gì?

- Khi ra đường ở Bangkok, tôi không phải nhìn trước ngó sau và cẩn thận với tài sản vì sợ cướp giật bóp ví, điện thoại khi sử dụng phương tiện công cộng và đi bộ. Tôi thích sự tử tế của việc nhường đường cho nhau và luôn cảm thấy an tâm khi ra đường ở Bangkok.

Đối với TP.HCM, điểm thú vị mà tôi thích nhất khi ra đường đó là việc mình có thể lái xe máy. Tôi có cảm giác mọi người gần gũi với nhau hơn và đặc biệt là buổi tối khi lái xe ra ngoài đi dạo rất mát mẻ và dễ chịu.

* Có điều gì cô cảm thấy chưa được (cần điều chỉnh) ở TP.HCM trong vấn đề giao thông không?

- Điều tôi thấy cần điều chỉnh: thứ nhất, việc lấn làn giữa các phương tiện giao thông; thứ hai, việc bấm còi xe inh ỏi không cần thiết; thứ ba, việc vượt đèn đỏ và không nhường đường cho người đi bộ; cuối cùng là việc người lưu thông trên đường sử dụng điện thoại khi đang lái xe.

vachson.jpg
Nếu ai đi đường cũng chấp hành luật giao thông, dừng đổ đúng nơi, theo đèn tín hiệu thì đẹp biết bao

* Nếu có đề xuất/góp ý với ngành giao thông hoặc với người tham gia giao thông, cô sẽ nói gì sau khi có trải nghiệm sống và kinh nghiệm tham gia giao thông trên đường phố Bangkok?

- Tôi nghĩ rằng nếu mỗi người tham gia giao thông chịu khó nhịn một vài giây khi lưu thông trên đường thì hay biết mấy. Thay vì đèn đỏ dừng còn khoảng 3-5 giây mới chuyển sang đèn xanh thì chúng ta ráng chịu khó đợi cho xanh hẳn rồi hẵng chạy tiếp, khi thấy đèn vàng thì nên giảm tốc độ lại để dừng hẳn vì tôi thiết nghĩ chậm lại 30 giây - 60 giây không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của bạn.

Hoặc nếu sợ chậm trễ, chúng ta có thể xuất phát ra khỏi nhà hay cơ quan sớm hơn 5 -10 phút. Đường phố Sài Gòn có nhiều hàng cây, có nhiều nơi trồng hoa rất xinh đẹp mà chúng ta nếu không đi chậm lại tầm 2-3 phút thì không thể cảm nhận được.

Bạn có đồng ý với tôi không, rằng nếu mỗi người nhường nhau một tí khi lưu thông thì cuộc sống sẽ dễ dàng hơn và có thể bạn sẽ được đến nơi cần đến nhanh hơn nếu không chen lấn nhau?

* Có người nói, khi tham gia giao thông ở Sài Gòn nói riêng và nhiều thành phố VN nói chung cần phải... thiền dữ lắm. Cô nghĩ sao với nhận định này?

- Tôi đồng ý với nhận định trên. Riêng tôi, cứ mỗi ngày khi về đến nhà tôi vẫn thường biết ơn vì mình vẫn còn sống. Nghe có vẻ tiêu cực, nhưng đó là cách để giúp tôi luôn cẩn thận khi lưu thông trên đường. Tôi thường lái xe chậm, đợi đèn xanh hẳn mới chạy tiếp mặc cho những người đằng sau bấm còi hoặc có lời nói không hay. Việc nhận thức mình đang lái xe, phải lái xe đúng luật pháp và tử tế sẽ vừa giúp mình vừa giúp cho người khác.

Tôi hay nghe mọi người than phiền rằng cuộc sống ở Sài thành xô bồ, bon chen và ồn ào nhưng tôi nghĩ Sài thành không hề như vậy. Nơi đây rất dễ thương, rất hào hiệp đón chào bao nhiêu con người từ khắp mọi miền đất nước về sinh sống và lập nghiệp. Chỉ có con người chúng ta mới xô bồ, bon chen và ồn ào.

Tôi tin rằng vì người dân Thái Lan đa số là Phật tử nên đã tham gia giao thông điềm tĩnh hơn. Trong đạo Phật luôn hướng dẫn con người sống chậm, sâu sắc trong hiện tại, biết nhường nhịn nhau, đối xử nhẹ nhàng với nhau. Ở Thái Lan, thường có những thời gian nhất định trong ngày có chương trình phát sóng giờ thuyết giảng của các vị tu sĩ, hướng dẫn mọi người sống tốt đẹp. Ngoài ra, trước đây nhà vua Rama IX (đức vua Thái Lan vừa băng hà) luôn dành thời gian để chỉ dạy cho người dân nước mình biết sống cho nhau, biết sống tử tế, cống hiến cho cộng đồng, biết yêu thương nhau. Chính vì lẽ đó, ở Thái Lan, việc người Thái Lan khi lái xe trên đường điềm tĩnh hơn, nhẹ nhàng và bao dung với nhau hơn là điều dễ hiểu.

* Cảm ơn cô đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này...

Lưu Đình Long thực hiện

Cái nhìn từ trường dạy lái xe

a 2, Trinh Hoang Xuan Phuc.jpg

ThS.Trịnh Hoàng Xuân Phúc - Ảnh: NVCC

Như ông bà ta thường nói “nhập gia tùy tục”, chính vì vậy trong giai đoạn đầu khi đặt chân đến Australia để học tập, tôi đã phải trải qua những khó khăn về việc thích nghi với luật pháp và văn hóa của đất nước sở tại, đặc biệt là văn hóa giao thông. Tuy nhiên, những bỡ ngỡ ban đầu đó lại chính là một trong những hành trang tư lương đắt giá nhất, giúp tôi hoàn thiện bản thân hơn trong việc đối nhân xử thế trong mọi hoàn cảnh.

Ngoài ra, tôi cũng có dịp đến nhiều thành phố lớn trên thế giới, đi trên những cao tốc thênh thang hay những đại lộ sầm uất, tuy không có cảnh sát túc trực để điều phối giao thông nhưng những người tham gia giao thông đều tuân thủ luật lệ một cách tuyệt đối và họ rất từ tốn, nhường nhịn, bình tĩnh xử lý khi có tình huống bất trắc xảy ra.

Thấy người ngẫm ta, tôi bỗng chạnh lòng nghĩ về quê hương Việt Nam, hàng ngày tai nạn giao thông vẫn xảy ra nhiều nơi trên cả nước mà nguyên nhân chính là do ý thức của người tham gia giao thông quá kém. Cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam ngày càng được đầu tư, phát triển mạnh để phục vụ đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, văn hóa giao thông ngày càng tỷ lệ nghịch với sự phát triển của cơ sở hạ tầng.

Theo tôi, việc chấn chỉnh văn hóa giao thông của người Việt Nam là việc làm không chỉ một sớm một chiều mà là cả một thế hệ. Kiến thức giao thông phải được phổ cập từ hệ thống giáo dục mầm non, giúp trẻ em tiếp cận luật lệ giao thông từ vỡ lòng.

Mặt khác, phải rà soát lại chương trình đào tạo lái xe trong nước hiện nay. Bản thân tôi đã từng trải qua một khóa học mà chỉ được hướng dẫn toàn là những “chiêu bài, bí kíp” để đối phó với kỳ thi sát hạch bằng lái B2. Ngược lại, những kỹ năng tham gia giao thông có văn hóa lại không được đào tạo.

Tôi được biết, hiện nay học phí trọn gói dành cho học viên lấy bằng B2 chỉ có 20 giờ thực hành. Thử hỏi, với số giờ thực hành như vậy đã đủ trang bị kỹ năng để học viên ứng dụng lý thuyết xử lý các tình huống thực tế chưa? Còn đối với học viên đăng ký dự thi xe hai bánh thì có thi là chắc chắn đậu nên rất nhiều trường hợp tai nạn thương tâm xảy ra. Từ đó, hình thành một bộ phận người tham gia giao thông kém ý thức dẫn đến nhiều hệ lụy như cãi vã, xô xát thậm chí chém giết nhau cũng chỉ vì một va quẹt nhỏ.

Thiết nghĩ, khi tham gia giao thông, ngoài việc nắm vững những kiến thức về luật an toàn giao thông cũng như cách xử trí tình huống thực tế thì người tham gia giao thông tại Việt Nam cần trang bị thêm hai từ “xin lỗi” và “cảm ơn”. Có như vậy, văn hóa giao thông trong mỗi người mới được trưởng thành hơn.

ThS.Trịnh Hoàng Xuân Phúc
(cựu du học sinh Australia)

-------------

* Mời bạn tiếp tục chia sẻ việc tham gia giao thông của chính mình trong tư cách của người học Phật, bạn đã ứng dụng ra sao trong việc "thực tập ngoài đường" của mình? Bài gửi về: bandocgiacngo@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày