Di tích lịch sử - văn hóa: Chùa Sùng Quang

Sùng Quang là tên chữ của chùa Cả, làng Noi, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Gọi là chùa Cả để phân biệt với hai chùa khác trong xã như chùa Hoàng, chùa Bé (thôn Viên) xây dựng sau và nhỏ hơn.

Di tích lịch sử - văn hóa: Chùa Sùng Quang ảnh 1


Chùa Sùng Quang do công chúa Minh Hiến, con gái vua Lý Thái Tổ xây dựng cách nay đã gần nghìn năm khi em trai của bà - Đông Chinh Vương được vua cha ban cho vùng Noi làm thực ấp. Sau khi Đông Chinh Vương và bà Minh Hiến mất, nhân dân Cổ Nhuế tôn làm thành hoàng thờ ở đình làng.

Nhưng đến thời Hậu Lê, chùa bị hư hỏng nặng, theo tấm bia dựng năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745) thì lúc đó làng Noi có bà Phạm Thị Độ làm vú nuôi trong phủ chúa Trịnh. Bà đã chăm sóc con gái út chúa Trịnh Giang (1729 - 1740) là Quận chúa Trịnh Thị Ngọc Liên. Khi lớn lên, trước khi bà Độ trở về quê, quận chúa Ngọc Liên đã xin cha cấp cho bà 5 mẫu ruộng và nhiều vàng bạc. Bà Độ đã dùng số vàng đó xây dựng lại chùa Sùng Quang, xin chúa cắm đất ở giữa làng để mở rộng chùa và lập ra chợ Noi ngay cửa chùa. Nhớ ơn bà, sau khi bà mất, nhân dân đã dựng tượng thờ bà ở chùa và lập bia ghi công. Như vậy, chùa đã được xây dựng lại từ thời vua Lê Ý Tông (1735 - 1740). Đến nay, khu vực chùa chính vẫn còn nguyên kiến trúc thời Hậu Lê.

Kiến trúc 

Chùa chính xây theo kiểu chữ Công gồm tiền đường 5 gian rộng, hậu cung ba gian và nhà hậu quay lưng sát hậu cung. Có nhiều ý kiến cho rằng chùa thời Lý cao rộng hơn vì thấy tượng hai vị Hộ Pháp rất to, không xứng vào ngôi chùa kiến trúc thời Lê thấp nhỏ hơn.

Đến thời Thành Thái, năm Nhâm Thìn (1892), chùa lại được tu sửa lớn, xây tam quan kiểu nhà vuông, hai tầng tám mái, bốn đầu đao mái thượng tạo dáng cong vút, nhà Tổ, đúc lại quả chuông lớn Sùng Quang tự chung. Chùa xây theo hướng Tây nhìn xuống sông Nhuệ.

Chùa Sùng Quang được xây dựng trên khu đất rộng nền cao, nhất là chùa chính, tam cấp kiến trúc thời Lê - Nguyễn hài hoà. Hiện còn 16 bức cốn khắc gỗ các hình rồng, cúc, trúc, ... Đặc biệt, trong chùa còn nhiều di vật có giá trị thẩm mĩ cao. Trong số 54 pho tượng có 30 pho tượng Phật cổ lớn đời Hậu Lê, 15 bức hoành phi, 10 đôi cỗ hiệu sơn son thiếp vàng lớn và đẹp ghi niên hiệu Cảnh Hưng, Giáp Thìn (1784). Đồ đá có 11 tấm bia, trong đó có 4 tấm bia trùng tu (một bia thời Cảnh Hưng và ba bia thời Thành Thái).

Chùa còn lưu giữ nhiều câu đối, trong đó có câu ca ngợi cảnh đẹp của chùa:

Điện tiền, ngọc tỉnh Ngô Công, bảo ấn chứng nhi Sùng Quang cảnh thắng.

Bối hậu kim quy hoàng sắc, minh thuỷ lâm nhi Cổ Nhuế dân an.

Dịch nghĩa:

Phía trước có giếng ngọc Ngô công, dấu ấn quý nên chùa Sùng Quang thành nơi danh thắng

Phía sau là rùa vàng, mang sắc vàng, dòng nước trong nhìn xuống nên dân Cổ Nhuế được yên.

Trước cửa chùa nay còn dấu tích giếng cổ, miệng giếng bằng đá đẽo gọt đẹp, có tấm bia cổ cho biết giếng chùa xây dựng năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748).

Chùa Sùng Quang còn là di tích cách mạng, nơi đây ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (1945), Mặt trận Việt Minh xã họp mít tinh nhân ngày giỗ Tổ Hùng Vương, để tập hợp lực lượng cách mạng và sau đó sáng 19/08/1945 mít tinh nhân dân võ trang khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập chính quyền cách mạng của xã.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tăng là đoàn thể đẹp, không nên quy chụp một cá nhân với toàn thể Tăng đoàn - Ảnh minh họa

Không muốn đi chùa vì nghe nhiều điều xấu về tu sĩ

GNO - So với những thành tựu to lớn của Phật giáo Việt Nam cũng như hàng ngàn những bậc thầy đạo hạnh đang làm lợi đạo ích đời, thì những “điều xấu về tu sĩ” kia chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không thể vì người ngoài mà khiến cho mình thối thất, bỏ chùa, không hướng đến đời sống đạo đức...

Thông tin hàng ngày