Đi tìm những cao thủ trong làng võ Sài Gòn - Kỳ 3: Những võ sư làm “thất điên bát đảo” quân xâm lược

Đại sư Mai Văn Phát và HLV Phan Châu Toàn biểu diễn đường quyền tại tổ đường Trung Sơn võ đạo (5/1995)
Đại sư Mai Văn Phát và HLV Phan Châu Toàn biểu diễn đường quyền tại tổ đường Trung Sơn võ đạo (5/1995)
Học võ nghệ trước là để rèn luyện bản lĩnh, sức khỏe, sau là để góp công bảo vệ điều ngay lẽ phải, bảo vệ quê hương... Chân lý này càng được khẳng định rõ khi nhìn lại lịch sử làng võ Sài Gòn, người ta có thể kể tên ra nhiều võ sư đã theo cách mạng, trở thành những chiến sĩ tham gia những trận đánh làm "thất điên bát đảo" quân xâm lược.

Nỗi khiếp đảm của lính Pháp

Vị chưởng môn sáng lập Lam Sơn võ đạo, võ sư Quách Văn Kế là một trong những trường hợp nêu trên. Quê Hà Nội và lưu lạc vào Sài Gòn, sau 33 năm khổ luyện ông được tôn vinh là một trong những cao thủ của làng võ Sài Gòn - Chợ Lớn. Tài nghệ của ông được ngưỡng mộ đến mức năm 1943 có một "đại gia" bỏ tiền lập võ đường để mời thầy Kế truyền dạy võ công cho thanh niên.

Tháng 8-1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ, nhân dân cả nước nổi dậy kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Võ sư Quách Văn Kế tình nguyện gia nhập cách mạng, trở thành chiến sĩ trong một đơn vị biệt động. Với thân thủ phi phàm, võ công cái thế, hàng đêm ông thường một mình bí mật đột nhập vào các trại lính, đồn bót địch "tỉa" bớt số lượng quân giặc. Mất đến hàng trăm quân chỉ vì một chiến sĩ biệt động, quân Pháp khiếp sợ ông đến mất ăn mất ngủ, bái phục ông là có tài xuất quỷ nhập thần và đặt cho ông biệt danh "Sát thủ trong đêm".

Võ sư Quách Văn Kế cũng là người có công đào tạo võ công cho nhiều chiến sĩ, du kích. Ông từng tổ chức dạy nhiều lớp phương pháp cận chiến cấp tốc cho tự vệ, du kích ở sân vận động Hoa Lư và Phan Đình Phùng (Sài Gòn); huấn luyện võ thuật cho lực lượng vũ trang tại Đức Hòa (Long An)... Năm 1948, theo sự phân công của cách mạng, ông quay lại Chợ Lớn mở cửa hàng bán xe đạp nhưng thực chất làm cơ sở hoạt động cách mạng nội thành cho tới ngày Hiệp định Gèneve về lập lại hòa bình được ký kết vào năm 1954.

Trên 30 năm dạy võ, chiến sĩ - võ sư Quách Văn Kế đã tiêu diệt nhiều lính Pháp, đào tạo được hơn 20.000 môn sinh. Lam Sơn võ đạo kết hợp võ Thiếu Lâm và Tây Sơn - Bình Định có sở trường đòn ngắn, nhập nội, thế đánh dũng mãnh qua các bài trấn môn Phượng Hoàng quyền, Phượng Hoàng song đao, Lão Mai côn, Quách gia đại đao... danh bất hư truyền.

“Trường võ bị” giữa vùng địch chiếm

Đi tìm những cao thủ trong làng võ Sài Gòn - Kỳ 3: Những võ sư làm “thất điên bát đảo” quân xâm lược ảnh 1
Đại sư Mai Văn Phát (chưởng môn phái Trung Sơn võ đạo) trong một buổi
“thiền toạ” cho môn sinh (Ảnh chụp năm 1960)

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954), một trong những vũ khí lợi hại của quân dân miền Nam là mã tấu. Võ sư Chín Hóa (môn phái Tây Sơn Nhạn) là người đã có công lớn hoàn thiện kỹ thuật sử dụng vũ khí này để phổ biến cho quân dân.

Vị võ sư này có tên đầy đủ là Bùi Văn Hóa sinh năm 1894, gốc Bình Định. Năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân kháng chiến, võ sư Chín Hóa bèn mở lớp huấn luyện cấp tốc phương pháp sử dụng mã tấu (đao), tầm vông, những bài quyền cơ bản cho hàng trăm kháng chiến quân... Những người này sau khóa huấn luyện đã tỏa về các chiến khu dạy lại kỹ thuật chiến đấu cho quân dân Nam Bộ. Riêng võ sư Chín Hóa vẫn ở lại Sài Gòn mở lớp dạy võ tại trường Chợ Quán (nay là Kim Đồng, Q.5) thu nạp hàng ngàn thanh thiếu niên.

Ngoài 10 thế đánh bằng cùi chỏ cực kỳ ảo diệu, những đệ tử của võ sư Chín Hóa cũng là người sáng tạo ra nhiều thế võ thường được chiến sĩ tự vệ Sài Gòn - Chợ Lớn sử dụng khi chiến đấu khiến giặc "táng đởm kinh hồn". Đó là Nhất Hổ (Lý Phi Sơn Hổ) với lối đánh bạo liệt như hổ vồ mồi; Tám Miêu (Nguyễn Văn Miêu) có độc chiêu rình rập rồi bất thần hạ đối thủ trong nháy mắt; đòn "gối bay" mạnh như giông bão khiến đối thủ phải kinh hoàng của Tư Tính (Nguyễn Văn Tính)...

Võ đường của đại sư Chín Hóa ngày càng lớn mạnh. Thời "hoàng kim", chỉ riêng tại trung tâm Sài Gòn, Tây Sơn Nhạn có hệ thống 6 võ đường, hàng ngàn môn sinh. Trong hai thập niên 1960 - 1970, Tây Sơn Nhạn là "võ hiệu" nổi tiếng, chuyên đào tạo đấu sĩ thượng đài, người yêu thích võ thuật vẫn chưa quên một Hồng nhạn - trưởng nam thầy Mười Mách - được coi là "kỷ lục gia" chuyên knock - out (hạ gục) đối thủ hiệp đầu tiên, một Hùng nhạn là "nhà sưu tập" danh hiệu vô địch ở cả hai đấu trường quyền anh và quyền tự do, cặp "ngọc nữ" Hồng Yến nhạn - ái nữ thầy Mười Mách và Hồng Vân nhạn chia nhau "thống trị" các hạng cân nhẹ nhiều năm liền.

Luyện võ cho nghĩa quân trên sân chùa

Giới võ lâm Sài Gòn thập niên 1960 - 1970 luôn dành vị trí trang trọng trong những lần họp mặt cho một vị thiền sư tóc búi cao, râu bạc dài, đôi mắt sáng quắc tinh anh trong bộ cà sa vàng mượt, tác phong ông thư thái, tay lần chuỗi hạt. Đó là vị chưởng môn phái Trung Sơn võ đạo Mai Văn Phát, pháp danh Thích Thiện Tánh, trụ trì tại Long Hoa tự (Tân Định). Ông sinh năm 1917 tại xã Thới Đông, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ trong một gia đình nông dân. Năm 10 tuổi, ông được gia đình đưa lên núi Thất Sơn (Châu Đốc, An Giang) theo sư phụ chữa bệnh và tu học.

Sư phụ của ông nguyên là thủ hạ của Nguyễn Trung Trực, vị anh hùng cầm đầu nghĩa quân đốt cháy tàu Espéranto của thực dân Pháp trên dòng Nhật Tảo. Khởi nghĩa thất bại, người nghĩa quân này bị thực dân Pháp truy lùng, phải lánh nạn lên chùa mai danh ẩn tích. Chốn thiền môn không chỉ là chỗ người nghĩa quân dung thân, ông còn dùng sân chùa đêm đêm bí mật rèn luyện võ nghệ cho thanh niên dưới chân núi. Võ sư Phát được sư phụ truyền cho lòng yêu nước nồng nàn từ thuở ấy. Năm 1934, Mai Văn Phát xuống núi trở về quê.

Hai năm sau, ông tiếp tục theo học khí công, khinh công, y thuật và môn điểm huyệt. Năm 1942, ông về Châu Đốc mở lớp dạy võ với mục đích giúp thanh thiếu niên nâng cao thể lực và bản lĩnh để cứu quốc và kiến quốc, khoảng năm 1945, Mai Văn Phát rời quê lên Sài Gòn lập nghiệp. Tại đây, ông ngụ ở ấp Đông Ba (Phú Nhuận), vừa làm công nhân, vừa dạy võ tại gia, đồng thời nghiên cứu, hệ thống hóa tinh hoa võ thuật từ hai vị ân sư, sắp xếp thành chương trình huấn luyện từ thấp đến cao.

Năm 1963, sau khi chế độ độc tài Ngô Đình Diệm bị lật đổ, xã hội miền Nam xáo trộn, làn sóng xung đột diễn ra khắp nơi. Nhằm thu hút thanh thiếu niên sinh hoạt lành mạnh, võ sư Mai Văn Phát quyết định xuống tóc xuất gia, lấy pháp danh Thích Thiện Tánh với ước mong dùng việc dạy võ để giáo huấn thế hệ trẻ lòng yêu nước, đạo đức làm người và khả năng tự vệ. Ông sáng lập môn phái Trung Sơn võ đạo (Thiếu Lâm Nguyên thủy Mật truyền) từ chi đoàn Trúc Lâm (hướng đạo sinh Phật tử), võ đường đặt tại Long Hoa tự. Ngoài dạy võ, đại sư Mai Văn Phát còn chữa trị các bệnh khớp xương và thần kinh tọa. Báo nước ngoài từng có những bài viết ca tụng ông là "vị thầy tu giỏi võ, một huyền thoại sống".

Là thiền sư, lấy chữ Bi làm đầu, đại sư Mai Văn Phát hạn chế đưa đệ tử đấu đài bởi ông tâm niệm "võ thuật nhằm rèn luyện nhân cách, học võ không phải để tranh tài cao thấp, phân định hơn thua". Môn phái do ông sáng lập có nhiều tuyệt chiêu như: Đao pháp "đao như mãnh hổ, thương tựa giao long"; 10 thế điểm huyệt mật truyền; tuyệt kỹ Hầu xiềng (vừa đánh ngã vừa điểm luôn huyệt đối phương), Bạch hổ thủ điểm hầu trung cực (thế của con cọp trắng vừa chụp siết yết hầu vừa chụp siết hạ bộ đối phương. Đối phương sẽ chết ngay nếu ta không kịp buông tay ra), Phương dực đăng sơn đại bàng (dùng chỏ đánh từ tam tinh xuống yết hầu đối phương), Phi ngưu trá hình (đối phương nhập nội, ta phóng đến dùng gối chỏ tấp ngay vào chấn thủy đối phương)...

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày