Những năm tháng viết nên câu chuyện hòa bình

Ký ức về những ngày tranh đấu cho hòa bình, tự do vẫn còn sống động - Ảnh: Quảng Đạo/BGN
Ký ức về những ngày tranh đấu cho hòa bình, tự do vẫn còn sống động - Ảnh: Quảng Đạo/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Vậy là đã tròn 50 năm kể từ ngày đất nước thống nhất. Khi người dân TP.HCM đang sống trong không khí sôi nổi của những ngày tháng Tư lịch sử, thì ở một góc nhỏ bình yên của tịnh xá Ngọc Phương, từng trang ký ức về những ngày dậy sóng ở đô thị miền Nam được lật giở lại, qua lời kể của Ni trưởng Thích nữ Tuấn Liên.

Những năm 1965-1966, phong trào phản chiến lan rộng trên toàn miền Nam, quy tụ các tầng lớp nhân dân liên tục nổ ra tại các thành phố lớn như: Sài Gòn, Huế, Hà Nội,… với yêu cầu chánh quyền Sài Gòn tôn trọng quyền bình đẳng, tự quyết của người dân, đòi người Mỹ phải rút quân, dừng can thiệp vào nội bộ Việt Nam và chấm dứt chiến tranh. Trong làn sóng đòi hòa bình, tự do đó, Phật giáo tiếp tục đồng hành cùng quần chúng, được quần chúng xem như một nơi nương tựa đặc biệt về tinh thần, trong hoàn cảnh chiến tranh tiếp tục leo thang, gây nên bao đau thương, tang tóc.

Đồng hành cùng quần chúng

“Lúc bấy giờ, Việt Nam Quốc Tự vừa mới được hình thành, rất nhiều thanh niên, sinh viên quy tụ về đây như một nơi che chở cho phong trào đấu tranh đòi quyền tự do, bình đẳng trước những chèn ép của chánh quyền do giới quân nhân nắm giữ. Quý Hòa thượng danh tăng đương thời, trước yêu cầu của thời cuộc, lại một lần nữa trở thành những người dẫn đường cho quần chúng”, bằng một ngữ điệu hết sức nhẹ nhàng, Ni trưởng Tuấn Liên dần hồi tưởng.

Là một trong số những người trực tiếp tham dự vào giai đoạn đặc biệt ấy của lịch sử, với vai trò là một trong số những đệ tử thân cận của Ni trưởng Huỳnh Liên - vị nữ tu sĩ tiêu biểu trong phong trào đô thị miền Nam, Ni trưởng Tuấn Liên vẫn còn ghi đậm trong ký ức về những ngày tháng mà chư Ni tại tịnh xá Ngọc Phương đồng hành cùng quần chúng trong công cuộc tranh đấu: “Ở miền Trung và miền Nam, không chỗ nào là không có sự hiện diện của lính Mỹ, cùng với sự áp bức của chánh quyền gây nên những cơ cực cho đời sống nhân dân, điều này đã làm khơi dậy tinh thần dân tộc của người dân lên cao độ. Bấy giờ, mỗi khi có cuộc xuống đường hay hội thảo của quần chúng, của anh em sinh viên, dù đang ở đâu, chư Ni chúng tôi lại theo lời hiệu triệu của Ni trưởng Huỳnh Liên tức tốc trở về để cùng tham gia. Tịnh xá Ngọc Phương cũng trở thành ‘cái gai’ trong mắt chánh quyền Sài Gòn”.

Trong ký ức của Ni trưởng Tuấn Liên, có những giai đoạn, tịnh xá Ngọc Phương gần như bị cô lập. Hàng rào kẽm gai bao bọc, lính tráng bao vây canh giữ suốt ngày đêm, lương thực thực phẩm bị cắt. Lúc bấy giờ, chư Ni phải tìm cách mở đường trốn ra ngoài để tìm đường liên lạc.

Chư Ni bấy giờ toàn mới ngoài hai mươi tuổi, tu theo hạnh Khất sĩ, không có gì trong tay làm sao đối chọi lại với súng ống lính tráng? “Chỉ có… cái miệng thôi”, Ni trưởng Tuấn Liên giải đáp với nụ cười hóm hỉnh.

Trước câu hỏi vì sao chư Ni tịnh xá Ngọc Phương đối diện được với những khó khăn, bố ráp của chánh quyền, Ni trưởng Tuấn Liên đã chia sẻ rằng thật ra, chư Ni luôn có sự đồng hành của giới sinh viên và các bà mẹ trong phong trào. Mỗi khi tịnh xá Ngọc Phương bị lính bao vây, cô lập, các bà mẹ lại kéo tới đối đầu với lính tráng để “giải vây” cho chư Ni. Ni trưởng Tuấn Liên kể lại: “Mỗi khi thấy dấu hiệu tịnh xá bị lính kéo tới bao vây, đồng bào Phật tử quanh vùng đều lập tức quy tụ lại để phản đối. Thật sự, ngay trong chính tấm lòng mỗi đồng bào Phật tử của chúng ta đều chất chứa tình thương dân mến nước, điều đó cũng giải thích vì sao đồng bào Phật tử luôn hiện diện một cách đông đảo, sát cánh cùng mọi tầng lớp nhân dân trong mỗi phong trào phản chiến lúc bấy giờ. Có những điều, do tuổi tác mình có thể quên, nhưng không khí hết sức đặc biệt của những ngày tháng ấy, dũng khí của chư Ni, tinh thần đồng hành cùng quần chúng là điều vẫn còn in đậm trong ký ức.”

Niềm hy vọng cho ngày thống nhất

“Những ngày ấy, với sự cấp thiết từ cách mạng, ngoài việc sát cánh cùng nhân dân trong tranh đấu, Ni trưởng Huỳnh Liên cùng chư Ni Ngọc Phương còn tìm cách cung ứng những nhu yếu phẩm cần thiết như thuốc men, kim chỉ, vải vóc,… cho quân giải phóng. Hồi đó, hễ có yêu cầu từ tỉnh nào báo về, cô Lệ là người biết lái xe ô-tô (tức Ni trưởng Lệ Liên, nay đã gần 80 tuổi - TG) cùng với tôi lại tìm cách tập hợp, rồi chư Ni ở đây còn tự làm những thực phẩm có thể để hàng tháng. Khi đủ những thứ cần thiết, tôi và cô Lệ dậy từ nửa đêm, âm thầm vận chuyển”, Ni trưởng Tuấn Liên nhớ lại.

Chư Ni tịnh xá Ngọc Phương biểu tình trước Dinh Độc Lập - Ảnh: Tư liệu tịnh xá Ngọc Phương

Chư Ni tịnh xá Ngọc Phương biểu tình trước Dinh Độc Lập - Ảnh: Tư liệu tịnh xá Ngọc Phương

Thời ấy, việc mua được nhu yếu thuốc men không phải dễ dàng, đặc biệt là khi chư Ni Ngọc Phương luôn chịu sự dòm ngó, kiểm soát gắt gao từ chánh quyền Sài Gòn. Việc tìm mua những nhu yếu phẩm, thuốc men phần lớn là nhờ những vị thân hữu, Phật tử thân tín là tiểu thương hỗ trợ mới có thể mua được. Ngoài ra, để qua mặt được những chốt kiểm soát của binh lính, hành trình những chuyến xe vận chuyển của Ni trưởng Tuấn Liên và Ni trưởng Lệ Liên buộc phải “ngụy trang” dưới danh nghĩa xe vận chuyển thực phẩm cho cô nhi viện tại Ninh Thuận do Ni trưởng Bạch Liên phụ trách. Ni trưởng Tuấn Liên cũng cho biết thêm, tại cô nhi viện này, có nhiều em có cha mẹ đi hoạt động cách mạng, có em thì cha mẹ đều bị địch giết chết, rồi có những em lại bị mất sạch nhà cửa sau những trận càn của Mỹ,…

“Nếu bây giờ mà phải sám hối tội nói dối, thì mình không biết sám hối bao nhiêu cho đủ. Nhưng thời ấy, muốn qua mặt những chốt lính canh để vận chuyển hàng hóa tiếp tế thì cần ở bản thân sự khéo léo, nhanh nhạy. Tất cả cũng vì mong mỏi có một ngày hòa bình, thống nhất”, Ni trưởng vừa kể vừa chắp tay lại đưa lên trán rồi bật lên tiếng cười hồn hậu.

Vậy rồi ngày hòa bình mà biết bao nhiêu người ước mong cũng tới.

Trưa ngày 30-4-1975, quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Cuộc chiến đằng đẵng chia cắt đất nước suốt 21 năm dài, với bao nhiêu đau thương, mất mát rồi cũng đến hồi chấm dứt. “Trưa ngày hôm ấy, tôi và cô Lệ mang thực phẩm cho quân giải phóng đang có mặt ở ngoài dinh Độc Lập, chỉ đơn giản là những nải chuối, bánh ú, bánh tét thôi. Không khí giờ phút đó ở Sài Gòn bình lặng lắm. Rồi cho đến chiều, đồng bào đổ ra khu vực trước dinh Độc Lập mỗi lúc một đông, rồi đổ ra những trục đường lớn để đón quân giải phóng, không khí vô cùng hân hoan, sôi nổi…”, Ni trưởng Tuấn Liên nhớ lại.

Trong buổi chiều hôm ấy, khi quay về lại tịnh xá, Ni trưởng Tuấn Liên đã ra sức thuyết phục những người lính Việt Nam Cộng hòa đang còn giữ súng chạy trên đường buông vũ khí trở về nhà. “Lúc đó không khí vẫn còn ít nhiều căng thẳng, nếu hai bên còn giữ súng, chưa kịp nói chuyện, biết đâu lại chẳng có thêm đổ máu. Hòa bình rồi! Chiến tranh chấm dứt rồi! Làm sao có thể để thương vong xảy ra thêm nữa. Vậy là chẳng ai chỉ bảo, theo cách tự nhiên nhất, tôi thực hiện việc ‘binh vận’ để những người lính ấy nộp súng, rồi chỉ đường an toàn cho họ trở về nhà”, trong giọng kể của Ni trưởng Tuấn Liên xen lẫn xúc động.

Sống với hòa bình

Những năm tháng hòa bình đầu tiên, cũng là lúc đất nước lại đối diện với những khó khăn mới. Tịnh xá Ngọc Phương lúc này có Ni chúng đông đảo, lại thêm hàng trăm cô nhi ở Ninh Thuận; Ni trưởng Huỳnh Liên và chư Ni phải tìm cách xoay xở để đảm bảo nhu yếu sinh hoạt của chừng ấy con người.

“Ngay khi hòa bình lập lại, chư Ni quay lại với đời sống tu học. Đồng thời, trong chúng tôi, những ai có khả năng được cắt đặt vào việc sản xuất để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt, tu học của Ni chúng. Ngoài ra, Ni trưởng Huỳnh Liên cũng dạy chúng tôi đi tìm lại bà con thân thích để đưa một số em ở cô nhi viện về lại quê cũ, đoàn tụ với gia đình. Những ngày đó, có khi chư Ni lặn lội ra tận những vùng như Duy Xuyên, Đại Lộc ở Quảng Nam để đưa các em về gặp lại gia đình. Sau này, có rất nhiều em thành đạt, trở thành những con người có ích cho xã hội”, Ni trưởng Tuấn Liên cho biết.

Ni trưởng Tuấn Liên trong căn phòng lưu niệm Ni trưởng Huỳnh Liên tại tịnh xá Ngọc Phương (Q.Gò Vấp) - Ảnh: Quảng Đạo

Ni trưởng Tuấn Liên trong căn phòng lưu niệm Ni trưởng Huỳnh Liên tại tịnh xá Ngọc Phương (Q.Gò Vấp) - Ảnh: Quảng Đạo

Trong lời kể của Ni trưởng Tuấn Liên, hình bóng của sư trưởng chiếm một vị trí hết sức đặc biệt. Dưới sự điều hành và dẫn dắt của Ni trưởng Huỳnh Liên, chư Ni Khất sĩ đã xoay xở đi qua những ngày tháng khó khăn, thiếu thốn, giữ vững tinh thần tu học, đồng thời mở rộng thêm các cơ sở cho Ni giới Khất sĩ tu học tại các tỉnh thành.

Đi qua những ngày tháng đồng hành cùng sư trưởng trong công cuộc tranh đấu rồi tiếp tục nhận lãnh trách nhiệm hợp lực để chăm lo cho đời sống, tu học của chư Ni tại tịnh xá Ngọc Phương, Ni trưởng Tuấn Liên cho biết bản thân mình vẫn gìn giữ sự tu học, hành trì của bản thân. Ở tuổi ngoài bát tuần, dù đôi khi có gặp phải những trở ngại của sức khỏe, Ni trưởng gần như vẫn giữ được sự minh mẫn và hành trì chuyên chú kinh Hoa nghiêm.

“Sau ngày giải phóng, trước tình trạng thiếu cán bộ làm việc ở cấp sơ sở, có vị ngỏ ý đề nghị tôi ‘đổi áo’ về đời để làm việc, tôi đã khẳng định dứt khoát: ‘Tôi là người tu thiệt, đất nước hòa bình rồi, tôi chỉ muốn tiếp tục cuộc đời tu hành của mình’.

Tôi có may mắn là có dịp được thọ học Phật pháp với các vị thầy lớn, trong đó có Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu. Bản thân tôi luôn tự ý thức mình phải luôn tích cực học hỏi, tự học, tự tìm tòi khi có cơ hội, kể cả khi làm việc cũng là một cơ hội để bản thân mình có thể học”, Ni trưởng Tuấn Liên cho biết.

Trong lúc tiễn chúng tôi ra về, Ni trưởng nhắc lại về việc dẫn đoàn đi cứu trợ suốt một tháng trời, “cho đến những đồng cuối cùng mà Phật tử ủy thác” gửi tới đồng bào chịu thiệt hại do thiên tai ở vùng cao Tây Bắc với chia sẻ đầy tâm đắc: “Quan trọng nhất trong làm việc gì hay tu học đó là phải giữ được sự tinh tấn trong tinh thần. Đừng vì một lý do nhỏ nhặt nào đó mà trì hoãn hay giải đãi.”

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

7 hoa sen trên sông Hàn (TP.Đà Nẵng) kính mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569

Đà Nẵng: Lễ hạ thủy 7 hoa sen trên sông Hàn

GNO - Chiều 29-4, tại bờ đông sông Hàn (đường Trần Hưng Đạo, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng), Ban Trị sự GHPGVN TP.Đà Nẵng đã long trọng tổ chức Lễ hạ thủy 7 hoa sen tượng trưng cho 7 bước chân thanh tịnh của Đức Phật nhân dịp Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569 - Vesak 2025.
Ban Hậu cần Đại lễ Vesak LHQ 2025 ra mắt ngày 9-3-2025 và họp triển khai công việc - Ảnh: Quảng Đạo/BGN

Ban Hậu cần Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025: Những người thầm lặng hết lòng vì Phật sự

GNO - Với tâm huyết phụng sự Đại lễ Vesak LHQ 2025 tại TP.HCM, kể từ ngày nhận quyết định thành lập, các thành viên Ban Hậu cần đã triển khai các kế hoạch chuẩn bị, phân công trách nhiệm ẩm thực để đảm bảo tốt nhất sức khỏe đại biểu đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ, đại biểu trong nước về tham dự từ ngày 6 đến 8-5.

Thông tin hàng ngày