![]() |
Chân dung Ni trưởng Mạn Đà La |
Ni trưởng Mạn Đà La thế danh Hoàng Thị Bích sinh năm 1935 tại Hải Phòng, trong một gia đình Phật tử thuần thành. Từ ngày còn trẻ, cô Hoàng Thị Bích đã tập ăn chay và sớm có duyên lành với Phật pháp. Năm 1953, khi theo gia đình di cư vào Nam, tại Huế, Hoàng Thị Bích được gặp Hòa thượng Thích Trí Thủ, lúc bấy giờ đang là trụ trì chùa Ba La Mật và phát tâm xuất gia, được Hòa thượng ban pháp danh Nguyên Như, hiệu là Mạn Đà La.
Trong những năm đầu khi Hiệp định Geneve có hiệu lực, chứng kiến cuộc sống đau khổ của nhân dân, đồng thời nhận thức sâu sắc lời dạy của các bậc thầy tổ, phải cố gắng nhập thế, vì nếu không làm việc xã hội, thì không thấu hiểu được cái cực khổ thực sự của quần chúng, Ni trưởng đã gấp sách, gác lại việc học để đi làm việc thiện. Dù lúc bấy giờ tuổi vừa đôi mươi, Ni trưởng cùng một vị Ni đồng đạo đã cùng nhau mang hạnh nguyện Bồ-tát lên đường phục vụ thiết thực cho dân tộc, cho xã hội. Tại Phú Yên, nhận thấy chiến tranh đã tàn phá quá nhiều, xóm làng tan hoang, ly tán, nhiều trẻ em tại đây nheo nhóc không nơi nương tựa, hai vị tìm cách mở cô nhi viện Phật giáo đầu tiên ở Tuy Hòa, lấy tên là Phước Thiện.
Trong thời gian đầu, cơ sở vật chất tại cô nhi viện Phước Thiện chưa đầy đủ, Ni trưởng Mạn Đà La và các cộng sự của mình phải mang những đứa trẻ bị bỏ rơi nhờ đồng bào Phật tử địa phương có thiện tâm cho nương nhờ trong thời gian ngắn. “Xứ ấy rất nghèo, bà con không có giường, chỉ có ghế làm bằng bao bố, phải quấn cà-sa vào cái chai để gối đầu. Những ngày đầu tiên, người ta mang đến cho 2 đứa trẻ, một đứa 1 tuần tuổi và còn đứa kia 1 ngày tuổi, tôi phải cởi áo mình ra để may áo cho 2 đứa trẻ sơ sinh. Không có nôi, có giường, phải treo dây thừng vào 2 cái thúng ở 2 bên ghế bố mình nằm để nuôi 2 cháu cho đến mấy tháng sau, cô nhi viện mới hoàn thành”, Ni trưởng hồi tưởng lại thời gian ấy.
![]() |
Ni trưởng Mạn Đà La trong một thời khóa tại chùa Trúc Lâm (Paris, Pháp) |
Lúc đó, Ni trưởng một mặt vừa đi dạy ở trường Bồ Đề, vừa đi thuyết giảng, vừa vào bệnh viện học cách chăm sóc trẻ, vừa nuôi trẻ ở cô nhi viện. Cô nhi viện Phước Thiện với 2 vị Ni trẻ có khi phải chăm sóc tận 38 trẻ, lắm lúc đến 2, 3 ngày không ngơi tay để lo đến những nhu cầu tối thiểu của cá nhân mình.
Vào thời điểm đầu thập niên 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành chính sách kỳ thị tôn giáo rất cực đoan, Ni trưởng Mạn Đà La đã sớm cùng nhiều Tăng Ni khác nhận nhiệm vụ “Như Lai sứ giả” đi hoằng pháp khắp các nơi để trấn an cho đồng bào Phật giáo. Ít lâu sau đó, nhận lời mời của một vị Ni sư ở Nhật Bản, được Hòa thượng Bổn sư với tầm nhìn và tâm huyết giáo dục đồng ý, Ni trưởng sang Nhật Bản du học, nhằm mục đích sẽ mang kiến thức từ nền giáo dục hiện đại của Phật giáo Nhật Bản về phục vụ cho sự phát triển Phật giáo nước nhà.
![]() |
Chùa Trúc Lâm (Paris, Pháp) |
Khi Ni trưởng Mạn Đà La vừa sang đến Nhật thì trong nước diễn ra sự kiện đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Đặc biệt, trong rạng sáng 21-8-1963, chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành chiến dịch “Nước lũ”, tổng tấn công các chùa lớn tại Sài Gòn và Huế, là cơ sở của cuộc tranh đấu của Phật giáo, bắt giữ các vị lãnh đạo của Tổng hội Phật giáo Việt Nam, trong đó có Hội chủ của Tổng hội là Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết. Xúc động trước tình cảnh của Phật giáo và dân tộc, Ni trưởng Mạn Đà la đã có ý định tự thiêu để phản đối hành động phi nhân của chính quyền Ngô Đình Diệm, nhưng Tổng hội và Ủy ban Liên phái yêu cầu Ni trưởng phải sống để tranh đấu, nên Ni trưởng bỏ ý định, mà chuyển sang tuyệt thực.
Là nữ tu sĩ Phật giáo Việt Nam đầu tiên đi du học và là người duy nhất ở Nhật Bản trong thời điểm Pháp nạn xảy ra, mang thân phận của một vị Ni đơn độc nơi xứ người, không một chỗ để tựa nương, than thở những lúc bức bách khi nghĩ về quê nhà, Ni trưởng Mạn Đà La chỉ còn biết chọn cổng trường đại học, nơi bao lớp người trí thức, những con người có lẽ còn mang trái tim lương thiện trong xã hội này thường lui tới để tuyệt thực. Hình ảnh một sư cô với dáng vẻ nhỏ bé, cô độc đấu tranh hết mình đã khiến Phật giáo Nhật và nhân dân Nhật Bản cảm mến, ủng hộ nhiệt thành. “Chưa ai được người dân Nhật thương bằng tôi lúc đó. Họ gửi cho tôi hàng thúng quà động viên. Tôi lên cả đài phát thanh của Nhật để gửi thông điệp phản đối”, Ni trưởng Mạn Đà La nhớ lại.
![]() |
Ảnh Ni trưởng Mạn Đà La chụp Hòa thượng Thích Thiện Châu cùng Bộ trưởng Xuân Thủy, Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ H.Kissinger bên lề Hội nghị Paris |
Đặc biệt, Phật giáo Nhật Bản khi đó, đã bố trí để Ni trưởng Mạn Đà La được tiếp xúc với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam thời điểm bấy giờ là H.Cabot Lodge, trong chuyến viếng thăm Nhật Bản của ông, để đưa bức tâm thư: “Tôi, nhân danh là một nữ học Ni của Phật giáo, phản đối hành động của vợ chồng Ngô Đình Nhu đem thù riêng áp dụng vào việc chung. Dù tiếng nói của tôi nhỏ nhoi, tầm thường, nhưng tôi đem mạng sống của mình ra để làm tối hậu thư”.
Không dừng lại ở đó, bà còn gửi cả thư phản đối đến Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc U Than và cộng đồng Phật giáo các quốc gia khác. Từ tiếng nói gần như cô độc của Ni trưởng Mạn Đà La nơi phương trời xứ lạ, dần dần sự đánh động đó lan tỏa đến các Tăng Ni Việt Nam đang du học tại Ấn Độ, Pháp và các nước khác, các vị đã đồng loạt lên tiếng ủng hộ. Phong trào đấu tranh lan rộng khắp nơi, cả trong và ngoài nước đã khiến chính quyền Ngô Đình Diệm phải nhượng bộ. Vì tham gia vào phong trào chống đối, dưới sức ép của chính quyền Ngô Đình Diệm, Ni trưởng bị cắt học bổng, sức khỏe suy kiệt do tuyệt thực, nhưng vẫn kiên trì tự mình kiếm tiền tiếp tục học và tranh đấu cho Phật giáo.
Năm 1965, sau khi học xong ở Nhật, vì tác động của chính quyền, Ni trưởng Mạn Đà La không thể trở về nước, vì vậy Ni trưởng tiếp tục sang Anh để học. Tại Anh, Ni trưởng Mạn Đà La có duyên lành gặp được Hòa thượng Thích Thiện Châu. Đến năm 1967, Ni trưởng Mạn Đà La cùng Hòa thượng Thiện Châu sang Pháp. Tại đây, Ni trưởng đã lập nên phong trào Phật tử Việt Nam tại hải ngoại, với chủ trương “phải giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ gìn cái gốc thì cành lá hoa trái mới tốt tươi được”.
Với ý thức đó, Ni trưởng Mạn Đà La mong muốn xây dựng một nơi lưu giữ văn hóa Việt Nam, để người Việt xa xứ giữ được hồn cốt của Dân tộc, được gần gũi hơn với quê hương của mình. Ni trưởng luôn giữ quan niệm: “Đem một cái cây ra chỗ đất lạ, dù cái cây có quý giá mạnh khỏe đến đâu, cũng phải mang theo một bầu đất cũ của nó, là nơi bén rễ đầu tiên, để nuôi nấng cái cây trước khi nó đủ mạnh mà bám vào đất mới”.
![]() |
Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng I được Nhà nước trao tặng cho Ni trưởng Mạn Đà La |
Phong trào Phật tử Việt Nam tại hải ngoại do Ni trưởng Mạn Đà La khởi xướng đã tập hợp đông đảo thanh niên Việt Nam ở nước ngoài, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh ở trong nước. Hoạt động chủ yếu của phong trào là cất lên tiếng nói hòa bình để thế giới biết rằng những hoạt động tranh đấu của Việt Nam, nhất là nguyên do phải đấu tranh cho độc lập, thống nhất nước nhà là chính đáng. “Trước khi là tu sĩ, mình là người Việt Nam, không thể ngồi yên được trước bom đạn, trước mất mát của đất nước”, Ni trưởng luôn tâm niệm như vậy.
Năm 1968, khi phái bộ ngoại giao đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam sang Pháp bắt đầu đàm phán cho Hiệp định Paris, Ni trưởng Mạn Đà La là người đã giúp đỡ rất nhiều cho đoàn ngoại giao của Việt Nam trong việc đàm phán với phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa cho đến khi Hiệp định Paris được ký kết chính thức vào đầu năm 1973.
Những năm sau đó, Ni trưởng đi khắp nơi để vận động hòa bình cho Việt Nam. “Những năm chống Mỹ là những năm in sâu vào chúng tôi hình ảnh đau khổ của đồng bào ở trong nước, cũng là những năm cao trào hoạt động của cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Bà con Việt kiều ở Pháp lúc bấy giờ không tiếc gì công sức, tiền tài, vật lực, cái gì cống hiến được là cống hiến. Tôi nhớ về những lần Hội Việt kiều Pháp tổ chức những đêm không ngủ, những buổi chiếu phim, diễn thuyết, giải thích cho đồng bào nghe, hiểu để phản đối các trận ném bom B52 ác liệt của Mỹ vào Việt Nam...”, Ni trưởng nhớ lại.
![]() |
Tịnh thất Bồ Đề, nơi Ni trưởng Mạn Đà La an dưỡng cuối đời |
Những việc làm của Ni trưởng Mạn Đà La đã làm rung động trái tim bạn bè năm châu, tạo sự ủng hộ đối với Việt Nam. Trong những năm ở Pháp, Ni trưởng đã vận động xây hai ngôi chùa tại Paris và Marseille.
Năm 1998, Hòa thượng Thiện Châu viên tịch, Ni trưởng Mạn Đà La xin hồi hương. Về đến Việt Nam, Ni trưởng tiếp tục hành nguyện khi xưa, xây dựng nhiều trường mẫu giáo, tích cực đóng góp cho an sinh xã hội. Với Phật giáo Việt Nam, trong những năm cuối đời, Ni trưởng đã tạo mãi được một mảnh đất và bàn giao cho GHPGVN TP.Long Khánh để làm trụ sở.
Năm 2008, Ni trưởng khai sơn một ngôi tịnh thất tại khu phố 4, P.Xuân An, TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đặt hiệu là Bồ Đề am và tịnh tu tại đây cho đến ngày viên tịch.
![]() |
Bảo tháp Ni trưởng Mạn Đà La tại Bồ Đề am |
Ni trưởng Mạn Đà La viên tịch ngày 27-10-2018 (nhằm ngày 19-9-Mậu Tuất). Nhục thân được lưu giữ tại bảo tháp Viên Dung trong khuôn viên Bồ Đề am, nơi ghi dấu những năm tháng cuối cùng của cuộc đời Ni trưởng trên quê hương Việt Nam.