Điều đọng lại từ những vần thơ Phật giáo hướng đến 1.000 năm Thăng Long

Giác Ngộ: Để hướng tới kỷ niệm trọng đại 1.000 năm Thăng Long, Báo Giác Ngộ và Trung ương GHPGVN tổ chức cuộc thi Văn, Thơ Phật giáo. Tôi vinh hạnh được Ban Tổ chức mời làm Chủ tịch Hội đồng Giám khảo thơ cùng với một số nhà thơ hữu danh khác: nhà thơ Y Sa (Ni sư Thích nữ Khiết Viên), nhà thơ Ý Nhi, nhà thơ Như Nguyệt, nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ.

Khi Ban Tổ chức gởi đến tôi 60 bài thơ chung khảo - nghĩa là đã loại trừ rất nhiều qua hai đợt chấm sơ khảo - tôi cẩn thận đặt vào một góc bàn, lấy con rùa đá chặn lên. Tôi tính là phải thu xếp một không-thời-gian yên tĩnh, sau đó hẵng thưởng thức.

Tôi đã tự đặt ra cho mình một tiêu chí, là phải xác định đúng giá trị của từng bài, phải khách quan và trung thực. Vậy, cuộc thi Thơ Phật giáo hướng tới 1.000 năm Thăng Long - thì những bài thơ được giải phải đáp ứng đủ 3 yêu cầu sau đây:

Thơ, thì phải là thơ hay!

Thơ Phật giáo thì phải có hồn Phật, hồn Thiền!

Hướng tới 1.000 năm Thăng Long - thì phải khái quát cho bằng được lịch sử và văn hóa của dân tộc trải qua ngàn năm mà trong đó tiềm tàng sinh lực tâm linh của đạo Phật.

Trung thành với tiêu chí của mình, tôi bắt đầu đọc từng bài để lựa chọn thơ hay. Hạ thấp thang giá trị một chút, tôi lựa chọn thơ "có chất thơ"! Rồi sau đó lựa chọn những bài thơ có đủ 2 yêu cầu đi sau…

Tuy đã chấm xong, nhưng tôi biết nói sao đây? Nếu lựa chọn những bài thơ đúng với ba yêu cầu trên thì chẳng có bài nào trọn vẹn cả! Ngược lại, có những bài thơ lạc đề nhưng có khá nhiều câu thơ hay, lạ hoặc mới mẻ! Tôi thử nhặt một vài.

Đây là thơ hay:

Nỗi nhớ như diệp lục

Nuôi xanh tôi Sài Gòn

Ký ức là di chỉ

Khai quật một mùi hương.

Tôi rùng mình. Có tu từ, có hình tượng nghệ thuật, có thao tác tư duy; lại còn khá mới mẻ và của chỉ riêng tác giả, không bắt chước của ai. Đây là đoạn thứ 4 trong bài "Lá từ bi bông hường", của tác giả có mã T891 - nó nằm trong số những bài tôi không thể chấm được, rất tiếc.

Đây là câu thơ lạ:

một dân tộc lội bùn bốn ngàn năm

ăn hột gạo mọc lên từ bùn

yêu bông sen mọc lên từ bùn

lại khinh ghét bùn

Ghét rằng:

"gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".

(Đầu câu tác giả không viết hoa)

Là đoạn đầu trong bài "Tắm bùn" của tác giả có mã T893: Tuy thiếu chất thơ nhưng với tư-duy-thơ khá độc đáo, có lẽ là người thứ hai sau Phùng Quán, khi cố thi sĩ đã cho rằng, câu ca dao ấy phản bội dân tộc, phản bội nhân dân lao động chân lấm tay bùn!

Và đây là câu thơ được coi là có sáng tạo, vì chưa ai nói cái tâm nó như thế này:

Cái tâm lúc nổi lúc chìm

Bớt đi thì thiếu mà thêm thì thừa!

Trong bài "Không thể kiếm tìm", của tác giả có mã T130, chỉ nhặt được 2 câu đó thôi.

Còn sau đây là bài thất ngôn bát cú, luật Đường nhưng ngôn ngữ không cũ mòn, không khuôn sáo do biết giới hạn từ Hán Việt, từ kép và từ láy - chứng tỏ sự lão thành, điêu luyện của tác giả có mã T68:

Từ cõi hư vô tấp chợ đời

Cho đầu xanh tóc nhạt màu tươi

Li ti phủ tối đôi tròng ngắm

Mỏng mảnh che mờ cặp kính soi

Mắt tục gạn trong thành đại trí

Tâm phàm phủi sạch đạt cao ngôi

Một tay lay chuyển bầu trời đất

Tắt thở tan vèo hạt bụi thôi.

Không thấy dùng những thuật ngữ kinh viện – nhưng cặp thực (3,4) và cặp luận (5,6) lộ rõ chất Phật, chất Thiền. Hai câu kết - nếu Phật giáo hướng đến 1.000 năm Thăng Long thì ai là người "Một tay lay chuyển bầu trời đất"? Ấy phải là người đã thành đại trí, đã đạt cao ngôi? Hình ảnh Điều ngự Giác hoàng hiện ra! Tuy nhiên, câu cuối "Tắt thở tan vèo hạt bụi thôi" thì nó buồn quá, nó thực quá phải không? Ước gì cái còn lại, dẫu là một chút hương vô thường hay là một hạt bụi trong thì lấp lánh màu xanh hơn, phải thế chăng!

Bài thơ này là một trong vài ba bài khá nhất - nhưng nó cũng không được điểm cao, tiếc vậy thay!

Tôi nhớ cách đây trên dưới 10 năm, khi tôi chấm giải thơ cuối năm của lớp trung cấp Phật học. Thấy tìm hoài không có thơ hay, tôi thay đổi không khí bằng cách viết thơ, thư pháp treo Tết. Có hai chú điệu 10, 12 tuổi, đứa hầu quạt, đứa lo giấy mực. Đang viết, tôi nghe tiếng cười rúc rích sau lưng. Tôi hỏi lý do.

Điệu nhỏ cười hi hí:

- Điệu Hạnh làm thơ đó thầy!

Tôi ưỡn thẳng lưng dậy, nhíu mày:

- Hãy đọc cho thầy nghe.

Nó đọc:

"… Xuân về bên góc núi

Mái tranh già nở hoa

Con nước vui lượn suối

Chở chữ về phương xa".

Tôi lạnh người. Trấn tĩnh rồi hỏi:

- Mái tranh già nở hoa là ở đâu con?

- Dạ, cái đầu thầy bạc trắng rồi đó!

Tôi ngồi lặng, hỏi:

- Thế còn hai câu cuối?

- Thầy viết như nước chảy, không phải chở chữ đi phương xa để tặng mọi người là gì!

Cuối cùng, cái bài thơ của chú điệu vừa mới làm, không dự giải, lại được giải!

Thơ là tâm hồn. Ai là người dám chấm tâm hồn? Kinh nghiệm hơn 40 năm làm thơ, tôi biết làm thơ hay rất khó. Làm thơ có chủ đề mà đòi hỏi có thơ hay lại càng khó hơn! Nếu "trước ý", tức là cố gắng hướng theo chủ đề thì xem chừng, sẽ không còn là thơ nữa, nó chỉ là kể lể, tự sự… Thơ ấy thường chỉ làm bằng đầu óc lý tính chứ không phải là của con tim xúc cảm!

Có lẽ những người làm thơ đều hiểu rằng, thơ là một cái gì tự dưng nó tìm đến, tự dưng nó bùng vỡ, tự dưng nó có mặt, mới mẻ, lạ lùng và tinh khôi - không cần thiết kinh qua kinh nghiệm, tư duy hoặc cả sự cố ý vận dụng sáng tạo! Nó là một thực thể phiêu bồng giữa hư vô tâm tưởng, bất chợt một sát na nào đó, nó thị hiện trong tâm linh thơ của chàng thi sĩ mà không một báo hiệu nào!

Để kết luận, tôi muốn nhại bài thơ của Tố Hữu (1) để nói về chuyện thơ hay, thơ dở:

"Có ông thầy tu chấm, bình thơ

Hay, dở không phân, bụng cứ lo

Bèn hỏi Thích Ca, ngài tủm tỉm

Dở mà hay giả, khó chi mô!".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Niệm Phật nhiệm mầu

Niệm Phật nhiệm mầu

GNO - Ba tôi đã mất gần giáp năm nhưng hình ảnh về ba vẫn in nguyên trong tôi như vừa khi nãy, mới đây thôi. Có thể ba tan hoại thân xác này, không còn của hiện tại đi, đứng, nằm, ngồi nhưng ba hiện hữu trong kỷ niệm và những lời chỉ dạy mang tính lâu xa, chắc thật.
Mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong, Quảng Trị được thiết trí tại chùa An Trú

Ấn tượng mô hình bằng tre mừng Phật đản của Phật giáo H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị)

GNO - Mô hình kỳ đài bằng tre tại chùa An Trú (H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) nổi lên giữa màu vàng ươm của cánh đồng lúa chín như gói ghém tất cả tấm lòng của Phật tử nơi đây hướng về Phật đản, cũng như lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, cảm hứng gìn giữ các giá trị truyền thống của làng quê.

Thông tin hàng ngày