Diệu kỳ Ấn Độ

Kỳ quan thế giới Taj Mahal luôn thu hút đông du khách, nhưng chủ yếu là người trong nước. Ảnh: N.T.H.
Kỳ quan thế giới Taj Mahal luôn thu hút đông du khách, nhưng chủ yếu là người trong nước. Ảnh: N.T.H.
Giữa năm 2007, tôi có mặt trong phái đoàn của Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu thăm và làm việc với Chính phủ Ấn Độ tại Kolkata, Mumbai và New Delhi.

ăm 2009, tháng 8, tôi trở lại Ấn Độ trong một chương trình đào tạo quốc tế tại Hyderabad do Chính phủ Ấn tài trợ. Nói theo cách của nhà Phật, âu đó cũng là cái duyên của tôi với đất nước này. Cách nhau hai năm, với hơn trăm ngày tiếp xúc cùng văn hoá và con người, Ấn Độ luôn luôn tạo trong tôi những cảm xúc mạnh mẽ, trái chiều.

Đường đến Taj Mahal

Đến Ấn Độ, dù lâu đến bao nhiêu, nhưng chưa đến Taj Mahal nghĩa là vẫn có một khoảng trống lớn trong hiểu biết về đất nước này. Vì vậy dù chương trình dày kín, nhưng chúng tôi vẫn được nhà trường ưu tiên bố trí một chuyến đi đến thủ đô New Delhi, sau đó qua Agra thuộc bang Uttar Pradesh, cách đó 200km, để thăm ngôi đền huyền thoại Taj Mahal- một trong bảy kỳ quan đương đại của thế giới.

Taj Mahal, theo tiếng Hindi là vương miện của người Mogol. Trước đó, đền có tên là Tat Bibica Rauza, nghĩa là nơi chôn cất Nữ hoàng của trái tim, do Hoàng đế Shah Jahan xây để tưởng nhớ hoàng hậu, vợ ông từ trần sau 19 năm chung sống. Taj Mahal làm cho người ta thảng thốt vì vẻ đẹp kỳ diệu, không khác gì một khối ngọc thạch khổng lồ, trắng tinh, thanh khiết sừng sững giữa trời Agra.

Thế nhưng, nó cũng làm không ít người giật mình khi biết, để có tuyệt tác kiến trúc này, hàng chục vạn nhân công được tuyển chọn từ khắp nơi, quần quật suốt 16 năm ròng rã (1632-1648), để xây dựng nó từ 35 loại đá quý, cẩm thạch lấy tận Rajasthan, Punjab, Trung Hoa và cả từ Tây Tạng, Sri Lanka, Arabia... Taj Mahal đã tồn tại gần 400 năm và vẫn sẽ còn đó mãi mãi. Vì vậy, nó được người Ấn Độ ví như biểu trưng của tình yêu vĩnh cửu.

Chúng tôi chọn phương tiện tàu hoả để đến New Delhi, rồi từ đó dùng xe bus để đến Agra. Gọi tàu hoả, nhưng thật ra hầu hết các tuyến đều chạy bằng điện. Trên toàn Âận Độ đang có 15 nhà máy điện nguyên tử hoạt động đóng góp cho quốc gia một lượng điện với công suất 3.360 megawatt. Ngoài ra, một số nhà máy khác đang xây dựng sẽ bổ sung thêm 3.900 megawatt điện trong những năm sắp tới.

Vì vậy ở Ấn Độ, đây là phương tiện rẻ nhất và tiện lợi nhất, vì tuyến đường sắt chiều rộng 1,4m (2 làn) được chính phủ phát triển trong nhiều năm qua, suốt dọc ngang 35 bang của đất nước, tổng chiều dài đến hàng trăm ngàn kilômét và giá rẻ gần như bao cấp. Trong nội thành, dù di chuyển xa đến hàng chục kilômét, bình quân tốn 3 rupees - Rs (khoảng 1.200 đồng VN). Hầu hết người dân đều chọn loại phương tiện vận chuyển này.

Từ Hyderabad đến New Delhi 1.600km, suốt một ngày, một đêm, may mắn chúng tôi chọn toa có điều hoà nhiệt độ, được đánh số chỗ ngồi nên khá sạch sẽ, trật tự ; còn lại các toa giá rẻ, đều chật chội, hôi hám và lèn kín như nêm cối. Hình ảnh này không hiếm trên tất cả các đoàn tàu nội địa ở Ấn Độ hoặc các phương tiện vận tải công cộng khác.

Với con số hơn 1,1 tỉ người và diện tích rộng gần bằng một lục địa, Chính phủ Ấn Độ đã hoàn toàn thành công khi chọn phát triển phương tiện này để giải quyết nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển, lưu thông hàng hoá trong nước.

Dân vi quý

Ấn Độ là một trong 4 nền văn minh cổ đại. Trong quá khứ, đất nước này tập hợp từ nhiều vùng lãnh thổ, đa sắc tộc, đa tôn giáo, do các sultan quản lý cát cứ. Mỗi vị vua hay lãnh chúa đều ra sức xây dựng những công trình to lớn nhằm phát triển tôn giáo trên vùng lãnh thổ hay thể hiện uy quyền với lân bang. Do vậy, điều dễ nhận thấy là di tích lịch sử, văn hoá dày đặc trên khắp đất nước và mỗi bang đều có nhiều pháo đài.

Cho đến nay rất nhiều di tích được bảo tồn tốt, trở thành những địa điểm lý tưởng để du khách tìm hiểu văn hoá, lịch sử vùng đất. Anh Kumar - người của Công ty du lịch Krisna - nửa đùa, nửa thật với tôi rằng, vùng đất lịch sử này, cho dù có lưu trú 5 - 7 năm đi nữa, anh cũng không thể đi thăm và tìm hiểu hết các giá trị di sản văn hoá của Ấn Độ.

Quả thật chỉ mới tham quan vài điểm lừng danh ở New Delhi như Pháo đài đỏ (Red fort), Qutab Minar, nơi ngọn tháp 72 mét cao nhất thế giới và trụ sắt ngàn năm của Vua A Dục hay ở Agra với kỳ quan thế giới Taj Mahal..., tôi cũng không định ở lâu đến như vậy. Lý do là gần như dịch vụ du lịch ở khắp các điểm tham quan hầu như chỉ quan tâm đến nội địa.

Ví dụ, trong khi người trong nước thăm các di tích phải trả cao nhất là 10 Rs (4 ngàn đồng) thì du khách quốc tế phải trả từ 250 - 750 Rs và hơn hết, suốt hơn 5 ngày ròng chạy theo chương trình tour, tôi chỉ xơi mỗi một món thức ăn nhanh của nhà hàng McDonalds... vì nhà hàng "non spicy" (không gia vị) vô cùng hiếm trên đường thiên lý, hoặc có cũng rất đắt...

Ngoài số tiền thu từ vé tham quan, gần như ngành du lịch Ấn Độ không thu nhiều hơn của du khách, từ các dịch vụ thường thấy như ở các nước khác. Ngoài ra trong những ngày này, không khí ở tất cả các điểm tham quan dường như căng thẳng, khẩn trương hơn, khi quân đội cùng cảnh sát hiện diện dày đặc và lục xét từ áo quần cho đến hành trang từng người khá nghiêm ngặt.

Dấu ấn của những vụ khủng bố đẫm máu vào người dân, vào các di sản văn hoá vẫn còn hằn sâu trong tâm tưởng của người dân và chính quyền tại đây, đặc biệt thái độ cảnh giác càng được nâng lên cao độ khi ngày kỷ niệm độc lập của Ấn Độ gần kề. Phải chăng vì lý do này mà du lịch Ấn Độ chưa giữ vai trò xứng đáng trong nền kinh tế, trong khi nền văn hoá truyền thống của đất nước này phong phú bậc nhất, nhì thế giới.

Thành tựu của trí tuệ

Tiến sĩ Venkat Reddy - cán bộ giảng dạy tại EFLU (English and Forgein languages University) không hề giấu giếm niềm tự hào khi trao đổi về những vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước.

Ông cho rằng: "Từ chỗ hàng triệu người chết đói mỗi năm trước khi Mohandas Gandhi lãnh đạo người dân giành lại độc lập từ tay người Anh vào tháng 8.1947, theo đường lối bất bạo động, thì nay qua các cuộc cách mạng xanh, trắng..., lương thực không chỉ đủ ăn cho hơn 1 tỉ người, mà còn dư để xuất khẩu.

Hơn hết, Ấn Độ sở hữu một thế hệ hùng hậu, thông thạo công nghệ thông tin mà bất kỳ nước nào cũng thèm muốn... Đó là thành tựu kỳ diệu, mà không phải dễ có được". Thoạt nhìn, xã hội Ấn Độ dường như có khuynh hướng tiếp cận chủ nghĩa xã hội. Hiện nay, người nghèo gần như được bao cấp toàn diện cho các nhu cầu thiết yếu như điện, nước, lương thực, chữa bệnh và đi lại. Các phương tiện giao thông công cộng giá rẻ chỉ từ 2-5 Rs (800 - 2.000 đồng VN), gạo được mua với giá 2 Rs...

Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, Ấn Độ thường được xem như một quốc gia với nhiều nghịch lý. Bên cạnh cơ sở hạ tầng yếu kém với những sân bay, hệ thống giao thông đường bộ cũ kỹ, xuống cấp, là những thành phố thông minh (smart city, high-tech city) trẻ trung, đầy sức sống; những khu nhà ổ chuột ở khắp nơi và những ngôi làng nghèo khó, sát liền những đô thị hiện đại...

Tuy vậy, lấn át hơn cả là điều ai cũng có thể cảm nhận được hôm nay, một xã hội độc lập, náo nhiệt, đầy màu sắc, cởi mở, mạnh mẽ đang hình thành trên khắp các vùng của đất nước. TS Veda Sharan chia sẻ: "Nền dân chủ đã tiếp sức phát triển kinh tế. Và đây chắc chắn là sức mạnh lớn nhất của nước này khi so sánh với các quốc gia đang phát triển khác trong khu vực lân cận".

Hiện nay, kinh tế Ấn Độ được xếp hạng thứ tư thế giới, tính theo sức mua ngang giá và là nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai thế giới. Ở đây có thể dễ dàng tìm thấy hình ảnh lầm lụi, sầu thảm của những kiếp người ở bất cứ nơi nào; thành phố không có nhiều toà nhà chọc trời, thiếu những đại lộ thênh thang...

Nhưng bù lại, dù giàu hay nghèo, người ta vẫn sống an nhiên và hài lòng với những gì cuộc sống mang lại. Tôn giáo còn là một yếu tố quan trọng giúp giữ được trạng thái cân bằng, trầm tĩnh cho một đất nước khá đa dạng và phức tạp về sắc tộc với 18 ngôn ngữ chính, 22.000 phương ngữ và có đủ các tôn giáo trên thế giới. 

Ở Hyderabad, New Delhi hay Mumbai... hay các đô thị lớn khác, chính quyền các bang có thói quen chọn những vùng đất mới để xây dựng đô thị hiện đại, cùng tồn tại song hành với những đô thị cũ, chứ không phá dỡ, xây mới như thường thấy ở nhiều nơi khác. Cách hành xử đó, cũng là hình ảnh đặc trưng của đời sống kinh tế xã hội Ấn Độ hôm nay.

Bên cạnh những ngổn ngang, tồn tại của quá khứ, đang có bóng dáng của một thế hệ mới năng động; một đội ngũ đông đảo các nhà doanh nghiệp khao khát làm giàu đang chiếm dần những khoảng trống. Họ sẵn sàng tìm mọi con đường, vượt qua mọi khó khăn, cản trở, luồn lách qua các tệ nạn quan liêu để đạt được mục đích đó. Một doanh nghiệp từng ví von:" Ban đêm, chính phủ ngủ, nhưng nền kinh tế Ấn Độ vẫn thức và tăng trưởng".

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày